Lạc Dương là huyện vùng cao của tỉnh Lâm Đồng, nằm dưới chân dãy núi Langbiang, có 67,95% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như C’ho, Chill, ChRu, Eâđê… Nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm, bà con nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích trồng cà phê không năng suất sang trồng hoa hồng, mang lại thu nhập cao và ổn định.
Hoa hồng có tên chung Rosa sp, xuất xứ Bắc Mỹ và châu Á nhưng sớm được du nhập vào châu Âu… Sau ngày bác sĩ Yersin tìm ra cao nguyên Lang Biang, hoa hồng là một trong những loài hoa đầu tiên được đưa vào Đà Lạt. Sớm nhất là giống hồng Pháp Rosier rouge, hoa màu đỏ cờ, đến Đà Lạt từ cuối thế kỷ 19; tiếp theo là hoa hồng Bắc do A. Chevalier, nhà thực vật học danh tiếng người Pháp phát hiện trên đất Kinh Bắc, nên đặt tên khoa học Rosa tonquinensis (trong đó Tonquin theo Latin là bắc Bộ)…
Hoa hồng Đà Lạt thuộc họ hoa hồng (Rosaceae), khá đa dạng về màu sắc và mang hương thơm nổi bật. Những loại hoa hồng Đà Lạt phổ biến như:
- Hoa hồng Tezza: Hay có tên gọi khác là hồng siêu nụ. Là loại cây có kích thước đáng yêu và nét đẹp ấn tượng. Hoa có nhiều màu sắc khác nhau như: Vàng, cam, hồng phấn, đỏ. Cây có chiều cao khoảng 30cm và rất sai hoa.
- Hoa hồng cổ Đà Lạt: Là loài hoa hồng mang vẻ đẹp kiêu sa, cùng với hương thơm nồng nàn. Cây có dạng thân leo và màu sắc hoa nhẹ nhàng, cuốn hút: Hồng phấn, vàng nhạt, trắng,….
- Hoa hồng Sa Đéc: Có tên gọi khác là hồng nhung. Đây là loài hoa phổ biến trong các loài hoa hồng. Tuy vậy, Hồng nhung Đà Lạt lại mang sắc đỏ đậm, hoa to và thơm hơn những nơi khác.
Công dụng của hoa hồng
- Sử dụng để trang trí nhà cửa, sự kiện.
- Chế biến món ăn
- Chế biến đồ uống
- Điều chế làm các loại mỹ phẩm, tinh dầu, nước hoa, sữa tắm để làm đẹp da.
- Hỗ trợ điều trị các bệnh về tiêu hóa, suy nhược cơ thể, thần kinh căng thẳng, chữa ho, viêm họng...
Lạc Dương là vùng có khí hậu phù hợp với hoa hồng. Nghề trồng hoa hồng tại Lạc Dương đã mang lại nguồn kinh tế ổn định cho nhiều hộ nông dân. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ rau sang hoa được chính quyền và người dân đánh giá cao, hoàn toàn phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện Lạc Dương, năm 2022, địa phương có 335 ha hoa hồng với hơn 50 giống có tên gọi, màu sắc khác nhau. Trong đó, tập trung nhiều nhất là Thị trấn Lạc Dương với khoảng 313 ha, còn lại các xã như Đạ Nhim 7 ha, Đạ Sar 4,8 ha, xã Lát 4,6 ha, Đạ Chais 0,4 ha, Đưng K’nớ 5,2 ha. Sản lượng cung cấp ra thị trường bình quân hàng năm đạt khoảng 335 triệu cành/năm.
Nhiều hộ dân ở thị trấn Lạc Dương đã đầu tư mạnh vào sản xuất hoa hồng; hộ ít vài sào, có hộ diện tích vài ha. Hoa hồng ở đây được áp dụng công nghệ cao trong các khâu sản xuất, bảo quản nên hoa rất đẹp, bền, được thị trường ưa chuộng.
Bà Nguyễn Thị Bốn (thị trấn Lạc Dương) có 5.000 m2 hoa hồng, thu nhập mỗi tháng trên 60 triệu đồng. Bà cho biết, cứ 2 ngày cắt hoa một lần; mỗi lần cắt từ 5.000 đến 6.000 cành, giá bán tại vườn ngày thường từ 1.200 đến 1.500 đồng/cành; khi khan hiếm, thương lái mua giá cao hơn…
Trước những yêu cầu đòi hỏi của thị trường về chất lượng sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ, cũng như khẳng định vị trí, thương hiệu độc quyền mang đặc trưng riêng của huyện Lạc Dương, việc xây dựng thương hiệu “Hoa hồng LangBiang” cho sản phẩm hoa hồng là vấn đề rất cần thiết.
Năm 2021, tỉnh Lâm Đồng đã cho phép UBND huyện Lạc Dương làm hồ sơ, đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Hoa hồng LangBiang” và xác nhận bản đồ khu vực địa lý mang nhãn hiệu chứng nhận “HOA HỒNG LANGBIANG”.
Để xây dựng nhãn hiệu “Hoa hồng Langbiang”, UBND huyện Lạc Dương đã ban hành bảng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu phù hợp để có những biện pháp chặt chẽ trong việc phối hợp giữa cung và cầu, nhằm đưa thương hiệu hoa hồng vươn xa hơn. Từ đó, nắm bắt thông tin kịp thời và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình canh tác và thu mua hoa hồng vận chuyển trong và ngoài tỉnh.
Các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ dân sau khi đăng ký và được cấp phép sử dụng nhãn hiệu này sẽ được hỗ trợ quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng dưới hình thức hội chợ triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại... nhằm hướng đến việc phát triển kinh tế từ cây hoa hồng một cách bền vững và đem lại hiệu quả cao.
Đến nay, UBND huyện Lạc Dương đã phối hợp với các ngành thực hiện nội dung kỹ thuật như: Xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; thiết kế logo; xây dựng bảng tiêu chí chất lượng; xây dựng bản đồ vùng - chứng nhận và đã tổ chức lấy ý kiến của các ngành, các đơn vị và một số tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh hoa hồng trên địa bàn huyện Lạc Dương.
Dãy Langbiang gồm hai ngọn núi Núi Ông và Núi Bà, nằm cách thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) 12 km, thuộc địa phận huyện Lạc Dương. Cả hai ngọn núi này cao hơn 2.100 m so với mặt nước biển. Langbiang được ví như "nóc nhà" của khu vực cao nguyên hùng vĩ này và là điểm tham quan du lịch hấp dẫn của thành phố Đà Lạt.
Việc xây dựng nhãn hiệu “HOA HỒNG LANGBIANG” được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội giao thương, nâng cao thu nhập cho người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đặc biệt, nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm hoa hồng Lạc Dương.
Thực tế cho thấy, những chuyển hướng trong sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) là hướng đi đúng, song để đảm bảo đầu ra của sản phẩm nông nghiệp một cách vững chắc thì cần xây dựng chặt chẽ mối liên kết giữa sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.
Để khẳng định vị trí, nâng cao giá trị thương phẩm cho hoa hồng, huyện Lạc Dương đã có kế hoạch xây dựng, phát triển vùng sản xuất tập trung, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh hoa hồng trên địa bàn theo chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm hoạt động trên địa bàn.
Huyện cũng tạo mọi điều kiện thu hút các dự án chế biến từ hoa hồng như: Nước hoa hồng, trà hoa hồng, các mỹ phẩm từ hoa hồng. Mặt khác, tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm, hội thảo về sản phẩm “Hoa hồng Lang biang” là hướng đi của huyện Lạc Dương.
Ông Hoàng Bình Minh (Thị trấn. Lạc Dương), được người dân gọi là “trưởng làng” hoa chia sẻ: Vùng sản xuất hoa Lang Biang đang hình thành những tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ hoa hồng. Những nông hộ có kinh nghiệm chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cách chăm sóc, cách thu hoạch và thu mua hoa của bà con mới vào, nhờ đó việc sản xuất, tiêu thụ hoa ổn định hơn.
Hiện nay, hoa hồng từ các nhà vườn ở Lạc Dương đã được tiêu thụ rộng khắp thị trường cả nước. Trong đó, nhiều thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ… Sản lượng hàng năm cung cấp ra thị trường ước tính khoảng 330 triệu cành. Người dân sản xuất hoa hồng trên địa bàn phần lớn bán trực tiếp cho các vựa thu mua.
Để chiếm lĩnh thị trường trong nước, nâng cao kim ngạch xuất khẩu, ngành hoa Đà Lạt nói chung và huyện Lạc Dương nói riêng sẽ tiếp tục tổ chức theo hướng công nghệ cao, công nghệ thông minh, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ.
Được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn, anh Bon Yô Soa (trú tại tổ dân phố Đan Kia, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã đầu tư nhà kính trồng hoa hồng. Nhờ vậy, kinh tế gia đình anh ngày càng ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trước đây, toàn bộ diện tích 1.500 m2 đất vợ chồng anh đã trồng cà phê. Tuy nhiên, chăm sóc cà phê vất vả mà năng suất lại thấp, giá cả bấp bênh. Năm 2020, anh phá bỏ đất trồng cà phê đã cằn cỗi, mạnh dạn vay 100 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng hoa hồng trong nhà kính.
Anh Yô Soa cho biết: “Cây hoa hồng đã giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định trên 10 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí, đặc biệt, vào mỗi dịp lễ, Tết, hoa cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Sau 2 năm thu nhập từ hoa hồng, vợ chồng tôi còn mua được 3 con bò, trồng dâu tây và mua được thêm vài sào đất tại huyện Lạc Dương. Dự kiến trong năm nay, gia đình tôi sẽ trả hết số nợ đã vay cho Ngân hàng Chính sách huyện Lạc Dương”.
Từ hiệu quả mô hình trồng hoa hồng của gia đình anh Bon Yô Soa, nhiều hộ ở tổ dân phố Đan Kia, thị trấn Lạc Dương đã làm theo và có thành quả rõ rệt.
Bài: Xuân An
Trình bày: My Nguyễn