Hoa Kỳ gia tăng điều tra phòng vệ thương mại: Mặt hàng nào cần lưu ý?
13/11/2023 lúc 11:30 (GMT)

Hoa Kỳ gia tăng điều tra phòng vệ thương mại: Mặt hàng nào cần lưu ý?

Hoa Kỳ

Nhiều năm qua, Hoa Kỳ liên tục giữ vị trí là đối tác thương mại quan trọng và là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam với tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới. Năm 2022, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ ước đạt 62,27 tỷ USD. Dù giảm 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái do tác động chung của suy giảm kinh tế toàn cầu, nhưng Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Hoa Kỳ

Dù vậy, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam cũng đi kèm với nguy cơ bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường Hoa Kỳ.

Số liệu của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, tính đến hết tháng 8/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 234 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường; trong đó, Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, với 56 vụ việc, chiếm khoảng 24% tổng số vụ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị nước ngoài điều tra.

Trong năm 2022, Hoa Kỳ tiếp tục điều tra đối với các vụ việc đã khởi xướng từ những năm trước như điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng, thép không gỉ dạng tấm và dải, chống bán phá giá với mật ong. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra mới 12 vụ việc, trong đó chủ yếu là điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (11 vụ), đối với các mặt hàng như các sản phẩm thép, pin năng lượng mặt trời, tủ gỗ, ghim dập, bìa kẹp hồ sơ…

8 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ chiếm tới 4 trong 7 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, gồm 3 vụ việc chống bán phá giá của Hoa Kỳ với máy xịt rửa chạy bằng gas áp lực cao, giá để đồ bằng thép, túi mua hàng bằng giấy và 1 vụ việc xem xét phạm vi sản phẩm đối với bánh xe kéo bằng thép.

Dù vậy, xu hướng này không chỉ diễn ra với Việt Nam. Theo số liệu thống kê của WTO, kể từ khi thành lập (năm 1995) đến hết tháng 12 năm 20227, trên toàn thế giới có 7.665 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra, trong đó có 5.074 vụ điều tra dẫn đến áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Tính riêng khối G20, Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng điều tra chống bán phá giá nhiều nhất với 101 vụ việc trong giai đoạn tháng 7/2020 - tháng 6/2022 và cũng sử dụng biện pháp chống trợ cấp nhiều nhất trong giai đoạn tháng 7/2019 - tháng 6/2022, với 33 vụ việc khởi xướng và 40 vụ việc áp thuế chính thức.

Hoa Kỳ

Theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, các doanh nghiệp nội địa của Hoa Kỳ ý thức rất rõ về quyền lợi cũng như các công cụ của mình khi hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh khốc liệt, gây ra tổn hại, tổn thương đối với ngành sản xuất trong nước. Họ cũng biết cách sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích nếu bị kiện ở Hoa Kỳ. Do vậy các vụ việc ngày càng tăng trong thời gian vừa qua.

Thực tế, ngoài Bộ Thương mại Hoa Kỳ thì các cơ quan khác như Ủy ban Thương mại Quốc tế, cơ quan hải quan hay biên phòng Hoa Kỳ đều có thể điều tra các vụ việc phòng về thương mại.

Ngoải ra, các quy định mới của Hoa Kỳ từ cuối năm 2021, đặc biệt là những quy định về các bước điều tra cũng như phạm vi nội hàm liên quan đã được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan của Hoa Kỳ trong quá trình khởi xướng điều tra cũng như xác định các mức độ của các mặt hàng gia tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, trong đó có mặt hàng từ Việt Nam.

Vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành dự thảo sửa đổi các quy định nhằm tăng cường thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại trong Luật Chống bán phá giá và Chống trợ cấp (Đạo luật Thuế quan 1930 của Hoa Kỳ) để lấy ý kiến các bên liên quan. Trong dự thảo này, DOC đã đề xuất sửa đổi nhiều thủ tục, quy trình hiện hành; luật hóa nhiều thực tiễn điều tra và củng cố một số phương pháp phân tích, tính toán giá và chi phí.

Đây là vấn đề Bộ Công Thương đang sát sao theo dõi và phối hợp với các hiệp hội ngành hành, doanh nghiệp xuất khẩu chuẩn bị cho các phản ứng chính sách phù hợp.

Đặc biệt, thời gian gần đây, các cơ quan của Hoa Kỳ đang tăng cường sử dụng các biện pháp chống lẩn tránh thuế để áp dụng với hàng hóa nhập khẩu, với lý do: i) Thời gian điều tra nhanh và yêu cầu điều tra đơn giản hơn; ii) Mức thuế áp dụng thường rất cao; iii) Có thể không bị khởi kiện do WTO chưa quy định cụ thể về nội dung này. Do đó, nhóm hàng có nguy cơ bị kiện cao thường là các nhóm hàng đã bị Hoa Kỳ điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trước đó với các nước khác.

Riêng trong năm 2022, Hoa Kỳ đã khởi xướng 11 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam, chiếm hơn 30% tổng số vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với Việt Nam từ trước tới nay.

 

 

Trong các vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ tiến hành với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, một số mặt hàng bị điều tra có kim ngạch xuất khẩu lớn như pin năng lượng mặt trời hay tủ gỗ.

Không loại trừ khả năng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới.

Ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại,

Bộ Công Thương

Một xu hướng phòng vệ thương mại khác của Hoa Kỳ trong thời gian gần đây là Bộ Thương mại Hoa Kỳ thường tự khởi xướng điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại. Trước đây, chủ yếu các vụ việc bắt đầu từ đơn kiện của nguyên đơn là nhà sản xuất nội địa. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đã chủ động khởi xướng một số vụ việc mà không cần đến đơn kiện của doanh nghiệp tại đây. Tuy nhiên, nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ tự khởi xướng thì có xu hướng thường là những mặt hàng có liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia. Ví dụ như mặt hàng nhồm và thép, năm 2018 Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã nêu rằng, căn cứ vào Mục 232 của Đạo luật về mở rộng thương mại 1962, mặt hàng nhôm thép thuộc nhóm liên quan đến vấn đề an ninh năng lượng. Nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ tự khởi xướng điều tra thì thường sẽ không tập trung vào các nhóm mặt hàng tiêu dùng.

Xu hướng trên một mặt thuận lợi là giúp ta có thể cảnh báo trước và chuẩn bị một cách bài bản hơn, có sự đầu tư theo dõi về nguồn lực, thời gian cho các mặt hàng cảnh báo bị kiện; nhưng cũng sẽ gây khó khăn trong quá trình xử lý vụ việc do những vụ việc này thường rất phức tạp.

Hoa Kỳ

Kể từ vụ việc điều tra chống bán phá giá đầu tiên với Việt Nam vào năm 2002, Hoa Kỳ đã coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường.

Sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, năm 2008, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thành lập Nhóm công tác song phương về kinh tế thị trường (đầu mối là Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Hoa Kỳ). Từ đó đến nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tổ chức 10 phiên họp kỹ thuật để trao đổi thông tin, giúp Hoa Kỳ cập nhật về tình hình kinh tế thị trường của Việt Nam. Đây là bước chuẩn bị quan trọng, giúp Hoa Kỳ hiểu hơn về sự đổi mới của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua.  

Ngày 8/9/2023, Bộ Công Thương Việt Nam đã chính thức nộp hồ sơ đề nghị Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam.

Tại Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện ngày 10-11/9/2023, Hoa Kỳ đã “hoan nghênh những bước tiến trong quá trình cải cách kinh tế dựa trên thị trường có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam, đồng thời khẳng định sự nhiệt tình và cam kết đối với quá trình phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và trên tinh thần ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và tiến tới công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam theo luật Hoa Kỳ”.

Hoa Kỳ
Hoa Kỳ

Đặc biệt, Hoa Kỳ đề cập “ngày 8/9/2023, Hoa Kỳ đã nhận được yêu cầu chính thức của Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường. Hoa Kỳ sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu này của Việt Nam theo luật định”.

Trong bối cảnh Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, việc được công nhận vấn đề kinh tế thị trường có ý nghĩa rất lớn cho các ngành sản xuất, xuất khẩu của ta.

Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần tiếp tục chủ động, nắm bắt sớm thông tin về khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại tại Hoa Kỳ để có thời gian để chuẩn bị chính thức cũng như chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, thông tin, hồ sơ, sổ sách, giấy tờ.

Đồng thời, cần phối hợp với sức chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại, Hiệp hội ngành hàng trong việc theo dõi, cập nhật cũng như chia sẻ thông tin và chuẩn bị các bước trong quá trình ứng phó. Nếu được đưa vào danh sách có nguy cơ bị khởi kiện, doanh nghiệp cũng cần chủ động trang bị các kiến thức pháp luật về phòng vệ thương mại, chuẩn bị các nguồn lực cần thiết.

Và một vấn đề rất quan trọng là để gia tăng khả năng sản xuất và xuất khẩu bền vững, xuất khẩu xanh thì doanh nghiệp cần xem xét đầu tư nghiên cứu gia tăng hàm lượng giá trị của sản phẩm, giảm phụ thuộc cạnh tranh về giá mà chuyển sang cạnh tranh về chất lượng công nghệ, cũng như đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc đối với các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sản phẩm.

Hoa Kỳ
Hoa Kỳ

Bộ Công Thương vừa công bố danh sách 18 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại năm 2023, trong đó có đến 17/18 mặt hàng là xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ

Mã HS tham khảo: 4412.31, 4412.32, 4412.33, 4412.34, 4412.94, 4412.99

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 7/2019.

Hoa Kỳ đã chính thức áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 11/2017.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng nhanh từ 33,4 triệu USD năm 2016 lên 322,2 triệu USD năm 2019. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 378,9 triệu USD. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 27,8% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

Tháng 10/2019, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) thông báo chính thức điều tra trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế (evasion) đối với một số công ty Hoa Kỳ nhập khẩu gỗ dán từ Việt Nam.

Tháng 6/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (circumvention) đối với toàn bộ sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam.

Sau nhiều lần gia hạn, DOC đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc vào tháng 7/2023. Theo kết luận này, sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác thì không bị coi là lẩn tránh.

DOC cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam đủ điều kiện tham gia cơ chế tự xác nhận để được loại trừ khỏi biện pháp. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ được tham gia cơ chế tự xác nhận cần lưu ý không sử dụng ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc để làm nguyên liệu sản xuất gỗ dán và lưu giữ hồ sơ, chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu một cách khoa học để chứng minh với cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ khi có yêu cầu kiểm tra xác minh.

Hoa Kỳ

Mã HS tham khảo: 9403.40, 9403.60, 9403.90

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 4/2020.

Hoa Kỳ chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 2/2020 với mức thuế chống bán phá giá từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế chống trợ cấp từ 13,33% đến 293,45%.

Kim ngạch xuất khẩu tủ bếp và tủ nhà tắm của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng mạnh từ 913 triệu USD năm 2018 lên 1,37 tỷ USD năm 2019 (tăng khoảng 50%). Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt trên 2,7 tỷ USD. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 33,8% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

Căn cứ đề nghị của các doanh nghiệp sản xuất tủ bếp và tủ nhà tắm Hoa Kỳ, cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra xem xét tủ bếp và tủ nhà tắm nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia vào Hoa Kỳ sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc có thuộc phạm vi của biện pháp phòng vệ thương mại và có lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Trung Quốc hay không.

Theo kế hoạch, tháng 10/2023 DOC sẽ công bố kết luận sơ bộ và tháng 1/2024 sẽ công bố kết luận cuối cùng của vụ việc điều tra lẩn tránh.

Hoa Kỳ

Mã HS tham khảo: 9401.61

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 11/2020. Mặt hàng này nằm trong danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ áp thuế 25%.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng nhanh từ 819 triệu USD năm 2018 lên 1,4 tỷ USD năm 2019 và 2,1 tỷ USD năm 2020. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 2,2 tỷ USD. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 34,2% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

Với tốc độ tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, tồn tại khả năng Hoa Kỳ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại hoặc lẩn tránh thuế đối với mặt hàng ghế sofa nhập khẩu từ Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu ghế sofa khung gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng nhanh từ 819 triệu USD năm 2018 lên 1,4 tỷ USD năm 2019 và 2,1 tỷ USD năm 2020

Kim ngạch xuất khẩu ghế sofa khung gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng nhanh từ 819 triệu USD năm 2018 lên 1,4 tỷ USD năm 2019 và 2,1 tỷ USD năm 2020

Hoa Kỳ

Mã HS tham khảo: 6810.99

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 7/2019.

Hoa Kỳ chính thức áp thuế đối với sản phẩm đá nhân tạo bằng thạch anh của Trung Quốc từ tháng 5/2019 với mức thuế chống bán phá giá 265,81% - 336,69%, mức thuế chống trợ cấp 45,32% - 190,99%.

Trong năm 2019, nhập khẩu đá nhân tạo bằng thạch anh của Hoa Kỳ từ Việt Nam tăng gấp 2,5 lần so với năm 2018, từ 46,3 triệu USD lên 118,2 triệu USD. Đặc biệt từ thời điểm tháng 6 năm 2019 sau khi biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức được áp dụng với sản phẩm của Trung Quốc, nhập khẩu đá nhân tạo từ Việt Nam đã tăng rất mạnh. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 325 triệu USD. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 20,9% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm tương tự của Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ sang Hoa Kỳ trước khi bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá còn thấp hơn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nên rất có khả năng trong tương lai Hoa Kỳ sẽ tiếp tục điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đá nhân tạo của Việt Nam.

Hoa Kỳ quy định các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm lắp ghép sử dụng mặt đá thạch anh có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ như tủ bếp, tủ nhà tắm,… cần khai báo riêng phần giá trị của đá thạch anh và nộp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tính trên cơ sở phần giá trị này.

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm có sử dụng mặt đá thạch anh cần lưu ý với các đối tác nhập khẩu để khai báo chính xác khi nhập khẩu theo yêu cầu của cơ quan hải quan Hoa Kỳ, tránh bị xem là hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ

Các mã HS tham khảo: 6907.21, 6907.22, 6907.23, 6907.30, 6907.40

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 7/2020.

Hoa Kỳ đã chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 4/2020.

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạch men của Việt Nam sang Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng nhanh, từ 269 nghìn USD năm 2018 lên tới 2,8 triệu USD năm 2019. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7 năm 2022 đến tháng 6 năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã đạt 30,7 triệu USD, tăng 36,6% so với giai đoạn trước. Thị phần của Việt Nam có xu hướng tăng nhưng tỷ trọng kim ngạch của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ còn nhỏ, mới chỉ chiếm 1,4%.

Dự báo xuất khẩu gạch men của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng nhanh trong giai đoạn tới trong bối cảnh xuất khẩu gạch men của Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm mạnh vì bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Vì vậy, cần giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ và khai báo xuất xứ và tiếp tục theo dõi nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế và các biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng này. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm này.

Hoa Kỳ

Mã HS tham khảo: 8711.60

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 2/2019.

Xe đạp điện của Trung Quốc đang bị thị trường EU áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp và bị thị trường Hoa Kỳ áp thuế 25% theo Mục 301 Luật Thương mại 1974.

Trong giai đoạn 12 tháng kể từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 198 triệu USD, tăng 72,6% so với giai đoạn trước. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 7,5% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của EU.

Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 84 triệu USD, tăng 2,8 lần so với giai đoạn trước. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 11,2% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

Trong thời gian qua, thông qua việc đưa mặt hàng này vào danh sách cảnh báo, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tăng cường công tác kiểm tra giám sát và ngăn chặn một số trường hợp doanh nghiệp kê khai không chính xác về xuất xứ đối với sản phẩm xe đạp điện.

Hoa Kỳ

Mã HS tham khảo: 7311.00

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 10/2019.

Hoa Kỳ đã chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 8 năm 2019.

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng vỏ bình ga của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng từ 30.000 USD năm 2018 lên 3 triệu USD năm 2019. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 23,6 triệu USD. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 4,5% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

Mặc dù tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chưa lớn nhưng cần kiểm tra, xác minh thêm khả năng gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng này. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm này.

Hoa Kỳ

Mã HS tham khảo: 7317.00, 8305.20

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 4/2020.

Hoa Kỳ đã chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc từ tháng 3/2018.

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng ghim đóng thùng của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng từ 98.000 USD năm 2018 lên 1,9 triệu USD năm 2019. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 11 triệu USD. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 7,9% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

Hiện tại, nhập khẩu từ Việt Nam đã chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Do đó, bên cạnh hoạt động giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ và khai báo xuất xứ cần tiếp tục lưu ý khả năng bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng này.

Một sản phẩm tương tự là ghim dập (collated staples) đã bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại từ tháng 12/2022.

Tháng 8/2023, DOC đã sơ bộ xác định sản phẩm ghim dập nếu sử dụng nguyên liệu là thép dây nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ được xem là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đang áp dụng với ghim dập nhập khẩu từ Trung Quốc.

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu ghim đóng thùng sang Hoa Kỳ cần tránh sử dụng nguyên liệu là thép dây nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hoa Kỳ

Mã HS tham khảo: 4409.10, 4409.22, 4409.2

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 8/2021.

Hoa Kỳ đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng tương tự của Trung Quốc từ tháng 12/2020 với mức thuế suất tương đối cao (thuế chống bán phá giá thấp nhất là 33,87%, thuế chống trợ cấp thấp nhất là 20,56%).

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam sang Hoa Kỳ bắt đầu có dấu hiệu tăng từ tháng 11/2020. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 67 triệu USD. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 5,2% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

Mặc dù tỷ trọng của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ còn thấp nhưng cần giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ và khai báo xuất xứ đối với mặt hàng này để ngăn chặn các hành vi gian lận có thể xảy ra nhằm hưởng lợi từ chênh lệch thuế. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm này.

Hoa Kỳ

Mã HS tham khảo: 8501.71, 8501.72, 8501.80, 8507.20, 8541.42, 8541.43

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 9/2021.

Hoa Kỳ cũng đang duy trì biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với cùng sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc từ năm 2012. Kể từ tháng 2/2018, mặt hàng này đã bị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp tự vệ chung đối với hàng hóa có xuất xứ từ tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Thời gian áp dụng biện pháp là 4 năm.

Tháng 2/2022, Hoa Kỳ đã ra quyết định gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ nêu trên thêm 4 năm.

Kim ngạch xuất khẩu pin năng lượng mặt trời của Việt Nam sang Hoa Kỳ có dấu hiệu tăng nhanh từ tháng 6/2019. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 4,1 tỷ USD. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 28,5% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

Tháng 3/2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế với sản phẩm này nhập khẩu từ Việt Nam, do cáo buộc Việt Nam lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tháng 8/2023, DOC đã công bố kết luận cuối cùng của vụ việc, trong đó xác định (1) tế bào quang điện sản xuất tại Việt Nam nếu sử dụng tấm wafer sản xuất tại Trung Quốc hoặc (2) module quang điện sản xuất tại Việt Nam nếu sử dụng tấm wafer sản xuất tại Trung Quốc và nhiều hơn 2 trong số các nguyên liệu sau được sản xuất tại Trung Quốc bao gồm: dung dịch bạc, khung nhôm, kính, tấm nền, tấm EVA, các hộp nối là đối tượng của biện pháp chống lẩn tránh.

DOC cho phép các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu pin năng lượng mặt trời đủ điều kiện của Việt Nam được tự xác nhận không thuộc các trường hợp trên để được loại trừ khỏi biện pháp chống lẩn tránh.

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ được tham gia cơ chế tự xác nhận cần lưu ý thực hiện việc tự xác nhận một cách trung thực và lưu giữ hồ sơ, chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu một cách khoa học để chứng minh với cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ khi có yêu cầu kiểm tra xác minh

Hoa Kỳ

Mã HS tham khảo: 7210.30, 7210.41, 7210.49, 7210.61, 7210.69, 7210.70, 7210.90, 7212.30, 7212.40, 7212.50, 7212.60

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 3/2022.

Hoa Kỳ đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép CORE nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan - Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê của Hoa Kỳ, trong năm 2021, lượng nhập khẩu thép CORE từ Việt Nam tăng đột biến, đạt khoảng 335.000 tấn, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2020. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu thép CORE của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 246,9 triệu USD. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 8,4% tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

Sản phẩm thép CORE đã bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra chống lẩn tránh. Trong các vụ việc điều tra lẩn tránh mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã tiến hành, DOC đều xác định việc xuất khẩu sản phẩm thép CORE sản xuất tại Việt Nam nếu sử dụng nguyên liệu là thép cán nguội (CRS) hoặc thép cán nóng (HRS) nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan - Trung Quốc là hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với sản phẩm nhập khẩu từ các thị trường này.

Tuy nhiên, DOC cho phép các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu đủ điều kiện của Việt Nam được tự xác nhận không sử dụng nguyên liệu từ các nguồn trên để được loại trừ khỏi biện pháp chống lẩn tránh.

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý không sử dụng CRS và HRS từ các thị trường đã bị Hoa Kỳ áp dụng thuế chống bán phá giá để làm nguyên liệu sản xuất thép CORE và lưu giữ hồ sơ, chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu một cách khoa học để chứng minh với cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ khi có yêu cầu kiểm tra xác minh.

Hoa Kỳ

Các mã HS tham khảo: 7306.30, 7306.50, 7306.19, 7306.61

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 7/2022.

Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với ống thép hộp và ống thép tròn nhập khẩu từ nhiều thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mexico, Đài Loan - Trung Quốc, Ấn Độ.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2020 khoảng 40 triệu USD. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 40% lên khoảng 57 triệu USD. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 92 triệu USD. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 4,3% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

Sản phẩm ống thép đã bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra chống lẩn tránh. Trong các vụ việc điều tra lẩn tránh mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã tiến hành, DOC đều xác định việc xuất khẩu sản phẩm ống thép sản xuất tại Việt Nam nếu sử dụng nguyên liệu là thép cán nóng (HRS) nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc và Ấn Độ là hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với sản phẩm nhập khẩu từ các thị trường này.

Tuy nhiên, DOC cho phép các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu đủ điều kiện của Việt Nam được tự xác nhận không sử dụng nguyên liệu từ các nguồn trên để được loại trừ khỏi biện pháp chống lẩn tránh.

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý không sử dụng HRS từ các thị trường đã bị Hoa Kỳ áp dụng thuế chống bán phá giá để làm nguyên liệu sản xuất ống thép và lưu giữ hồ sơ, chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu một cách khoa học để chứng minh với cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ khi có yêu cầu kiểm tra xác minh.

Hoa Kỳ

Các mã HS tham khảo: 7312.10

Sản phẩm mới được đưa vào danh sách cảnh báo.

Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với cáp thép dự ứng lực nhập khẩu từ 22 thị trường, trong đó có các thị trường đáng chú ý như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan - Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam sang Hoa Kỳ đang tăng nhanh. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 28,4 triệu USD, tăng 71,5% so với giai đoạn trước. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 9,7% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

Đây là mặt hàng có rủi ro cao bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra phòng vệ thương mại nếu kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ tiếp tục xu hướng tăng nhanh với tốc độ như thời gian vừa qua.

Đồng thời, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần lưu ý tránh sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất cáp thép dự ứng lực xuất khẩu sang Hoa Kỳ vì sẽ dễ trở thành đối tượng của việc điều tra chống lẩn tránh do Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiến hành.

Hoa Kỳ

Các mã HS tham khảo: 8450.20

Sản phẩm mới được đưa vào danh sách cảnh báo.

Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với máy giặt dân dụng cỡ lớn nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Mexico. Đồng thời, sau 5 năm, biện pháp tự vệ mà Hoa Kỳ áp dụng đối với nhập khẩu máy giặt dân dụng cỡ lớn đã hết hạn vào tháng 2/2023.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam sang Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng do biện pháp tự vệ hết hạn áp dụng. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu máy giặt dân dụng cỡ lớn của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 113,9 triệu USD, tăng 62,5% so với giai đoạn trước. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 12,6% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

Đây là mặt hàng có rủi ro cao bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra phòng vệ thương mại nếu kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ tiếp tục xu hướng tăng nhanh với tốc độ như thời gian vừa qua.

Hoa Kỳ

Các mã HS tham khảo: 8544.49

Sản phẩm mới được đưa vào danh sách cảnh báo.

Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm dây và cáp nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ năm 2019.

Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu dây và cáp nhôm của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 96 triệu USD, tăng hơn gấp đôi so với giai đoạn trước. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 8,5% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

Đây là mặt hàng có rủi ro bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra chống lẩn tránh. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm này.

Hoa Kỳ

Các mã HS tham khảo: 7604.10, 7604.21, 7604.29

Sản phẩm mới được đưa vào danh sách cảnh báo.

Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm nhôm định hình nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ năm 2011. Năm 2019, Hoa Kỳ cũng đã tiến hành điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với nhôm định hình nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu nhôm thanh định hình của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 145,8 triệu USD. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 8,2% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

Tại cuộc điều tra năm 2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) kết luận các sản phẩm nhôm định hình sản xuất tại Việt Nam từ nguyên liệu nhôm được đùn tại Trung Quốc là hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc.

Tuy nhiên, DOC cho phép các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu đủ điều kiện của Việt Nam được tự xác nhận không sử dụng nguyên liệu từ các nguồn trên để được loại trừ khỏi biện pháp chống lẩn tránh.

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu nhôm từ Trung Quốc để làm nguyên liệu sản xuất nhôm định hình và lưu giữ hồ sơ, chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu một cách khoa học để chứng minh với cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ khi có yêu cầu kiểm tra xác minh.

Hoa Kỳ

Các mã HS tham khảo: 7307.21

Sản phẩm mới được đưa vào danh sách cảnh báo.

Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm mặt bích bằng thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ kể từ năm 2018.

Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu mặt bích bằng thép không gỉ của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 24,5 triệu USD, tăng 45,5% so với giai đoạn trước. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 9,6% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

Đây là mặt hàng có rủi ro bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra chống lẩn tránh. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ để sản xuất sản phẩm này.

 

          

Bài: Thy Thảo
Thiết kế: Duy Kiên, Khánh Chi

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí