[E-Magazine] Vì sao xuất khẩu thủy sản sang thị trường CPTPP khởi sắc?
16/11/2022 lúc 10:30 (GMT)

[E-Magazine] Vì sao xuất khẩu thủy sản sang thị trường CPTPP khởi sắc?

CPTPP thủy sản

Sau hơn 3 năm Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường các nước trong CPTPP thu về những kết quả khá ấn tượng, đặc biệt là các thị trường mới như Canada, Mexico, Peru.

 

 
CPTPP Trương Đình Hòe
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP

"Hiện có khoảng 80 doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Canada, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất như Công ty Minh Phu Seafood Corp , Minh Phu-Hau Giang, Stapimex, Vina Cleanfood, Cuu Long Seapro…”. 

Một trong những điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu là sản phẩm thủy sản Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường các nước trong khối Hiệp định CPTPP.

Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, tháng 7/2022, xuất khẩu cá tra sang các nước CPTPP vẫn duy trì đà  tăng trưởng 3 con số 123%. Theo đánh giá của VASEP, hiện độ phủ sóng hàng thủy sản Việt Nam tại các thị trường đang ngày tăng cao rõ rệt. Điển hình như, tại thị trường Canada, Việt Nam là nhà xuất khẩu tôm hàng đầu, chiếm 34% tổng trị giá nhập khẩu tôm của Canada.

Điều đặc biệt hơn, thủy sản không bị tác động bởi xung đột địa - chính trị hay các biến động về lạm phát và tiền tệ.

          

Trong khi xuất khẩu thủy sản sang nhiều thị trường gặp bất ổn vì biến động tiền tệ và cước vận tải quá cao, thì CPTPP lại ít bị tác động bởi những thách thức trên. Thuế nhập khẩu 0% theo hiệp định CPTPP và sự lựa chọn của người tiêu dùng chuyển sang loài thủy sản có giá vừa phải là những yếu tố giúp xuất khẩu thủy sản sang các nước CPTPP giữ được tăng trưởng đầy lạc quan từ đầu năm đến nay và vẫn có thể giữ đà tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm

(Nhận định của VASEP)

          

 

Thủy sản khởi sắc tại tại thị trường này nhờ hầu hết các thành viên CPTPP đều cam kết giảm thuế quan về mức 0% trong vòng 0-3 năm.

Theo nhận định của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), các nước thành viên đưa ra cam kết cắt giảm thuế quan khá mạnh đối với nhóm thuỷ sản:

- Xóa bỏ thuế quan ngay khi CPTPP có hiệu lực với 65% dòng thuế quan

- Xóa bỏ thuế quan theo lộ trình với một số sản phẩm thuỷ sản nhất định, tùy sản phẩm, tùy đối tác)

Với thị trường Canada và Nhật Bản, các mặt hàng thủy sản nước ta được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Đặc biệt, cam kết giảm thuế thủy sản trong CPTPP của đối tác Nhật Bản dành cho Việt Nam cao hơn nhiều so với cam kết của Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP). Cụ thể, trong VJEPA, Nhật Bản chỉ cam kết cắt giảm thuế ngay đối với 19% số dòng thuế thủy sản, sau 15 năm sẽ cắt giảm tổng cộng 57% số dòng thuế thủy sản (188/330 dòng); 33% số dòng thuế thủy sản (59/330 dòng) áp dụng hạn ngạch nhập khẩu.

xuất khẩu thủy sản

Trong khi với CPTPP, Nhật Bản xóa bỏ thuế ngay với khoảng 65% (317/484) dòng sản phẩm thủy sản. Nhiều loại thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được hưởng thuế 0% khi CPTPP có hiệu lực như cá tuyết, surimi, tôm, cua… Trong nhóm CPTPP, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu thủy sản lớnnhất của Việt Nam, tiếp đến là Canada, Australia, Mexico, Malaysia và Singapore.10 thị trường thành viên trong khối CPTPP hiện đang chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Do đó, thủy sản được đánh giá là một trong những mặt hàng mà doanh nghiệp nước ta đã và sẽ tiếp tục tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu sang thị trường CPTPP.

CPTPP Thủy sản

Trong bối cảnh nuôi trồng và XK thủy sản thế giới phát triển mạnh mẽ và cạnh tranh quyết liệt, việc tham gia CPTPP được xem là cánh cửa thuận lợi để sản phẩm thủy sản Việt Nam đi vào các thị trường khó tính với rất nhiều lợi thế.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì CPTPP cũng đặt ra cho các doanh nghiệp trong nước nhiều vấn đề trong tổ chức sản xuất, kinh doanh liên quan đến hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ.

 

          

Đối với quy tắc xuất xứ:

- Đối với hàng thủy sản xuất khẩu sử dụng nguyên liệu nuôi trồng, khai thác tại Việt Nam, thì các nguyên liệu khác như bao bì đóng gói, một số chất phụ gia, chất bảo quản nếu có xuất xứ từ ngoài khu vực CPTPP, giá trị cũng không đáng kể, việc đáp ứng tiêu chí hàm lượng khu vực 40% là tương đối dễ dàng.

- Tuy nhiên, với các sản phẩm sử dụng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu, việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ CPTPP có thể là vấn đề khó khăn.

          

 

Lý do là, cho đến nay, ta chủ yếu nhập nguyên liệu thủy sản từ Ấn Độ (chiếm gần 40%), Trung Quốc (gần 10%); Đài Loan (Trung Quốc, gần 10%); tiếp đến là Nhật Bản, Na Uy, Hàn Quốc (mỗi nước khoảng 7%) và LB Nga (khoảng 5%). Trong số này, chỉ có nguồn nguyên liệu từ Nhật Bản được công nhận đủ tiêu chuẩn xuất xứ cộng gộp trong CPTPP, với tỷ lệ không đáng kể (khoảng 7% trên tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thủy sản).

Hơn thế nữa, có một số nguyên liệu ít có khả năng doanh nghiệp trong nước có thể nhanh chóng chuyển đổi sang nhập khẩu từ các nước CPTPP, như tôm sú hiện đang nhập khẩu từ Ấn Độ; tôm sú, cá ngừ, mực từ Đài Loan (Trung Quốc); cá hồi từ Na Uy; tôm, cua, rong biển từ Indonesia…

Đối với SPS

- Các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) gồm tất cả các quy định, điều kiện, yêu cầu bắt buộc về an toàn thực phẩm, ngăn chặn dịch bệnh mà nước nhập khẩu áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu.

- Trong thực tế, cùng với thuế quan, SPS là nhóm biện pháp ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất tới hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

- SPS yêu cầu khu vực nuôi trồng, khai thác thủy sản không có dịch bệnh và côn trùng gây hại; trong quá trình nuôi trồng không sử dụng chất kháng sinh tổng hợp bị cấm, đáp ứng dư lượng thuốc kháng sinh ở ngưỡng cho phép.

Đối với môi trường

CPTPP yêu cầu các nước thành viên:

- Có hành động cụ thể nhằm đấu tranh chống lại tình trạng đánh bắt quá mức, bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)

- Phải tìm cách vận hành hệ thống quản lý nghề cá điều chỉnh hoạt động đánh bắt hải sản tự nhiên theo hướng ngăn ngừa đánh bắt quá mức, quá năng lực; giảm đánh bắt ngẫu nhiên các loài không phải mục tiêu và chưa trưởng thành; thúc đẩy phục hồi các loài đã bị người dân khai thác quá mức

- Không áp dụng các loại trợ cấp góp phần gây ra tình trạng khai thác quá mức và quá năng lực (ví dụ trợ cấp cho tàu cá đã bị liệt vào danh mục IUU…)

Đối với lao động

CPTPP có một Chương riêng về lao động với các cam kết liên quan tới các quyền cơ bản của người lao động, điều kiện lao động, xu hướng về tiêu chuẩn lao động.

- Xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc

- Cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất

- Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp

Với những tiêu chuẩn cao như trên, một mặt ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nước ta vốn chưa quen áp dụng pháp luật nuôi trồng, đánh bắt như các doanh nghiệp của các nước đối tác như Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand… Mặt khác, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp trong nước chuyển mình, chấp nhận cuộc chơi mới với những lợi ích bền vững. Bởi lẽ, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu thủy sản trong CPTPP cũng có nghĩa đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang thị trường EVFTA, RCEP.

CPTPP thủy sản

Hiện đang có sự phân hóa trong năng lực cạnh tranh giữa các khâu trong ngành thủy sản:

- Nhóm nuôi con giống: Chủ yếu là các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất nhỏ với kỹ thuật hạn chế, việc chọn lọc tiêu chuẩn hóa thấp, dẫn tới chất lượng con giống không cao.

- Nhóm sản xuất thức ăn thủy sản: Hiện các nhà máy trong nước có thể đáp ứng được khoảng 85,6% nhu cầu thức ăn thủy sản trong nước. Song, thị phần thức ăn thủy sản hiện chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam chưa chủ động được nguồn nguyên liệu để sản xuất thức ăn thủy sản, với khoảng hơn 50% nguồn nguyên liệu vẫn đang phải nhập khẩu.

- Nhóm nuôi trồng thủy sản: Nhóm này vốn chủ yếu là các hộ nuôi độc lập. Nhưng gần đây đã bắt đầu xuất hiện các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với hộ nuôi hoặc doanh nghiệp chế biến tự đầu tư vùng nuôi để chủ động nguồn nguyên liệu đủ chất lượng đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu.

- Nhóm chế biến thủy sản: Đây là nhóm có năng lực cạnh tranh tốt nhất, cũng là nhóm sản xuất hàng hóa lớn, đi đầu trong hội nhập quốc tế của ngành nông nghiệp.

          
CPTPP thủy sản
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước

Tình trạng đơn hàng xuất khẩu tôm sụt giảm là do giá đầu vào bao gồm thức ăn chăn nuôi, con giống, cước vận tải tăng. Để nuôi được 1 con tôm, doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu thức ăn như đậu nành, bột cá… nhập khẩu. 

          

Nhìn chung, đang có tình trạng cắt khúc giữa khâu nuôi trồng, khai thác với khâu chế biến vẫn còn khá trầm trọng, nên đôi khi cũng xảy ra tình trạng nguồn nguyên liệu thiếu hụt hoặc không bảo đảm chất lượng.

Mặc dù có những khó khăn về nguồn nguyên liệu, và những hàng rào kỹ thuật trong TBT, SPS, nhưng doanh nghiệp thủy sản nước ta thích ứng khá nhanh với đòi hỏi của thị trường CPTPP. Trên thực tế, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tăng liên tục kể từ khi CPTPP có hiệu lực năm 2019.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững, thủy sản Việt Nam cần phải có chiến lược xây dựng vùng nuôi trồng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của từng thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm. Từng doanh nghiệp và ngành thủy sản cần tập trung khắc phục các hạn chế hiện tại liên quan tới vấn đề này, đặc biệt là:

(i)Xây dựng chuỗi cung bền vững về giống thủy sản, trong đó bảo đảm kiểm soát chất lượng giống; (ii) Cải thiện năng lực sản xuất, chế biến thức ăn thủy sản, thuốc cho thủy sản, từ đó hạ thấp giá thành sản phẩm để người nuôi thủy sản có thể tiếp cận, không sử dụng các nguồn thức ăn, thuốc trôi nổi, kém chất lượng; (iii) Kiểm soát chặt chẽ quy trình nuôi trồng, sử dụng thức ăn và thuốc cho thủy sản; (iv) Hỗ trợ ngư dân, các tàu cá tiếp cận, áp dụng công nghệ trong xử lý sản phẩm thủy sản khai thác theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu, qua đó nâng cao giá trị gia tăng của thủy sản; (v) Chú ý bảo đảm tuân thủ các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn lao động của ngành chế biến thủy sản.

xuất khẩu thủy sản
 

Các nước cắt giảm thuế quan với thủy sản thế nào?

Australia và New Zealand

Trong CPTPP, Australia và New Zealand cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu với toàn bộ dòng thuế thuỷ sản của Việt Nam ngay khi CPTPP có hiệu lực. Trước CPTPP, giữa Việt Nam và Australia, New Zealand đã có một FTA chung, là Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Australia, New Zealand (AANZFTA). Trong AANZFTA, cả hai đối tác này cũng đã cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi AANZFTA có hiệu lực (năm 2010), đối với toàn bộ sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam.

Canada

Canada cam kết xóa bỏ thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực với tất cả dòng thuế quan thuỷ sản của Việt Nam. Trước CPTPP, Việt Nam và Canada chưa có FTA chung nào; thuỷ sản Việt Nam thuộc diện áp dụng thuế MFN mà Canada áp dụng chung cho tất cả các thành viên WTO chưa có FTA với nước này. Tuy nhiên, mức thuế MFN của Canada đối với các sản phẩm thuỷ sản cũng tương đối thấp, từ 0,65% đến 4,28%.

Như vậy, CPTPP mang đến cho thuỷ sản Việt Nam lợi thế nhất định về thuế quan, có thể là đáng kể với một số dòng hàng hóa đang có mức thuế MFN cao. Tuy nhiên, cần chú ý là để tận dụng thuế quan ưu đãi, thuỷ sản Việt Nam phải đáp ứng quy tắc xuất xứ CPTPP (trong khi thuế MFN không có điều kiện về quy tắc xuất xứ).

Brunei, Malaysia, Singapore

Brunei, Malaysia và Singapore đều cam kết xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với tất cả các sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam. Tuy nhiên, tính đến hiện tại, ngoại trừ Singapore đã phê chuẩn CPTPP, các cam kết của Brunei và Malaysia trong CPTPP hiện đều chưa có hiệu lực, chưa được áp dụng trên thực tế.

Chi-lê

Trong CPTPP, Chi-lê cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với tất cả các sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam. Tuy nhiên tính đến hiện tại, Chi-lê chưa phê chuẩn CPTPP nên các cam kết này hiện chưa có hiệu lực trên thực tế.

Hiện giữa Việt Nam và Chi-lê đã có một Hiệp định thương mại tự do song phương (VCFTA). Trong FTA này, Chi-lê cũng đã xóa bỏ thuế quan đối với toàn bộ các dòng thuế thuỷ sản ngay khi VCFTA có hiệu lực (năm 2014).

Mexico

Mexico có cam kết mở cửa đối với thủy sản Việt Nam ở mức hạn chế nhất trong tất cả các đối tác CPTPP. Cụ thể, cam kết về thuế quan đối với thuỷ sản Việt Nam theo 02 nhóm: Xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với khoảng 41% (106/255) các sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam  và Cắt giảm và xóa bỏ thuế theo lộ trình 3-16 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực với một số dòng thuế, cụ thể:

  • Lộ trình 3 năm với 17/255 dòng thuế (cá đông lạnh; phi lê đông lạnh của cá rô phi, cá tuyết, cá minh, cá bơn, cá trích, cá ngừ…)
  • Lộ trình 5 năm với 17/255 dòng thuế (cá hồi vân, cá rô phi, cá chép, cá da trơn, cá sòng, cá Minh Thái, cá tuyết xanh, cá đuối, cua…)
  • Lộ trình 10 năm với 87/255 dòng thuế Lộ trình 12 năm với 6/255 dòng thuế
  • Lộ trình 13 năm với 4/255 dòng thuế Lộ trình 15 năm với 5/255 dòng thuế (tôm hùm đá và các loại tôm biển không hun khói; tôm hùm; tôm đã bảo quản…)
  • Lộ trình 16 năm với 13/255 dòng thuế (tôm chưa hun khói; cá trích đóng hộp; cá trình đã bảo quản…)

Peru

Peru cam kết xoá bỏ toàn bộ thuế quan đối với thuỷ sản Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Trước CPTPP, Peru và Việt Nam chưa có FTA chung nào, do đó thuỷ sản Việt Nam nhập khẩu vào Peru chịu thuế MFN mà Peru áp dụng chung cho tất cả các nước thành viên WTO. Mức thuế MFN trung bình mà Peru đang áp dụng đối với các nước WTO tương đối thấp, từ 0% đến 0,12%.

Do đó, CPTPP cũng mở thêm cơ hội cho thủy sản của Việt Nam sang thị trường này, nhưng không đáng kể.

Nhật Bản

Nhật Bản cam kết về thuế quan đối với thuỷ sản Việt Nam theo 2 nhóm: (i) Xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực với khoảng 65% (317/484) dòng sản phẩm thủy sản; và (ii) Cắt giảm và xóa bỏ thuế quan theo lộ trình 6-16 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực với một số dòng thuế thuỷ sản từ Việt Nam, cụ thể:

  • Lộ trình 6 năm với 44/484 dòng thuế
  • Lộ trình 8 năm với 3/484 dòng thuế (cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to và một số loại cá ngừ khác)
  • Lộ trình 11 năm với 109/484 dòng thuế
  • Lộ trình 16 năm với 11/484 dòng thuế (cá nishin, cá saba, cá cơm, cá thu, cá Minh Thái, cá nục…)

Như vậy, CPTPP có mức mở cửa mạnh hơn Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) đối với các dòng sản phẩm mà trong VJEPA, Nhật Bản không cam kết xóa bỏ thuế.

Hơn nữa, quy tắc xuất xứ trong CPTPP khác với VJEPA, đặc biệt là ở nguyên tắc cộng gộp (trong CPTPP nguyên liệu có thể được cộng gộp từ cả 11 nước thành viên CPTPP trong khi VJEPA chỉ được cộng gộp nguyên liệu từ 2 nước Việt Nam và Nhật Bản). Do đó, CPTPP sẽ cho doanh nghiệp thêm lựa chọn để áp dụng thuế quan ưu đãi.  

 

 


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí