[eMagazine] Đáp ứng quy định an toàn thực phẩm của EU: Kinh nghiệm của doanh nghiệp
20/08/2024 lúc 16:30 (GMT)

[eMagazine] Đáp ứng quy định an toàn thực phẩm của EU: Kinh nghiệm của doanh nghiệp

 

Với Hiệp định EVFTA, hàng rào thuế quan trở nên “dễ thở” hơn rất nhiều đối với hàng hóa Việt Nam khi thâm nhập thị trường EU. Tuy nhiên, để đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật, nhất là quy định an toàn thực phẩm của thị trường này không phải dễ.

 

an toàn thực phẩm

Cảnh báo

AN TOÀN THỰC PHẨM TỪ EU GIA TĂNG

Thông tin tại Hội nghị tăng cường thực thi các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) trong Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP tổ chức vừa qua tại TP. HCM, TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024 các Thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã ban hành 551 thông báo và thông báo dự thảo biện pháp SPS, ít hơn con số 566 thông báo của 6 tháng đầu năm 2023.

Trong đó, các quốc gia/khu vực là đối tác thương mại xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thực phẩm chính của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các quốc gia thuộc khối ASEAN... đã ban hành 335 thông báo (chiếm 61%).

 

Trong nửa đầu năm 2024, hệ thống RASFF (Hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm và thức ăn) ghi nhận tổng cộng 2.708 cảnh báo, trong đó Việt Nam chiếm 57 cảnh báo, tương đương 2,1%. Mặc dù tỉ lệ này nằm ở mức trung bình so với các quốc gia trong khu vực, nhưng nếu so với khi Việt Nam chỉ nhận 67 cảnh báo từ EU trong cả năm 2023, thì cho thấy sự gia tăng đáng kể.

(Nguồn: Văn phòng SPS Việt Nam)

 

Liên minh châu Âu (EU) là khu vực thị trường đứng đầu với số lượng cảnh báo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật với nông sản tăng bất thường gần 20%, nhiều nhất trong các đối tác thương mại nông sản của Việt Nam.

Việt Nam nhận 57 cảnh báo liên quan tới quy định SPS từ EU trong nửa đầu năm nay, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 31 cảnh báo, tăng hơn 80%. Trong số này, TP.HCM chiếm nhiều nhất, với 23 cảnh báo.

Các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản bị EU cảnh báo của Việt Nam thời gian qua bao gồm: Rau, quả, gia vị và sản phẩm có nguồn gốc thực vật: Thanh long, ớt, quế, đậu bắp, chôm chôm,…; Sản phẩm thủy sản: cá, mực, tôm, ếch, ngao…; Sản phẩm chế biến khác: Tinh dầu húng quế, mứt dừa, bánh phở…

Việc EU tăng số lượng cảnh báo khiến tần suất kiểm tra biên giới của nông sản, thực phẩm tăng. Hiện Việt Nam còn 4 mặt hàng phải chịu, với tần suất thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%), sầu riêng (10%).

cảnh báo

Nguyên nhân khách quan là xu thế các quốc gia/vùng lãnh thổ gia tăng các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) đối với nông sản thực phẩm nhập khẩu; xu thế sử dụng các sản phẩm an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, sản phẩm khai thác hợp lý, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm giảm phát thải, sản phẩm dựa trên giá trị, sản phẩm xanh...

Đối với nguyên nhân chủ quan trong nước cũng có nhiều yếu tố như: Nhiều nhà sản xuất, xuất khẩu chưa tuân thủ đúng các quy định của nhà nhập khẩu vì mức MRL (mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép) đối với mỗi hoạt chất của mỗi nước là khác nhau.

 

 
ông ngô xuân nam

 

EU không quy định về khối lượng hàng, nên đôi khi chỉ có vài chục ký ớt xuất sang cũng bị kiểm tra và cảnh báo vi phạm. Với nhóm hàng bị cảnh báo ở mức độ cao, nếu không có giải pháp kịp thời chấn chỉnh, cải thiện có thể sẽ bị EU không cho nhập vào”, ông Ngô Xuân Nam cảnh báo và cho rằng nguyên nhân gia tăng bất thường số lượng cảnh báo SPS có cả lý do chủ quan lẫn khách quan.

 TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam

Việc này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu chuyên sâu và am hiểu khoa học, kỹ thuật. Ngoài ra, theo thói quen từ trước, người sản xuất ở một số nơi còn chưa có biện pháp, kế hoạch sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh… không đúng hướng dẫn. Việc kiểm soát sinh vật gây hại, kiểm soát các nguồn tác động chưa đạt yêu cầu.

Với các cơ sở đóng gói/sơ chế/chế biến, quy trình đóng gói/sơ chế/chế biến, kiểm tra nguyên liệu đầu vào, tuân thủ quy trình HACCP; tuân thủ các biện pháp SPS về phụ gia thực phẩm, an toàn thực phẩm vẫn còn tồn tại, hạn chế….

chế biến
nông sản

 Kinh nghiệm đáp ứng

CỦA DOANH NGHIỆP

Chia sẻ tại Hội nghị phổ biến các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) tổ chức gần đây tại Phú Yên, ông Phạm Trung Thành, Trưởng Ban Đối ngoại Công ty CP Acecook Việt Nam đã trao đổi về cơ hội và lợi ích khi đáp ứng được yêu cầu thị trường EU.

Theo ông Phạm Trung Thành, việc EU bỏ kiểm soát đối với sản phẩm mỳ ăn liền của Việt Nam là một thông tin cực kỳ tốt cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mì ăn liền của Việt Nam cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu khác vào thị trường EU.

 

 
ông phạm thành trung

"Việc EU đưa sản phẩm mỳ ăn liền của Việt Nam ra khỏi danh mục kiểm soát cho thấy nỗ lực của các nhà sản xuất Việt Nam trong kiểm soát, đảm bảo chất lượng sản phẩm; quá trình đồng hành, hướng dẫn sát sao, hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước khi đã kịp thời cập nhật thông tin từ phía các nhà nhập khẩu, hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hiện đúng và đầy đủ các quy định đó. Điều này cũng khẳng định niềm tin đối với các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại EU về chất lượng sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam sau một thời gian giám sát và đánh giá chất lượng trước khi xuất khẩu", ông Thành chia sẻ.

Ông Phạm Trung Thành, Trưởng Ban Đối ngoại Công ty CP Acecook Việt Nam

 

acecook

Từ kinh nghiệm của Acecook Việt Nam, ông Thành cho rằng, để đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu của EU phải bám sát yêu cầu thị trường, bởi khi tham gia EVFTA các hàng rào thuế quan gần như không còn nhưng chúng ta phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật hàng ngày. Do đó, doanh nghiệp phải hiểu đúng, hiểu rõ các quy định thị trường và để thực hiện được cần phải có sự đồng hành, phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước vì với thị trường EU chỉ cần một lỗi nhỏ của một doanh nghiệp cũng khiến cả ngành hàng đối mặt với nhiều khó khăn.

Thời gian qua, Công ty CP Acecook Việt Nam luôn cố gắng duy trì các biện pháp kiểm soát chặt chẽ cho từng nhóm nguyên liệu đầu vào thông qua đánh giá rủi ro. Toàn bộ quá trình sản xuất được áp dụng các công cụ quản lý an toàn thực phẩm hiện đại dựa theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế. Do đó, thành phẩm được kiểm tra đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn trước khi xuất hàng.

Ngoài ra, doanh ngiệp cũng đang đồng hành và nâng cao năng lực quản lý chất lượng của các đối tác cung ứng các nguyên vật liệu đầu vào. Đối với doanh nghiệp, đây là khâu rất quan trọng, vì đây là điểm bắt đầu của chuỗi cung ứng. Khi nguyên liệu an toàn thì chất lượng sản phẩm cuối cùng mới được đảm bảo.

Tuy nhiên trên thực tế, không phải nhà sản xuất, xuất khẩu nào cũng kịp thời thích nghi và đáp ứng được với những yêu cầu, quy định khắt khe về an toàn thực phẩm của EU.

Đơn cử, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết ngành hàng gặp một số khó khăn trong vấn đề kiểm soát chất lượng. Cụ thể, 3 nhóm chỉ tiêu các nước nhập khẩu đưa ra về dư lượng, vi sinh vật và kim loại nặng, thì hiện nay vấn đề dư lượng và vi sinh vật được cải thiện tốt, nhưng kim loại nặng vẫn còn gặp phải, điển hình là chất cadimi có trong quế.

Bên cạnh đó, khi tiếp nhận vấn đề cảnh báo chất lượng hàng xuất khẩu từ các nước, doanh nghiệp cũng còn lúng túng trong việc báo cáo, trao đổi thông tin để khắc phục, đáp ứng, do đó nhiều đề nghị nhiều doanh nghiệp đề nghị cần có thêm các quy chế, cơ chế phối hợp để thông tin nhằm kịp xử lý, hỗ trợ giúp doanh nghiệp.

Chưa kể, một số chuyên gia cho rằng tình trạng ghép nhiều mặt hàng để đủ container xuất khẩu, lấy hàng từ nguồn cung nhỏ lẻ khiến các doanh nghiệp Việt Nam đang rất dễ vướng quy định về nguồn gốc, an toàn thực phẩm ở những thị trường khó tính như EU…


hồ tiêu
quế

Theo ông Ngô Xuân Nam, bài học kinh nghiệm ở đây là sự phối hợp hiệu quả, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của thị trường EU.

Ông Nam thông tin thêm, hiện nay, EU chia sản phẩm nông sản thực phẩm nhập khẩu thành 2 loại, ít rủi ro và rủi ro cao. Trong đó, những sản phẩm ít rủi ro, thông qua các đánh giá của phía bạn, sẽ không yêu cầu kiểm soát tại cửa khẩu một cách hệ thống. Ngược lại, sản phẩm rủi ro cao sẽ cần nhiều biện pháp kiểm soát. "Chi tiết quy định đối với từng sản phẩm, nhà xuất khẩu nên tham khảo chính thức các cơ quan có thẩm quyền hoặc Văn phòng SPS Việt Nam để được hướng dẫn", ông Nam khuyến nghị.

sầu riêng

Như vậy, có thể thấy để giảm thiểu tình trạng bị cảnh báo và đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm của thị trường EU và các thị trường nhập khẩu nói chung, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong quá trình sản xuất; nghiên cứu kỹ các quy định của thị trường; thường xuyên cập nhật biện pháp về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh (SPS) của thị trường nhập khẩu; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn: HACCP, BRC, ISO22000…

Bên cạnh việc thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo nguyên liệu đưa vào đóng gói/sơ chế/chế biến/xuất khẩu có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu; các doanh nghiệp cần thúc đẩy xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất với vùng nguyên liệu và đồng kiểm soát vùng nguyên liệu; tham gia các hiệp hội ngành hàng để kịp thời trao đổi thông tin cảnh báo, xu hướng yêu cầu, quy định mới của thị trường nhập khẩu và kết nối các cơ hội kinh doanh.

 

          

Bài: Hoàng Phương
Ảnh: Team Media
Thiết kế: An Vũ

          

 


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí