Nghề nuôi nghêu trắng, có tên khoa học là Meretrix Lyrata bắt nguồn từ vùng đồng bằng sông Cửu Long, được nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo và đưa vào phát triển nuôi ở hầu hết các tỉnh ven biển, đã và đang vươn lên trở thành một trong bốn ngành thủy sản nuôi công nghiệp chủ lực của Việt Nam gồm: tôm, cá tra, cá rô phi và ngao. Việt Nam hiện có trên 41.500 ha nuôi nhuyễn thể (chủ yếu là nhuyễn thể hai mảnh vỏ) với sản lượng khoảng 265.000 tấn/năm, trong đó nghêu (ngao) đạt 179.000 tấn/năm. Chuỗi giá trị ngành hàng nhuyễn thể đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, nhu cầu của thị trường quốc tế đối với mặt hàng nghêu sẽ tiếp tục tăng. Hiên nay, Việt Nam đã xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ sang 56 thị trường, trong đó, 6 thị trường nhập khẩu lớn nhất là EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và Trung Quốc chiếm tới 90% tổng giá trị xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam. EU là thị trường dẫn đầu, chiếm 66% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Năm 2022, xuất khẩu nhuyễn thể của Việt Nam mang về gần 150 triệu USD, trong đó riêng nghêu Việt Nam chiếm 70%, đạt 104,5 triệu USD. Đặc biệt, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ sang thị trường EU tăng mạnh 37%, đạt 87 triệu USD, chủ yếu do xuất khẩu nghêu Việt sang EU tăng 42%, đạt 78 triệu USD. Nghêu trở thành loài thủy sản có giá trị xuất khẩu lớn thứ 4 sang thị trường EU.
Tại EU, nghêu Việt Nam xuất khẩu sang ba thị trường lớn nhất là Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha đều tăng từ 38-44%. Xu hướng tiêu dùng tại EU đang hướng tới những sản phẩm nghêu thịt, nghêu trắng/nâu hấp nguyên con, sản phẩm giá trị gia tăng chế biến sẵn như nghêu hấp bơ tỏi, nghêu sốt gia vị tomyum…
Tính đến hết tháng 9/2023 xuất khẩu nhóm mặt hàng các sản phẩm nhuyễn thể có vỏ (nghêu, ốc, hàu, điệp…) của Việt Nam đạt 98 triệu USD.
Trong đó, nghêu là sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với gần 60 triệu USD. Hiện nay, nghêu là sản phẩm chủ lực nhất trong các loài nhuyễn thể có vỏ xuất khẩu, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam.
Italy, Tây Ban Nha là 2 thị trường xuất khẩu nghêu Việt Nam lớn nhất trong 9 tháng đầu năm 2023, tiếp theo là Mỹ, Nhật Bản, Bồ Đào Nha.
Nghêu trắng Việt Nam có thể chế biến đa dạng sản phẩm hơn các dòng nghêu khác trên thế giới. Từ năm 2009, nghêu Bến Tre đạt được chứng nhận MSC đã giúp định vị sản phẩm nghêu Việt Nam giá trị cao trên trường quốc tế. Hơn nữa, Việt Nam cũng đang ngày càng nâng cao công nghệ sản xuất. Và mô hình nuôi nghêu nước sâu sẽ tạo cơ hội lớn để Việt Nam mở rộng diện tích, gia tăng sản lượng.
Từ năm 2020 đến nay, các vùng nuôi nghêu của Việt Nam (tại các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Trà Vinh) lần lượt chiếm các vị trí số 1 - 2 - 3 trên thế giới đạt được chứng nhận quốc tế ASC cho sản phẩm nghêu. Đây là xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động
ASC là tên viết tắt của Aquaculture Stewardship Council – Hội Đồng Quản Lý Nuôi Trồng Thủy Sản được thiết lập bởi WWF (Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên) và IDH (Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững) vào năm 2010 nhằm quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thuỷ sản có trách nhiệm. ASC xây dựng bộ tiêu chuẩn chứng nhận dựa trên bốn nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm. Chứng nhận ASC gồm có 9 bộ tiêu chuẩn cho 15 loài, bao gồm tôm, cá hồi, cá hồi chấm, cá rô phi, bộ cá da trơn, nghêu và một tiêu chuẩn ASC-MSC chung cho rong biển.
Để một sản phẩm mang nhãn sinh thái ASC, tất cả các công ty trong chuỗi cung ứng bao gồm: bộ xử lý, thương nhân, nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ… phải được chứng nhận Chuỗi sản phẩm ASC. Chứng nhận cho Chuỗi sản phẩm ASC cho phép các đơn vị thủy sản chứng minh rằng các sản phẩm của họ có thể nhận dạng được, tách biệt với các sản phẩm không được chứng nhận và có thể truy nguyên nguồn gốc từ các nguồn được chứng nhận ASC.
Chứng nhận ASC sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho các hợp tác xã và các hộ nuôi nghêu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; đặc biệt là giúp mở rộng thị trường, thu hút được nhiều doanh nghiệp mua hàng, từ đó, người nuôi nghêu có thể chủ động đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm.
Nam Định là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam và đầu tiên trên thế giới đạt chứng nhận ASC cho nghêu Meretrix lyrata. ASC được ví như “VISA VIP” để sản phẩm nghêu Việt Nam đi vào nhiều thị trường.
Ninh Bình là vùng nuôi nghêu thứ hai tại Việt Nam, cũng là thứ hai trên thế giới có được chứng nhận ASC, mở ra cơ hội đưa sản phẩm ngao của Kim Sơn xuất khẩu vào các thị trường mới và các thị trường khó tính trên thế giới. Hiện nay diện tích nuôi nghêu toàn vùng đạt trên 1.200 ha, sản lượng từ 25-30 nghìn tấn ngao thương phẩm/năm.
Tỉnh Trà Vinh là địa phương thứ 03 của Việt Nam và là vùng nuôi nghêu thứ 03 trên thế giới được chứng nhận ASC, đây là vinh dự lớn cho nghề nuôi nghêu Trà Vinh, tạo cơ hội xuất khẩu nghêu ra thị trường thế giới, thúc đẩy nghề nuôi nghêu Trà Vinh lên tầm cao mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, tổng diện tích nuôi ngao của Trà Vinh đạt chứng nhận ASC là 433ha (HTX Thành Công 200 ha, HTX Tiến Thành 193 ha, HTX Long Thành 40 ha).
Đại diện HTX được trao chứng nhận ASC, Giám đốc HTX Nông nghiệp Long Thành (huyện Châu Thành, Trà Vinh) Huỳnh Văn Hoàng bày tỏ: “Sau khi đạt được chứng nhận ASC, đã mở ra nhiều cơ hội rất lớn cho HTX. Quy trình sản xuất và chăm sóc con nghêu theo chứng nhận được đảm bảo hơn, chuyên nghiệp hơn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Qua đó, giúp bà con trong HTX có nhiều cơ hội mở rộng thị trường, thu hút được nhiều doanh nghiệp mua hàng, từ đó giúp HTX chủ động được đầu ra trong sản xuất, tăng giá trị sản phẩm con nghêu Việt Nam không chỉ trong nước mà mang tầm quốc tế”.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi nghêu, đại diện hợp tác xã Tiến Thành cho biết, con nghêu được đưa về đất Long Hòa nuôi vào năm 2005, với thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu phù hợp, hiệu quả từ những năm đầu tiên của loài nhuyễn thể này đem lại cho xã viên rất phấn khởi. HTX đã đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất, huy động vốn, phối hợp với Ngân hàng Chính sách huyện Châu Thành ưu tiên những bà con hộ nghèo, cận nghèo vay vốn để tham gia cổ phần vào hợp tác xã; dần dần kiện toàn lại bộ máy quản trị đi vào hoạt động căn cơ, đầu tư thêm ghe tàu, phương tiện trông coi, tìm mua con giống có chất lượng tin cậy, tìm kiếm đầu ra để nâng giá trị thương phẩm của nghêu thịt.
Hiện nay, toàn tỉnh Trà Vinh đã thành lập được 07 HTX nuôi nghêu, với tổng diện tích khoảng 1.000 ha ở vùng bãi bồi ven biển của các huyện: Châu Thành, Cầu Ngang, thị xã Duyên Hải, sản lượng thu hoạch hàng năm từ 4.000 – 6.000 tấn. Tuy nhiên, trong những năm qua, nghề nghêu của tỉnh luôn gặp nhiều khó khăn thách thức lớn do sản xuất vẫn còn nhỏ lẽ, chưa xây dựng thương hiệu, chưa có nhà máy chế biến tại tỉnh, chưa liên kết thị trường tiêu thụ, chủ yếu tiêu thụ qua thương lái để bán cho các nhà máy chế biến ngoài tỉnh, từ đó dẫn đến giá cả không ổn định, thiếu tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Để phát triển ngành hàng nghêu trắng ở Trà Vinh theo hướng lâu dài, tỉnh đã chuyển giao kỹ thuật sản xuất nghêu giống nhân tạo và ương giống cho HTX. Đồng thời, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo xác định vùng nuôi an toàn. Song song đó, tỉnh cũng cải tiến hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường và hệ thống cung cấp thông tin thị trường cho các chủ thể. Các ban ngành của tỉnh đã hỗ trợ tích cực thông tin thị trường, bao gồm giá cả, sản lượng và nhu cầu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tăng cường liên kết để HTX, nông dân có nguồn cung cấp giống và tiêu thụ ổn định, hợp lý.
Xác định nghề nuôi nghêu là nghề chủ lực mang lại giá trị kinh tế khá lớn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân vùng ven biển Trà Vinh, UBND tỉnh Trà Vinh đã phê duyệt kế hoạch Chiến lược phát triển thủy sản tỉnh Trà Vinh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích nuôi nghêu toàn tỉnh đạt 3.300ha.
Đối với tỉnh Nam Định, để phát huy lợi thế và những kết quả đã đạt được, tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất giống ngao tập trung để sản xuất giống ngao có chất lượng cao phục vụ nuôi trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn, thông qua việc nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề để có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nông nghiệp. Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực để hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất thủy sản và ưu tiên nguồn lực cho việc thực hiện các nội dung cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đẩy mạnh đăng ký bảo hộ sản phẩm, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm. Tập trung các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, các rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu và định hướng để các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế trên địa bàn tỉnh.
Bài: Nguyên Vỵ
Thiết kế: Duy Kiên