Giá trị kép từ cây Sở Bình Liêu
30/11/2023 lúc 13:00 (GMT)

Giá trị kép từ cây Sở Bình Liêu

 

Sở là một trong những loại cây đặc sản của huyện miền núi Bình Liêu. Những năm gần đây, cây sở đã trở thành một trong những loài cây trồng chính, có giá trị kinh tế cao tại miền biên viễn Quảng Ninh.

 

hoa sở

Huyện Bình Liêu nằm ở phía Đông tỉnh Quảng Ninh với khoảng 96% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số như: Tày, Sán Chay, Sán Chỉ, Hoa, Dao Thanh Phán, Dao Thanh Y… Cây sở là loại cây bản địa đã gắn bó với đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây từ lâu.

Cây sở còn gọi là trà mai, trà mai hoa, cây dầu chè, tên khoa học của là Camellia oleifera. Cây sở thường gặp ở nhiều vùng rừng núi Đông Bắc và đã trở thành hình ảnh du lịch ấn tượng của Bình Liêu nhiều năm qua.

Là cây sống lâu năm, có khả năng thích nghi với nhiều loại điều kiện lập địa, có biên độ sinh thái rộng, nên cây sở được trồng ở nhiều vùng khí hậu, đất đai khác nhau. Được trồng rải rác ở tất cả các xã trên địa bàn huyện Bình Liêu. Cây sở trồng một lần cho thu hoạch vài chục năm nên có hiệu quả kinh tế cao hơn các cây trồng khác.

hoa so 1
hoa so 2
quả sở
tinh dầu sở

Cây sở cao 4 - 10m, cành nhánh nhẵn, màu xám nhạt. Lá thuôn hình giáo dài 6 - 8cm, rộng 2,5 - 4,5cm, thót lại hình nêm ở gốc, tù và có mũi nhọn ở đầu. Phiến lá dày, mép lá có khía răng cưa mảnh ở phần gần đầu, cuống lá có rãnh ở mặt trên, nhẵn.

Hoa sở thuộc giống họ trà, có bông to, màu trắng tinh khôi điểm nhụy vàng, có hương thơm nhẹ, không hắc. Nụ hoa không cuống, hình trái xoan, ở nách các lá ngọn trên các cành nhỏ, có lông tơ óng ánh, thường xếp 2 hoa ở một chỗ. Hoa sở nở rực rỡ nhất vào mùa đông, khoảng tháng 12 hàng năm.

Quả sở hình trái xoan hay hình cầu, đường kính 3 - 4cm, có 3 - 4 hạt. hạt dài 2,5cm, lồi, có 3 góc. Quả sở dùng để lấy hạt ép dầu, dầu sở dùng làm dầu ăn, ngoài ra còn là nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp như làm dầu máy, dầu nhờn, dầu chống gỉ, dầu in và dầu dùng trong y dược.

tinh dau so

 

Ngoài ra, các bộ phận khác của cây sở cũng có rất nhiều công dụng: Rễ cây được dùng trị viêm hầu cấp, đau dạ dày, bong gân; rễ và vỏ dùng trị gãy xương, sái trẹo chân, hạt sở được ép làm dầu ăn, sử dụng để chiên, nấu và làm nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp như làm dầu máy, dầu nhờn, dầu chống gỉ, dầu in và dầu dùng trong y dược. Ngoài ra, vỏ sở phơi khô được tận dụng làm chất đốt, than hoạt tính, phần bã thừa sau khi ép lấy dầu thô có tác dụng làm sạch đầm tôm, dùng sản xuất thuốc trừ sâu, làm phân bón với giá 10.000đ/kg...

hoa so
khai thac gia tri

Những năm gần đây, cây sở không chỉ được biết đến như một nét riêng, thu hút khách phương xa đến với Bình Liêu, mà còn là một loài cây mang lại lợi ích kinh tế cho người dân.

Cây sở bắt đầu được trồng từ năm 1940 ở thôn Nặm Tút, xã Lục Hồn, đến giai đoạn từ 1980-1993 được trồng nhiều ở các xã khác. Năm 2014, huyện Bình Liêu xây dựng kế hoạch và thực hiện dự án “Khôi phục và phát triển cây sở giai đoạn 2014- 2020”, trong đó, phục hồi 30ha rừng sở, xây dựng các vườn ươm sở.

trong cay so
trong cay so

Thực hiện dự án, huyện Bình Liêu đã hỗ trợ đến 70% giá cây giống, hỗ trợ phát triển sản xuất theo các chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình 135, huyện Bình Liêu đã thu hút được sự vào cuộc của đồng bào. Cùng với đó, huyện cũng khuyến khích các hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm từ cây sở, thu mua và tiêu thụ quả sở tại chỗ.

Năm 2015 huyện Bình Liêu có 345ha sở có thể khai thác. Kết quả trong 3 năm (2015 - 2017), diện tích trồng mới rừng sở toàn huyện Bình Liêu đạt trên 600 ha. Đến năm 2020 huyện Bình Liêu có 1.700ha với sản lượng là 5.000 tấn hạt.

Đối với người dân ở biên giới Bình Liêu, cây sở không chỉ mang lại nguồn thu nhập, mà còn góp phần vào phát triển loại hình du lịch mới ở đây, đó là du lịch mùa đông. Mùa hoa sở bắt đầu nở rộ ở Bình Liêu (Quảng Ninh) từ cuối tháng 11, đầu tháng 12 và kéo dài sang tận tháng 1.

hoa so 16
hoa so 17
hoa so 14
hoa so a

Cùng với việc khai thác giá trị kinh tế, từ năm 2015, huyện Bình Liêu đã tận dụng, khai thác vẻ đẹp tự nhiên của rừng sở mùa nở hoa để tổ chức Hội hoa sở Bình Liêu, tạo thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, một thương hiệu văn hóa của huyện vùng cao Bình Liêu.

Năm 2015, sau khi lễ hội hoa sở đầu tiên được tổ chức, cũng từ đó cây sở được huyện và các xã chú trọng xác định là cây kinh tế chủ lực. Lễ Hội hoa Sở cũng trở thành sự kiện văn hóa, du lịch thường niên, nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp, giá trị của hoa sở và các sản phẩm từ cây sở gắn với những nét đẹp văn hóa bản sắc đặc trưng của vùng đất Bình Liêu. Bên cạnh đó, người dân cũng tích cực vào cuộc, nhân rộng các cánh rừng sở.

hoi hoa so

Đến năm 2022, với chủ đề “Bồng bềnh mây sở”, Hội hoa sở Bình Liêu cũng đã được tổ chức thành công rực rỡ. Qua nhiều năm được tổ chức thành công, Hội hoa sở Bình Liêu không chỉ tạo nên một vẻ đẹp đặc trưng, thu hút rất đông du khách tham gia, mà còn góp phần thúc đẩy tăng nhanh cả về diện tích, chất lượng rừng trồng trên địa bàn huyện. Và theo kế hoạch, Hội hoa Sở Bình Liêu 2023 sẽ diễn ra từ ngày 15-17/12 tới đây tại khu rừng Sở thôn Đồng Long (xã Đồng Tâm) cũng sẽ tăng thêm cơ hội quảng bá thương hiệu cho cây sở Bình Liêu.

Nếu như năm 2015, toàn huyện mới có 30ha sở, thì đến nay diện tích sở đã lên đến 468,27ha và đạt sản lượng hạt khô từ 120 tấn đến 150 tấn/năm.

hoa so
gia tăng giá trị cây sở

Không chỉ có hoa đẹp tạo thành lễ hội hoa sở hàng năm mà cây còn cho ra loại dầu sở có giá trị kinh tế cao. Hiện, trên địa bàn huyện Bình Liêu có khoảng 570 ha sở, trong đó có 10 ha được trồng từ phương pháp ghép, còn lại là giống cũ của người dân. Sau 2,5 - 3 năm trồng, cây Sở sẽ bắt đầu cho thu hoạch, bình quân mỗi năm một vụ vào thời gian từ tháng 9 đến tháng 11.

Khi cánh hoa tàn, sở sẽ kết trái. Hạt sở chính là nguyên liệu sản xuất ra thứ dầu quý hiếm. Đây là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe đang được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Bởi vậy, hiện nay huyện Bình Liêu xây dựng thương hiệu Dầu sở Bình Liêu, phát triển thành hàng hóa chủ lực của địa phương.

quả sở
hạt sở

Dầu hoa sở được kiểm nghiệm, đánh giá có nhiều dinh dưỡng, Omega 3… hàm lượng chất tương đương với dầu oliu. Những năm trước, hạt cây sở có đầu ra ổn định, giá hạt đạt từ 15.000 đồng/kg. Mỗi ha thu khoảng 5 tấn hạt. Cùng với cây hồi thì sở là một trong những cây nông sản mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Nhờ đó, hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn trên 5%.

Năm 2021, từ diện tích cây sở trên địa bàn huyện đã cho thu hoạch khoảng 13 tỷ đồng. Giá bán mỗi lít dầu sở dao động từ 350.000 – 400.000 đồng. Chất lượng dầu sở Bình Liêu được đánh giá cao, hoàn toàn có thể phát triển, mở rộng thành sản phẩm hàng hóa cung cấp thị trường trong và ngoài nước.

tinh dầu

Ngày nay, dầu sở được sản xuất bằng máy móc theo công nghệ hiện đại và được sản xuất chủ yếu ở Cơ sở sản xuất dầu sở ở thôn Đồng Thanh, xã Hoành Mô, thuộc HTX Phát triển Xanh. Hàng năm, cơ sở thu mua khoảng 20 tấn hạt sở để sản xuất được khoảng 3.000 lít dầu sở/năm.

Để sản xuất ra dầu sở, phải trải qua nhiều công đoạn. Thông thường, vào khoảng tháng 10 khi vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu vàng nâu, người dân sẽ đi thu hoạch quả. Quả sở tươi thu hoạch về được ủ cho đến khi nứt, tách lấy hạt rồi đem phơi khô. Sau đó hạt sở được cho vào máy để tách riêng vỏ và phần lõi hạt bên trong. Rồi qua công đoạn làm sạch nguyên liệu, phần lõi hạt được đem rang khô bằng máy ở nhiệt độ 150 độ C trong vòng 30 phút (công đoạn này tương đối quan trọng bởi nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dầu thu được từ hạt sở).

hat so
xay ha so

Hạt rang khô đủ độ sẽ được cho vào khuôn ép để lấy dầu thô. Dầu thô được ép trực tiếp từ hạt, không thêm bất kỳ hương liệu gì. Sau đó dầu thô tiếp tục được đưa vào máy lọc để gạn sạch phần bã còn sót lại và đóng vào chai hoặc can. Chính nhờ quy trình này mà sản phẩm dầu sở đạt chất lượng tốt nhất, có màu sắc bắt mắt, mang mùi thơm đặc trưng riêng.

Tuy mới có mặt trên thị trường, nhưng sản phẩm dầu sở Bình Liêu đã trở thành thương hiệu đặc trưng riêng có của địa phương, được người tiêu dùng lựa chọn và đánh giá cao.

tinh dua so

Hợp tác xã Phát Triển Xanh, cho biết: Từ khi Quảng Ninh nói chung và huyện Bình Liêu nói riêng triển khai chương trình OCOP, nhận thấy giá trị kinh tế mà dầu Sở mang lại Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư thiết bị, máy móc để chế biến dầu sở xuất ra thị trường.

Hiện, mỗi ngày HTX bán ra thị trường gần 100 lít dầu sở với giá 300.000 đồng/lít. Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất khoảng 2.000-3000 lít dầu sở để cung cấp cho thị trường trong nước và có thể xuất khẩu. Sản phẩm dầu sở của HTX hiện mang thương hiệu “Dầu sở Bình Liêu” có tem, nhãn mác và trở thành thương hiệu của địa phương, được người tiêu dùng lựa chọn và đánh giá cao.

hoa sở

 

Bài: Xuân An
Trình bày: My Nguyễn

 


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí