[Emagazine] Roadmap tham gia thị trường tín chỉ carbon: Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị những gì?
05/09/2024 lúc 15:00 (GMT)

[Emagazine] Roadmap tham gia thị trường tín chỉ carbon: Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị những gì?

Roadmap tham gia thị trường tín chỉ carbon: Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị những gì?

 

Như vậy, mỗi quốc gia sẽ có một giới hạn, quy định lượng khí nhà kính tối đa được phép thải ra trong một khoảng thời gian nhất định, còn được biết đến là hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Các quốc gia có mức phát thải thấp hoặc có khả năng lưu trữ, thu hồi khí thải sẽ dư thừa quyền phát thải và có thể bán hoặc cho các quốc gia khác quyền này để nhận được thêm nguồn lợi tài chính. Ngược lại, các quốc gia có lượng phát thải lớn buộc phải trả tiền mua thêm quyền được phát thải.

Đây là cơ sở làm xuất hiện trên thế giới một loại hàng hóa mới là quyền phát thải khí nhà kính. Để thuận tiện trong việc giao dịch, các quốc gia sẽ trao đổi một loại chứng chỉ đại diện cho quyền được phát thải, đó là tín chỉ carbon. Một tín chỉ carbon đại diện cho quyền phát thải thải một tấn CO2 hoặc tương đương với một loại khí nhà kính khác vào bầu khí quyển. Do carbon là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi tín chỉ carbon. Từ đó, hình thành nên thị trường giao dịch tín chỉ carbon.

Nói cách khác, thị trường tín chỉ carbon là công cụ bảo vệ môi trường dựa trên cơ chế thị trường và nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

Thị trường tín chỉ carbon

Không chỉ là nơi giao dịch của các quốc gia, thị trường tín chỉ carbon cũng cho phép các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp mua bán quyền phát thải khí nhà kính. Các doanh nghiệp có thể thông qua thị trường carbon để bù đắp lượng phát thải khí nhà kính bằng cách mua tín dụng carbon từ các đơn vị dư thừa hoặc có khả năng loại bỏ, giảm phát thải khí nhà kính.

Thế giới vận hành thị trường carbon như thế nào?

Hiện nay, có hai loại thị trường tín chỉ carbon chính.

Thị trường carbon bắt buộc/thị trường bắt buộc (mandatory carbon market)

Đây là thị trường mà việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. 

Thị trường carbon quốc tế bắt buộc được thiết lập đầu tiên trên cơ sở các cơ chế trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto (KP). Sau đó, các thị trường carbon nội địa và liên kết dần được hình thành, mở rộng tại nhiều quốc gia, khu vực.

Việt Nam ký KP vào ngày 3/12/1998, phê chuẩn ngày 25/9/2002. Tuy nhiên, Việt Nam không thuộc Phụ lục I, vì vậy chưa có nghĩa vụ phải cam kết giảm phát thải định lượng các khí nhà kính theo quy định trong thời gian hiệu lực của KP. 

Thị trường carbon tự nguyện/thị trường tự nguyện (voluntary carbon market)

Khác với thị trường carbon bắt buộc, nơi các bên tham gia phải tuân thủ các quy định về hạn ngạch phát thải, thị trường tự nguyện hoạt động dựa trên sự tự nguyện của các bên tham gia. Thị trường này dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp để giảm dấu chân carbon.

Thị trường tín chỉ carbon

Thị trường giao dịch tín chỉ carbon đã trở thành một công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nó cho phép các quốc gia, doanh nghiệp và tổ chức mua bán quyền phát thải khí nhà kính, tạo động lực cho việc giảm thiểu lượng khí thải ra môi trường.

Hiện nay trên thế giới có các sàn giao dịch tín chỉ carbon lớn:

- European Union Emissions Trading System (EU ETS): Hệ thống giao dịch khí thải lớn nhất thế giới, bao phủ nhiều ngành công nghiệp ở châu Âu.

- Chicago Climate Exchange (CCX): Một trong những sàn giao dịch carbon đầu tiên trên thế giới, hoạt động chủ yếu trên thị trường tự nguyện.

- Tokyo Electric Power Exchange (TPEX): Sàn giao dịch carbon của Nhật Bản, tập trung vào các dự án giảm phát thải trong nước.

Ngoài ra, còn có nhiều sàn giao dịch khác ở các quốc gia như Australia, New Zealand, Hàn Quốc...

Thị trường tín chỉ carbon

Trong đó, EU ETS (Emissions Trading System) là một trong những hệ thống giao dịch khí thải lớn nhất và lâu đời nhất trên thế giới. Đây là một công cụ thị trường được thiết kế để giảm thiểu lượng khí thải nhà kính một cách hiệu quả và chi phí thấp.

EU ETS hoạt động dựa trên nguyên tắc "đặt hạn mức (cap) và giao dịch (trade)". 

Liên minh Châu Âu đặt ra một mức trần chung cho tổng lượng khí thải nhà kính được phép phát thải trong một giai đoạn nhất định. Mức trần này được chia thành các hạn ngạch phát thải riêng biệt và được phân phối cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhà máy điện và các hãng hàng không tham gia hệ thống.

Các cơ sở tham gia được cấp phép mua bán hạn ngạch với nhau. Nếu một cơ sở giảm được lượng khí thải dưới mức hạn ngạch được cấp, họ có thể bán dư thừa hạn ngạch cho các cơ sở khác. Ngược lại, nếu một cơ sở vượt quá hạn ngạch, họ phải mua thêm hạn ngạch từ các cơ sở khác.

Một phần lớn các hạn ngạch được đưa ra đấu giá, tạo ra nguồn thu cho ngân sách của Liên minh Châu Âu. Việc đấu giá giúp đảm bảo rằng các hạn ngạch được phân bổ hiệu quả và tạo ra một thị trường cạnh tranh.

Thị trường tín chỉ carbon

Thông qua EU ETS, Liên minh Châu Âu đã thành công trong việc khích lệ giảm phát thải. Để tránh phải mua thêm hạn ngạch với giá cao, các cơ sở tham gia nỗ lực tìm cách xanh hoá quy trình từ sản xuất đến phân phối, phục vụ. Hệ thống giao dịch cũng cho phép các cơ sở tự do lựa chọn các biện pháp giảm phát thải phù hợp nhất với điều kiện của mình, thay vì các quy định khuôn mẫu.

Bên cạnh đó, tiền thu được từ việc đấu giá hạn ngạch là cơ hội để các cơ sở tham gia đa dạng hóa nguồn thu. Tiền thu được có thể sử dụng để tài trợ cho các dự án liên quan đến khí hậu và năng lượng sạch.

EU ETS đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc giảm thiểu khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon. Hệ thống này đã chứng minh được tính hiệu quả và được nhiều quốc gia khác tham khảo để xây dựng các hệ thống tương tự.

 

Thực trạng thị trường tín chỉ carbon Việt Nam

 

Hiện nay, Việt Nam đang tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và đã có những bước đi đầu tiên trong việc xây dựng thị trường tín chỉ carbon. 

Luật Bảo vệ Môi trường 2020 lần đầu tiên đưa ra quy định về việc tổ chức và phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước (Điều 139). Đây là điều khoản quan trọng nhất, đặt nền tảng pháp lý cho việc tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước. Điều này giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm vụ thiết lập tổng hạn ngạch phát thải, xác định phương pháp phân bổ hạn ngạch và cơ chế tín chỉ bù trừ carbon.

Ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đi sâu vào các quy định cụ thể về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone và hình thành, phát triển thị trường tín chỉ carbon. Nghị định cũng đưa ra lộ trình rõ ràng cho việc triển khai thị trường carbon tại Việt Nam, bao gồm:

- Giai đoạn 2023 - 2024: thiết lập cơ sở pháp lý ban đầu để xây dựng đề án.

- Giai đoạn 2025 - 2027: giao dịch thí điểm trên thị trường carbon.

- Đến năm 2028, vận hành chính thức thị trường carbon và kết nối với các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong khu vực và trên thế giới.

Ngày 18/1/2022, Chính phủ ban hành Quyết định 01/2022/QĐ-TTg quy định danh mục lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Với các văn bản đã được ban hành, có thể thấy Chính phủ Việt Nam đã có những định hướng rõ ràng về việc xây dựng và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức. Thị trường này sẽ mang yếu tố bắt buộc. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ bị kiểm soát việc phát thải khí nhà kính. Nếu xả thải nhiều hơn hạn ngạch đặt ra, có thể mua thêm tín chỉ carbon trên thị trường bắt buộc, hoặc một phần nhỏ từ thị trường tự nguyện để bù trừ. 

Thị trường tín chỉ carbon

Bên cạnh đó, tuy chưa có một sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức hoạt động nhưng Tập đoàn CT Group đã ra mắt Công ty Cổ phần Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) - doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam khởi động sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện. Sàn giao dịch này sẽ cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và giao dịch tín chỉ carbon. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam. 

Thị trường carbon dần được định hình rõ nét hơn, song Việt Nam vẫn còn thiếu những quy định cụ thể. Một là, hạn ngạch phát thải carbon và hai là, tín chỉ carbon. Trong lúc chờ các văn bản hướng dẫn, các tổ chức, cá nhân cần chuẩn bị để sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ carbon bất cứ lúc nào. 

Thực trạng thị trường tín chỉ carbon Việt Nam

Việc tham gia vào thị trường tín chỉ carbon là một cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam không chỉ giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn nâng cao hình ảnh cũng như năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. 

Trước khi tham gia, doanh nghiệp cần hiểu rõ cơ chế hoạt động của thị trường tín chỉ carbon, quy định pháp luật bao gồm các tiêu chuẩn và quy trình chứng nhận, tìm hiểu về các loại hình dự án giảm phát thải có thể tạo ra tín chỉ carbon, từ đó xác định loại hình phù hợp với doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc đánh giá hiện trạng phát thải là rất quan trọng. Có hai vấn đề chính là xác định các nguồn phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất kinh doanh; sử dụng các công cụ và phương pháp phù hợp để tính toán lượng phát thải. Đây sẽ là cơ sở để doanh nghiệp xây dựng kế hoạch giảm phát thải. 

Từ các mục tiêu giảm phát thải cụ thể, khả thi và có thời hạn, doanh nghiệp sẽ xác định được các biện pháp giảm phát thải phù hợp với từng nguồn phát thải, ưu tiên các biện pháp mang lại hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí.

“Giải pháp thúc đẩy tham gia thị trường carbon của doanh nghiệp ngành Công Thương”

Tại tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy tham gia thị trường carbon của doanh nghiệp ngành Công Thương” do Tạp chí Công Thương tổ chức, PGS.TS. Lương Đức Long đã chia sẻ chi tiết về thực trạng phát thải khí nhà kính trong ngành xi măng. Theo PGS.TS. Lương Đức Long, ngành xi măng đóng góp tới 80% tổng lượng phát thải khí nhà kính trong sản xuất vật liệu xây dựng. Đặc biệt, sản xuất clinke - một thành phần chính trong xi măng - là nguồn phát thải chính, chiếm hơn 90% tổng lượng CO2 phát thải.

Để giảm phát thải, các doanh nghiệp đã bắt đầu áp dụng các biện pháp như sử dụng nhiên liệu thay thế, cải thiện hiệu suất năng lượng, triển khai công nghệ thu giữ và chôn lấp CO2.

Không chỉ chủ động giảm phát thải, doanh nghiệp cần tìm hiểu các tổ chức chứng nhận uy tín. Các dự án giảm phát thải phải được chứng nhận bởi các tổ chức độc lập để đảm bảo tính chính xác, minh bạch của lượng khí thải giảm. Mỗi tổ chức sẽ có những yêu cầu khác nhau vì vậy, hồ sơ đăng ký dự án giảm phát thải cần được chuẩn bị theo yêu cầu của tổ chức chứng nhận, bao gồm các báo cáo về lượng phát thải, các biện pháp giảm phát thải và các bằng chứng liên quan. Một hồ sơ đầy đủ và chất lượng sẽ giúp dự án của doanh nghiệp được đánh giá cao và tăng cơ hội nhận được các tín chỉ carbon.

“Giải pháp thúc đẩy tham gia thị trường carbon của doanh nghiệp ngành Công Thương”

Theo ông Nguyễn Võ Trường An, Công ty cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN đang hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và đăng ký các dự án tín chỉ carbon, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi xanh và chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Theo ông Trường An, việc chuyển đổi xanh cần đi đôi với chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện và theo dõi các quy trình liên quan đến tín chỉ carbon. Ông cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam vẫn còn non trẻ nhưng sự quan tâm từ các doanh nghiệp lớn và tập đoàn FDI đang ngày càng tăng lên.

Việc tham gia vào thị trường tín chỉ carbon là một quá trình đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đầu tư lâu dài. Tuy nhiên, đây là một cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Để tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị, nâng cao năng lực và tìm hiểu thông tin về thị trường. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường này.

Thị trường tín chỉ carbon

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí