![[eMagazine] Chủ động tiếp cận thông tin thị trường Vương quốc Anh, tận dụng tối đa cơ hội từ UKVFTA](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/tcct-media/24/12/2/thong-tin-2_674dc3cd77403.jpg)
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) là động lực quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam – Vương quốc Anh lên một tầm cao mới. Để tận dụng tối đa những lợi thế Hiệp định đem lại, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu thật kỹ những đặc điểm cơ bản về thị trường Vương quốc Anh để có chiến lược sản xuất, tiếp thị phù hợp thị trường, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của khách hàng, duy trì tăng trưởng doanh số.
UKVFTA đã chính thức hoàn tất đàm phán vào ngày 11/12/2020 và ký kết vào tối 29/12/2020, mang đến những tác động quan trọng, giúp xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh hưởng lợi, tạo tiền đề để thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển, trưởng thành trên thị trường quốc tế.
Theo đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương, trong 3 năm thực thi UKVFTA, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng trưởng trung bình 8,9%/năm, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng trung bình 9,4%/năm. Đây là mức tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của xuất khẩu Việt Nam.
Tuy nhiên, thị phần hàng hóa của Việt Nam vẫn chiếm rất ít trong tổng lượng nhập khẩu vào Vương quốc Anh. Người tiêu dùng Anh chưa biết nhiều về các thương hiệu Việt Nam. Nhận diện thương hiệu hàng hoá Việt Nam tại thị trường Anh còn thấp.
Một trong những nguyên nhân là các doanh nghiệp chưa xây dựng được một chiến lược và cách thức hiệu quả tìm kiếm, tiếp cận thông tin về thị trường và đối tác, nhất là sau khi Vương quốc Anh tách khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Nhận định về khả năng phát triển của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, nguyên Tham tán công sứ tại Vương quốc Anh Nguyễn Cảnh Cường cho biết, các doanh nghiệp theo thời gian ngày càng năng động, đặc biệt những doanh nghiệp trẻ biết áp dụng những kỹ năng mới về công nghệ số, tiếp thị trên các nền tảng dựa trên kỹ thuật số, khiến việc tìm kiếm thông tin nhanh hơn và nhiều hơn so với các phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp chưa chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, hoặc có một số doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm tốt nhưng không quen phương pháp tiếp cận thị trường và phương pháp tìm kiếm thông tin trên thị trường ấy.
Điều này buộc các doanh nghiệp phải thông qua các công ty trung gian, các công ty môi giới. Các công ty trung gian tuy có kỹ năng tiếp thị tốt nhưng không có nhiều công ty có kiến thức chuyên sâu về sản phẩm được yêu cầu môi giới, từ đó không gây được nhiều ấn tượng với khách hàng. Cùng với những khó khăn nhất định trong khâu thực hiện những thủ tục trung gian, các doanh nghiệp đã bỏ lỡ cơ hội của mình khi tiếp cận những đối tác tiềm năng, những nhà nhập khẩu sẵn sàng quan tâm đến sản phẩm Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không chú trọng vào việc liên tục cập nhật thông tin về đối tác của mình còn đang có khả năng hoạt động hay không. “Tôi đã từng chứng kiến doanh nghiệp Việt Nam vì không theo sát thay đổi của đối tác, xuyên suốt mười năm làm việc cùng tương đối thuận buồm xuôi gió nhưng không biết tình hình sức khỏe tài chính của bạn hàng Anh đã có thay đổi, vẫn tiếp tục hợp tác, tin tưởng, cho bạn hàng trả chậm, thậm chí cho giao hàng trước trả tiền sau mà không biết rằng đối tác mấy năm qua của mình đang sắp phá sản. Hay người giám đốc mình quen biết 10 năm qua đã bị mất chức mà vẫn tiếp tục làm như mọi khi, để tự đưa mình vào tình thế tổn thất rất lớn và rủi ro rất cao. Do đó, không nên coi nhẹ việc kiểm tra tình trạng tài chính của khách hàng, đối tác, kể cả khách hàng, đối tác truyền thống để không đưa mình vào những tình huống rủi ro và tổn thất lớn”, ông Nguyễn Cảnh Cường chia sẻ.
Để tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, kết nối với các khách hàng tiềm năng, đẩy mạnh xuất khẩu, doanh nghiệp Việt có thể có thể tìm kiếm thông tin từ Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh, cơ sở dữ liệu của Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu từ các nước đang phát triển của Bộ Ngoại giao Hà Lan hoặc tiếp cận được miễn phí các nguồn thông tin chi tiết sâu, các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp Anh ở trên trang thông tin của Vương quốc Anh (companieshouse.gov.uk), nơi các doanh nghiệp Anh đều phải thông qua để đăng ký kinh doanh.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu thông tin khi mới tham gia hoạt động xuất khẩu, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh đã soạn thảo những biểu mẫu để hướng dẫn các doanh nghiệp có thể chủ động tìm hiểu thông tin thị trường cơ bản trước khi hỏi Thương vụ. Điều này giúp Thương vụ vừa đánh giá được năng lực của doanh nghiệp Việt Nam, vừa có thể giúp cung cấp những thông tin chất lượng và đúng với yêu cầu, phù hợp với sản phẩm của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cuốn sách "Thị trường Anh: Những điều cần biết" do Đại sứ quán Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen xuất bản năm 2021 giúp doanh nghiệp nắm được nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của thị trường Anh và cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm Việt Nam, các kênh phân phối và phương thức phân phối tại Anh. Đồng thời nhận thức được các quy định cơ bản liên quan đến kinh doanh tại Vương quốc Anh, bao gồm: Phương thức đưa hàng hóa Việt Nam vào Vương quốc Anh; cách đóng nhãn mác, yêu cầu về chất lượng cho từng loại hàng nhất định; một số mặt hàng không được phép xuất khẩu; các quy định nhập khẩu hàng hóa…
Khi đã nắm được những thông tin cơ bản về thị trường, về những tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng cho sản phẩm, cùng với sự uy tín trong từng mặt hàng của mình, các doanh nghiệp Việt Nam có thể trả lời được tất cả các câu hỏi mà những đối tác tiềm năng đặt ra, tạo ấn tượng, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Anh, người tiêu dùng Anh. Từ đó, kết hợp những điều khoản về thuế quan trong UKVFTA, doanh nghiệp có thể cải thiện xuất khẩu sang Vương quốc Anh, tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại.
Bài: Ngọc Châm
Thiết kế: Bảo An