Đi cùng nhau để đưa đặc sản Lợn Móng Cái vươn xa hơn
15/08/2023 lúc 16:42 (GMT)

Đi cùng nhau để đưa đặc sản Lợn Móng Cái vươn xa hơn

Hướng tới sản phẩm
Lợn Móng Cái hữu cơ

Dẫn chúng tôi thăm trang trại nuôi lợn Móng Cái nằm sâu trong vạt đồi chiều mưa, bà Liên cho biết, Lợn Móng Cái có đặc điểm riêng với trán đốm trắng, lưng mình hơi võng, khoang đen, khoang trắng vắt vai, chân búp măng, vốn là vật nuôi đặc trưng của nông nghiệp miền Đông Bắc xưa, và nay, trở thành sản phẩm chủ lực của gia đình chị và nhiều gia đình trong câu lạc bộ.

Trải qua thời gian, giống lợn Móng Cái trở thành món ăn đặc trưng quen thuộc không chỉ đối với người dân địa phương mà còn là sản phẩm được yêu thích khi du khách mỗi lần ghé thăm thành phố nơi địa đầu tổ quốc. Chính vì vậy, để bảo tồn, duy trì và nâng cao chất lượng của giống lợn Móng Cái, một trong những sản phẩm OCOP chủ lực, chị Liên cùng một số người đã thành lập HTX Nông Nghiệp và Dịch Vụ Tổng Hợp Vạn Thành Phát, mô hình kinh tế tập, tạo mối liên kết sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ người tiêu dùng đã thực hiện việc chăn nuôi Lợn Móng Cái thương phẩm với phương pháp nuôi dưỡng khoa học.

Lợn Móng Cái

Cũng theo bà Liên, chính quyền địa phương các cấp của Thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cũng luôn ủng hộ để bảo vệ, phát triển lại đàn lợn Móng Cái, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, như: Tìm lại nguồn giống quốc gia lưu trữ tại các trung tâm giống trong cả nước; kêu gọi, hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho người chăn nuôi.

Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc HTX Nông Nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Vạn Thành Phát, Móng Cái, Quảng Ninh cho biết: Năm 2017, từ chủ trương của Thành phố Móng Cái là bảo tồn phát triển giữ gìn giống lợn Móng Cái, chúng tôi đi vào sản xuất chăn nuôi lợn Móng Cái. Ban đầu nuôi quy mô nhỏ, qua nhiều năm chăn nuôi chúng tôi thấy rất nhiều hiệu quả, nhất là chất lượng thịt Lợn Móng Cái cao hơn nhiều so với các giống lợn khác, do đó HTX tăng đàn, đưa sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng. Hiện bình quân Hợp tác xã nuôi 500- 600 con/ năm và phấn đấu nuôi 1000 con/ năm.

Lợn Móng cái
Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc HTX Nông Nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Vạn Thành Phát, Móng Cái, Quảng Ninh

Việc chăn nuôi lợn Móng Cái cũng hết sức cầu kỳ, vì con lợn này vốn rất “kỹ tính” trong ăn uống. Thức ăn của lợn là phải được tuyển chọn kỹ càng, bỗng rượu, cá biển sạch ướp, cám gạo, rau cỏ đều lấy trong vườn của trang trại, tất cả đề sạch. Bà Liên từ hào về sản phẩm do Hợp tác xã làm ra có thể đi xa hơn, chinh phục nhiều người tiêu dùng khắp cả nước và hướng tới chăn nuôi Lợn Móng Cái hữu cơ trong tương lai gần.

Lợn Móng Cái
Lợn Móng Cái
Lợn Móng Cái

Theo bà Liên, du khách trong nước và quốc tế khi đến với thành phố du lịch vùng biên, đều luôn háo hức và kỳ vọng chọn cho mình bữa ăn ngon với đặc sản Lợn Móng Cái. Để đảm bảo Lợn Móng Cái được chăn nuôi với phương pháp nuôi dưỡng tốt nhất, các sản phẩm từ Thịt lợn Móng Cái được chế biến với nghệ thuật ẩm thực tinh túy nhất, Hợp tác xã đã kết hợp với một số nhà hàng lớn trên địa bàn Thành phố Móng Cái khép kín chu trình "Từ nông trại tới bàn ăn” đối với Lợn Móng Cái.

Điển hình trong việc góp phần xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản phẩm OCOP từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị nông sản địa phương, Công ty Cổ phần Duyên Hải Quảng Ninh đã quyết định ký kết cùng HTX Nông Nghiệp và Dịch Vụ Tổng Hợp Vạn Thành Phát cho ra mắt sản phẩm “Lợn Móng Cái đủ món”. Với nguồn thịt tươi ngon, đảm bảo ATTP, các đầu bếp của nhà hàng khách sạn Viktor Legends bằng nghệ thuật ẩm thực tinh túy nhất đã tạo nên những món ăn ngon miệng, đẹp mắt, vừa đẳng cấp sang trọng vừa giữ gìn đặc trưng hương vị truyền thống của Lợn Móng Cái.

Cụ thể, menu Lợn đủ món gồm: thịt lợn hấp, luộc, nướng, xào lăn, lòng nhồi, lòng luộc, nấu nhựa mận, canh tiết lá ngải, hay món khau nhục- giao thoa ẩm thực Việt -Trung hoặc giò tai, giò lụa mềm mịn, dẻo quắn đậm đà ... phù hợp cho tất cả thực khách đủ mọi lứa tuổi, dù là sành ăn đến mấy cũng phải tấm tắc khen ngon.

LỢn Móng Cái
Lợn Móng Cái
Lợn Móng CÁi

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Trưởng phòng kinh doanh khách sạn Viktor Legends, Công ty Cổ phần Duyên Hải Quảng Ninh chia sẻ thêm: Với mong muốn mang sản phẩm này quảng bá tới bạn bè trong nước và quốc tế cũng như nhân dân, khách sạn Viktor Legends, Công ty Cổ phần Duyên Hải Quảng Ninh kết hợp cùng HTX Nông Nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Vạn Thành Phát, Móng Cái, Quảng Ninh tạo nên chu trình sản xuất- ẩm thực khép kín. Trong thời gian tới, khách sạn không chỉ phục vụ Lợn Móng Cái đủ món trên bàn ăn mà chúng tôi còn mong muốn tạo ra những sản phầm mà du khách khi tới nơi đây đều có thể mang về làm quà cho người thân.

Đi cùng nhau để đưa sản vật bản địa Lợn Móng Cái vươn xa

Bà Nguyễn Thị Hải, Phó trưởng phòng Kinh tế Thành phố Móng Cái, Quảng Ninh, cho biết, thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP Móng Cái đã có sức lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp và toàn xã hội, đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân khu vực nông thôn.

Đặc biệt, Chương trình OCOP (mỗi xã phường một sản phẩm) tại TP Móng Cái đã từng bước khẳng định là chương trình quan trọng phát triển kinh tế nông thôn, tạo ra phong trào khởi nghiệp sâu rộng tại một số xã, phường. Hiện nay, thành phố có 7 tổ chức kinh tế tham gia chu trình OCOP với 42 sản phẩm. Trong đó có 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3, 4 sao cấp tỉnh, 3 sản phẩm nông nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ là tôm chân trắng Móng Cái, ghẹ Trà Cổ, lợn Móng Cái.

LỢn Móng Cái
LỢn Móng Cái

Trong đó, riêng Lợn Móng Cái được công nhận là sản phẩm chủ lực cấp Quốc gia, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ. Với tiềm năng như vậy, đàn lợn Móng Cái được bảo vệ, phát triển sẽ góp phần nâng cao đời sống kinh tế nông nghiệp của người dân TP Móng Cái theo hướng nhanh và bền vững.

Xác định xây dựng chuỗi liên kết trong cung ứng và tiêu thụ nông sản đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp, một dự án mang tên “Phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản bản địa” đã vừa mới ra đời.

Dự án là sự kết hợp của Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á (SEAFIT) phối hợp một số đơn vị tại Hà Nội, Quảng Ninh cũng tham gia cùng phát triển, đưa thương hiệu Lợn Móng Cái đi xa hơn.

Lợn Móng Cái
Ký kết hợp tác xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ Lợn Móng Cái (Ảnh - Trung Hiếu)

Ông Nguyễn Quang Thuận, Phó Viện trưởng thường trực SEAFIT cho biết, chương trình xây dựng chuỗi liên kết là “chìa khoá” thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Trên cơ sở đó, các đơn vị sẽ chủ động hợp tác từ trong sản xuất đến tiêu thụ “liên kết 4 nhà,” thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản đa dạng theo hình thức chuỗi trong và ngoài địa phương.

 “Hình thức này bảo đảm cho các thành phần kinh tế tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau. Do đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ đã tự nguyện cùng tham gia liên kết, hợp tác xây dựng. Có thể nói, các chuỗi liên kết mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng của ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững,” ông Thuận cho biết thêm.

Lợn Móng Cái
Lợn Móng Cái

Một số điểm nổi bật, nhiều chuỗi liên kết lấy hợp tác xã làm trung tâm kết nối giữa người dân và doanh nghiệp, nhờ đó chuỗi sản xuất được đảm bảo từ đầu vào đến đầu ra. Hơn thế nữa, các loại hình sản phẩm được sản xuất từ các chuỗi sản xuất này cũng được bảo đảm về chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Lợi thế khác của các chuỗi liên kết, đó là sản phẩm đầu ra được đưa ra thị trường nhanh chóng, phân phối tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và đến tay người tiêu dùng.

 

          

Bài: Thăng Long 
Ảnh:  Mạnh Hùng - Trung Hiếu
Ảnh bìa: Thanh Hải

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí