Nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm chè Phú Thọ
20/10/2023 lúc 18:30 (GMT)

Nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm chè Phú Thọ

Các sản phẩm chè Phú Thọ như chè xanh, chè đen không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Đức, Anh, Pakistan. Đặc biệt, sản phẩm chè Phú Thọ đã xâm nhập một số thị trường khó tính như Đức, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản…

Chè Phú Thọ

 

Nhắc đến Phú Thọ, người ta sẽ liên tưởng tới vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời, gắn liều với truyền thuyết Vua Hùng và lịch sử ngành chè Việt Nam. Năm 1885, thực dân Pháp đã tiến hành khảo sát về cây chè trên đất Phú Thọ và về sản xuất chè ở Việt Nam. Đến giai đoạn 1890 – 1891, tại vùng giữa sông Đà và sông Hồng, một đồn điền kinh doanh chè đầu tiên được xây dựng tại xã Tình Cương, Cẩm Khê với diện tích 60ha. Năm 1913, toàn quyền Đông Dương đã ký quyết định thành lập Trại nghiên cứu nông lâm nghiệp Phú Thọ, tiền thân của Viện nghiên cứu chè ngày nay.

Theo tài liệu khảo cứu của Viện khoa học xã hội, người ta tìm thấy những dấu tích của lá và cây chè hóa thạch ở vùng đất tổ Hùng Vương. Hương sắc và vị ngon của chè Phú Thọ từ lâu thực sự là niềm tự hào của vùng Đất Tổ. Những năm còn bao cấp, hương vị ngày Tết của cán bộ công chức viên chức không thể không có gói chè Hồng Đào của nhà máy chè Thanh Ba. Cân chè móc câu sản phẩm truyền thống do người dân vùng chè ở Thanh Ba, Phù Ninh, Đoan Hùng… làm ra là quà quý mang đi khắp xa gần.

Chè Phú Thọ

Phú Thọ là vùng đất trung du với nhiều đồi lớn, phù hợp cho sự phát triển cây chè.  Trước đây, người dân chủ yếu trồng những giống chè cũ phục vụ sản xuất chè đen xuất khẩu. Thu nhập thấp khiến người dân không mặn mà nên diện tích chè giảm mạnh. Trước thực trạng đó, những năm gần đây, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều giải pháp phát triển cây chè theo hướng bền vững, đồng thời có chính sách khuyến khích người dân mở rộng diện tích, trồng giống chè có năng suất, chất lượng, góp phần đưa chè trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Trên địa bàn tỉnh hình thành và phát triển 70 vùng sản xuất chè tập trung với diện tích 5,8 nghìn ha. Hệ thống co sở chế biến chè khá phát triển với 60 cơ sở có công suất chế biến trên 1 tấn chè búp tươi/1 ngày, trong đó có 24 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, HACCP; có 15 HTX, 18 làng nghề, 785 cơ sở chế biến chè thủ công hộ gia đình. Sản lượng chế biến chè đạt khoảng 48.000 tấn/1 năm, sản phẩm chè đen (chiếm 70%) chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Indonesia, Anh, Nga, Trung Đông.

Công tác quản lý, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu chè ngày càng được quan tâm, đến hết năm 2022 có 24 sản phẩm chè/ trà xanh đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên, trogn đó có 12 sản phẩm chè hạng 4 sao; 01 sản phẩm chè hạng 5 sao (là sản phẩm chè Đinh cao cấp của Công ty TNHH Chè Hoài Trung, huyện Thanh Ba). Hiệu quả sản xuất chè ngày càng được nâng cao, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội tỉnh và đẩy mạnh xuất khẩu.

Chè Phú Thọ

Tuy nhiên, do liên kết giữa các vùng nguyên liệu va cơ sở chế biến chè thiếu chặt chẽ, việc áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác còn hạn chế, chất lượng chè còn thấp, tỷ lệ chè phục vụ chế biến chè xanh chất lượng cao còn thấp, sản phẩm chủ yếu là chè đen, sản phẩm chủ yếu xuất thô, giá bán thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao. Hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn mang tính hình thức, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến tiêu thụ còn khó khăn, đa số tiêu thụ qua thương lái. Xuất khẩu chè đen, chè xanh hầu hết là xuất khẩu uỷ thác, có một số ít doanh nghiệp là xuất khẩu trực tiếp tại các thị trường Afganistan, Pakistan, Ấn Độ, Đài Loan, Mỹ…

Để khắc phục tình trạng trên, Phú Thọ tập trung chỉ đạo tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường liên kết theo hợp đồng giữa doanh nghiệp chế biến với hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm. Việc này nhằm đảm bảo sự ổn định, đủ nguyên liệu chè tươi cho chế biến thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến chè theo công nghệ mới.

Ngoài ra, tỉnh cũng áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến (HACCP, ISO), kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm ở tất cả khâu trong chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè; hình thành, phát triển các chuỗi sản xuất bền vững, trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt, đưa khoa học công nghệ, trình độ quản trị và kinh tế số vào chuỗi giá trị; đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, các quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ, áp dụng công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; áp dụng công nghệ sau thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm, ưu tiên chế biến tinh, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm  như chè xanh chất lượng cao, chè ôlong, matcha, nước uống đóng chai từ chè phẩm với chè nguyên liệu phục vụ nhu cầu chế biến…

Chè Phú Thọ

Tỉnh Phú Thọ đã hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân năng lực tiếp cận thị trường (thiết lập mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, bảo hộ thương hiệu...); xây dựng hệ thống cung ứng chè theo hướng hiện đại, kết nối được sản xuất với phân phối, tiêu dùng nông sản thành chuỗi giá trị, ổn định và bền vững; củng cố, phát triển các điểm, các kênh phân phối chính thức và uy tín như cửa hàng giới thiệu sản phẩm, siêu thị, sàn giao dịch thương mại điện tử, hình thành hệ thống bán buôn, bán lẻ; đẩy mạnh quảng bá và bán hàng trên mạng xã hội (Facebook, Zalo...)

Đồng thời, tập trung tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm chè Phú Thọ tại các lễ hội, hội chợ; tổ chức các Lễ hội Chè, Tuần lễ Văn hóa Chè Đất Tổ… gắn với các sự kiện quan trọng của tỉnh; biên tập, xây dựng các ấn phẩm, tập san giới thiệu, quảng bá chè Phú Thọ; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu, tiếp cận thị trường xuất khẩu như: Nga, Đài Loan, Nhật Bản, các nước EU, Pakistan…

Chè Phú Thọ

 

Tại Hội nghị kết nối giao thương tại Phú Thọ giữa nhà cung cấp chè khu vực Đông Bắc với doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại ngày 24/4 vừa qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải đề nghị Sở Công Thương các tỉnh khu vực Đông Bắc tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối, liên kết với các Sở Công Thương trong khu vực, các Đại sứ, Tham tán, Thương vụ của Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá thương hiệu và gia tăng giá trị hàng hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển thương mại ngành chè, tỉnh Phú Thọ

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương Phú Thọ đã phối hợp với Cục XTTM, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị kết nối giao thương tại Phú Thọ giữa nhà cung cấp chè khu vực đông bắc với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2023. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tin, tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương tại Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu được tổ chức tại Hà Nội ngày 16/6/2023. Đã có trên 21 doanh nghiệp, hợp tác xã xản xuất cung cấp sản phẩm chè và trên 07 doanh nghiệp xuất khẩu chè tham gia sự kiện. Mặt khác, ngành Công Thương Phú Thọ cũng đổi mới về khuyến công, xúc tiến thương mại, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai, ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh.

Chè Phú Thọ

 

Tỉnh Phú Thọ phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng chè toàn tỉnh đạt khoảng 15.700ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 125 tạ/ha, sản lượng đạt 195.000 tấn, tăng 5,3% (10.000 tấn) so với năm 2021 được quy hoạch vùng chè tập trung ở 9/13 huyện thị thành trong tỉnh là Thanh Sơn, Tân Sơn, Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Ba, Hạ Hoà, Đoan Hùng, Phù Ninh, thị xã Phú Thọ.

Đến nay, tỉnh Phú Thọ đã cấp được hai mã số vùng trồng tại huyện Thanh Ba và thị xã Phú Thọ. Đây là những vùng chè đáp ứng được yêu cầu về sản xuất chè xanh và chè đen phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, để xuất khẩu được chè của Phú Thọ sang các nước, nhất là thị trường châu Âu, châu Mỹ đòi hỏi các sản phẩm chè phải đảm bảo tuân thủ một quá trình sản xuất chè an toàn từ khâu trồng, chăm sóc đến thành phẩm hoàn chỉnh.

Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu chè trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, việc xuất khẩu rất khắt khe trong vấn đề đảm bảo tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, đây là vấn đề doanh nghiệp trong tỉnh luôn đặt lên hàng đầu khi bắt tay sản xuất, kinh doanh, nhất là xây dựng vùng nguyên liệu sạch.

Chè Phú Thọ

Là doanh nghiệp chuyên về sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu chè hơn 20 năm nay, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Chè Hoài Trung, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba luôn chú trọng xây dựng kế hoạch đảm bảo vùng nguyên liệu sạch như cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn lịch phun, thời điểm, xây dựng bể chứa vỏ bao bì... Hiện nay, mỗi năm Công ty sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 tấn chè thành phẩm. Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất của Phú Thọ đến thời điểm hiện tại được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 5 sao về chè.

Cùng với đó, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Phú Thọ đang đẩy mạnh dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ cho các sản phẩm của tỉnh.

Mục tiêu chung của dự án là thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm chè của tỉnh Phú Thọ; xây dựng cơ sở pháp lý, khoa học và triển khai bước đầu hoạt động kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm chè Phú Thọ, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm chè mang nhãn hiệu chứng nhận Phú Thọ.

Chè Phú Thọ

Bài: Nguyên Vỵ
Thiết kế: Duy Kiên


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí