Hạn chế rủi ro phòng vệ thương mại tại thị trường CPTPP
25/11/2023 lúc 10:05 (GMT)

Hạn chế rủi ro phòng vệ thương mại tại thị trường CPTPP

 

Với việc tận dụng tốt cơ hội từ CPTPP, sự gia tăng xuất khẩu nhanh, mạnh của Việt Nam đồng thời tạo ra áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp trên địa bàn sở tại.

Do đó, CPTPP mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhưng cũng mang tới những thách thức, rủi ro về việc bị điều tra và áp dụng phòng vệ thương mại.

thị trường CPTPP

Sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực vào tháng 1/2019, ngành thép Việt Nam đã đối diện hàng loạt vụ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại tại Mexico và Canada, trong đó có các sản phẩm như thép mạ, thép cán nguội, thép chống ăn mòn, ống thép, thép cốt bê tông,…

Mới đây nhất, tháng 10/2023, Bộ Kinh tế Mexico đã thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với dây hàn (micro welding wire) nhập khẩu từ Việt Nam trên cơ sở đơn kiện của ngành sản xuất sở tại.

Không chỉ tại Mexico và Canada, mà các quốc gia CPTPP nói chung ngày càng có xu hướng quan tâm và tích cực sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước xu hướng toàn cầu hóa thương mại mạnh mẽ.

Số lượng các vụ việc điều tra của các nước thành viên CPTPP đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2021 có sự gia tăng so với giai đoạn trước đó, cho thấy mức độ chủ động và năng lực điều tra phòng vệ thương mại của các thành viên CPTPP đang ngày càng nâng cao. Số vụ việc mà các đối tác trong CPTPP khởi xướng điều tra với Việt Nam chiếm trên 20% tổng số vụ việc phòng vệ thương mại khởi xướng bởi các nước thành viên WTO đối với Việt Nam cho đến nay.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã liên tục có các cảnh báo về nguy cơ bị khởi kiện phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường trong khối CPTPP.

Trong danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp (cập nhật đến tháng 6/2023), thép hình cán nóng xuất khẩu sang Australia đã lần đầu tiên được đưa vào danh sách, cho thấy nguy cơ phòng vệ thương mại đang gia tăng tại thị trường này.

CPTPP 1
phòng vệ thương mại CPTPP 2
CPTPP 3
CPTPP 4

Trao đổi tại Tọa đàm do Tạp chí Công Thương tổ chức mới đây, ông Phùng Gia Đức, Phó Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ: Nguyên tắc để bắt đầu một vụ việc phòng vệ thương mại đầu tiên chính là sự gia tăng về nhập khẩu.

Một nước nhập khẩu nhận thấy rằng có một sự gia tăng rất lớn về mặt nhập khẩu và gây sức ép đối với trong nước thì họ sẽ bắt đầu tiến hành những bước đầu tiên để điều tra phòng vệ thương mại.

Do vậy, những mặt hàng sẽ dễ dàng bị tổn thương nhất, dễ bị điều tra nhất chính là những mặt hàng tăng trưởng nhanh, mạnh.

 
Gia Đức

Theo thống kê của chúng tôi thì những mặt hàng gọi là lợi thế và xương sống của Việt Nam như thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, các sản phẩm kim loại cơ bản như thép, nhôm, các sản phẩm liên quan đến dệt may và một số sản phẩm hóa chất là những sản phẩm truyền thống và sẽ tiếp tục bị kiện phòng vệ thương mại trong tương lai, kể cả trong các FTA nói chung và thị trường CPTPP nói riêng.

Ông Phùng Gia Đức, Phó Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương)

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Văn Phụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam cho biết: Thời gian qua các doanh nghiệp ngành nhôm đã tận dụng tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định thương mại CPTPP với các thị trường như Canada, Nhật Bản và các thị trường tiềm năng như châu Mỹ hoặc Úc, Nam Mỹ...

Tuy nhiên, theo ông Phụ, không phải cứ có các hiệp định thương mại là có một con đường rộng mở thì các doanh nghiệp tha hồ chạy mà các doanh nghiệp cũng bị rất nhiều rủi ro đến từ các thị trường đó, đặc trưng là các thị trường nhập khẩu sẽ sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Đấy là rủi ro rất lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước và đặc biệt trong ngành nhôm.

phòng vệ

Theo ông Bùi Tuấn Hoàn, Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương, trong bối cảnh các nước CPTPP khu vực châu Mỹ ngày càng quan tâm đến nguồn hàng từ Việt Nam thì rủi ro về phòng vệ thương mại tại các thị trường này ngày càng cao.

Tính đến nay Canada đã khởi xướng 18 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam và các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam chúng ta bị áp thuế hiện nay chủ yếu là các chủng loại về thép như thép mạ, thép cốt bê tông, thép cuộn, thép carbon, ống thép dẫn dầu, ghế bọc đệm.

          
Tuấn Hoàn

Dự báo trong thời gian tới, các mặt hàng của chúng ta có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao vẫn tiếp tục trở thành các đối tượng bị điều tra về phòng vệ thương mại tại Canada.

Ông Bùi Tuấn Hoàn, Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương

          

 

Ngay tại Mexico, Chính phủ nước này cũng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam nhập khẩu thông qua các biện pháp chống bán phá giá và các điều tra về xuất xứ hàng hóa (C/O) với các vụ việc khởi xướng và kết luận biện pháp chống bán phá giá sản phẩm thép, cán mạ thép, thép carbon của Việt Nam; gần đây nhất tháng 10/2023 vừa qua Chính phủ Mexico đã thông báo việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm dây hàn nhỏ của Việt Nam, mặc dù đây là mặt hàng nhỏ và kim ngạch chưa tăng trưởng cao.

Từ kinh nghiệm chuẩn bị ứng phó và hạn chế rủi ro bị điều tra, áp dụng các biện pháp lẩn tránh tại thị trường CPTPP, ông Vũ Văn Phụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam cho biết: Nhận thức của các doanh nghiệp ngành nhôm về rủi ro phòng vệ thương mại không đồng đều.

Các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu quan tâm đến nhu cầu của thị trường, mức thuế xuất nhập khẩu và giá cả hàng hóa mà rất ít quan tâm đến rủi ro phòng vệ thương mại, chỉ khi xảy ra các vụ việc liên quan thì các doanh nghiệp mới bắt đầu tìm hiểu các thông tin thông qua các hiệp hội, luật sư hoặc các đối tác của của mình và khi đó thì họ ứng phó một cách tương đối bị động”, ông Phụ cho biết.

Thời gian gần đây, khi hiện tượng áp dụng phòng vệ thương mại của các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam gia tăng thì các doanh nghiệp mới bắt đầu quan tâm hơn tới việc phòng vệ thương mại, nhận thức của các doanh nghiệp hiện nay cũng bắt đầu có sự thay đổi.

Cùng với sự hỗ trợ của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Thương giúp doanh nghiệp tìm hiểu các thông tin và cách ứng phó, ông Phụ cho rằng chính doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị khi xuất khẩu sang các nước CPTPP. Bên cạnh tận dụng các ưu đãi về thuế quan của hiệp định thương mại thì các doanh nghiệp khi cần tìm hiểu tập quán của các thị trường xuất khẩu, xem thị trường đó có thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hay không và đồng thời phải xây dựng cho doanh nghiệp của mình, ngành hàng mình một chiến lược đa dạng thị trường, đa dạng hàng hóa sản phẩm xuất khẩu.

 
hiệp hội nhôm

Đối diện với những vụ việc bị kiện, điều tra phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tích cực về hồ sơ dữ liệu doanh nghiệp để luôn trong tư thế chủ động, đặc biệt các doanh nghiệp không nên cạnh tranh về giá vì đây là một điều rủi ro rất lớn khi bị điều tra về phòng vệ thương mại.

Ông Vũ Văn Phụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam

 

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, đề nghị Bộ Công Thương, đặc biệt là Cục Phòng vệ thương mại duy trì tốt Trung tâm cảnh báo sớm để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp bởi thông tin đến sớm là thông tin rất có giá trị và quý báu với doanh nghiệp khi bị điều tra về phòng vệ thương mại.

Mặt khác rất cần hỗ trợ từ các Vụ thị trường Châu Mỹ - Châu Âu, các tham tán thương mại tại các thị trường CPTPP để kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại và chia sẻ thông tin cho các doanh nghiệp, ngành hàng để có thêm cơ hội mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường nào đó khi bị điều tra về phòng vệ thương mại.

Chia sẻ quan điểm với ông Vũ Văn Phụ về nhận thức của doanh nghiệp đối với rủi ro phòng vệ thương mại, ông Phùng Gia Đức cho rằng khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp là vấn đề nhận thức. Một số doanh nghiệp rất chủ động, doanh nghiệp lớn của Việt Nam hiện nay thậm chí còn có bộ phận chuyên trách là Ban phòng vệ thương mại trong Tập đoàn.

Tuy nhiên nhìn chung, doanh nghiệp vẫn phải nâng cao hơn nữa nhận thức về phòng vệ thương mại. Mặc dù có sự hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại bằng cách hằng năm tổ chức rất nhiều hội thảo, diễn đàn, khóa đào tạo ở các mức độ khác nhau về phòng vệ thương mại hoàn toàn miễn phí và mời các doanh nghiệp tham gia lắng nghe, trao đổi nhưng thực tế, lượng doanh nghiệp tham gia chưa nhiều, và doanh nghiệp trong các hội thảo đấy tính chủ động cũng chưa cao.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể cập nhật thông tin liên quan đến nguy cơ rủi ro phòng vệ thương mại tại thị trường nước ngoài thông qua trang web của Cục phòng vệ thương mại, bao gồm cả các thông tin về cảnh báo sớm; thông tin vụ việc điều tra ở nước ngoài như thế nào, trong nước điều tra như thế nào, trong đó rất đầy đủ, kèm theo các thông báo của cơ quan điều tra nước ngoài. Hay thông tin từ các Vụ Thị trường và Thương vụ Việt Nam tại các nước cũng là một nguồn thông tin rất nhanh cho doanh nghiệp tận dụng, tham khảo.

Đối với những vụ việc cụ thể, từ nhận thức của doanh nghiệp sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp hiểu rằng mình phải phối hợp đầy đủ, toàn diện với cơ quan điều tra. Vì khi chúng ta không phối hợp sẽ bị coi rằng bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ và hậu quả của nó là chúng ta sẽ bị trừng phạt ở mức thuế cao nhất dẫn đến việc chúng ta mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu vào tay những đối thủ nước ngoài khác hoặc vào tay chính ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu”, ông Đức khuyến nghị.

Doanh nghiệp cũng cần duy trì mối quan hệ rất chặt chẽ với các đối tác nhập khẩu vì họ là những người nắm thông tin nhanh nhất, thậm chí những thông tin chưa chính thức trên thị trường. Mặt khác, khi doanh nghiệp định hướng xuất khẩu sang thị trường mục tiêu thì nên dành một nguồn nhân lực, vật lực để nghiên cứu về pháp luật phòng vệ thương mại của thị trường đó. Các doanh nghiệp càng chủ động hơn thì hiệu quả ứng phó với rủi ro phòng vệ thương mại càng cao.

điện tử
thép cán

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp hạn chế những rủi ro bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sang thị trường các FTA nói chung và tại thị trường CPTPP nói riêng.

Trong đó tập trung tăng cường phổ cập những kiến thức chung về phòng vệ thương mại và thực hiện những đào tạo nâng cao nhận thức một cách chuyên sâu hơn để các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp không có đủ nguồn lực tự nghiên cứu sẽ có cơ hội tham gia.

Một xu hướng mới nổi lên trong hai năm trở lại đây là xu hướng điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Đây là một biện pháp mở rộng để đảm bảo rằng hiệu quả biện pháp phòng vệ thương mại gốc được duy trì ổn định và Việt Nam cũng là một trong những nước bị kiện rất nhiều. Vì thế, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật các vấn đề liên quan đến thay đổi pháp luật của các thị trường nước ngoài.

CPTPP 5
          

Bài: Việt Hằng
Ảnh bìa và Thiết kế: Hoàng Phương

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí