Mặc dù xuất khẩu sang thị trường các thành viên hiệp định thương mại tự do (FTAs) tăng trưởng tích cực, đóng góp vào phát triển kinh tế của nhiều địa phương, tuy nhiên công tác thực thi FTAs nói chung chưa đạt như kỳ vọng.
Công tác thực thi, triển khai FTAs tại các địa phương thời gian qua còn nhiều tồn tại, khó khăn, nhiều chương trình, hoạt động vừa thiếu, vừa thừa. Vì vậy, rất cần những giải pháp kịp thời để các địa phương tăng cường hiệu quả tận dụng \FTAs thế hệ mới…
Thông tin tại Hội nghị ngành Công Thương 05 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VI - năm 2023 do Sở Công Thương TP. Hà Nội tổ chức mới đây cho biết, việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTAs) trong thời gian qua đã có những tác động tích cực đối với phát triển kinh tế-xã hội của các thành phố này, nhất là thúc đẩy tăng trưởng giá trị thương mại.
Theo thống kê, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều của 5 thành phố trực thuộc Trung ương với các nước trong FTAs giai đoạn 2021-2022 ước đạt hơn 449 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 259,4 tỷ USD. Con số này cho thấy, việc triển khai, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế.
Đơn cử với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong hai năm 2021-2022, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa 5 thành phố với các nước CPTPP đạt 79,751 tỷ USD. Địa phương có trao đổi thương mại lớn nhất với các nước CPTPP là TP. Hồ Chí Minh, tiếp theo là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu từ 5 thành phố sang thị trường CPTPP là máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử, máy tính, gỗ, thủy sản, dệt may…
Cũng trong thời gian này, thông qua Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA), doanh nghiệp 5 thành phố đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 14,179 tỷ USD tới các nước EU.
Các FTA giúp kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng mạnh, nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều thay đổi tích cực. Kết quả khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho thấy, có gần 41% doanh nghiệp đã từng hưởng lợi ích về ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu từ Hiệp định EVFTA.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội
Bộ Công Thương cho biết, năm 2022 có 52/63 tỉnh, thành phố có hoạt động xuất khẩu với các nước CPTPP, tăng 11 địa phương so với năm 2021. Địa phương có trao đổi thương mại lớn nhất với các nước CPTPP trong năm qua là TP. Hồ Chí Minh, tiếp theo là Bình Phước, Bắc Ninh, Hà Nội và Thái Nguyên.
Đối với các nước EVFTA, có 49/63 địa phương có hoạt động xuất khẩu với khu vực này, tăng 11 địa phương so với năm 2021. Trong đó TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội là những địa phương có trao đổi thương mại lớn nhất với các đối tác EU.
Tương tự, năm 2022 có 44/63 tỉnh, thành phố có hoạt động xuất khẩu với Vương quốc Anh theo Hiệp định UKVFTA, tăng 13 địa phương so với năm 2021. Những địa phương có trao đổi thương mại lớn với Vương quốc Anh là TP. Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Thái Nguyên và Lâm Đồng.
Mặc dù xuất khẩu sang thị trường các FTA tăng trưởng tích cực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương, tuy nhiên ghi nhận thực tế cho thấy, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các FTA chưa đạt như kỳ vọng. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi C/O ưu đãi chưa cao. Số lượng doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang các thị trường FTA vẫn khiêm tốn, chủ yếu là các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu thực hiện gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm.
Đáng chú ý, công tác thực thi, triển khai FTAs tại các địa phương thời gian qua còn nhiều tồn tại, khó khăn, nhiều chương trình, hoạt động vừa thiếu, vừa thừa.
Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ về triển khai Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA cho biết, số lượng các hội nghị, hội thảo được tổ chức rất nhiều nhưng nhiều khi bị chồng chéo, trùng lặp nội dung, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Thêm vào đó, thông tin phổ biến, tuyên truyền tại các địa phương còn mang tính chất chung chung, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thật sự quan tâm đến các FTA, coi đây không phải là "sân chơi" dành cho mình, nên không tìm hiểu và mơ hồ về FTA. Mặc dù đã tổ chức các lớp tập huấn, thông tin về các quy định của FTAs nhưng đa số chủ doanh nghiệp cử các chuyên viên đi nghe, còn những người có quyền quyết định trong doanh nghiệp lại không đến. Đây là một nguyên nhân khiến tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ưu đãi thuế quan của các FTA còn thấp.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh
Nhân lực triển khai các nhiệm vụ trong Kế hoạch thực thi FTAs tại các địa phương còn thiếu và yếu. Số lượng cán bộ trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ thực thi các FTA tại các địa phương rất hạn chế (thường chỉ có 1-2 người) lại chủ yếu là kiêm nhiệm. Kinh nghiệm và chuyên môn chuyên về các FTA, nhất là việc thực thi các FTA chưa có điều kiện được đào tạo và trau dồi thường xuyên.
“Đây là vấn đề hầu hết các tỉnh, thành nêu ra trong báo cáo thực thi các FTA của mình”, Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết.
Bên cạnh đó, số lượng các cán bộ có kinh nghiệm và chuyên môn sâu về FTA, có khả năng thực hiện việc đào tạo và hỗ trợ cho các tỉnh, thành còn rất thiếu và cũng phải kiêm nhiệm các công việc khác. Điều này ảnh hưởng đến việc tạo ra nguồn nhân lực hỗ trợ cho các địa phương thực thi các FTA.
Ở cấp độ doanh nghiệp, nhân lực nắm rõ các quy định về FTA có liên quan đến trực tiếp hoạt động của doanh nghiệp, ví dụ như quy tắc xuất xứ, hải quan, tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu… hầu như chưa có, khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu và nắm bắt cơ hội từ các FTA.
Đối với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực vẫn được triển khai tại các địa phương nhưng phần lớn các hoạt động này chủ yếu được thực hiện trong khuôn khổ chính sách phát triển chung của tỉnh, không phải dành riêng cho việc thực thi FTA nào đó. Điều này dẫn đến hoạt động hỗ trợ mang tính dàn trải, chưa có điều kiện tập trung vào các lĩnh vực hoặc ngành hàng có thế mạnh của tỉnh và có cơ hội tiếp cận thị trường từ các FTA.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có chuyên môn, kinh nghiệm và khả năng tạo ra các sản phẩm tốt, chất lượng, có mong muốn xây dựng thương hiệu Việt nhưng thiểu nguồn vốn thực hiện. Các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội xuất khẩu từ các FTA chưa phát huy được hiệu quả tối đa để đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành có liên quan với các ngân hàng thương mại cần hiệu quả hơn nữa nhằm tạo nguồn tài chính phù hợp cho các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA trong khi vẫn đảm bảo các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Hoạt động xúc tiến thương mại, cập nhật thông tin cũng như kết nối thương mại tại các thị trường CPTPP, EVFTA và UKVFTA dù được đẩy mạnh hơn sau khi các hiệp định có hiệu lực nhưng chưa đáp ứng đủ yêu cầu của doanh nghiệp. Do nguồn kinh phí và nhân lực còn hạn chế nên các cơ quan quản lý và doanh nghiệp chưa đủ điều kiện thúc đẩy hơn nữa hoạt động này…
Để khắc phục những bất cập trong thực thi FTAs, đại diện các Sở Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất thời gian tới, Bộ Công Thương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các thông tin về các FTA và thị trường các nước đã ký kết FTA.
Trong đó, tập trung xây dựng các nội dung mang tính chuyên đề đáp ứng các điều kiện hạn chế các rào cản phi thuế quan từ các nước; phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại các nước tổ chức hoạt động kết nối, xúc tiến, qua đó giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, đồng thời thông tin cập nhật những thay đổi chính sách của đối tác, phản ứng của thị trường để kịp thời có các giải pháp, đối sách hỗ trợ, định hướng doanh nghiệp cho phù hợp.
Phạm vi cam kết trong các FTA thế hệ mới ngày càng sâu rộng và bao trùm, đòi hỏi sự tham gia tích cực và phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp. Với vai trò là cơ quan đầu mối triển khai các hiệp định tại địa phương, Sở Công Thương Đà Nẵng sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị hỗ trợ, tư vấn hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhất là cách thức xử lý đối với các vấn đề tồn tại, giảm nguy cơ xảy ra tranh chấp thương mại.
Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng
Để giải quyết các tồn tại, tăng cường hiệu quả tận dụng các FTA thế hệ mới, Bộ Công Thương kiến nghị triển khai 06 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, nhóm giải pháp về tuyên truyền, phổ biến: Hạn chế các Hội nghị, hội thảo mang tính chung chung, khái quát về các FTA, tập trung xây dựng các nội dung mang tính chuyên đề, hướng vào các vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm, phải cụ thể, sát với thực tế, đặc biệt cần chú trọng tuyên truyền các nội dung về phát triển bền vững như lao động, môi trường…, cách thức tận dụng ưu đãi và tổ chức đối thoại tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục của các doanh nghiệp khi tham gia các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Đẩy mạnh hình thức đối thoại với doanh nghiệp, tăng cường chia sẻ các điển hình tốt của doanh nghiệp trong tận dụng cơ hội từ các FTA.
Đa dạng hoạt động tuyên truyền, mở rộng hình thức tuyên truyền, không chỉ dừng lại ở các hội nghị, hội thảo, xuất bản sách, ấn phẩm mà cần xây dựng các hình thức tuyên truyền trực tuyến đa dạng, sinh động, rõ ràng, dễ hiểu và có giá trị chuyên môn cao.
Tăng cường phối hợp giữa Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì với các Bộ, ngành và địa phương cũng như các Hiệp hội trong hoạt động tuyên truyền. Các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội cần gửi thông báo cho Bộ Công Thương về các hoạt động tuyên truyền về các FTA của mình để Bộ Công Thương tổng hợp, chia sẻ công khai trên Cổng thông tin của Chính phủ về FTA (FTA Portal) để các cơ quan tổ chức nắm được, tránh tổ chức chồng chéo và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và tìm hiểu.
Tăng cường hơn nữa phối hợp giữa các Bộ, ngành với các kênh thông tin đại chúng, đặc biệt là các kênh thông tin điện tử trong việc cung cấp thông tin phù hợp cho từng nhóm đối tượng, chất lượng và kịp thời để phục vụ công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế.
Đẩy nhanh việc kiện toàn và nâng cấp Cổng thông tin của Chính phủ về FTA (FTA Portal), giao các Bộ, ngành và địa phương phối hợp tích cực hơn nữa với Bộ Công Thương trong việc cung cấp và cập nhật nội dung, số liệu để FTA Portal thực sự là cổng thông tin hữu ích cho doanh nghiệp, giúp kết nối doanh nghiệp với các cơ quan quản lý trung ương và địa phương trong quá trình tận dụng FTA.
Thứ hai, nhóm giải pháp về thể chế: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản thực thi các cam kết trong FTA, đặc biệt là các văn bản có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu như thuế, quy tắc xuất xứ… Ngoài ra, định kỳ rà soát việc thực thi, nhanh chóng xử lý vướng mắc, bất cập trong việc thực thi các văn bản này.
Tiếp tục triển khai rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm phù hợp với các cam kết trong các FTA đã có hiệu lực. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phê chuẩn các Công ước quốc tế và thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế có liên quan đảm bảo thực thi cam kết trong các Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA.
Thứ ba, nhóm giải pháp về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp: Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng hệ sinh thái tận dụng cơ hội từ các FTA. Do nguồn lực có hạn nên trước mắt mỗi tỉnh, thành tập trung xác định 1-2 lĩnh vực hoặc ngành hàng chủ lực để xây dựng hệ sinh thái, nếu thành công sẽ lan tỏa sang các lĩnh vực khác. Để hỗ trợ cho hệ sinh thái này, các cơ quan quản lý trung ương và địa phương cần kết nối chặt chẽ với nhau để xây dựng chính sách, các biện pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp cho lĩnh vực hoặc ngành hàng chủ lực được lựa chọn.
Xem xét dành nguồn vốn riêng để hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các FTA, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đặc biệt là các DNNVV trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV thực hành tiêu chuẩn ESG, DNNVV kinh doanh bền vững, kinh doanh xanh. Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan làm việc cụ thể hơn với các ngân hàng thương mại để xây dựng nguồn tín dụng phù hợp hỗ trợ cho các doanh nghiệp muốn nâng cao năng lực sản xuất để tận dụng cơ hội từ các FTA (có thể là các lãi suất ưu đãi phù hợp với cam kết quốc tế, điều kiện tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn…). Ngoài ra, cần chủ động tìm kiếm, kết nối và hợp tác với các Tổ chức tín dụng quốc tế như IFC, WB, ADB hay các nguồn tài chính hợp pháp khác để tạo nguồn vốn giúp các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhằm kịp thời đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao từ các thị trường xuất khẩu cũng như thị hiếu của người tiêu dùng trên thế giới.
Có chính sách tổng thể hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng nguồn nguyên liệu nội khối nhằm đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định của từng FTA. Nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hướng tới xuất, nhập khẩu mang tính cân bằng hơn, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng tới ổn định, lâu dài, nâng cao hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế.
Thứ tư, nhóm giải pháp về nhân lực: Bổ sung nhân lực chuyên trách về thực thi các FTA tại các địa phương. Vấn đề này đã được Bộ Công Thương báo cáo và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Điều này là hết sức cần thiết để nâng cao hiệu quả thực thi các FTA tại các tỉnh, thành.
Triển khai các khóa đào tạo nhân lực chuyên về FTA cho các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cũng như tăng cường bổ sung và đào tạo nguồn cán bộ chuyên gia hiểu biết về FTA, giúp mở rộng số lượng người có thể đào tạo về nội dung này.
Tạo nguồn nhân lực lâu dài hiểu biết và nắm rõ về các FTA thông qua triển khai đào tạo từ cấp Đại học, cao đẳng bằng cách đưa các nội dung FTA vào giáo trình đào tạo, xây dựng nội dung đào tạo cụ thể, có tính thực tiễn cao.
Thứ năm, nhóm giải pháp về số liệu thống kê: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các địa phương trao đổi, tìm kiếm hướng giải pháp về tổng hợp, thống kê số liệu xuất nhập khẩu, đầu tư, bảo đảm việc tiếp cận thuận lợi và nhanh chóng cho các cơ quan quản lý trung ương và địa phương.
Thứ sáu, nhóm giải pháp khác: Khẩn trương xây dựng Bộ chỉ số đánh giá thực thi FTA tại các địa phương (FTA Index) để có thể công bố vào cuối năm 2023. Cần cấp đủ kinh phí thực thi FTA cho các Bộ, ngành và địa phương, đồng thời cần có hướng dẫn cụ thể cho việc tiếp cận và sử dụng nguồn kinh phí này. Tranh thủ và phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng mới, nhất là kinh tế số, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu, thu hút nguồn tài chính xanh…
Bài: Việt Hằng
Ảnh bìa và thiết kế: Duy Kiên - Maika