Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam phát triển sản xuất kinh doanh với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.
Việt Nam là nhà cung cấp gỗ lớn thứ 3 của Vương quốc Anh, nhưng giá trị nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 7,5% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này của Anh, từ đó cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường của doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Anh còn rất lớn.
Cần có những cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và sản phẩm gỗ chất lượng cao tới khách hàng Vương quốc Anh và đưa ra các hướng dẫn rõ ràng về quy trình thực hiện để triển khai UKVFTA hiệu quả trong ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Về thuế quan, 83% thuế quan được xóa bỏ từ ngày 1/1/2021. Tất cả các sản phẩm khác liên quan đến sản phẩm gỗ, bao gồm ván dăm, ván sợi và ván ép, thuế quan sẽ được xóa bỏ sau 2 - 4 năm.
Về biện pháp phi thuế quan, Việt Nam sẽ không áp dụng bất kỳ lệnh cấm hoặc hạn chế xuất nhập khẩu nào đối với hàng hóa của Vương quốc Anh, ngoại trừ những điều khoản được bảo lưu trong UKVFTA, bao gồm gỗ tròn và gỗ xẻ khai thác từ rừng tự nhiên.
Về đầu tư, Việt Nam đã cam kết áp dụng các tiêu chuẩn đối xử cao hơn, có lợi hơn đối với các nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư đến từ Vương quốc Anh theo UKVFTA so với các quy định hiện đang được áp dụng cho các nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư nước ngoài khác theo WTO. Đối với các nhà đầu tư Vương quốc Anh trong lĩnh vực lâm nghiệp là không cam kết, đối với chế tạo các sản phẩm từ gỗ đi kèm với điều kiện sản lượng gỗ không ảnh hưởng đến rừng tự nhiên.
Về phát triển bền vững, UKVFTA đã đưa ra hiệp định về bảo vệ môi trường bao gồm biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, bền vững quản lý rừng và buôn bán lâm sản, quản lý bền vững sinh vật biển tài nguyên và nuôi trồng thủy sản.
Về biện pháp phòng vệ thương mại, cung cấp và tạo ra một mạng lưới an toàn cho ngành công nghiệp trong nước chống lại thiệt hại và tiêu cực đến từ buôn bán không công bằng trong thực tiễn, như hàng nhập khẩu được bán phá giá hay trợ cấp, hoặc chống lại thiệt hại ảnh hưởng từ sự gia tăng bất ngờ trong hàng nhập khẩu. Những biện pháp này đều được hầu hết các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) áp dụng trong hệ thống phòng vệ thương mại.
UKVFTA đảm bảo rằng Việt Nam và Vương quốc Anh sẽ tuân theo các thủ tục thích hợp để xây dựng một thương mại lành mạnh bằng cách tiến hành các cuộc điều tra công bằng về các biện pháp phòng vệ thương mại minh bạch và cho phép các bên quan tâm có cơ hội cung cấp quan điểm trong điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Các cam kết trong UKVFTA bao gồm các tiêu chuẩn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, và tăng cường các biện pháp cưỡng chế. Các chủ sở hữu doanh nghiệp sở hữu trí tuệ tại Vương quốc Anh được hưởng các tiêu chuẩn bảo hộ cao hơn các tiêu chuẩn đã cam kết trong WTO. Vậy nên, các sản phẩm lâm nghiệp cần lưu ý về ý tưởng và mẫu mã để tránh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng mang lại giá trị gia tăng cho ngành gỗ, vì vậy đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này tới Anh góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng tốt trong năm 2024.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng đầu năm 2024, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh, chiếm 91,5% tổng trị giá xuất khẩu. Ngoài ra, còn một số mặt hàng khác cũng xuất khẩu tới thị trường Anh nhưng trị giá chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ như gỗ, ván và ván sàn; cửa gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ, khung gương…
9 tháng đầu năm 2024, ngành gỗ ước xuất khẩu 165 triệu USD gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Vương quốc Anh, tăng trên 17% so với cùng kỳ. Với đà tăng như hiện nay, cả năm toàn ngành có thể hướng tới mức xuất khẩu 230 triệu USD.
Chia sẻ với báo chí, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Ngô Sỹ Hoài cho biết, con số này có vai trò rất quan trọng, bởi nó tương ứng với trên 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Một thuận lợi quan trọng giúp các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ có tiềm năng mở rộng thị phần tại thị trường Vương quốc Anh nhờ có UKVFTA là chính sách miễn giảm thuế xuất nhập khẩu. Khó khăn chủ yếu đối với các doanh nghiệp gỗ và lâm sản trước đây khi xuất khẩu sang Vương quốc Anh là mức thuế mà Anh áp cho ngành gỗ khá cao. Việc UKVFTA cho phép nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm về gỗ của Việt Nam được áp dụng mức thuế suất về 0% so với 2-10% hiện nay sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp gỗ Việt Nam so với các đối thủ khác như Indonesia và Malaysia.
Sau 6 năm kể từ khi UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Do vậy các doanh nghiệp Việt Nam có 5 năm để chuẩn bị và xây dựng chiến lược xuất khẩu sản phẩm gỗ sau khi UKVFTA kết thúc.
Ngoài ra, lợi thế của ngành gỗ Việt Nam cũng nằm ở gỗ cao su, loại gỗ mà Vương quốc Anh và châu Âu không trồng được nhiều nhưng lại được ưa chuộng ở Anh. Việc thâm nhập được vào thị trường của Vương quốc Anh với nhiều sản phẩm hơn cũng sẽ giúp ngành gỗ của Việt Nam khẳng định được thương hiệu và dễ dàng mở rộng thị trường ở các quốc gia châu Âu khác.
Tiềm năng phát triển và thu hút đầu tư các doanh nghiệp Anh của các tỉnh thành của Việt Nam có ngành gỗ đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế như Bình Dương, Đồng Nai sẽ được tận dụng tối đa nhờ có UKVFTA.
Với việc thu hút nguồn lực hợp tác, đầu tư từ các doanh nghiệp gỗ Vương quốc Anh vào Việt Nam, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam có thể tiếp cận được với công nghệ, đồng thời tạo sức ép cạnh tranh để các doanh nghiệp phải tự cải thiện mức độ cạnh tranh của mình để đứng vững trên thị trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội được tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghiệp/kỹ thuật cao để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm của mình.
Bên cạnh việc thúc đẩy thương mại, UKVFTA cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam lồng ghép và thực thi các tiêu chuẩn và mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
UKFTA nhấn mạnh vào việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện nay Việt Nam cũng tham gia thỏa thuận hợp tác tự nguyện (VPA) và tuân thủ Quy chế Thương mại và Quản trị Thực thi Luật Lâm nghiệp của Vương quốc Anh (FLEGT) hướng đến một thị trường gỗ minh bạch, hợp pháp và quản lý rừng bền vững thông qua hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS), với mục đích đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam có nguồn gốc hợp pháp, bao gồm việc xác minh một cách hệ thống để đảm bảo các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gỗ được khai thác và mua bán hợp pháp, phù hợp với pháp luật của quốc gia khai thác.
Bên cạnh những thuận lợi, việc đảm bảo xuất xứ nguồn gốc gỗ đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và xã hội đang đặt ra nhiều thách thức Việt Nam. Hiện nay, nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ nhiều nguồn khác nhau. Như vậy, việc quản trị rừng hiệu quả là thách thức lớn với doanh nghiệp tại Việt Nam để tránh những rủi ro không đáng có khi xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh.
Mặt khác, các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu tại Vương quốc Anh rất chặt chẽ, đòi hỏi các doanh nghiệp gỗ tại Việt Nam cần phải đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, quy trình quản lý, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí trách nhiệm xã hội, minh bạch thông tin về lao động, môi trường sản xuất.
Hiện nay các sản phẩm của Việt Nam vẫn tồn tại các hạn chế như thiếu tính đồng nhất của các lô hàng, công tác chế biến sản phẩm gỗ còn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật quy định. Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (TLAS) phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định quốc tế về kiểm tra nguồn gốc gỗ nhưng việc xử lý hành chính bổ sung thủ tục vẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhìn chung, để giúp các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được lợi thế UKVFTA đem lại, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ bắt kịp với nhu cầu thế giới, xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và sản phẩm gỗ chất lượng cao tới khách hàng UK và đưa ra các quy định cụ thể rõ ràng về quy trình thực hiện UKVFTA. Ngoài ra, việc thực hiện hiệu quả và hoàn thiện khung pháp lí cho các chính sách khác như FLEGT/VPA, chính sách thúc đẩy mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ và các chính sách bảo vệ phát triển rừng bền vững cũng sẽ hỗ trợ UKVFTA.
Bài: Thanh Tú
Thiết kế: Bảo An