Theo Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 trong Quyết định số 1125/QĐ-UBND ngày 30/7/2021, Quảng Ngãi sẽ xây dựng và phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa tỉnh Quảng Ngãi, với sản phẩm CNHT có khả năng cạnh tranh cao; ưu tiên đầu tư thực hiện các chính sách khuyến khích nhằm nâng cao năng lực sản xuất, tạo nền tảng để phát triển mạnh CNHT trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; từng bước đáp ứng nhu cầu về nguyên, phụ liệu cho sản xuất tại địa phương và ngoài tỉnh cả về số lượng lẫn chất lượng.
Mục tiêu đến năm 2030, phát triển tỉnh Quảng Ngãi trở thành một trung tâm phát triển CNHT (về một số chủng loại sản phẩm) cho cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi cho biết, theo đề án, tỉnh Quảng Ngãi ưu tiên lựa chọn phát triển 05 lĩnh vực, nhóm sản phẩm CNHT, gồm: cơ khí – chế tạo; lọc – hóa dầu; dệt may – da giày; chế biến thực phẩm, chế biến gỗ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể:
Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo: Các sản phẩm cơ khí cơ bản: que hàn, bu lông, đai ốc, các loại vòng bi, bánh răng, khớp nối, chi tiết máy tiêu chuẩn. Các sản phẩm vỏ container, thép dẹt cán mỏng; cán kéo rút nguội lắm thép sợi, thép lưới, thép sợi bố; tanh lốp ô tô; tôn mạ màu, mạ kẽm, mạ lạnh; sản xuất ống hàn thép đen, ống mạ kẽm nhúng nóng, ống hàn xoắn cỡ lớn; thép cho ngành cầu đường, công nghiệp ô - tô, kết cấu thép,... phục vụ cơ khí chế tạo. Linh kiện động cơ và máy động lực các loại: tập trung vào các chi tiết 5C của động cơ (thân máy, quy lát, trục khuỷu, trục cam, thanh truyền); ưu tiên các linh kiện công nghệ cao như vòi phun cao áp, động cơ đa hệ nhiên liệu. Sản xuất khuôn mẫu: khuôn dập, khuôn đúc, khuôn ép nhựa; đồ gá gia công, đồ gá kiểm tra. Dụng cụ đo lường, kiểm tra dùng trong cơ khí: thước đo, máy đo 3 chiều, máy phân tích thành phần kim loại, máy siêu âm mối hàn. Thiết bị tự động, quan trắc tự động. Linh kiện và phụ tùng máy gia công cơ khí, máy hàn, máy động lực, máy nông nghiệp, đóng tàu.
Công nghiệp hỗ trợ ngành lọc, hóa dầu: Dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa phục vụ cho công nghiệp lọc hóa dầu. Vật tư tiêu hao, hóa phẩm, phụ gia, xúc tác phục vụ cho công nghiệp lọc hóa dầu. Vật tư, thiết bị, phụ tùng phục vụ cho công nghiệp lọc hóa dầu. Dịch vụ khoan và dung dịch khoan, dịch vụ khảo sát ngầm, dịch vụ vận tải dầu thô - dầu sản phẩm, dịch vụ nhập khẩu ủy thác, dịch vụ tài chính, bảo hiểm...
Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày: Sợi dệt kim, sợi dệt thoi; sợi polyester có độ bền cao, sợi spandex, nilon có độ bền cao. Vải: Vải kỹ thuật, vải không dệt, vải dệt kim, vải dệt thoi. Chỉ may, cúc, mex, khóa kéo, bằng chun. Đế giày, mũi giày, dây giày, chỉ may giày. Keo dán giày, phụ liệu trang trí như khóa, khoen, móc... Các loại thuốc nhuộm, sơn, mực in, nguyên liệu từ công nghiệp hóa dầu. Ngành công nghiệp liên quan in ấn, nhãn mác và đóng gói bao bì nhẹ: giấy, hộp carton, in ấn,...
Công nghiệp hỗ trợ ngành chế biến thực phẩm, chế biến gỗ: Các sản phẩm trung gian cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, như: hương liệu, bột trứng, kem, sữa, chất ổn định màu, phụ gia... Các loại vật liệu và phụ tùng sử dụng trong ngành công nghiệp chế biến gỗ, như: các loại keo gắn gỗ, các loại sơn phủ bề mặt, các loại phụ kiện như đinh vít, ke, bản lề, ốc vít... Các dây chuyền sản xuất, trang thiết bị, bao bì phục vụ sản xuất ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, chế biến gỗ.
Công nghiệp hỗ trợ ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Khuôn ép nhựa phục vụ sản xuất máy móc thiết bị cho ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Sản xuất nhà kính, màng nilon làm nhà kính, lưới chắn côn trùng làm nhà lưới, lưới giàn leo chuyên dùng. Thiết bị tưới nhỏ giọt, thiết bị tưới phun mưa, vòi phun, vòi tưới nông nghiệp. Thiết bị đo mật độ diệp lục, thiết bị đo diện tích lá, thiết bị đo hàm lượng oxy trong đất, thiết bị đo độ ẩm đất, thiết bị theo dõi sự phát triển của rễ cây, thiết bị đo khả năng quang hợp.
Về nhiệm vụ và giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Quảng Ngãi sẽ lựa chọn mô hình phát triển. Xây dựng khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp chuyên sâu, hình thành các cụm liên kết sản xuất phục vụ thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. Đẩy mạnh thu hút đầu tư. Xây dựng cơ chế liên kết phát triển giữa tỉnh Quảng Ngãi và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Giải pháp về bảo vệ môi trường. Giải pháp về tín dụng, đầu tư. Giải pháp về cung cấp dịch vụ hành chính công.
Tỉnh Quảng Ngãi sẽ lựa chọn phát triển công nghiệp hỗ trợ, theo mô hình chiến lược hỗn hợp, có sự kết hợp giữa chiến lược kéo và chiến lược đẩy; trong đó thiên về chiến lược kéo.
Chiến lược kéo: Sử dụng các chính sách khuyến khích (thậm chí ràng buộc) để các doanh nghiệp lớn liên kết, phối hợp với các nhà cung cấp trong nước, tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh và có lợi cho các nhà cung cấp. Một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh có thể được lựa chọn để hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam, Công ty CP Đường Quảng Ngãi, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty CP Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi, Công ty TNHH hệ thống điện GE Việt Nam (Dung Quất),...
Chiến lược đẩy: Có các chính sách khuyến khích, nâng đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, như các ưu đãi về đất đai, thuế, đào tạo nhân lực, thông tin... cho phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn lại và các loại vật tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (phục vụ cho thị trường các tỉnh Tây Nguyên.
Kinh phí thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 là từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách nhà nước cấp, dự toán kinh phí dự kiến là 11,442 tỷ đồng (cụ thể: năm 2022: 3 tỷ 644,500 triệu đồng, năm 2023: 2,665 tỷ đồng, năm 2024: 2,675tỷ đồng, năm 2025: 2 tỷ 457,5 triệu đồng).
Trên cơ sở Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi thông tin, ngày 20 tháng 6 năm 2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 554/QĐ-UBND về hướng dẫn quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi.
Theo quy định, UBND tỉnh chỉ đạo chung việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; phê duyệt đề án thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi theo từng giai đoạn và hàng năm, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đề án.
Sở Công Thương là cơ quan quản lý đề án, chủ trì tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng, tổ chức quản lý và triển khai thực hiện đề án theo từng giai đoạn và hàng năm.
Về nguyên tắc xây dựng nội dung đề án, phải phù hợp với mục tiêu, định hướng các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ theo từng giai đoạn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; đáp ứng nhu cầu thực tế trong phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; đặc biệt đảm bảo tính khả thi về phương thức, thời gian, tiến độ triển khai, nguồn nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất kỹ thuật.
Hồ sơ đề án bao gồm: Đơn đăng ký chủ trì thực hiện đề án; bản sao Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương của đơn vị đăng ký chủ trì thực hiện đề án; báo cáo tóm tắt hoạt động của đơn vị đăng ký chủ trì thực hiện đề án; dự toán chi tiết kinh phí thực hiện đề án; thuyết minh đề án,…
Trước ngày 28 tháng 02 của năm trước năm kế hoạch, Sở Công Thương có văn bản thông báo cho các tổ chức có liên quan về việc đăng ký tham gia Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cho năm kế hoạch; đồng thời đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở Công Thương.
Kết thúc thời hạn nhận hồ sơ đề án, Sở Công Thương kiểm tra, tổng hợp các đề án phù hợp với quy định và trình thẩm định. Chủ tịch Hội đồng thẩm định quyết định triệu tập Hội đồng thẩm định để thẩm định các đề án, tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh xem xét, phê duyệt đề án thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi hàng năm.
Về nội dung thẩm định gồm: mức độ phù hợp của đề án với các nguyên tắc xây dựng đề án; mục tiêu, sự cần thiết và hiệu quả của đề án; tính hợp lý về sử dụng kinh phí, nguồn lực và cơ sở vật chất, kỹ thuật khác; năng lực của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện và đơn vị thụ hưởng đề án; sự phù hợp và đầy đủ của hồ sơ, tài liệu kèm theo của đề án.
Trên cơ sở các đề án đã được thẩm định, Sở Công Thương tổng hợp dự toán kinh phí vào dự toán ngân sách chung của Sở Công Thương, gửi Sở Tài chính để tổng hợp vào dự toán ngân sách địa phương, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định hiện hành.
UBND tỉnh phê duyệt đề án thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ hàng năm. Căn cứ dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao hàng năm và theo mức độ ưu tiên thực hiện các đề án đã được HĐTĐ thông qua, Giám đốc Sở Công Thương cân đối, bố trí kinh phí cụ thể cho từng đề án, thông báo công khai cho các đơn vị đăng ký chủ trì để chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ đề án cho phù hợp với mức kinh phí được hỗ trợ,…
Ngoài ra, quy định cụ thể việc triển khai thực hiện đề án; hồ sơ nghiệm thu đề án và nghiệm thu đề án và thanh lý hợp đồng thực hiện đề án thuộc Chương trình.
Tại Hội nghị Quảng Ngãi gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh vừa được tổ chức mới đây (3/10/2024), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang cho biết, Quảng Ngãi có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế biển, nhất là các ngành công nghiệp nặng gắn với cảng biển nước sâu Dung Quất.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, phát triển công nghiệp được tỉnh xác định là nhiệm vụ đột phá. Tỉnh đã tập trung quy hoạch và phát triển các KKT, KCN, trong đó, nổi bật nhất là KKT Dung Quất với diện tích quy hoạch hơn 45.000 ha - là một trong 5 KKT ven biển có nhiều tiềm năng lợi thế được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và có chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam. Tương lai nơi đây sẽ hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia.
Đến nay, Quảng Ngãi đã thu hút 639 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 400.000 tỷ đồng, và 73 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,3 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời từ nhiều nguồn lực, Quảng Ngãi đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá khu vực tỉnh bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.
Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, phát triển hài hòa 03 trụ cột “Kinh tế - Xã hội - Môi trường”. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, tỉnh mong muốn tạo ra một không gian mở để các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể giao lưu, trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Tỉnh cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư thông qua việc đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Với những tiềm năng và triển vọng của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi mong rằng, trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi để khảo sát thực tế, tìm hiểu sâu hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh, để tận mắt thấy được hình ảnh của Quảng Ngãi - một tỉnh thuộc vùng Duyên hải miền Trung đã và đang có những khát vọng để phát triển. Chọn Quảng Ngãi là điểm đến lý tưởng để cùng gặt hái những thành công trong tương lai.
Quảng Ngãi luôn rộng mở chào đón, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu môi trường đầu tư vào các lĩnh vực: Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; công nghiệp công nghệ cao, chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, logistics, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động; công nghiệp bán dẫn; y tế, môi trường, du lịch; hạ tầng đô thị, dịch vụ, thương mại.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang khẳng định: “Chúng tôi cam kết, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ được tạo mọi thuận lợi để thực hiện dự án thành công và phát triển bền vững. Với tâm huyết và trách nhiệm vì sự phát triển bền vững của Quảng Ngãi, chúng tôi trân trọng kính mời quý doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với tỉnh để biến ý tưởng đầu tư thành hiện thực tại tỉnh”.
Nội dung và thiết kế: Hạ Vĩ