Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 11,1 triệu tấn sắt thép, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 35,9% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuât khẩu đạt 8,35 tỷ USD, tăng 4,5%.
Trong đó, xuất khẩu sang EU chiếm gần 23% tổng lượng thép xuất khẩu của cả nước, đạt gần 2,55 triệu tấn, tăng 86,2% so với năm 2022, kim ngạch đạt hơn 1,89 tỷ USD, tăng 29,0%. Trong EU, xuất khẩu sang các thị trường Ialia, Bỉ và Tây Ban Nha đều tăng mạnh.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 9,947 triệu tấn thép, tăng 21,02% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 7,213 tỷ USD tăng 14,75% so với cùng kỳ năm 2023. EU vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành thép Việt Nam, với khoảng 1,59 tỷ USD kim ngạch, chiếm 22% tổng giá trị xuất khẩu thép của Việt Nam trong 9 tháng, chỉ đứng sau khu vực ASEAN.
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), xu hướng trên một mặt là tín hiệu tốt cho thấy sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu từ Việt Nam trong bối cảnh sức cầu của thị trường EU được cải thiện. Tuy nhiên, ở góc độ phòng vệ thương mại, cần lưu ý theo dõi sát sao diễn biến thị trường, đặc biệt là với các nhóm hàng sắt thép, vốn là một trong những nhóm hàng bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất.
Đối với thị trường EU xu hướng bảo hộ đối với thị trường thép vẫn đáng phải quan tâm. Nhất là khi, ngày 25/6/2024, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố quy định về việc gia hạn biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép đến tháng 6/2026. Ủy ban châu Âu cũng đồng thời điều chỉnh chức năng của biện pháp này để phù hợp với điều kiện thị trường.
Việc EC ban hành Quy định này diễn ra sau cuộc điều tra do 14 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu, cho thấy biện pháp tự vệ tiếp tục cần thiết để ngăn ngừa hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thép của EU. Ngoài ra, nó cho thấy ngành công nghiệp EU đang điều chỉnh để đáp ứng mức nhập khẩu cao hơn.
Việc kéo dài và điều chỉnh Quy định được chứng minh qua sự kết hợp của các yếu tố gây áp lực nhập khẩu đáng kể trên thị trường EU.
Mức dư thừa thép toàn cầu cao và sự gia tăng xuất khẩu từ Trung Quốc sang các nước thứ ba, đặc biệt là ở châu Á, dẫn đến xuất khẩu tăng từ các nước thứ ba đó sang EU.
Số lượng các biện pháp phòng vệ thương mại và các biện pháp hạn chế thương mại khác do các nước thứ ba khác áp đặt ngày càng tăng gây chuyển hướng đến xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp vào EU như Mục 232 của Hoa Kỳ đối với một số sản phẩm thép và biện pháp khác một số nước áp dụng. Chẳng hạn, tháng 8/2023, Mexico đã tăng thuế nhập khẩu từ 15% lên 25% đối với một số sản phẩm thép. Tháng 2/2024 Brazil tăng thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm thép. Tháng 4/2024, Thổ Nhĩ Kỳ hạn chế xuất khẩu một số sản phẩm thép sang Israel.
Các điều chỉnh kỹ thuật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Biện pháp này sẽ hết hạn vào ngày 30/6/2026, tám năm sau khi được áp dụng lần đầu tiên, đây là thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tối đa được phép theo quy định của EU và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ủy ban Châu Âu vẫn có thể xem xét việc thực hiện biện pháp này trước ngày 30/6/2026 nếu thấy cần điều chỉnh thêm.
Việt Nam cũng là một trong số các nước xuất khẩu sang EU chịu ảnh hưởng của việc gia hạn quy định này.
Sau đó, ngày 8/8/2024, EC tiếp tục ban hành Thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam, nhập khẩu vào EU.
Theo đó, quyết định khởi xướng điều tra được đưa ra trên cơ sở xem xét hồ sơ yêu cầu mà EC nhận được từ Hiệp hội Thép Châu Âu ngày 24/6/2024 đối với sản phẩm thép cán nóng.
Tuy nhiên, có một số hàng hóa được loại trừ là (1) Thép không gỉ hoặc thép điện silicon định hướng hạt; (2) Thép công cụ và thép công cụ có độ cứng lớn chuyên dụng; (3) Thép không ở dạng cuộn, không có hoa văn nổi, có độ dày lớn hơn 10 mm và khổ rộng từ 600 mm trở lên; và (4) Thép không ở dạng cuộn, không có hoa văn nổi, có độ dày từ 4,75 mm trở lên nhưng không quá 10 mm và có khổ rộng từ 2050 mm trở lên.
Giai đoạn điều tra bán phá giá: Từ ngày 1/4/2023 đến ngày 31/3/2024. Giai đoạn điều tra thiệt hại: Từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/3/2024.
Cục Phòng vệ thương mại nêu rõ, trong Thông báo khởi xướng, EC đã cung cấp chi tiết các nội dung liên quan tới Bên yêu cầu, hàng hóa bị điều tra, cáo buộc bán phá giá, thiệt hại và mối quan hệ nhân quả, cáo buộc về can thiệp giá nguyên liệu đầu vào, quy trình thủ tục điều tra và các thời hạn liên quan, các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, hướng dẫn về các thủ tục tải và đăng tải tài liệu trên hệ thống điện tử TRON của EC.
Đáng chú ý, sự việc này xảy ra trong bối cảnh sản phẩm thép cán nóng sản xuất trong nước cũng đang phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khầu từ nước ngoài nghi bán phá giá trên thị trường Việt Nam. Trước đó, vào tháng 7/2024, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép cán nóng nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Vì vậy, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra nghiên cứu kỹ các thông tin tài liệu gửi kèm, hợp tác đầy đủ toàn diện với EC để cung cấp các thông tin, tài liệu theo đúng thể thức và thời hạn quy định, thường xuyên phối hợp, cung cấp thông tin để nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ Cục Phòng vệ thương mại.
Cục Phòng vệ thương mại lưu ý, một trong những sản phẩm có thể vào “tầm ngắm” của EU trong thời gian tới là thép hình.
Theo số liệu thống kê hải quan EU của IHS Markit, năm 2022, EU nhập khẩu tổng cộng 834,2 triệu USD sản phẩm thép hình mã HS 7216 từ các thị trường ngoại khối, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh và Trung Quốc là các nhà cung ứng hàng đầu.
Năm 2023, nhập khẩu nhóm hàng này từ các thị trường ngoại khối vào EU đạt 733,4 triệu USD, giảm 12% so với năm 2022.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, EU nhập khẩu từ các thị trường ngoại khối tổng cộng 298,14 triệu USD nhóm hàng mã HS 7216, tương đương với khoảng 59,6 triệu USD/tháng, thấp hơn so với mức trung bình 61,2 triệu USD/tháng của năm 2022.
Xét về nhập khẩu từ các nguồn cung ứng lớn, nhập khẩu Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang dẫn đầu, tiếp theo là Vương quốc Anh.
Việt Nam là quốc gia có trị giá xuất khẩu thép hình sang thị trường EU chủ lực và thường có mặt trong 4 nước xuất khẩu chính. Việt Nam bắt đầu xuất khẩu mặt hàng này sang EU từ năm 2021 và chỉ đạt 7,98 triệu USD tổng kim ngạch. Sau đó, trị giá xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt và tăng đến hơn 2,71 lần vào năm 2022, đạt 21,68 triệu USD. Sang đến năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu thép hình của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh lên đến 35,62 triệu USD.
Đến hết 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thép hình của Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm khi trị giá xuất khẩu chỉ đạt 11,92 triệu USD, giảm 10,15% so với 5 tháng đầu năm 2023.
Đáng chú ý, năm 2023, tổng kim ngạch nhập khẩu thép hình của EU giảm mạnh tới hơn 149,41 triệu USD so với cùng kỳ năm trước đó. Hầu hết các quốc gia xuất khẩu chính sản phẩm này sang EU đều có sự sụt giảm về trị giá xuất khẩu ở mức tương đối cao trừ Việt Nam. Việt Nam là nước có tăng trưởng mạnh nhất lên đến 39,13% so với năm 2022, đạt 35,62 triệu USD. Trị giá xuất khẩu của Italia giảm mạnh nhất lên đến gấp 5,93 lần so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1,97 triệu USD. Các quốc gia xuất khẩu thép hình hàng đầu như Malaysia, Bồ Đào Nha và Hungary đều giảm mạnh về trị giá xuất khẩu dao động từ 62,14% đến 144,9% so với cùng kỳ năm trước đó, giúp cho Việt Nam trở thành quốc gia có tổng kim ngạch nhập khẩu thép hình vào EU cao nhất năm 2023.
Dù vậy, với trị giá như trên, thị phần của nhóm hàng mã HS 7216 nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 0,002% tổng trị giá nhập khẩu vào EU từ các thị trường ngoại khối trong năm 2022. Đến năm 2023 và 5 tháng đầu năm nay, thị phần được cải thiện lên mức 0,01% nhưng vẫn rất thấp.
Như vậy, nhập khẩu thép hình từ Việt Nam vào EU biến động mạnh trong giai đoạn 2021-2023 nhưng đều đang trong xu hướng tăng từ đầu năm 2024.
Sản phẩm thép hình đã bắt đầu được cảnh báo từ tháng 10/2023 sau khi EU áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép hình nhập khẩu từ 22 thị trường, trong đó có các thị trường đáng chú ý như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan-Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Các doanh nghiệp cũng như hiệp hội ngành hàng thép của EU và EU được trang bị các kiến thức và năng lực trong việc xác định và bảo vệ quyền lợi của mình theo luật định, cũng như có ưu thế hơn doanh nghiệp ở các nước phát triển trong việc sử dụng các công cụ để bảo vệ hoạt động sản xuất nội địa trước sự cạnh tranh mạnh và tăng nhanh của hàng nhập khẩu. Họ cũng biết cách sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích mình thông qua các đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh…
Cục Phòng vệ Thương mại tiếp tục khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nhóm hàng này theo dõi tình hình thị trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần phối hợp với các cơ quan chức năng để nắm bắt thông tin, chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ, chứng từ, đặc biệt là hồ sơ liên quan đến xuất xứ hàng hóa, nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thép hình, thép cuộn xuất khẩu sang thị trường EU và EU trong thời gian tới. Những nỗ lực trên nhằm phòng tránh các rủi ro liên quan đến bán phá giá, trợ cấp, gian lận xuất xứ hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của thị trường đối tác.
Bài: Thy Thảo
Thiết kế: Duy Kiên