Đà Nẵng - Cơ hội lớn trở thành trung tâm vi mạch mới của Việt Nam và khu vực
10/09/2024 lúc 10:00 (GMT)

Đà Nẵng - Cơ hội lớn trở thành trung tâm vi mạch mới của Việt Nam và khu vực

 

Với vị trí địa lý chiến lược, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và nguồn nhân lực chất lượng cao cùng hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo, thành phố Đà Nẵng hội tụ các yếu tố cốt lõi để phát triển trở thành trung tâm vi mạch mới của Việt Nam và khu vực.

 

Đà Nẵng

Công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp quan trọng có giá trị cao và đóng vai trò trung tâm trong cuộc cách mạng công nghệ hiện đại.

Với vai trò then chốt trong nền kinh tế số, ngành công nghiệp bán dẫn đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sản phẩm bán dẫn đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều hoạt động khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội. Trong 30 năm qua, chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã có những bước phát triển vượt bậc, dự báo mang lại doanh thu 620 tỷ USD vào năm 2024 và tăng mạnh lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về chính trị trên thế giới, các doanh nghiệp ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đã và đang chuyển hướng đến các nước khu vực châu Á để đặt trụ sở, nhà máy.

Việt Nam có một số lợi thế nổi bật để khẳng định sự sẵn sàng cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, như quyết tâm chính trị cao; môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; lực lượng lao động có chất lượng; có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn phát triển. Trong bối cảnh và lợi thế trên, Việt Nam đang có cơ hội lớn để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn toàn cầu.

Với thành phố Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Đà Nẵng nằm ở vị trí trung tâm của cả nước và khu vực, có quan hệ ngoại giao và kinh tế với hầu hết các quốc gia là cường quốc trong ngành công nghiệp bán dẫn, nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản cùng với sự ổn định chính trị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và giao thông thuận lợi, đặc biệt là được sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ và sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong tạo lập hành lang pháp lý và cơ chế ưu đãi hỗ trợ đầu tư đặc thù phát triển ngành vi mạch bán dẫn.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng

"Những lợi thế này đã tạo thuận lợi để Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ cao của cả nước với trọng tâm là vi mạch bán dẫn, như mục tiêu đề ra tại Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh.

Sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện từ tháng 10/2023 cho đến nay, Đà Nẵng đã triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều bước đi quan trọng với hướng chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn gắn với liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác lớn, uy tín trong và ngoài nước để thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn gắn với liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác lớn, uy tín trong và ngoài nước để thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và hình thành hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn thành phố.

Đà Nẵng bán dẫn

Tháng 1/2024, TP. Đà Nẵng thành lập trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (DSAC). Đây là nơi đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; hỗ trợ thu thu đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; liên kết hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước; hỗ trợ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Tháng 3/2024, Đà Nẵng đã thành lập 2 tổ công tác do 2 Phó Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng để thực hiện khảo sát, xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn (Đề án “Phát triển chíp bán dẫn và vi mạch Đà Nẵng”).

Cũng trong tháng 3/2024, Đà Nẵng khởi động chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn. Chương trình tập trung đào tạo lực lượng giảng viên nguồn trong lĩnh vực bán dẫn với sự tham gia của các trường Đại học trên địa bàn thành phố và sự động hành hỗ trợ của Công ty Synopsys Việt Nam.

công nghiệp bán dẫn Đà Nẵng

Các doanh nghiệp thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới như Synopsys, Marvell đã có mặt tại Đà Nẵng. Nvidia, Qualcom, Intel... đã đến khảo sát cơ hội đầu tư và đang có kế hoạch hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại thành phố. Tập đoàn Foxlink, một trong các doanh nghiệp hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã đầu tư vào thành phố 135 triệu USD và đang có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới.

Đặc biệt, ngày 26/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó có các chính sách ưu đãi vượt trội cho các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo. Điều này thể hiện sự ủng hộ của Trung ương dành cho sự đầu tư phát triển lĩnh vực này tại thành phố Đà Nẵng. Đây là cơ hội cho thành phố tập trung nguồn lực, tạo bứt phá mạnh mẽ và nhấn mạnh phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn là lựa chọn chiến lược của đất nước dành cho thành phố Đà Nẵng.

Ngày 08/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 791/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam; chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức liên quan để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.

 

Mới đây, cuối tháng 8/2024, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức sự kiện “Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024” với mục tiêu quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của thành phố trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm lựa chọn, quyết định đầu tư, tranh thủ thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh Quốc hội thông qua Nghị quyết số 136.

bán dẫn Đà Nẵng

Với quyết tâm thúc đẩy phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn trở thành đột phá phát triển kinh tế, TP. Đà Nẵng quyết định chọn ngày 30/8 hàng năm là Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng.

bán dẫn Đà Nẵng

 

Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, công nghiệp vi mạch bán dẫn được xác định là một trong những động lực quan trọng mới, đặt nền tảng đột phá phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến.

Trên cơ sở phân tích điểm mạnh, điểm yếu, thời cơ và thách thức đối với thành phố Đà Nẵng, Đà Nẵng xác định quan điểm phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn gắn với phát triển công nghiệp điện tử, chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh; dựa trên nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, ưu tiên phát triển khâu thiết kế và kiểm thử, đóng gói chip. Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vi mạch bán dẫn Đà Nẵng, khai thác tối ưu thế mạnh đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp trong đó ưu tiên hợp tác với các tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới để có phương án tham gia phù hợp trong chuỗi giá trị, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và thương mại hóa các sản phẩm bán dẫn cho thị trường trong nước và quốc tế.

bán dẫn Đà Nẵng

 

Đến năm 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một trong ba trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch bán dẫn.

vi mạch bán dẫn
vi mạch bán dẫn

Cụ thể, Đà Nẵng tập trung tranh thủ tận dụng mọi nguồn lực để đào tạo, thu hút tối thiểu 5.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn, trong đó có ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế và 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói; thu hút đầu tư ít nhất 20 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn, dịch vụ thiết kế, trong đó có từ 01- 02 doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử.

Đà Nẵng

Xác định nguồn nhân lực là “lõi hạt nhân” tạo nên ngành công nghiệp bán dẫn. Song song với việc tổ chức tuyển sinh mới đào tạo bậc đại học, thạc sỹ, tiến sỹ các ngành công nghiệp bán dẫn; đưa STEM vào chương trình giảng dạy bậc phổ thông thì trong ngắn hạn, Đà Nẵng chú trọng đào tạo lại, đào tạo chuyển tiếp đối với lực lượng kỹ sư đã tốt nghiệp, các giảng viên chuyên ngành gần sang vi mạch bán dẫn.

bán dẫn Đà Nẵng

 

Bên cạnh đó, ưu tiên thu hút chuyên gia, giảng viên nước ngoài chuyên ngành vi mạch bán dẫn và các ngành gần trên cơ sở triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký kết làm nền tảng phát triển nguồn nhân lực bán dẫn trong dài hạn. Đồng thời, đẩy mạnh quan hệ hợp tác, kết nối giữa các trường đại học trên địa bàn thành phố với các trường đại học ở các nước có thế mạnh đào tạo nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn, các doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài có uy tín để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế.

 

công nghiệp bán dẫn Đà Nẵng
công nghiệp bán dẫn Đà Nẵng
công nghiệp bán dẫn Đà Nẵng
công nghiệp bán dẫn Đà Nẵng
công nghiệp bán dẫn Đà Nẵng

Thúc đẩy hình thành, phát triển mô hình liên minh đào tạo hợp tác 3 Nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà Doanh nghiệp trong đó Chính quyền thành phố là cơ quan điều phối, thiết lập cơ chế hợp tác; định hướng về chiến lược, mục tiêu, lộ trình thực hiện; ban hành các chính sách và hỗ trợ ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực; đầu tư hạ tầng chia sẻ dùng chung; thiết lập hệ thống kết nối cung cầu nhân lực vi mạch bán dẫn giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.

Đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn Đà Nẵng

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, nếu nguồn nhân lực là “lõi hạt nhân” thì cơ sở hạ tầng là “khung xương” để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Để chuẩn bị hạ tầng phục vụ thiết kế vi mạch bán dẫn trong ngắn hạn, bên cạnh việc tập trung thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao và 03 Khu công nghệ thông tin tập trung hiện hữu, Đà Nẵng phấn đấu cuối năm 2024 tiếp tục đưa vào vận hành Khu Công viên phần mềm số 2 với diện tích sàn hơn 90.000 m2, đáp ứng cho hơn 6.000 nhân sự. Nghiên cứu, đầu tư mở rộng giai đoạn 2 Dự án Khu công viên phần mềm số 2 với diện tích 2,5ha; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các khu công viên phần mềm, khu công nghệ thông tin tập trung mới trên địa bàn thành phố khoảng 22ha. Thành phố cũng đang xúc tiến tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ trong nước và các công ty bán dẫn hàng đầu thế giới hợp tác đầu tư xây dựng trung tâm tính toán hiệu năng cao, trung tâm dữ liệu phục vụ mô phỏng, ảo hóa thiết kế vi mạch bán dẫn; trung tâm nghiên cứu và phát triển đúc chíp.

Khu công nghệ cao Đà Nẵng
công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng

Ngoài ra, tập trung đẩy nhanh việc triển khai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư phát triển hạ tầng các phân khu sản xuất bán dẫn chuyên biệt thuộc Khu Thương mại tự do để thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực kiểm thử, đóng gói, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu, linh kiện, thiết bị...trong chuỗi cung ứng bán dẫn.

Cùng với đó, thành phố tập trung thu hút đầu tư phát triển mới ít nhất 01 trạm cáp quang biển cập bờ; mở rộng dung lượng truyền dẫn các tuyến cáp quang SMW3 và APG; nâng cấp hoàn thiện hạ tầng điện, giao thông, logisitics đồng bộ với các khu vực đã được quy hoạch cho hoạt động công nghiệp vi mạch bán dẫn để tăng tính kết nối với các thị trường trong khu vực và thế giới.

BÁN DẪN ĐÀ NẴNG

Trong nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi và xây dựng hệ sinh thái để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, Đà Nẵng tập trung vào 03 hướng đột phá đó là: chính sách, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Thông qua Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội., thành phố Đà Nẵng với các chính sách ưu đãi đặc thù thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, cụ thể:

Đối với Nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp sẽ được Nhà nước cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; được lựa chọn hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và thủ tục về thuế và được hỗ trợ không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ sản xuất, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ, chi phí đối với các dự án đầu tư mới.

Cảng Liên Chiểu Đà Nẵng

Đối với đối tác chiến lược, doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá; được Nhà nước chỉ định thầu mua sắm các trang thiết bị đặc thù; được hỗ trợ không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ sản xuất, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ, chi phí đối với các dự án đầu tư mới; được hỗ trợ một phần chi phí thuê nhân lực có trình độ chuyên môn cao.

Để được hưởng các ưu đãi của nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược thì các doanh nghiệp, nhà đầu tư ngoài đáp ứng các yêu cầu về vốn, doanh thu, công nghệ... thì phải có ký kết hợp tác lâu dài với thành phố trong đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và mở rộng đầu tư tại thành phố, nội dung này được quy định chi tiết trong Nghị quyết số 136.

Ngày hội vi mạch Đà Nẵng
Ngày hội vi mạch Đà Nẵng
Ngày hội vi mạch Đà Nẵng

Đối với hoạt động đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin và truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo:

- Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 05 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp.

- Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo(chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng) trong thời hạn miễn thuế là 05 năm kể từ thời điểm có hoạt động góp vốn vào doanh nghiệp.

- Miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 05 năm đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo làm việc tại doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Đối với người theo học và chuyên gia trong ngành vi mạch bán dẫn, thành phố thực hiện hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn; hưởng chế độ đãi ngộ về thu nhập, chi phí lưu trú.

Bên cạnh đó, trên cơ sở các định hướng chính sách hỗ trợ, ưu đãi nêu trên, hiện nay UBND thành phố đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; trình HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp cuối năm 2024 để kịp thời ban hành và áp dụng ngay từ đầu năm 2025, góp phần kiến tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các đối tượng theo học ngành vi mạch bán dẫn, các chuyên gia, trí thức về làm việc, giảng dạy, chuyển giao công nghệ cũng như các nhà đầu tư, đối tác chiến lược từ các quốc gia có ngành vi mạch bán dẫn phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU...

Ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhìn nhận, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên được trao những cơ chế đặc thù để phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Đây là các chính sách ưu đãi vượt trội cho các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Quan điểm của Đà Nẵng là sẽ “đo ni đóng giày” cho vừa vặn với “đôi chân” khách hàng, tức là sẽ xây dựng chính sách phù hợp, sát với nhu cầu thực tế của nhà đầu tư lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn. Đà Nẵng cam kết tiếp tục đầu tư đồng bộ hệ sinh thái về bán dẫn.

Trước mắt, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; thúc đẩy nhanh phân khu sản xuất, logistics trong khu thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu; xây dựng ga hàng hóa tại sân bay Đà Nẵng phục vụ logistics.

“Tôi tin tưởng với sự quyết tâm, đồng lòng và chân tình trong quan hệ hợp tác của các bên, thời gian tới TP. Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng kỳ vọng.

Đà Nẵng

 

 

Để Đà Nẵng phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương đề nghị thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ để góp phần thực hiện hóa mục tiêu Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của quốc gia.

Trong đó, chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; trong giai đoạn trước mắt cần ưu tiên hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng để thúc đẩy, phát triển bền vững các ngành, lĩnh vực. Sớm nghiên cứu và xây dựng các Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để cụ thể hoá các nội dung quy định tại Nghị quyết 136 vào thực tế, kịp thời ban hành và áp dụng vào đầu năm 2025. Ngoài ra, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, dự án nêu tại Đề án Phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo thành phố Đà Nẵng, hoàn thành mục tiêu của thành phố đào tạo ít nhất 5.000 kỹ sư lĩnh vực vi mạch bán dẫn đến năm 2030, góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia.

Thực hiện: Hạ Vĩ

 


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí