Hơn 01 năm sau khi đi vào thực hiện, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – Vương quốc Anh và Bắc Ailen (sau đây gọi tắt là Vương quốc Anh) – UKVFTA bước đầu cho thấy những kết quả tích cực.
Do tính chất bổ sung và không cạnh tranh trực tiếp giữa hai nền kinh tế, Hiệp định này nhanh chóng mang lại lợi ích cho cả hai phía thông qua con số tích cực, đó là xuất khẩu của Anh sang Việt Nam và xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đều tăng trưởng khả quan. Trong đó, xuất khẩu của Anh sang Việt Nam tăng cao hơn tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh trong bối cảnh chúng ta đang có thặng dư thương mại với Vương quốc Anh thì việc Anh xuất khẩu nhiều sang Việt Nam giúp cán cân thương mại cân bằng hơn.
Đặc biệt, với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, UKVFTA tạo ra một động lực mới thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực doanh nghiệp.
Hiệp định UKVFTA mang lại 5 cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt:
+ Tiếp cận thị trường xuất khẩu với những điều kiện ưu đãi và cạnh tranh;
+ Động lực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu;
+ Đổi mới tư duy quản lý và kinh doanh;
+ Chủ động nguồn nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt, ổn định và có mức giá hợp lý;
+ Duy trì và gia tăng đầu tư chất lượng cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng
Sau khi rời khỏi Liên minh Châu Âu (sự kiện Brexit), Vương quốc Anh tích cực thúc đẩy các quan hệ thương mại để đa dạng hóa nguồn cung, trong đó có việc hướng đến các thị trường có FTA, và Việt Nam là một trong những thị trường mà Vương quốc Anh quan tâm. Đồng thời đây cũng là một thị trường lớn, sức mua cao. Những thuận lợi này phần nào thể hiện thông qua những con số xuất khẩu ấn tượng sang thị trường Anh sau hơn 01 năm thực thi UKVFTA.
Khi theo dõi các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh, có thể nói đại đa số các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh tăng trưởng rất tốt, thậm chí có những mặt hàng tăng trưởng đến gần 100%, ví dụ như cà phê, hạt tiêu, cao su, rau quả, may mặc, giày dép… là những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đều tăng trưởng rất tốt cho thấy rằng các doanh nghiệp đã hướng đến thị trường Vương quốc Anh như một kênh để đa dạng thị trường.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng
Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương
Một điểm đáng chú ý nữa, Vương quốc Anh là một trong những thị trường được các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng khá tốt về nguồn nguyên liệu. Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng nhập khẩu nhiều hơn các nguồn nguyên liệu đầu vào, các công nghệ, sản phẩm như: da giày, dệt may, nguyên phụ liệu, dược phẩm, thức ăn gia súc… mà Vương quốc Anh có thế mạnh, giúp nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp.
Đơn cử, kim ngạch nhập khẩu vải từ Vương quốc Anh tăng cho thấy, một số doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng vải nhập khẩu từ Vương quốc Anh về để đáp ứng quy tắc xuất xứ, sau đó cắt, may, hoàn thiện sản phẩm giúp doanh nghiệp đạt được quy tắc xuất xứ và thậm chí là nâng cao được giá trị sản phẩm. Như vậy, Vương quốc Anh đang trở thành một nguồn cung cấp nguyên vật liệu giá trị cao, công nghệ tốt cho chúng ta để tận dụng UKVFTA.
Vương quốc Anh là nhà nhập khẩu lớn thứ 5 thế giới. Theo TradingEconomics, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ vào Vương quốc Anh tháng 8/2022 đạt mức cao kỷ lục từ trước tới nay là 75,1 tỷ Bảng Anh; sang tháng 9/2022 kim ngạch có sụt giảm nhưng vẫn ở mức cao 72,3 tỷ Bảng Anh.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ vào Vương quốc Anh theo tháng
2021 - 2022
Trong khi đó, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khả quan nhưng tổng thị phần hàng hóa Việt Nam hiện mới chỉ chiếm khoảng 1% tổng nhập khẩu của Anh hàng năm. Một trong những nguyên nhân là vẫn còn những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi tiếp cận thị trường này.
Thứ nhất, khi xuất khẩu sang Vương quốc Anh, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các yêu cầu tiêu chuẩn cao về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, những quy định về phát triển bền vững như lao động, môi trường… Với mức thu nhập cao, tư duy phát triển và yêu cầu cao nên Vương quốc Anh rất quan tâm đến các vấn đề này.
Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp của Vương quốc Anh cũng như của các nước khác, đặc biệt là các nước đến từ vùng thuộc địa cũ của Vương quốc Anh. Do Vương quốc Anh có quan hệ truyền thống với các nước thuộc địa cũ nên họ có truyền thống làm ăn với các nước này, nếu doanh nghiệp Việt Nam không đủ sức cạnh tranh sẽ khó thâm nhập, tham gia vào những chuỗi cung ứng hoặc chuỗi quan hệ làm ăn lâu đời đó.
Đối với các doanh nghiệp của Vương quốc Anh, áp lực cạnh tranh đến từ sự hiểu rõ tập quán tiêu dùng của người dân sở tại cũng như hệ thống tổ chức kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh đến từ các nước khác, bao gồm các vùng thuộc địa cũ của Vương quốc Anh là việc họ đã tiếp cận thị trường Vương quốc Anh lâu hơn, có những kết nối về văn hóa sâu sắc hơn và kể cả khả năng phối hợp với các hệ thống kinh doanh tại thị trường này hiệu quả hơn.
Một thách thức mới trong bối cảnh hiện nay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sang Anh đó là nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, nhất là nguồn cung ứng nguyên, phụ liệu do bị gián đoạn khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc ký kết các hợp đồng mới hoặc mở rộng sản xuất; giá cước vận tải và giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao.
Bên cạnh đó, như nhiều thị trường lớn khác, như Vương quốc Anh đang có nhiều bất ổn về chính trị, kinh tế - xã hội, tỷ lệ lạm phát cao, tiêu dùng giảm… tác động tiêu cực đến hoạt động nhập khẩu hàng hóa vào nước này.
Để xuất khẩu được nông sản vào khối thị trường Châu Âu nói chung và Vương quốc Anh nói riêng, doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều quy định, tiêu chuẩn khác nhau. Không chỉ bắt buộc phải xây dựng vùng trồng, riêng về kiểm soát dư lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, doanh nghiệp đã phải đáp ứng tiêu chuẩn của hơn 800 hoạt chất khác nhau...
Cách đây vài năm, Lộc Trời rất khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường Anh do không có quy trình sản xuất, không có tiêu chuẩn rõ ràng khiến các sản phẩm làm ra không đạt chất lượng. Từ năm 2020, Lộc Trời đã thay đổi cách làm, sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững từ giống, phân, thuốc, dịch vụ nông nghiệp…, hợp tác với nông dân thu hoạch vận chuyển về kho, sản xuất, xuất khẩu.. nhờ có nền tảng sẵn từ công ty giống, dịch vụ nông nghiệp, hệ thống nhà máy xuất khẩu gạo và kiểm soát được chất lượng nên doanh nghiệp đã tự xuất khẩu vào EU lẫn Anh. Khi đã có chất lượng ổn định, Tập đoàn mới bắt đầu đẩy mạnh quảng bá và được các thị trường chấp nhận.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời
Kinh nghiệm của những doanh nghiệp đã thâm nhập và xuất khẩu thành công sang thị trường Anh như Tập đoàn Lộc Trời cho thấy, để vượt qua những thách thức, các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh để nắm bắt những cơ hội từ thị trường Anh cũng như tận dụng tốt hơn Hiệp định UKVFTA.
Thứ nhất, cần nắm vững thông tin thị trường Vương quốc Anh, đặc biệt là những thông tin mang tính thực tiễn và được cập nhật liên tục về văn hóa kinh doanh, tập quán tiêu dùng, thị hiếu của người bản xứ đối với từng mặt hàng cụ thể. Trong bối cảnh đang có nhiều thay đổi trong chuỗi cung ứng, doanh nghiệp Việt Nam phải nắm được các thông tin thực tiễn này để đảm bảo sự chuyên môn hóa trong sản xuất, từ đó gia tăng sức cạnh tranh với các quốc gia khác.
Thứ hai, doanh nghiệp cần nỗ lực nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán kinh doanh. Doanh nghiệp cần sẵn sàng chấp nhận, làm quen với cái mới, cũng như thích ứng với nó để phát triển thông qua các biện pháp như điều chỉnh sản xuất, chất lượng dịch vụ để phù hợp với thị hiếu, sở thích của thị trường Vương quốc Anh.
Sau Brexit, Chính phủ Vương quốc Anh đã ban hành chính sách ngoại thương mới và dần điều chỉnh một số quy định có liên quan về tiêu chuẩn sản phẩm, quy trình sản xuất và thủ tục hải quan...
Đặc biệt, thị trường Anh có yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật cao, thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật nhanh chóng để có thể cải tiến, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần kịp thời nắm bắt những thay đổi này và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm khi xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh.
Về đáp ứng tiêu chuẩn cao của thị trường Anh, phải nói việc thực hiện UKVFTA chúng ta có một phần thuận lợi là Việt Nam đã thực hiện những hiệp định tiêu chuẩn cao từ trước đó như CPTPP hay EVFTA giúp cho doanh nghiệp nâng cao được ý thức, sự chuẩn bị đối với những tiêu chuẩn này. Do đó đối với việc thực hiện UKVFTA chúng ta đã có nền tảng nhất định và trong thời gian tới vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện bởi vì trong quá trình thực hiện UKVFTA doanh nghiệp sẽ còn rút được nhiều kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Một vấn đề khác cũng rất quan trọng đó là doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ nhân sự pháp lý đáp ứng các yêu cầu chuyên môn như: am hiểu pháp luật thương mại quốc tế nói chung, đặc biệt là hiểu rõ về cam kết của Hiệp định UKVFTA. Đồng thời, nắm rõ các thông tin liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp của mình, bao gồm: Mặt hàng thế mạnh của doanh nghiệp mình là gì, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng đó vào Vương quốc Anh là bao nhiêu, doanh nghiệp cần xin C/O form gì hay Vương quốc Anh có quy định gì đặc biệt về mặt hàng đó hay không..... Với đội ngũ nhân sự pháp lý có chuyên môn, doanh nghiệp mới có thể sẵn sàng tiếp cận và tận dụng được cơ hội từ Hiệp định UKVFTA một cách tối ưu.
Từ phía hỗ trợ chính sách, Bộ Công Thương cũng đã triển khai một số biện pháp hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp Việt trong các khâu tìm kiếm, kết nối với đối tác, cũng như tổ chức các hội thảo, tọa đàm nhằm phổ biến, lưu ý doanh nghiệp các giải pháp có thể tiếp cận, tiến tới xuất đơn hàng thành công sang thị trường Anh nói riêng và thị trường quốc tế nói chung.
Tuy nhiên sắp tới, Anh sẽ triển khai một loạt ký kết hiệp định thương mại tự do với 19 quốc gia đồng thời chuẩn bị tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Khi các hiệp định này được ký kết, lợi thế UKVFTA của doanh nghiệp Việt Nam không còn nữa, vì vậy đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực nhiều để nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng thâm nhập thị trường Anh.
Cần cải thiện năng lực nội tại của doanh nghiệp
Chia sẻ của bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam về kinh nghiệm của các doanh nghiệp trong ngành da giày trong việc tận dụng Hiệp định UKVFTA để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Anh, cũng như những thách thức, yêu cầu phải nâng cao năng lực nội tại để tận dụng tốt hơn các cơ hội thị trường.
Với Hiệp định UKVFA, da giày là một trong những ngành được hưởng lợi lớn. Xin bà cho biết, trong hơn 01 năm qua, các doanh nghiệp trong ngành da giày đã tận dụng Hiệp định này như thế nào?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Trước đây Anh ở trong khối EU và cũng là một trong những quốc gia nhập khẩu giày dép lớn nhất của EU, tỷ trọng trung bình chiếm từ khoảng 10 – 12%/năm. Sau khi Anh rời khỏi EU, xuất khẩu giày dép Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cụ thể các khách hàng gần như dừng đặt hàng và đơn hàng giảm đến 50%. Chúng tôi rất lo lắng bởi ảnh hưởng đến toàn bộ tỷ trọng, kim ngạch xuất khẩu da giày vào thị trường Châu Âu.
Tuy nhiên từ khi ký kết UKVFTA, tín hiệu phục hồi rất khả quan, xuất khẩu vào thị trường Anh đã tăng trưởng trở lại và tính đến hết tháng 5/2022, Việt Nam đã xuất được 330 triệu USD; tỷ trọng xuất khẩu vào Anh hiện chiếm 15% tổng thị trường Châu Âu.
Có thể nói, Hiệp định UKVFTA đã mở thêm nhiều cơ hội xuất khẩu cho các mặt hàng, trong đó có mặt hàng da giày – túi xách vào thị trường giàu tiềm năng này. Tuy nhiên, tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Vương quốc Anh rất cao. Bà có thể chia sẻ về những thách thức trong vấn đề này?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Thị trường Châu Âu nói chung mà trước đây Vương quốc Anh cũng tham gia luôn đòi hỏi khắt khe, đặc biệt về an toàn sản phẩm và để xuất khẩu thành công vào thị trường này, chúng ta không những phải đáp ứng yêu cầu của họ mà còn phải đảm bảo từ quy trình sản xuất.
Đối với mặt hàng da giày xuất khẩu vào Anh mà chủ yếu là giày mũ da, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu khá nhiều do chưa chủ động được nguồn cung ứng da thuộc chất lượng cao để sản xuất mặt hàng. Đây là một thách thức lớn.
Tới đây các nhà máy sản xuất còn phải đối mặt với thách thức lớn hơn, đó là yêu cầu bảo vệ môi trường, những quy định chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, hiệu ứng nhà kính đối với quy trình sản xuất… Tất cả những yêu cầu này sẽ đặt ra bộ quy tắc ứng xử yêu cầu các nhà máy phải đáp ứng thì mới xuất khẩu thành công. Chính vì vậy, năng lực nội tại của các doanh nghiệp phải cải thiện rất nhiều mới có thể đáp ứng được các yêu cầu đó.
Thực hiện: Hoàng Phương