An Lão là huyện miền núi của tỉnh Bình Định, những năm gần đây, nhiều nông dân huyện An Lão đã mở rộng diện tích trồng chuối sứ, tạo sinh kế bền vững, mang lại thu nhập khá cho bà con.
Chuối sứ là một loại chuối tây xuất xứ từ Thái Lan, hay còn được gọi là chuối xiêm, có hình dáng hai đầu thon và nhỏ, phần giữa to hơn, trên vỏ có ba gờ và cuống dài. Khi chín có màu vàng, phần thịt màu trắng nõn và có vị ngọt. Chuối sứ được trồng chủ yếu ở các tỉnh miền Nam vì thích hợp với khí hậu nắng nóng.
Chuối sứ khác với giống chuối khác, về đất trồng chuối sứ chịu đất sét và sét pha. Chuối này được trồng ven theo bờ kinh, nương, sông rạch… Chuối sứ trồng từ 8 tháng đến 1 năm mới cho trái. Chuối trồng bụi cách bụi khoảng 1 m. Trồng chuối không tốn nhiều công chăm sóc, mỗi năm bón phân từ 1 - 2 lần. Tùy theo cây con khi trồng nhỏ hay lớn, từ ngày trổ đến chín khoảng 100 ngày. Chuối sau khi chặt buồng thì tiến hành chặt tỉa cây, lá cho thoáng bụi để cây con dễ lên.
Trong trái chuối sứ có chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng như vitamin và các chất khoáng quan trọng có lợi cho cơ thể và còn bổ sung thêm canxi, sắt, kali, magie, natri, phosphat... Ngoài ra, trong chuối sứ còn chứa 2 hợp chất là Serotonin và Norepinephrine (NE) có tác dụng quan trọng trong y học.
Chuối sứ được dùng để chế biến rất nhiều món ăn như kem chuối, chè chuối, chuối chiên, chuối nướng, chuối luộc… Không những chuối sứ có thể ăn chín mà lúc trái xanh sống còn có thể dùng trong rau ghém, đồ cuốn ăn kèm.
An Lão là huyện miền núi có lợi thế về khí hậu, đất đai phù hợp để phát triển nhiều cây trồng có thế mạnh, giàu tính đặc trưng, trong đó phải kể đến cây chuối sứ.
Cây chuối sứ trước đã được trồng ở địa phương nhưng chỉ rải rác, mỗi hộ vài cây. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng thiên nhiên ưu đãi, trái chuối sứ nơi đây ngọt đậm vị, hương thơm nhẹ nên được người tiêu dùng ưa chuộng và nhu cầu tiêu thụ càng càng lớn. Dần dần, chuối sứ đã trở thành cây trồng hàng hóa, có giá trị kinh tế cao, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, từ đó, cây chuối sứ ở huyện An Lão đã phát triển mạnh thành vùng chuyên canh.
Từ khi trở thành cây hàng hóa, phong trào trồng chuối sứ nhanh chóng được lan tỏa, chỉ vài ha ban đầu, đến nay đã nhân rộng hơn 30ha. Nếu so với các loại cây khác, chuối sứ là cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với tập quán canh tác của bà con đồng bào nơi đây. Đây là cây trồng có chi phí đầu tư thấp, hầu như không tốn công chăm sóc, có thị trường tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật nên cây chuối sứ phát triển tốt, thân to, buồng chuối lớn, quả đẹp. Chính vì vậy các đơn vị thu mua thường đến đến tận vườn của người dân để đặt hàng.
Tháng 9/2022, 30 hộ nông dân đồng bào dân tộc thiểu số tại xã An Nghĩa và An Toàn đã được huyện An Lão hỗ trợ 8.991 cây chuối Sứ giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc thực hiện mô hình trồng chuối Sứ chất lượng cao trên đất hộ gia đình canh tác, với tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 297 triệu đồng. Trong đó nhà nước hỗ trợ không hoàn lại 285,7 triệu đồng, người hưởng lợi đối ứng gần 12 triệu đồng.
Khi chuối cho quả, người trồng được hưởng lợi 100% sản phẩm thu hoạch và có trách nhiệm duy trì và mở rộng diện tích trồng chuối Sứ, đồng thời cung cấp cho cơ quan nhà nước 30% lượng giống chuối được hỗ trợ ban đầu để tiếp tục hỗ trợ cho các hộ có điều kiện nhân rộng mô hình trồng chuối Sứ trên địa bàn huyện.
Đây là một trong những hỗ trợ trong dự án phát triển liên kết sản xuất cây chuối sứ của huyện An Lão, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân, góp phần thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các địa phương trong huyện.
Hiện, nhiều hộ dân xã An Nghĩa và An Toàn không chỉ trồng và phát triển thành công những cây chuối giống được hỗ trợ mà còn chủ động nhân giống, mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập. Từ vài ha ban đầu, đến nay trên 2 xã An Nghĩa và An Toàn đã có khoảng 50ha.
Cây chuối có thể ra buồng và cho thu hoạch quanh năm nên bà con có nguồn thu đều đặn hàng tháng. Với khoảng 5 sào đất trông chuối sứ, bình quân tháng nhiều bù tháng ít, thu hoạch khoảng 100 buồng/tháng.
Cứ một buồng chuối khoảng 8 nải, một nải chuối giá khoảng 8.000 đồng, trừ công và chi phí rồi vẫn được lãi từ 3- 4 triệu đồng/tháng. So với cây trồng khác, trồng chuối sứ cho thu nhập cao hơn. Đặc biệt có những hộ tích cực mở rộng diện tích, trồng từ 1 ha thì thu nhập từ chuối có thể từ 40 - 50 triệu đồng/năm.
Tại chợ trái cây Liêm Bình (Bồng Sơn) - Trung tâm buôn bán các mặt hàng nông sản của người dân hai huyện Hoài Ân, An Lão - chuối là mặt hàng chủ lực thu hút khá nhiều thương lái từ các nơi về đây buôn bán. Mỗi ngày có đến hàng chục tấn chuối từ đây chuyển đi các nơi.
Có thể nói, cây chuối sứ đã khẳng định được ưu điểm vượt trội, không chỉ cho năng suất cao mà còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, nâng cao thu nhập, đóng góp trực tiếp vào quá trình tạo việc làm, giảm nghèo cho người dân. Thời gian tới huyện An Lão sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân cải tạo lại vùng đất trống, sườn đồi để mở rộng thêm diện tích trong những năm tới.
Ngoài việc hướng dẫn bà con trồng chuối sứ tuân thủ quy trình trồng trọt để đáp ứng được tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng trái chuối, huyện An Lão cũng rất quan tâm tới việc thành lập các tổ nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ người dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2023, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Sở Công Thương Bình Định đã phối hợp với UBND huyện An Lão hỗ trợ xây dựng mô hình thương mại hai chiều ở Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn.
Theo đó, Sở Công Thương sẽ tổ chức hỗ trợ quảng cáo, trang thiết bị trưng bày và bảo quản, thu mua nông sản sau thu hoạch; hỗ trợ xây dựng website bán hàng, phần mềm quản lý bán hàng, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển thị trường… Hợp tác xã sẽ đứng ra tổ chức tiêu thụ sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho các xã viên tại địa phương.
Đến nay, đã có 32 hộ dân ở An Toàn tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản để Hợp tác xã gom mua và chế biến sâu; đồng thời, Hợp tác xã đã kết nối được với 130 doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã, các đơn vị trong và ngoài tỉnh giới thiệu sản phẩm cũng như cung ứng các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Hiện Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn (xã An Toàn) đang là đơn vị đứng ra tổ chức thu mua, tiêu thụ chuối sứ cho người dân. Ngoài tiêu thụ theo các đầu mối của thương lái, chuối sứ còn được Hợp tác xã còn bày bán tại cửa hàng nông sản sạch của chính Hợp tác xã và liên kết với các siêu thị để đưa chuối đi tiêu thụ. Hoạt động này của Hợp tác xã đã thúc đẩy người dân yên tâm mở rộng diện tích cây chuối, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập.
Để cây chuối sứ phát triển và nhân rộng hơn nữa, huyện An Lão sẽ tiếp tục giúp người dân trong việc định hướng sản xuất, tập huấn khoa học kỹ thuật trong thu hoạch, sơ chế, đóng gói, đầu tư cho chế biến để cây chuối sứ thực sự trở thành cây xóa đói, giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.
Ngày 6/7/2023, tại xã An Toàn, huyện An Lão, Sở Công Thương tỉnh Bình Định đã phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), UBND huyện An Lão và Hợp tác xã nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho huyện miền núi An Lão tỉnh Bình Định” năm 2023 và khai trương Mô hình thương mại hai chiều.
Hội nghị đã thu hút Hơn 130 doanh nghiệp tham gia kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc. Đây chính là cơ hội tốt để huyện An Lão quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với người tiêu dùng.
Bài: Hà Đan
Trình bày: An Nguyễn