[eMagazine] Ngành Công Thương: Nâng cao nhận thức và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu
11/10/2024 lúc 12:40 (GMT)

[eMagazine] Ngành Công Thương: Nâng cao nhận thức và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu

 

Công tác ứng phó với biến đổi khí hậu được xác định là nhiệm vụ quan trọng của ngành Công Thương, lấy thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển theo hướng các-bon thấp phù hợp với điều kiện quốc gia và xu hướng quốc tế.

 

Thời gian qua, các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu được lồng ghép trong tất cả các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, chiến lược phát triển ngành Công Thương và các phân ngành, lĩnh vực cụ thể nhằm đảm bảo sự thích ứng linh hoạt với các tác động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn do biến đổi khí hậu gây ra, đảm bảo cho sự phát triển, tăng trưởng ổn định của ngành, hạn chế tối đa các thiệt hại do thiên tai, bão lũ, các tác động do thời tiết, khí hậu cực đoan.

biến đổi khí hậu
nâng cao

Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 2756/QĐ-BCT ngày 14/12/2022.

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực sản xuất điện khoảng 42 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2050.

Thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo theo hướng tăng trưởng xanh trong đó áp dụng các giải pháp khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

sản xuất

Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai giảm thiệt hại tối đa do tác động của biến đổi khí hậu đến công trình, cơ sở hạ tầng ngành Công Thương, đặc biệt là cơ sở hạ tầng lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, thương mại và các công trình trọng yếu đảm bảo ổn định đời sống, kinh tế xã hội trong mọi điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu và rủi ro thiên tai.

hội nghị

Để thực hiện được những mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thường xuyên. Trong đó nhấn mạnh nhóm nhiệm vụ thường xuyên đầu tiên là tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Theo đó, truyền thông nâng cao nhận thức về cơ hội phát triển cho cộng đồng và doanh nghiệp trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện tăng trưởng xanh; Xây dựng tài liệu phổ biến các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của ngành Công Thương ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; Tổ chức, tham gia các chương trình, diễn đàn trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế, đào tạo, tập huấn chuyên đề về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh cho các đối tượng ngành Công Thương; Xây dựng các giáo trình, chương trình đào tạo trang bị các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh cho các đối tượng liên quan thuộc ngành Công Thương;

Bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh cho các đối tượng liên quan trong ngành Công Thương ở cấp Trung ương và địa phương; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Công Thương phục vụ quản lý nhà nước về kiểm kê khí nhà kính, thẩm định giảm phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường các-bon, bảo vệ tầng ô-dôn, thích ứng với biến đổi khí hậu đáp ứng yêu cầu quản lý, phù hợp với lộ trình, quy định trong nước và các điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên.

dệt may

 

 
ông hoàng văn tâm

“Ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân thuộc ngành Công Thương từ Trung ương đến địa phương và các doanh nghiệp. Thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính phải gắn liền với bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng, chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch; Từng bước kiểm soát phát thải khí nhà kính đối với các nguồn phát thải khí nhà kính lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện cho các ngành sản xuất xanh phát triển”

Ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, Bộ Công Thương (Hội nghị triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ngành Công Thương năm 2023)

 

 

co2
tăng cường

Ngay sau khi Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành, thời gian qua Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt hoạt động tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch hành động này đến cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan, các Sở Công Thương, các địa phương nhằm nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu; định hướng, kế hoạch của Ngành Công Thương trong ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các cơ quan có liên quan để tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về tuân thủ những quy định về giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt những vấn đề mới như các vấn đề về kiểm kê phát thải khí nhà kính và đo đạc, báo cáo và thẩm tra, thẩm định (MRV) kết quả giảm phát thải khí nhà kính. Các chương trình, hoạt động được tổ chức trên cả ba miền thu hút sự quan tâm tham dự của đông đảo đại biểu đại diện các doanh nghiệp trong ngành Công Thương; các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương.

khí hậu
đà nẵng
hà nội

Gần đây nhất có thể kể đến chuỗi 03 Hội nghị tập huấn phổ biến, hướng dẫn thực hiện Thông tư 38/2023/TT-BCT ngày 27/12/2023 về Quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương được Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đà Nẵng.

Đây là những hoạt động rất hữu ích, thiết thực bởi theo Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ngày 13/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật), trong tổng số 2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024; riêng ngành Công Thương đã chiếm tới 1.805 cơ sở.

giảm phát thải

Thông qua các chương trình hội thảo, tập huấn, các doanh nghiệp được phổ biến về những kế hoạch, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành Công Thương; hướng dẫn cụ thể về phương pháp, quy trình, cách thức tổ chức, triển khai thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính và các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý ở địa phương được trang bị các kiến thức về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có hoạt động báo cáo, thẩm định kiểm kê khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, qua đó làm cơ sở cho các hoạt động quản lý nhà nước tại địa phương theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, với định hướng chính sách chung khá đầy đủ, đồng bộ về ứng phó biến đổi khí hậu từ Chính phủ tới các Bộ, ngành thì đối với doanh nghiệp, những trợ lực cụ thể từ các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có các hoạt động tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn, tập huấn trong thời gian qua là rất cần thiết.

toạ đàm

Thời gian tới, Bộ Công Thương (mà đầu mối là Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững) cần tiếp tục thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin, đặc biệt là các cơ chế, chính sách mang tính chất toàn cầu, điều chỉnh và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thực hiện các quy định bắt buộc về kiểm kê phát thải khí nhà kính cũng như là các giải pháp về giảm phát thải.

Cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc áp dụng các mô hình sản xuất carbon thấp hay những mô hình kinh doanh ít phát thải giúp doanh nghiệp vừa phát triển phát triển kinh tế, vừa giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với những tác động biến đổi khí hậu có thể thực hiện được.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp có thể tận dụng tốt những cơ hội từ ứng phó với biến đổi khí hậu và thích ứng với những tiêu chuẩn quốc tế ngày càng nghiêm ngặt, thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững.

 

năng lượng xanh

 

          

Bài: Thanh Hà
Thiết kế: An Vũ

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí