Nhận định về nhiệm kỳ 2018-2023, Công đoàn Dệt May Việt Nam (Công đoàn DMVN) cho biết trong bối cảnh đối mặt nhiều biến động khó khăn thách thức, song với nỗ lực vượt bậc của các cấp Công đoàn, hoạt động toàn hệ thống tiếp tục có bước tiến quan trọng, nhiều nội dung mới được triển khai, mang lại những kết quả ấn tượng.
Cụ thể trong Nhiệm kỳ Có 3/10 chỉ tiêu vượt, các chỉ tiêu còn lại đạt theo Nghị quyết Đại hội V đề ra. Việc triển khai các chương trình được tập trung chỉ đạo ngay đầu nhiệm kỳ, giúp nâng cao nhận thức của các cấp công đoàn, bước đầu hình thành tư duy mới, giải pháp mới trong triển khai thực hiện;
Số công đoàn cơ sở vững mạnh ngày càng tăng; đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp hiểu biết về pháp luật, khả năng tổ chức, triển khai công việc có hiệu quả. Nhiều cán bộ Công đoàn khẳng định được vị trí, tâm huyết với tổ chức và lợi ích thiết thực của CNVC, LĐ.
Hoạt động công đoàn đã hướng về cơ sở, đồng hành cùng doanh nghiệp, NLĐ và cộng đồng trong ứng phó với dịch bệnh, thiên tai, góp phần giảm thiểu những khó khăn trong lao động, sản xuất, đời sống, ổn định đội ngũ, ổn định trật tự an toàn xã hội;Các phong trào thi đua được thúc đẩy mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao; hình thành được các sân chơi trí tuệ, các giải thưởng riêng của Ngành, lan tỏa được nhiều phương pháp hay, cách làm tốt trong hệ thống; xây dựng được nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.
Đặc biệt công tác đại diện, bảo vệ cho NLĐ được Công đoàn toàn hệ thống chú trọng qua việc tham gia xây dựng và vận động chính sách khung của Ngành, doanh nghiệp, công tác chăm lo cho NLĐ...từ đó mang lại cho NLĐ nhiều lợi ích thiết thực, giúp họ yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Chương trình đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng, nghề nghiệp cho NLĐ được thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực thích ứng cho NLĐ.
Công tác thông tin, truyền thông khai thác hiệu quả mạng xã hội đã giúp hệ thống Công đoàn Ngành chuyển tải nhanh chóng, kịp thời mọi hoạt động, nhiều sản phẩm truyền thông thiết thực, bổ ích với NLĐ; Công tác nữ, gia đình, trẻ em được quan tâm, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của lao động nữ, gắn kết các thành viên trong gia đình, gắn kết các thế hệ con NLĐ Dệt May...
Phong trào thi đua của các cấp công đoàn trong Ngành từ năm 2018 đến nay có nhiều chuyển biến, sáng tạo; triển khai sâu rộng tới các CĐCS. Toàn hệ thống đã duy trì phong trào thi đua lao động giỏi gắn với đặc thù của từng đơn vị như các hoạt động: luyện tay nghề thành thợ giỏi; giỏi một công đoạn biết nhiều công đoạn; thi đua đạt năng suất cao chất lượng tốt; thi đua về đích… Từ thực tiễn phong trào, đã giúp NLĐ được tôi luyện và trưởng thành, đóng góp tích cực cho hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và thành tựu chung của Ngành...
Nhận thức được tầm quan trọng của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII) và Nghị quyết số 02-NQ/TW (Nghị quyết 02), ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” giai đoạn 2021-2023, Công đoàn DMVN khẩn xây dựng Chương trình hành động số 390/CTr-CĐDM.
Đồng thời tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai học tập, nghiên cứu, quán triệt các Nghị quyết, chỉ đạo các CĐCS triển khai tuyên truyền qua hệ thống truyền thông, tổ chức vận động cán bộ công đoàn các cấp tự nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền đến toàn thể đoàn viên, CNVCLĐ các CĐCS.
Thực tế, Ban chấp hành Công đoàn Dệt May Việt Nam đã xây dựng quy chế làm việc, chương trình công tác toàn khóa và hàng năm; phân công nhiệm vụ từng ủy viên;
phân công thường trực, thường vụ phụ trách lĩnh vực và theo dõi từng miền, các CĐCS để nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc từ cơ sở;
Đồng thời thực hiện sắp xếp lại mô hình tổ chức của cơ quan Công đoàn Dệt May Việt Nam đảm bảo đúng quy định và tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao…, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế của từng Ban, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ chuyên trách;
Trú trọng công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, xây dựng thường xuyên củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức và cán bộ công đoàn các cấp, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
Công đoàn Ngành cho biết xác định những nội dung trọng tâm, những công việc trọng điểm, liên quan trực tiếp đến đoàn viên, NLĐ và hoạt động công đoàn để tập trung chỉ đạo trong từng thời gian, phù hợp với điều kiện cụ thể của Ngành và CĐCS...; Quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc của NLĐ, bám sát cơ sở để hoạt động, thường xuyên theo dõi, kiểm tra tiến độ thực hiện công việc của các ban chuyên đề, CĐCS trực thuộc; kiểm điểm, rút kinh nghiệm sau mỗi hoạt động.
Trong đó công tác chỉ đạo, điều hành được đổi mới theo hướng linh hoạt, sáng tạo, tăng cường tính định hướng, định lượng; Đồng thời gắn với hoạt động kiểm tra, giám sát, nắm bắt và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong xây dựng và thực hiện chính sách, trong tổ chức và triển khai các phong trào, lấy nhu cầu hợp pháp chính đáng của tập thể CNVCLĐ là cơ sở; lấy việc đại diện, chăm lo, bảo vệ làm mục tiêu hoạt động...
Theo Công đoàn Dệt May Việt Nam trong quá trình hoạt động, các cấp công đoàn Ngành luôn gắn các phong trào, hành động của công đoàn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, tranh thủ sự hỗ trợ tạo điều kiện của các cấp chính quyền và chuyên môn. Đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, công đoàn toàn hệ thống đã chú trọng thực hiện cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực của hoạt động công đoàn, thích ứng với bối cảnh tình hình mới.
Thực hiện chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên, người lao động”, Nhiệm kỳ qua, Công đoàn DMVN đã hợp tác đào tạo với khối trường trong hệ thống triển khai chương trình đào tạo.
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn đã phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền trong hệ thống tổ chức tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới CNVCLĐ.
Phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được chú trọng; Công tác giáo dục pháp luật, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, phòng chống Covid-19, xây dựng văn hóa doanh nghiệp được tăng cường thông qua hệ thống truyền thanh, tủ sách, bảng tin, tờ gấp, báo chí, các cuộc tập huấn, thi tìm hiểu...
Từ năm 2018 đến nay Công đoàn DMVN đã hỗ trợ các đơn vị cơ sở tổ chức được gần 80 lớp đào tạo cho 3.860 cán bộ đoàn viên, NLĐ. Tại cơ sở, 5 năm qua đã có 293.381 NLĐ được đào tạo, trong đó: 231.979 người là lao động nữ, 2.389 người được học văn hóa, 1.647 người được học đại học và trên đại học, 1.696 người được học trung cấp và cao đẳng...
Trong đó, phát huy hiệu quả vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ, Công đoàn Ngành đã phối hợp với Hiệp Hội DMVN thương lượng và ký kết TƯLĐTT ngành lần thứ IV và lần thứ V với nhiều nội dung có lợi cho NLĐ về tiền lương, mức ăn ca, các chế độ phúc lợi.... Tham gia các hội thảo do Tổng Liên đoàn, Bộ LĐTBXH, các tổ chức lao động quốc tế tổ chức để nắm bắt, nghiên cứu, vận dụng trong thực tiễn tham gia xây dựng chính sách của Ngành.
Công đoàn Ngành đồng thời kiến nghị các bộ, ngành rà soát, bổ sung danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của ngành cho đúng với thực tế sản xuất, lao động tại các doanh nghiệp; Tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật cho cán bộ công đoàn; Duy trì có hiệu quả Văn phòng Tư vấn pháp luật Công đoàn DMVN...
Chỉ đạo CĐCS tích cực, chủ động trong việc tham gia quản lý, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN; tham gia vào quá trình tuyển dụng, đào tạo, sắp xếp lao động, thực hiện các chế độ chính sách cho NLĐ theo quy định của pháp luật và TƯLĐTT; Tham gia xây dựng thang bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương và các nội quy, quy chế nội bộ trong DN...để phát huy vai trò bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ trong quan hệ lao động.
Triển khai thực hiện Chương trình 2494/Ctr-TLĐ ngày 19/12/2018 của Tổng Liên đoàn, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP và Nghị định 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ, hàng năm Công đoàn DMVN phối hợp với Tập đoàn DMVN chỉ đạo, hướng dẫn người sử dụng lao động và CĐCS phối hợp tổ chức Hội nghị NLĐ, Hội nghị cán bộ công chức, viên chức đảm bảo dân chủ và đúng quy định; hướng dẫn CĐCS tham gia xây dựng quy chế dân chủ, thực hiện đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; giám sát việc chi trả lương, thưởng, thanh toán tiền làm thêm giờ, phụ cấp ca đêm, bồi dưỡng độc hại tại chỗ cho NLĐ...
Hàng năm, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật có liên quan đến NLĐ, kịp thời có ý kiến để các DN khắc phục thiếu sót, nâng cao trách nhiệm với NLĐ.
Công tác chăm lo cho NLĐ được các cấp công đoàn duy trì thường xuyên trong đó tập trung vào dịp Tết nguyên đán, Tháng Công nhân với các hoạt động: Hỗ trợ NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo, lao động khuyết tật, gia đình chính sách...Giai đoạn dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của NLĐ, ngoài các hoạt động chăm lo thường xuyên, từ nguồn tài chính công đoàn, hệ thống xây dựng và ban hành chính sách chăm lo cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng, hỗ trợ NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cho LĐ làm việc “3 tại chỗ”...
Trong 5 năm 2018 - 2023, nhiều hoạt động được công đoàn toàn hệ thống triển khai như bán hàng trợ giá, ký kết hợp đồng với đối tác cung cấp nhu yếu phẩm giá ưu đãi cho NLĐ; tổ chức “Cảm ơn thành viên”; duy trì hiệu quả các thiết chế công đoàn phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ như: nhà trẻ, mẫu giáo, điểm sinh hoạt văn hóa, ký túc xá công nhân, cửa hàng tiện ích, các khu vui chơi, giải trí...
Tết nguyên đán hằng năm, Công đoàn DMVN tổ chức chương trình “Tết Sum vầy - Ngày hội Công nhân - Phiên chợ nghĩa tình” tại 6 khu vực trên cả nước với các nội dung tặng quà tết cho NLĐ khó khăn; hỗ trợ tiền tàu xe, vé xe cho NLĐ xa quê; bán hàng trợ giá và nhiều hình thức sinh hoạt bổ ích khác. Các CĐCS tổ chức liên hoan tất niên, đón giao thừa và tặng quà cho NLĐ không có điều kiện về quê đón tết; tổ chức gặp mặt đầu xuân và các hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi có thưởng.
Công đoàn Ngành đồng thời hướng dẫn các CĐCS thường xuyên tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách của DN đối với NLĐ liên quan đến các quy trình, quy định về ATVSLĐ, ATVS thực phẩm; phối hợp cùng người sử dụng lao động cải thiện điều kiện làm việc, trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân, quản lý và hướng dẫn hoạt động của mạng lưới ATVSV, tổ chức tập huấn, diễn tập về ATVSLĐ, PCCC.
Với Chương trình phúc lợi, có 185.214 lượt NLĐ được hưởng ưu đãi với số tiền hơn 56,2 tỷ đồng; trong đó phúc lợi từ chương trình “Tết sum vầy” trong hệ thống là 63.000 lao động, với giá trị thụ hưởng gần 19,6 tỷ đồng. Hiện toàn hệ thống có hàng trăm mạng lưới An toàn vệ sinh viên với 5.563 an toàn viên. Nhiệm kỳ qua, CĐCS đã tổ chức kiểm tra được gần 10.070 cuộc kiểm tra về an toàn, trong đó 3.575 cuộc về an toàn tại nơi làm việc, 4.344 cuộc về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn, 2.151 cuộc về an toàn nước uống...
Năm 2023 là năm tiến hành Đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội Công đoàn Dệt May Việt Nam lần thứ VI, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII nhiệm kỳ 2023-2028, trước dự báo sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về thị trường, đơn hàng, việc làm, đời sống NLĐ sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
Để hoàn thành được các chức năng, nhiệm vụ trong năm bản lề, Công đoàn DMVN sẽ tập trung vào các trọng tâm công tác như sau: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; thông tin, truyền thông; Tham gia quản lý, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ; Tổ chức các phong trào thi đua; đẩy mạnh công tác nữ...
Bài: Phan Vinh
Thiết kế: Duy Kiên