Chưa đầy một năm từ khi khởi động triển khai Chương trình hành động hướng đến Net Zero 2050, đến nay Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã có 3 đơn vị đạt chứng nhận trung hòa carbon (Net Zero) theo tiêu chuẩn quốc tế PAS2060:2014 và cũng là doanh nghiệp sữa đầu tiên tại Việt Nam đạt được kết quả này.
Chúng tôi nhận thức rõ ràng thách thức về biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đang đe dọa tương lai của chúng ta. Vì vậy, chúng tôi đã đặt ra mục tiêu và hành động cụ thể để giảm thiểu tác động của hoạt động chuỗi giá trị lên môi trường và xã hội.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk
Là doanh nghiệp lớn với hệ thống nhà máy, trang trại quy mô công nghệ cao và hàng triệu sản phẩm được cung cấp mỗi ngày, từ nhiều năm trước, "quản lý phát thải khí nhà kính” đã xuất hiện trong Báo cáo Phát triển bền vững của Vinamilk như là một trong 11 khía cạnh phát triển bền vững trọng yếu.
Tại thời điểm Vinamilk phát hành Báo cáo Phát triển bền vững đầu tiên vào năm 2012, chưa có các yêu cầu bắt buộc về hoạt động lập và công bố báo cáo Phát triển bền vững đối với doanh nghiệp. Vinamilk đã thực hiện Báo cáo Phát triển bền vững tự nguyện và độc lập với Báo cáo thường niên của doanh nghiệp.
Từ năm 2021, Vinamilk tiên phong kiểm kê khí nhà kính theo tiêu chuẩn quốc tế ISO14064 cho các nhà máy, từ đó thực hiện đánh giá phát thải và xây dựng các phương án cắt giảm tối ưu. Đến nay, doanh nghiệp này cho biết đã sẵn sàng cho việc thực hiện các báo cáo kiểm kê ở cả phạm vi 3 (scope 3).
Việc kiểm kê khí nhà kính giúp Vinamilk hình thành cơ sở dữ liệu và chuẩn hóa các hoạt động "xanh hóa” trong chuỗi sản xuất, chăn nuôi.
Trong chuỗi sản xuất, chăn nuôi của mình, Vinamilk đang triển khai các dự án năng lượng mặt trời và sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng tại các nhà máy và trang trại. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để phát triển các sản phẩm có dấu chân carbon thấp hơn gắn với các hoạt động trồng rừng, hợp tác trong các dự án tái tạo rừng.
Cụ thể, doanh nghiệp này đang đầu tư khoảng 25 tỷ đồng cho các dự án như: Hoạt động trồng cây hướng đến Net Zero 2023-2027; khoanh nuôi tái sinh 25ha rừng ngập mặn Cà Mau; bảo vệ và phát triển rừng tại Lào (thuộc dự án Lao-Jagro)… và đang tiếp tục nghiên cứu nhiều dự án trồng rừng khác.
Từ rất sớm Vinamilk đã định hướng thực hiện trồng cây nhằm hấp thụ carbon. Sau khi hoàn thành Quỹ 1 triệu cây xanh, chúng tôi đã triển khai dự án Cánh rừng Net Zero Vinamilk để hình thành nên các bể hấp thụ carbon trong tương lai và hơn nữa là bảo vệ và phát triển những cánh rừng cho Việt Nam.
Ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc điều hành sản xuất kiêm Trưởng dự án Net Zero của Vinamilk
Đặc biệt, Vinamilk tập trung vào việc phát triển nông nghiệp bền vững tại tất cả các trang trại thuộc mạng lưới sản xuất của mình. Hiện 100% trang trại của Vinamilk đều đạt chuẩn GlobalGAP. Đây không chỉ là nơi nuôi dưỡng nguồn nguyên liệu sữa chất lượng cao mà còn là minh chứng cho cam kết của Vinamilk với môi trường, chất lượng và dinh dưỡng đất, phúc lợi động vật và đa dạng sinh học.
Song song đó, Vinamilk hỗ trợ các nông hộ bằng cách cam kết thu mua toàn bộ sữa tươi với giá cả ổn định, hợp đồng rõ ràng. Mỗi một nhà nông khi tham gia vào chuỗi liên kết với Vinamilk đều được tư vấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi để chăm sóc từ con giống đến đầu ra, nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng và giá để tăng thu nhập, đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.
Bên cạnh khâu chăn nuôi, xây dựng vùng nguyên liệu, Vinamilk cũng chú trọng vào việc quản lý chất thải và tái chế chuyển hóa chất thải thành tài nguyên phục vụ trở lại cho các hoạt động trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Đồng thời Vinamilk còn tận dụng các nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường trong sản xuất để hạn chế tác động đến tài nguyên thiên nhiên.
Các công nghệ giảm thải, tiết kiệm năng lượng của Vinamilk đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như: chứng nhận năng lượng ISO 50001, chứng nhận môi trường ISO 14001 (cho nhà máy), chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu (Organic), Chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt GlobalGAP (cho trang trại)… và mới đây là chứng nhận về trung hòa carbon PAS 2060:2014.
Hoàn thành việc kiểm kê khí nhà kính tại các đơn vị năm 2022, Nhà máy sữa Nghệ An và Trang trại bò sữa Vinamilk Nghệ An đã trở thành đơn vị đầu tiên đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060:2014. Tổng lượng phát thải khí nhà kính của 2 đơn vị này đã được trung hòa là 17.560 tấn CO2 (tương đương với khoảng 1,7 triệu cây xanh).
Sự kiện này ghi dấu ấn lịch sử của Vinamilk khi trở thành Công ty sữa đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận trung hòa carbon cho cả nhà máy và trang trại theo tiêu chuẩn quốc tế PAS 2060:2014.
Đây cũng là kết quả của “hành động kép”, nỗ lực cắt giảm phát thải trong sản xuất, chăn nuôi của Vinamilk, đồng thời duy trì quỹ cây xanh của Công ty để hấp thụ khí nhà kính trong nhiều năm qua.
Quyết tâm và định hướng phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu một cách đồng bộ, bài bản của Vinamilk thể hiện rõ ở việc ngày 26/5/2023, Vinamilk chính thức công bố Chương trình hành động hướng đến Net Zero 2050 (Vinamilk Pathways to Dairy Net Zero 2050) hưởng ứng cam kết của Chính phủ.
Chương trình hành động hướng đến Net Zero 2050 của Vinamilk tập trung vào 4 lĩnh vực trọng tâm: Nông nghiệp bền vững - Sản xuất xanh - Logistics thân thiện môi trường - Tiêu dùng bền vững. Trong đó, Vinamilk cam kết cam kết sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu lượng khí thải trong quá trình sản xuất. 100% các nhà máy và trang trại được kiểm kê khí nhà kính theo chuẩn ISO 14064. Mục tiêu cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027, cắt giảm và trung hòa 55% lượng phát thải vào năm 2035 và tiến đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050...
Đến nay, sau năm đầu tiên khởi động Chương trình, kết quả bước đầu của Vinamilk là có 3 đơn vị thành viên đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn quốc tế PAS 2060:2014, bao gồm: Nhà máy sữa Nghệ An, Trang trại bò sữa Nghệ An và Nhà máy Nước giải khát Việt Nam. Tổng lượng khí thải đã được Vinamilk trung hòa là 21.000 tấn CO2 (tương đương hơn 2 triệu cây xanh được trồng).
“Việc cắt giảm phát thải, khí nhà kính và tiến tới Net Zero trong ngành sữa là rất thách thức, đặc biệt với các trang trại bò sữa có quy mô lớn. Mục tiêu này đòi hỏi việc đầu tư cho các giải pháp công nghệ, chuyển đổi năng lượng xanh, vận dụng kinh tế tuần hoàn… một cách toàn diện”, ông Nguyễn Việt Dũng, Tổng giám đốc Bureau Veritas - đơn vị cấp chứng nhận cho trang trại của Vinamilk tại Nghệ An cho biết.
Đơn cử tại Nhà máy Nước giải khát Việt Nam - đơn vị thành viên mới nhất của Vinamilk đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn quốc tế PAS 2060:2014, Nhà máy nằm tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, được Vinamilk xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2010. Nhà máy được liên tục đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, hiện nay, có công suất thiết kế hơn 282 triệu sản phẩm/năm và đang sản xuất các dòng sản phẩm phổ biến của Vinamilk như sữa chua uống Susu và Yomilk, sữa bột pha sẵn cho người lớn Sure Prevent, nước uống Icy…
Theo định hướng chiến lược phát triển bền vững của Vinamilk, từ nhiều năm nay Nhà máy Nước giải khát Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp sản xuất xanh, thân thiện với môi trường như ứng dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo; sử dụng công nghệ hiện đại giúp tiết kiệm năng lượng như tuần hoàn nhiệt tại khâu tiệt trùng sản phẩm, tuần hoàn nước tại khâu làm mát sản phẩm...
Chỉ tính riêng trong năm 2023, Nhà máy đã ghi nhận 6 sáng kiến giúp tiết kiệm điện, năng lượng từ chính nhân viên của nhà máy và đã được triển khai áp dụng. Bên cạnh đó, Nhà máy cũng áp dụng nhiều hoạt động như: sử dụng máy xử lý thức ăn thừa thành phân bón cho cây cối, máy thu gom phân loại vỏ hộp sản phẩm để tái chế, sử dụng xe đạp/xe điện trong nội khu, trồng thêm mảng xanh, trình duyệt và lưu trữ hồ sơ online thay cho in giấy…. giúp "xanh hóa” môi trường làm việc.
Hiện tỷ lệ năng lượng xanh, sạch (gồm năng lượng mặt trời, CNG…) đang chiếm hơn 92% năng lượng tiêu thụ tại Nhà máy và theo báo cáo kiểm kê khí nhà kính, lượng phát thải của Nhà máy trong năm 2023 đã giảm 30% so với năm 2022. Các nỗ lực "xanh hóa” đã giúp nhà máy đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt theo chuẩn mực quốc tế như chứng nhận năng lượng ISO 50001, chứng nhận môi trường ISO 14001 và nay là chứng nhận về trung hòa Carbon PAS 2060:2014.
Trong năm thứ 12 công bố, Báo cáo Phát triển bền vững năm 2023 được Vinamilk chọn chủ đề "Để tâm thay đổi - Net Zero 2050”.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện ở cả 4 khía cạnh, Vinamilk hướng tới sẽ có thêm những đơn vị đạt trung hòa carbon trong tương lai gần, khẳng định sự kiên định và quyết liệt của doanh nghiệp trong việc giảm thiểu "dấu chân carbon” trên tiến trình đến Net Zero như cam kết.
Với sự tiên phong thực hiện mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính, Vinamilk sẽ là những đơn vị điển hình tuân thủ quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm phát thải khí nhà kính và Thông tư số 38/223/TT-BCT ngày 27 tháng 12 năm 2023 của Bộ Công Thương quy định về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương.
"Vinamilk đang thực hiện đồng bộ các giải pháp về công nghệ thân thiện môi trường, chuyển đổi năng lượng xanh, vận dụng kinh tế tuần hoàn… để xây dựng mô hình các nhà máy không chỉ hiện đại, đạt chất lượng quốc tế, mà còn ngày càng xanh hơn. Bằng sự quyết tâm của ban lãnh đạo, sự tích cực của tất cả đội ngũ nhân viên, Vinamilk sẽ nỗ lực hơn nữa để hành trình của mỗi sản phẩm của chúng tôi đến tay người tiêu dùng sẽ ít dần những dấu chân carbon”, ông Lê Hoàng Minh chia sẻ.
Bài: Thanh Hà
Ảnh: Media Team
Thiết kế: Maika