Cục QLTT Khánh Hòa: Triển khai nhiều nhiệm vụ trong năm 2023
17/01/2023 lúc 19:00 (GMT)

Cục QLTT Khánh Hòa: Triển khai nhiều nhiệm vụ trong năm 2023

Trong năm 2022, Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa đã triển khai các giải pháp chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và đã đạt được một số kết quả khả quan.

Để biết thêm thông tin về những kết quả đạt được của lực lượng QLTT tỉnh Khánh Hòa trong năm 2022, cũng như phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2023, Phóng viên Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Sơn - Quyền Cục trưởng, Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa.

ông Phạm Ngọc Sơn - Quyền Cục trưởng, Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa.
Ông Phạm Ngọc Sơn - Quyền Cục trưởng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa

PV: Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm hành chính năm 2022?

Ông Phạm Ngọc Sơn:

Năm 2022, Cục QLTT Khánh Hòa đã kiểm tra 592 vụ; Số vụ vi phạm 340 vụ; Số vụ xử lý 341 vụ (so với cùng kỳ, số vụ kiểm tra giảm 40 vụ, tỷ lệ giảm 6,32%; số vụ vi phạm tăng 57 vụ, tỷ lệ tăng 20,14%).

Số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước 3.468,632 triệu đồng, cụ thể thu phạt hành chính 3.101,332 triệu đồng, bán hàng tịch thu 367,300 triệu đồng (so với cùng kỳ, số thu nộp ngân sách tăng 1.559,615 triệu đồng, tỷ lệ tăng 81,69%); đồng thời thu giữ một số hàng hóa trị giá 980,965 triệu đồng.

Trong đó: Nộp ngân sách Trung ương 2.649,315 triệu đồng; Ngân sách địa phương 819,317 triệu đồng.

Cùng với đó, trị giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, xử lý theo hình thức bán: 360,034 triệu đồng; Trị giá hàng hoá là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu chờ xử lý (ước tính): 620,931 triệu đồng. Trị giá hàng hoá vi phạm áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu huỷ hoặc biện pháp khác: 282,409 triệu đồng.

Ngoài ra, lực lượng QLTT đã có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành, lực lượng chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và đã mang lại nhiều kết quả thiết thực.

Đồng thời, gắn với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT đã triển khai công tác tuyên truyền, vận động ký 841 bản cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng và hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm…; phát 2.985 tờ rơi tuyên truyền “Buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu là hành vi vi phạm pháp luật”, 2.901 tờ rơi tuyên truyền “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và một số quy định mới về hoạt động thương mại điện tử” và tờ rơi tuyên truyền “Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn năm 2021 - 2025”; dán 4.232 tờ áp phích tuyên truyền “Buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu”.

PV: Ông đánh giá thế nào về nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng như là xây dựng lực lượng của Cục QLTT Khánh Hòa trong năm qua, thưa ông?

Ông Phạm Ngọc Sơn:

Về nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, năm 2022, QLTT Khánh Hòa đã có nhiều nỗ lực cố gắng triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhằm ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để mua vét, mua gom hàng hóa, đầu cơ, găm hàng, định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các mặt hàng thiết yếu, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe…; theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại nên tình hình thị trường hàng hóa, giá cả trên địa bàn nhìn chung tương đối ổn định, không có sự biến động về hàng hóa; góp phần tích cực trong việc bình ổn thị trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phát triển ổn định.

Công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật, vận động ký cam kết, phát tờ rơi, dán áp phích tiếp tục được đẩy mạnh đã có tác dụng tích cực trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, hạn chế hành vi vi phạm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Sự phối hợp kiểm tra giữa các lực lượng và ngành chức năng đã có tác động tích cực trong việc tăng cường công tác quản lý địa bàn, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng lực lượng, đào tạo, bồi dưỡng được chú trọng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Cơ sở vật chất, kỹ thuật và các phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát được tiếp tục đầu tư, nâng cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của toàn đơn vị có hiệu quả, cán bộ, công chức an tâm công tác. Cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử khi thực thi nhiệm vụ.

Các nội quy, quy định về định mức chi tiêu, khoán chi phí hành chính do Cục xây dựng phù hợp với tình hình thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý của đơn vị; toàn thể cán bộ, công chức trong Cục đã tích cực thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, không để xảy ra vụ việc tiêu cực, tham nhũng phải xử lý.

Công tác xây dựng cơ quan văn hóa, xây dựng môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp được thực hiện tốt; các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, công chức luôn được Cục quan tâm phối hợp với các tổ chức đoàn thể cơ quan thực hiện.

PV: Năm 2023, Cục QLTT Khánh Hòa sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu nào thưa ông?

Ông Phạm Ngọc Sơn:

Dự báo, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ còn gặp nhiều khó khăn, giá cả hàng hóa chịu tác động của nhiều yếu tố trong nước và thế giới, thiên tai, dịch bệnh sẽ tác động đến thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Cục QLTT Khánh Hòa đã đề ra những nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo 389/KH về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 24/3/2015 của Bộ Công Thương về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ và công tác kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Thứ ba, tăng cường công tác dự báo, nắm diễn biến thị trường; chủ động phối hợp cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, trang thiết bị y tế, các sản phẩm phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19…; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác.

Thứ tư, chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra đo lường, chất lượng, ghi nhãn hàng; kiểm tra, kiểm soát hoạt động thương mại điện tử; chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng pháo các loại, rượu ngoại, điện tử, điện lạnh, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm giả, kém chất lượng…; những mặt hàng phục vụ Tết Trung thu, Tết Dương lịch và Nguyên đán; đồng thời phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Thứ năm, tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023 (Kế hoạch thanh tra chuyên ngành, Kế hoạch kiểm tra định kỳ, Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2023…). Tiếp tục triển khai áp dụng có hiệu quả Hệ thống xử lý vi phạm hành chính (INS) vào phục vụ công tác quản lý hoạt động kiểm tra, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường

Thứ sáu, phối hợp với các cơ quan Báo, Đài thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; gắn với công tác vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh ký cam kết; thông báo đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận tin báo, phản ánh của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và người dân về các hành vi vi phạm. Tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã thực hiện việc ký cam kết nhưng vẫn vi phạm.

Thứ bảy, trong triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân trong giải quyết công việc; Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Thứ tám, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo, cơ quan chức năng và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả.

Thứ chín, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389/KH; tham mưu xây dựng Kế hoạch công tác năm 2023; công tác chỉ đạo và tổ chức sự phối hợp giữa các ngành, lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo 389/KH.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

          

Bài: Hoàng Dương

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí