Tuy gia tăng về khối lượng và kim ngạch, nhưng hàng hóa có thương hiệu Việt Nam xuất khẩu vào EU còn khá khiêm tốn, đến nay mới có khoảng 40 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại EU. Các mặt hàng gạo, cà phê, dệt may… của Việt Nam thuộc nhóm đầu xuất khẩu trên thế giới, song thường nhập khẩu vào EU dưới tên một nước hoặc nhãn hiệu khác khiến giá trị gia tăng bị giảm sút, ảnh hướng đến sức cạnh tranh tại thị trường.
Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP), Bộ Công Thương và Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, thông qua Hướng dẫn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU đã chia sẻ câu chuyện thực tế và kinh nghiệm đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý Việt Nam thành công tại EU của nước mắm Phú Quốc.
Nghề sản xuất nước mắm tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang được hình thành và phát triển từ hơn 200 năm nay. Từ xa xưa, người dân Phú Quốc đã biết khai thác các nguồn lợi tự nhiên như cá cơm, muối, gỗ quý làm thùng chượp cùng quy trình sản xuất đảm bảo để kết hợp tạo nên sản phẩm có chất lượng đặc thù.
“Phú Quốc” là tên gọi xuất xứ được đăng ký bảo hộ đầu tiên ở Việt Nam, ngày 01/6/2001. Sau đó, ngày 11/10/2012, “Phú Quốc” trở thành tên gọi xuất xứ đầu tiên của Việt Nam và ASEAN được đăng ký tại EU, có hiệu lực bảo hộ trên toàn lãnh thổ các quốc gia Thành viên EU từ ngày 31/10/2012.
Tuy nhiên, việc chuẩn bị đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý ở EU đòi hỏi cam kết mạnh mẽ của các nhà sản xuất, các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương và địa phương cũng như các đối tác khác như Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại đa biên giai đoạn III (MUTRAP III) và Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU.
Với sự hỗ trợ của các bên liên quan nêu trên, Hội nước mắm Phú Quốc đã chuẩn bị các tài liệu để đăng ký tên gọi xuất xứ tại Bỉ và EU gồm: (i) Bản tóm tắt; (ii) Bản mô tả sản phẩm; (iii) Bằng chứng rằng chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ ở nước xuất xứ bằng việc cung cấp bản sao quyết định đăng ký tên gọi xuất xứ tại Việt Nam.
Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại đa biên giai đoạn III (MUTRAP III) của EU đã hỗ trợ chuyên môn giúp Hội nước mắm Phú Quốc thực hiện các nghiên cứu và thiết lập các cơ chế phù hợp với quy định của EU, ví dụ, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, các hệ thống kiểm soát nội bộ và độc lập.
Năm 2009 và với sự hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ, Dự án MUTRAP III và Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, Hội nước mắm Phú Quốc đã hoàn thành đơn để nộp cho Ủy ban Châu Âu (EC).
Quá trình đăng ký ở EU kéo dài hơn 03 năm, do EC đưa ra một lượng câu hỏi đáng kể, nên cần phải cung cấp thêm các thông tin liên quan. Những câu hỏi đó chủ yếu tập trung vào bản mô tả sản phẩm, ví dụ: Xác định khu vực địa lý và khu vực mà các nhà sản xuất đánh bắt cá cơm được sử dụng làm nguồn nguyên liệu duy nhất, bản đồ của khu vực đó; Nguồn gốc của nguyên liệu, như thùng gỗ mà cá cơm được ủ chượp; Hệ thống truy xuất nguồn gốc và cách thức vận hành của hệ thống này; Việc kiểm soát từ bên ngoài bởi chính quyền địa phương, yêu cầu cung cấp các quy định liên quan cũng như thành phần và cơ cấu tổ chức của Ban kiểm soát...
Mỗi khi EU yêu cầu cung cấp thông tin, Hội nước mắm Phú Quốc có thời hạn là 01 tháng để trả lời - đây là khoảng thời gian mà họ phải chuẩn bị một cách kỹ lưỡng tất cả tài liệu cần thiết cho câu trả lời, với sự hỗ trợ thường xuyên của Dự án MUTRAP, Cục Sở hữu trí tuệ và Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU.
Những thuận lợi mà Hội nước mắm Phú Quốc có được trong quá trình chuẩn bị đơn là sự ủng hộ của chính quyền địa phương và các nhà sản xuất để chuẩn bị đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý tại EU; sự hỗ trợ kỹ thuật của Cục Sở hữu trí tuệ; sự tài trợ của Dự án MUTRAP; Quy trình sản xuất và sự quản lý nghiêm ngặt nhằm bảo đảm chất lượng và nguồn gốc sản phẩm theo quy định của EU (khu vực đánh bắt cá, nguồn nguyên liệu và khu vực sản xuất trên đảo); xây dựng được các tài liệu có tính thuyết phục cao.
Tuy nhiên, Hội nước mắm Phú Quốc cũng gặp phải một số khó khăn như: Thiếu kinh nghiệm trong việc chuẩn bị đơn và các tài liệu bổ trợ; phải chỉnh sửa các văn bản trả lời các câu hỏi của EC; phải giải thích, làm rõ hoặc thay thế một số từ ngữ địa phương khó hiểu trong tài liệu.
Tóm lại, toàn bộ thời gian của quá trình đăng ký, từ khi quyết định nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý tại EU cho đến khi nhận được Giấy chứng nhận bảo hộ tên gọi xuất xứ nước mắm Phú Quốc (số 928/2012) là rất dài (từ 2006 đến tháng 10/2012).
Con đường dài và đầy khó khăn, nhưng với các cơ sở khoa học và thông tin có trong bản mô tả sản phẩm, các tài liệu bổ trợ nhằm minh họa cho các số liệu và dữ liệu cụ thể, cũng như các tài liệu bổ sung nhằm xác thực chất lượng của sản phẩm, đã giúp nước mắm Phú Quốc được bảo hộ tên gọi xuất xứ tại EU.
Từ khi chỉ dẫn địa lý được đăng ký ở trong nước và ở EU, Hội nước mắm Phú Quốc đã ghi nhận những thuận lợi ban đầu cho các nhà sản xuất. Kết quả đầu tiên là thiết lập được hệ thống quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý; Nhận thức của các nhà sản xuất và người tiêu dùng được cải thiện rõ rệt; Các nhà sản xuất nước mắm ở Phú Quốc cam kết sản xuất và chế biến theo một quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Chỉ dẫn địa lý có tác động tích cực đến hoạt động du lịch của địa phương. Việc sử dụng trái phép cụm từ “Phú Quốc” trên nhãn sản phẩm hoặc bao bì đã giảm.
Tuy nhiên, chỉ dẫn địa lý được đăng ký không có nghĩa là đã hoàn thành mọi việc, mà ngược lại nó trở thành động lực để các nhà sản xuất nâng cao trách nhiệm và sự cam kết của các chủ thể liên quan.
Hiện tại, các nhà sản xuất nước mắm Phú Quốc còn gặp phải những khó khăn như: Chưa có chiến lược tiếp thị hoặc các hoạt động xúc tiến thương mại chuyên biệt để tăng cường quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng ở EU. Việc sử dụng trái phép tên gọi “Phú Quốc” vẫn diễn ra ở các nước mà chỉ dẫn địa lý chưa được đăng ký, như Thái Lan, Trung Quốc...
Mặc dù vậy, việc đăng ký tên gọi xuất xứ đầu tiên ở EU bởi một nước ngoài EU cũng như chỉ dẫn địa lý đầu tiên của một nước ASEAN là một bước quan trọng đối với sự phát triển của một sản phẩm độc đáo, được sản xuất bằng phương pháp truyền thống và có chất lượng đặc biệt do các điều kiện về nguồn gốc mang lại so với các sản phẩm tương tự, đồng thời cũng là một ví dụ có giá trị cho các nhà sản xuất khác đang có nhu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tại EU.
Các vấn đề quan trọng cần lưu ý trước khi quyết định nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý tại EU từ một nước ngoài EU
Đăng ký chỉ dẫn địa lý ở EU đòi hỏi một quá trình lâu dài và cần có sự cam kết mạnh mẽ của các chủ thể liên quan. Do đó, cần phải xem xét kỹ lưỡng một số vấn đề trước khi quyết định bắt đầu quá trình đăng ký chỉ dẫn địa lý ở EU, cụ thể:
• Khả năng xuất khẩu: Nếu sản phẩm chưa xuất khẩu vào EU thì cần bảo đảm rằng có thể được phép bán ở thị trường EU theo các quy định tương ứng của EU (vệ sinh thực phẩm, điều kiện xuất khẩu...).
• Tiếp cận thị trường: Phân tích xem sản phẩm dự định đăng ký đã được thương mại hóa ở thị trường EU hay chưa hoặc ít nhất là có khả năng thương mại hóa thực sự ở thị trường EU hay không, và nếu có thì cần đánh giá khả năng chấp nhận sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó của thị trường.
• Chiến lược tiếp thị: Cần xây dựng chiến lược tiếp thị nhằm bảo vệ và đưa sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý vào thị trường EU, phối hợp với các tổ chức tư nhân để đảm bảo sự quảng bá đầy đủ và bảo vệ danh tiếng của chỉ dẫn địa lý ở EU.
• Các rào cản: Cần đánh giá những trở ngại có thể phát sinh khi tiến hành đăng ký, như nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đã được bảo hộ trước ở EU, tính hợp lệ của tên gọi sản phẩm, các đối thủ cạnh tranh tiềm năng sản xuất sản phẩm tương tự, v.v. Các vấn đề này có thể dẫn đến việc phản đối đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý, và điều quan trọng là phải chuẩn bị phản hồi lời một cách đầy đủ và hợp lý.
• Chi phí và lợi ích: Phải ước tính chi phí và lợi ích cho toàn bộ quá trình đăng ký và chuẩn bị nguồn lực để trang trải những chi phí đó, cũng như để trang trải cho chi phí giám sát trong tương lai đối với sản phẩm tại thị trường EU.
• Tính bền vững: Sau khi xây dựng chiến lược tiếp thị và ước tính các chi phí và lợi ích (quản lý, kiểm soát, đăng ký và giám sát sau đăng ký chỉ dẫn địa lý), cần bảo đảm rằng cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý có thể duy trì chỉ dẫn địa lý lâu dài, dù có hay không sự hỗ trợ tạm thời của các đối tác bên ngoài tại những thời điểm nhất định.
Chỉ khi các vấn đề trên được xem xét kỹ lưỡng và người nộp đơn kết luận rằng việc đăng ký chỉ dẫn địa lý là cần thiết và đáng làm thì đó sẽ là thời điểm để bắt đầu chuẩn bị đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý tại EU.
(Nguồn: MUTRAP và Cục Sở hữu trí tuệ, Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU: Hướng dẫn dành cho người nộp đơn từ nước ngoài EU)