Tại một hội thảo về tiếp cận thị trường EU, khi biết người viết đến từ Tạp chí Công Thương, đại diện một doanh nghiệp xuất nhập khẩu hào hứng chia sẻ: “Bộ Công Thương gần đây có Cổng Thông tin về các FTA rất hay, thiết thực; chúng tôi thường vào đó để nắm lại những cam kết, quy định của Hiệp định EVFTA và những chính sách, yêu cầu mới của EU đối với hàng hóa nhập khẩu vì chúng tôi đang chú trọng khai thác thị trường này”.
Tương tự, tại nhiều sự kiện hội thảo, tọa đàm về hội nhập kinh tế, thị trường xuất nhập khẩu khác, rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và Sở Công Thương các địa phương đều đánh giá cao việc Bộ Công Thương đưa vào hoạt động Cổng Thông tin điện tử về các hiệp định thương mại tự do (Cổng FTAP), qua đó giúp cộng đồng doanh nghiệp, người dân tiếp cận thuận lợi hơn với nội dung các FTA mà Việt Nam đã kí kết cũng như những thông tin liên quan cần thiết.
Đặc biệt, bên cạnh nội dung trọng tâm và hệ thống về các Hiệp định FTA, các doanh nghiệp quan tâm và đánh giá cao những chuyên mục “hot”, rất hữu ích trên Cổng FTAP như: “Đào tạo trực tuyến”, “Ấn phẩm - Tài liệu”, “Cập nhật chính sách”…
Trao đổi tại Tọa đàm “Những kết quả từ FTAP: Địa phương, doanh nghiệp nhận được những lợi ích gì?” được tổ chức ngày 28/11/2024, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương - đơn vị chủ trì, vận hành Cổng FTAP cho biết: Mục tiêu chính của Cổng Thông tin về các hiệp định thương mại tự do (FTAP) là trở thành một nền tảng "tất cả trong một", nơi cung cấp mọi thông tin liên quan đến FTA dành cho doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý. Điểm khác biệt so với các cổng thông tin thông thường, Cổng FTAP tích hợp các công cụ tìm kiếm thông minh và hướng dẫn trực tuyến, hỗ trợ người dùng dễ dàng truy cập thông tin chi tiết.
Đơn cử, thông quan Cổng FTAP, doanh nghiệp có thể nhập mã HS của mặt hàng xuất khẩu và nhận được hướng dẫn chi tiết về thuế suất trong từng Hiệp định, như CPTPP, EVFTA, hoặc các FTA trong khuôn khổ ASEAN...
Đồng thời, Cổng FTAP cũng cung cấp thông tin về quy tắc xuất xứ, quy định nhập khẩu, quy định về an toàn thực phẩm và các yêu cầu liên quan đến thị trường mục tiêu. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể nhanh chóng nắm bắt thông tin đầy đủ mà không cần tìm kiếm ở nhiều nguồn khác nhau.
Ngoài ra, Cổng FTAP còn tổng hợp các văn bản pháp luật, cam kết của Việt Nam và các nước đối tác trong từng FTA, các chương trình xúc tiến thương mại, phòng vệ thương mại, cùng với số liệu thống kê về xuất khẩu, đầu tư. Cổng cũng kết nối với các hệ thống thông tin của cơ quan quản lý khác để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người sử dụng.
Từ khi ra mắt, Cổng FTAP đã ghi nhận gần 500.000 lượt truy cập, với trung bình 10.000 lượt truy cập mỗi tháng. Tuy nhiên, Bộ Công Thương kỳ vọng số lượng này sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn thông qua các hoạt động truyền thông và bổ sung thông tin mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý.
Với những giá trị vượt trội, FTAP được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ tin cậy, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các cơ hội từ FTA, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ông Ngô Chung Khanh cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh truyền thông qua báo chí và các phương tiện truyền thông khác, giúp nhiều doanh nghiệp biết đến Cổng FTAP hơn. Khi lượng người dùng tăng lên, Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ nhận được thêm nhiều phản hồi thực tế từ các doanh nghiệp, từ đó cải thiện Cổng Thông tin một cách toàn diện hơn. Bộ Công Thương cũng sẽ trực tiếp mời các hiệp hội doanh nghiệp trải nghiệm và góp ý, kết hợp với ý kiến từ các chuyên gia và người sử dụng để hoàn thiện hơn nữa.
“Mục tiêu của chúng tôi là biến FTAP thành công cụ hữu ích nhất, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong mọi ngành nghề tận dụng tối đa lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do”.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục có những chương trình phối hợp, hành động trong tổ chức triển khai, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức liên quan thụ hưởng những lợi ích thông tin từ Cổng FTAP.
Với định hướng đó, theo ông Ngô Chung Khanh, một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả truyền thông liên quan đến các hiệp định thương mại tự do (FTA) là sự phối hợp chặt chẽ từ cả hai phía: Cơ quan quản lý và đối tượng nhận thông tin.
Trước hết, phía cơ quan quản lý cần liên tục cải thiện nội dung và hình thức truyền thông. Thông tin phải được cập nhật chính xác, đầy đủ, dễ hiểu, và sát với nhu cầu thực tế của địa phương, doanh nghiệp. Hình thức truyền thông cũng cần đa dạng hóa, không chỉ gói gọn trong các văn bản mà còn cần sử dụng hình ảnh, video, clip ngắn, hoặc các câu chuyện tương tác để tạo sự gần gũi và hấp dẫn hơn. Điều này đòi hỏi các cơ quan phải nâng cao năng lực, tối ưu hóa chất lượng thông tin cung cấp.
Về phía doanh nghiệp và địa phương - những người tiếp nhận thông tin cũng cần có sự chủ động hơn. Việc tham gia các buổi tọa đàm, hội nghị hoặc hội thảo cần được thực hiện với tinh thần cầu thị, xác định rõ nhu cầu để thông tin được truyền tải đến đúng người, đúng việc. Khi cả hai phía phối hợp tốt, kết quả thu được sẽ rõ ràng hơn và mang lại hiệu quả thiết thực hơn.
Ngoài ra, những buổi tọa đàm, hội thảo mang tính tương tác sâu sắc cũng là cơ hội để các cơ quan quản lý lắng nghe và tiếp nhận ý kiến từ phía doanh nghiệp. Thực tế, những ý kiến đóng góp đa chiều thường giúp tạo ra nhiều sáng kiến có giá trị mà một cá nhân hay một cơ quan khó lòng nghĩ ra được. Khi ý kiến từ một nhóm nhỏ được triển khai và mở rộng, ví dụ từ 3 người đến 30 hay 300 người, cơ hội cải tiến sẽ tăng lên đáng kể.
Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục kêu gọi sự hợp tác từ các hiệp hội, địa phương, và doanh nghiệp nhằm lan tỏa thông tin về cổng thông tin FTA. Mục tiêu không chỉ là tăng mức độ nhận diện, mà còn lắng nghe các đề xuất, kiến nghị để cải thiện chất lượng và tính hiệu quả của Cổng Thông tin này.