[Emagazine] Giải quyết thách thức, tối đa hóa lợi ích từ EVFTA
12/09/2024 lúc 16:00 (GMT)

[Emagazine] Giải quyết thách thức, tối đa hóa lợi ích từ EVFTA

 

Trong số những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia thì Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) là Hiệp định đem lại kết quả tích cực nhất.

thương mại EU

Những cam kết tiến bộ, toàn diện của EVFTA với lộ trình gần như xóa bỏ tất cả các loại thuế quan, giảm rào cản pháp lý và cắt giảm thủ tục hành chính đã thúc đẩy tăng cường thương mại và đầu tư song phương.

Trong thương mại, kể từ khi thực hiện EVFTA, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước láng giềng trong hoạt động xuất, nhập khẩu với thị trường EU những năm gần đây tăng lên đáng kể. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ), thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan-Trung Quốc) của Việt Nam.

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, Hiệp định EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ euro năm 2019 lên hơn 48 tỷ euro năm 2023. Sự tăng trưởng này đặc biệt rõ rệt trong các ngành, lĩnh vực như: điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong khu vực EU là Hà Lan, Đức, Italia, Bỉ, Pháp…

Trong khi đó theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với các nước EU ước đạt 72,3 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 53,3 tỷ USD và nhập khẩu đạt gần 19 tỷ USD.Thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường EU năm 2023 đạt 34,3 tỷ USD.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng tích cực. Tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng 7,85% so với tháng 5/2024 và tăng 19,54% so với tháng 6/2023, đạt trên 4,28 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt trên 24,69 tỷ USD, tăng 15,37% so với cùng kỳ năm 2023

Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sang đa số các thị trường chủ lực trong khối EU đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hà Lan đạt trên 6,14 tỷ USD, chiếm 24,88% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang EU, tăng 27,12% so với cùng kỳ năm 2023. Đứng thứ 2 là thị trường Đức đạt gần 3,82 tỷ USD, chiếm 15,46%, tăng nhẹ 3,27%. Thị trường Italia đạt gần 2,53 tỷ USD, chiếm 10,23%, tăng 9,23%. Xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha đạt gần 1,97 tỷ USD, chiếm 7,96%, tăng 20,68% so với 6 tháng năm 2023.

det may
thuy san
điện tử
nông sản

Ở chiều ngược lại, việc thực hiện Hiệp định EVFTA cũng góp phần thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa từ EU vào Việt Nam thời gian qua. Theo số liệu của EuroCham, xuất khẩu của EU sang Việt Nam đã tăng từ 11 tỷ Euro năm 2019 lên 11,4 tỷ Euro trong năm 2023.

Nhờ ưu đãi thuế giảm theo lộ trình đến 0% theo cam kết của Hiệp định EVFTA, nhiều mặt hàng nhập khẩu như máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu… từ châu Âu giảm theo lộ trình giúp cho các doanh nghiệp trong nước tận dụng được nguồn đầu vào chất lượng, qua đó nâng cao năng suất và tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Cùng với đó, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng và chất lượng cao từ châu Âu như rau củ quả, sữa và ngũ cốc… với giá thành hợp lý hơn.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ EU đạt trên 7,69 tỷ USD, tăng 7,71% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhập khẩu từ đa số các thị trường chủ lực trong khối EU trong 6 tháng đầu năm vào Việt Nam đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Ireland đạt gần 1,78 tỷ USD, chiếm 23,08% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ EU, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đứng thứ 2 là thị trường Đức đạt trên 1,75 tỷ USD, chiếm 22,79%, giảm nhẹ 0,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp đến thị trường Pháp đạt 882,82 triệu USD, chiếm 11,47%, tăng 11,63%; nhập khẩu từ thị trường Italia đạt gần 883 triệu USD, chiếm 11,48%, tăng 10,28% so với 6 tháng đầu năm 2023.

đầu tư EU

Một trong những điểm sáng được đánh giá cao chính là quá trình Việt Nam đã chủ động cải cách thể chế để có thể tạo được môi trường kinh doanh mang tính minh bạch, thuận lợi hơn, và từ đó có thể thu hút vốn đầu tư của nước ngoài, trong đó có vốn đầu tư từ các nước EU.

Ông Lương Hoàng Thái,

Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương

Bên cạnh đó, thông qua việc thiết lập Hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, các doanh nghiệp Việt Nam được kết nối về chuỗi cung ứng và chuỗi cung ứng này chỉ có thể được hình thành nếu như có sự đầu tư mạnh mẽ từ EU vào Việt Nam.

Đến nay các nước thành viên EU đã đầu tư vào Việt Nam 28 tỷ Euro thông qua 2.450 dự án, đứng thứ 6 trong số các nhà đầu tư, cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp EU vào môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đáng chú ý, các nhà đầu tư EU đã bổ sung 800 triệu Euro vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2023 và đi ngược lại xu hướng FDI giảm trên toàn cầu.

Con số này được kỳ vọng sẽ còn gia tăng hơn nữa khi Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) hoàn tất phê chuẩn và đưa vào thực thi, đem lại lợi ích hơn nữa cho mối quan hệ giữa Việt Nam và EU.

Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhân dịp 4 năm Hiệp định có hiệu lực cho thấy EVFTA đã mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp châu Âu tại thị trường Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy, 2/3 số người tham gia khảo sát cho rằng, họ đã nhận được lợi ích, tuy nhiên ở những mức độ khác nhau. Đáng chú ý, 27% công ty - tăng đáng kể so với 18% vào năm 2023 – cho biết đang nhận được những lợi ích từ mức độ vừa đến rất lớn; trong khi 1/4 khác, giảm so với 31% vào năm 2023, vẫn chưa thấy bất kỳ lợi ích hữu hình nào.

Bất chấp sự chênh lệch này, các thành viên EuroCham cho rằng việc giảm thuế quan, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường là những lợi ích chính khi đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do EVFTA cũng hỗ trợ các doanh nghiệp châu Âu khi đầu tư tại Việt Nam về chuỗi cung ứng, cải thiện tính minh bạch trong kinh doanh và khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn.

lợi ích EVFTA
(Nguồn: Khảo sát của EuroCham, 7/2024)
Hiệp định EVFTA

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của EuroCham quý II/2024 do Decision Lab thực hiện cho thấy vẫn còn một số trở ngại mà các doanh nghiệp châu Âu phải đối mặt trong việc tận dụng đầy đủ EVFTA, bao gồm các yêu cầu pháp lý phức tạp và việc chính quyền địa phương chưa công nhận các tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, việc các bên liên quan không hiểu rõ Hiệp định EVFTA, cùng vấn đề về định giá hải quan, thủ tục thông quan, rào cản kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực chứng nhận và thử nghiệm sản phẩm cũng là những rào cản đáng kể trong hoạt động thương mại.

Hiệp định EVFTA
Các doanh nghiệp châu Âu đánh giá những lợi thế từ việc thực hiện Hiệp định EVFTA. (Nguồn: Khảo sát của EuroCham, 7/2024)

EVFTA chắc chắn đã tạo ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam”, ông Dominik Meichle, Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho biết. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng mặc dù đã đạt được tiến triển, nhưng vẫn còn nhiều thách thức.

Khi bước vào năm thứ 5 của Hiệp định, điều quan trọng là phải tiếp tục làm việc để đơn giản hóa các thủ tục, thống nhất các tiêu chuẩn và đảm bảo mọi người đều hiểu cách thức hoạt động và khai thác hiệu quả EVFTA hơn nữa.

Mặt khác, sau 4 năm đầu được đánh giá là thành công, bước sang năm thứ 5 thực thi, cùng với các cam kết khắt khe của EVFTA, rất nhiều các đạo luật, quy định liên quan đến tiêu chuẩn xanh như: Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới; chống biến đổi khí hậu, Luật thẩm định chuỗi cung ứng; chống đánh bắt bất hợp pháp và không khai báo trong thủy, hải sản; chống phá rừng… đã được EU ban hành và áp dụng cho nhiều loại sản phẩm, ngành hàng. Đây được đánh giá vừa là thách thức song cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

          
Thue Quist

Mặc dù EVFTA là một công cụ mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế, nhưng thành công của nó phụ thuộc vào những nỗ lực liên tục nhằm giải quyết những khó khăn về quy định, rào cản kỹ thuật và khoảng cách nhận thức. Một cách tiếp cận có mục tiêu để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc điều hướng những thách thức này là rất quan trọng.

Ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành của Decision Lab

          

Một mặt là rào cản, nhưng mặt khác, nếu như đáp ứng được những tiêu chuẩn này, đó cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam vươn lên, có lợi thế cạnh tranh so với những đối thủ cạnh tranh khác chưa đáp ứng quy định này tại thị trường EU.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, các Bộ, ngành đang khẩn trương phối hợp xây dựng, đề xuất cũng như tham gia lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để có những chính sách phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, đồng thời đáp ứng được tiêu chuẩn cao mà phía EU đặt ra.

Về phía doanh nghiệp, những yêu cầu cao của thị trường EU về phát triển bền vững trong khi tập quán sản xuất cũng như nguồn nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng đầy đủ cả về số lượng và chất lượng được đánh giá là thách thức lớn cho bất kỳ doanh nghiệp nào có hoạt động giao thương với thị trường này.

Tuy nhiên, nhìn nhận đây là xu hướng tất yếu của thị trường toàn cầu, các doanh nghiệp cho rằng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp thay đổi, chuyển dịch trong tư duy kinh doanh và quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm mới an toàn với môi trường, tiết kiệm nguyên liệu hơn, đáp ứng được yêu cầu thị trường. Nhìn rộng hơn, khi sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường EU sẽ giúp sản phẩm có cơ hội đến được rất nhiều thị trường khác trên thế giới.

Về phần mình, nhằm giải quyết những thách thức và tối đa hóa lợi ích của EVFTA, EuroCham cam kết hợp tác với các bên liên quan để hợp lý hóa việc tuân thủ quy định, vận động công nhận nhiều hơn các tiêu chuẩn quốc tế và phát triển các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức toàn diện về EVFTA. EuroCham cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy các giải pháp cắt giảm các rào cản kỹ thuật đối với thương mại, đặc biệt là trong chứng nhận và thử nghiệm, vận động giảm thuế quan hơn nữa và đơn giản hóa các thủ tục hải quan.

 
Chủ tịch EuroCham

Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng Việt Nam để giải quyết những thách thức còn tồn tại và đảm bảo rằng cả doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam đều có thể tận dụng tối đa lợi ích của Hiệp định mang tính bước ngoặt này.

Ông Dominik Meichle, Chủ tịch EuroCham Việt Nam

EuroCham hiện cũng đang tích cực ủng hộ phê chuẩn đầy đủ Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) như một bước tiến quan trọng “mở khóa” toàn bộ tiềm năng của Hiệp định EVFTA nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Việt Nam - EU
          

Bài: Việt Hằng
Ảnh: Media Team
Thiết kế: Maika

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí