Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý năng lượng: Vai trò then chốt trong chiến lược phát triển bền vững
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý năng lượng đang trở thành ưu tiên chiến lược trong tiến trình phát triển bền vững của Việt Nam. Sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, doanh nghiệp và địa phương trong công tác đào tạo, tập huấn và chuyển giao công nghệ đang tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững.
Tính tới năm 2023, cả nước có 3.491 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, bao gồm 2.864 cơ sở công nghiệp, 18 cơ sở sản xuất nông nghiệp, 70 đơn vị vận tải và 539 công trình xây dựng. Đây là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ tiêu dùng có mức tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra một nghìn tấn dầu tương đương (1000 TOE) trở lên.
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tổng sản lượng điện tiết kiệm trong năm 2024 đạt 6.506 triệu kWh, tương đương 2,46% điện thương phẩm. Con số này cho thấy những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, so với tiềm năng rất lớn của Việt Nam – đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp, giao thông và xây dựng – kết quả trên vẫn còn khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân chính là quản lý năng lượng vẫn còn là lĩnh vực mới mẻ, chưa được nhận thức đầy đủ từ phía doanh nghiệp, cơ quan quản lý và cả người tiêu dùng.
Nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý năng lượng nói chung và nguồn nhân lực khi triển khai hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang gặp phải những tồn tại và hạn chế như: thiếu chuyên gia có kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn; biên chế nhân lực làm việc trong lĩnh vực TKNL luôn biến động, không ổn định nên công tác đào tạo chuyên môn chưa được thường xuyên, thông tin về công nghệ, thiết bị chưa được cập nhật cho các đối tượng liên quan…
Do đó, để nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng tương xứng với tiềm năng, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện chính sách và tăng cường sự phối hợp liên ngành.
Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về SDNL TK&HQ 2019-2030, đặt ra mục tiêu tiết kiệm từ 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia giai đoạn đến 2025, 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia giai đoạn đến 2030.
Thực hiện chức năng và nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức loạt các hoạt động triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, nhất là tổ chức đào tạo tập huấn các quy định về chính sách nhà nước liên quan đến SDNL TK&HQ cho các đối tượng liên quan.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tổ chức một số khóa đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực TKNL như quản lý năng lượng cho các nhà máy nhiệt điện, một số các ngành chuyên sâu như điều chỉnh, hiệu chỉnh lò hơi.
Mới đây nhất, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến Công cho biết, ngày 12/5/2025, Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã tổ chức Khóa đào tạo về “Đo và Kiểm tra xác nhận hiệu quả năng lượng của tổ chức - ISO 50015”. Đây là một trong các hoạt động của Dự án “Đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp lớn qua hệ thống quản lý năng lượng và thực hành TKNL trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” (gọi tắt là Dự án IEEP), thuộc khuôn khổ Chương trình Chuyển dịch năng lượng bền vững Việt Nam - EU (SETP), do Liên minh Châu Âu tài trợ.
Khóa đào tạo về “Đo và Kiểm tra xác nhận hiệu quả năng lượng của tổ chức - ISO 50015”. Nguồn: Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công
Chương trình đã diễn ra trong hai ngày (12-13/5/2025) nhằm hướng tới nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực của các chuyên gia trong lĩnh vực đo lường, kiểm tra và xác nhận hiệu quả năng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 50015. Tham dự khóa đào tạo có các chuyên gia quốc tế của UNIDO cùng 30 đại biểu đại diện các trung tâm khuyến công, trung tâm chứng nhận phù hợp, các trường đại học, doanh nghiệp tư vấn về năng lượng và môi trường từ khu vực Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng và Đà Nẵng. Khóa đào tạo góp phần xây dựng nguồn lực nhân sự có năng lực thực thi hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả, từ đó hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Vào tháng 3/2025, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) phối hợp với Viện Chiến lược Phát triển Hàn Quốc (KDS) tổ chức khóa đào tạo "Người quản lý năng lượng" cho 30 học viên đến từ các doanh nghiệp, đơn vị tư vấn, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên cả nước.
Khóa đào tạo trong khuôn khổ hoạt động dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành đồng tăng trưởng xanh Việt Nam”. Dự án do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA).
Ông Đặng Hải Dũng - Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, việc nâng cao năng lực quản lý năng lượng đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Đào tạo đội ngũ chuyên gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 13/3/2019.
Theo đó, thông qua Dự án "Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam, Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) triển khai các hoạt động nâng cao năng lực liên quan tới đầu tư tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp như: Cập nhật, sửa đổi bộ giáo trình đào tạo Kiểm toán viên năng lượng, Quản lý năng lượng; Tổ chức các khóa đào tạo và cấp chứng chỉ cho các cán bộ quản lý năng lượng và kiểm toán năng lượng trên cả nước.
“Thông qua khóa đào tạo sẽ góp phần nâng cao năng lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho cơ quan quản lý, các doanh nghiệp công nghiệp, các đơn vị tư vấn, đơn vị dịch vụ năng lượng. Từ đó đảm bảo tăng cường tính thực thi quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như các mục tiêu về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam,... ”, ông Đặng Hải Dũng nhấn mạnh.
Bà Lee Yoo Kyung - Phó Giám đốc quốc gia KOICA cũng nhấn mạnh vai trò của hợp tác quốc tế trong việc hỗ trợ Việt Nam triển khai các chính sách và giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Đại diện KOICA khẳng định, chương trình đào tạo này là một trong những nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức và năng lực cho người quản lý năng lượng trên cả nước, từ đó thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. "Các học viên tham gia chương trình có thể trở thành nguồn nhân lực hỗ trợ hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại cơ sở, góp phần giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu tăng trưởng quốc gia", bà Lee Yoo Kyung chia sẻ.
Trước đó, tháng 2/2025, Bộ Công Thương cũng tổ chức Chương trình đào tạo, tập huấn cho giảng viên trong nước về giáo trình Quản lý năng lượng, Kiểm toán năng lượng. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam”.
Dự án do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Dự án nhằm đóng góp vào mục tiêu quốc gia về giảm cường độ năng lượng bằng cách cải thiện hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam; đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế và xã hội; giảm phát thải khí nhà kính để ứng phó với biển đổi khí hậu.
Ghi nhận trong vài năm gần đây cho thấy nhiều địa phương đã chủ động vào cuộc bằng cách tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên sâu về quản lý năng lượng cho đội ngũ cán bộ tại các sở, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các đơn vị tổ chức lớp tập huấn mỗi năm, tập trung vào các nội dung như đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng, xây dựng kế hoạch cải thiện hiệu suất năng lượng, và cập nhật các tiêu chuẩn kỹ thuật mới. Đây là bước tiến quan trọng, thể hiện sự chuyển biến từ nhận thức sang hành động, từ trung ương đến địa phương trong việc đầu tư cho nguồn nhân lực năng lượng chất lượng cao.
Tháng 11/2024, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lớp tập huấn kiến thức pháp luật về Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và giới thiệu các mô hình quản lý năng lượng tiên tiến về tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp năm 2024 cho 250 học viên là đại diện các doanh nghiệp, nhân viên phụ trách an toàn kỹ thuật, môi trường, tiết kiệm năng lượng, sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn tỉnh.
Ông Văn Hữu Đồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho biết, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần sự chung tay của cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức sử dụng năng lượng và cộng đồng cùng nhau nghiên cứu, đề xuất biện pháp quản lý các nguồn gây thất thoát, lãng phí năng lượng. Thời gian vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai luôn nhận được sự quan tâm, sự hỗ trợ tích cực và chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương, UBND tỉnh và sự phối hợp hỗ trợ của các Sở, ban, ngành để thực hiện tốt các kế hoạch tiết kiệm năng lượng đề ra hàng năm.
Năm 2024, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, tập trung hỗ trợ kỹ thuật đối với các hoạt động chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất, công trình xây dựng, chiếu sáng công cộng, giao thông vận tải, tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình... Đặc biệt, hỗ trợ cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng cho các doanh nghiệp trong ngành Gỗ và ngành Thép trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Tại lớp tập huấn, các đại biểu được phổ biến Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2029-2030 (VNEEP3) và các chương trình dự án hỗ trợ kỹ thuật về triển khai hoạt động tiết kiệm năng lượng; giới thiệu mô hình quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001; báo cáo sử dụng mô hình quản lý năng lượng ngành Gỗ, Thép và hướng dẫn áp dụng mô hình quản lý năng lượng điển hình; quy trình lập và nộp báo cáo kiểm toán năng lượng, kiểm kê khí nhà kính; hướng dẫn và thao tác trải nghiệm phần mềm kiểm toán năng lượng, kiểm kê khí nhà kính ECC Tracker…
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 12/2024, Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp cùng Trung tâm Năng lượng và Môi trường – Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ Việt Nam (VETS | EnE) tổ chức Hội nghị Tập huấn về Quản lý Năng lượng dành cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.
Hội nghị với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản lý năng lượng. Các diễn giả đã cung cấp những thông tin quan trọng về tình hình tiêu thụ năng lượng và các thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Đồng thời, các chuyên gia cũng đã chia sẻ những cái nhìn sâu sắc về các yếu tố tác động đến quản lý năng lượng và chỉ ra những cơ hội tiềm năng giúp doanh nghiệp tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực này, từ đó giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, các giải pháp và công nghệ tiên tiến trong quản lý năng lượng cũng được giới thiệu, giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí vận hành và tăng cường khả năng cạnh tranh. Những phương pháp này không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phát triển bền vững mà còn góp phần vào mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh và tiết kiệm năng lượng trong tương lai. Tham gia hội nghị, các doanh nghiệp có cơ hội nắm bắt các xu hướng mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý năng lượng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh.
Trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý năng lượng không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà còn là lựa chọn chiến lược. Đây là yếu tố cốt lõi để Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội từ chuyển đổi xanh, đồng thời vượt qua các thách thức về an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu. Với sự hỗ trợ của các cơ quan tổ chức quốc tế trong lĩnh vực năng lượng, TKNL, hi vọng rằng hiệu quả sử dụng năng lượng trong thời gian tới tại các doanh nghiệp công nghiệp sẽ được cải thiện, từng bước đưa nền công nghiệp Việt Nam tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Trong năm 2025 và các năm tiếp theo, Bộ Công Thương đặt trọng tâm vào việc phát triển nguồn nhân lực quản lý năng lượng nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP3) giai đoạn 2019–2030. Kế hoạch này bao gồm các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý năng lượng, kiểm toán viên năng lượng và các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Theo đó, các hoạt động chính bao gồm: Tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu; Cập nhật và phát triển giáo trình đào tạo; Khuyến khích đề xuất nhiệm vụ đào tạo; Hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ…
Thông qua các hoạt động này, Bộ Công Thương nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quản lý năng lượng, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững của Việt Nam.