Ngành da giày trước nguy cơ phòng vệ thương mại tại thị trường xuất khẩu
24/12/2024 lúc 10:49 (GMT)

Ngành da giày trước nguy cơ phòng vệ thương mại tại thị trường xuất khẩu

 

 

Dù không phải nhóm ngành hàng chịu nhiều áp lực hàng rào phòng vệ thương mại tại thị trường nước ngoài, một số tín hiệu cho thấy sản phẩm da giày cũng cần lưu ý trước nguy cơ bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ở một số thị trường.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2024, xuất khẩu giày dép các loại đạt 20,76 tỷ USD, tăng 12,9% (tương ứng tăng 2,38 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu giày dép các loại của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 16,47 tỷ USD, tăng 11%, chiếm tỷ trọng 80% trong tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước; xuất khẩu giày dép các loại của doanh nghiệp trong nước là 4,29 tỷ USD, tăng 20,9% và chiếm tỷ trọng 20%.

Dù không phải nhóm ngành hàng chịu nhiều áp lực hàng rào phòng vệ thương mại tại thị trường nước ngoài, một số tín hiệu cho thấy sản phẩm da giày cũng cần lưu ý trước nguy cơ bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ở một số thị trường.

Tháng 7/2024, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia đã thông tin về việc Chính phủ Indonesia có những tuyên bố cam kết bảo vệ ngành dệt may nước này trước sức ép to lớn của các doanh nghiệp và người lao động về hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, đặc biệt là nhóm hàng dệt may đang tràn ngập thị trường Indonesia; đồng thời cân nhắc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các nhóm hàng khác bao gồm hàng điện tử, giày dép, gạch ốp lát và mỹ phẩm.

Theo đó sẽ có ít nhất có 2 biện pháp được áp dụng, đó là áp thuế chống bán phá giá và thuế tự vệ. Các mức thuế tự vệ có thể từ mức 100-200%. Các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ nhanh chóng sớm được ban hành.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia tuyên bố, Bộ này sẽ ban hành quyết định áp thuế ngay sau khi có thông báo đồng thuận của Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, các ngành dệt may, giày dép, hàng điện tử dự kiến Indonesia áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đang là những mặt hàng xuất khẩu chính, rất quan trọng của Việt Nam sang thị trường Indonesia.

10 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu giày dép các loại sang Indonesia đạt 93,3 triệu USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm khoảng 1,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này trong 10 tháng.

Các nhóm hàng này của Indonesia có lợi thế cạnh tranh so sánh thấp hơn các sản phẩm cùng loại đến từ các trung tâm sản xuất khác như Trung Quốc, Việt Nam, Maylaysia (hàng điện tử)…

 

Vì vậy, nước này dự kiến áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại có khả năng không chỉ đối với sản phẩm của Trung Quốc mà còn có khả năng rất cao với các sản phẩm xuất khẩu từ nước khác trong đó có Việt Nam, đặc biệt khi nước này sử dụng biện pháp tự vệ thương mại toàn cầu.

Trước động thái này của Chính phủ Indonesia, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến nghị các doanh nghiệp, hiệp hội xuất khẩu Việt Nam thuộc các nhóm hàng liên quan cần theo dõi sát sao thị trường, tham vấn các đơn vị hữu quan của Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia để có những giải pháp ứng phó trong trường hợp Indonesia áp dụng các biện pháp phòng vệ có liên quan tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Về thị trường, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành da giày Việt Nam trong 11 tháng năm 2024, với 7,57 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tới 36,5% tổng trị giá xuất khẩu giày dép từ Việt Nam ra thế giới trong 11 tháng. Nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Hoa Kỳ tăng trở lại cũng được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng giúp ngành da giày đạt được mức tăng trưởng gần 13% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, với tỷ trọng lớn và vai trò quan trọng như vậy, những biến động tại thị trường Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong những năm gần đây, bên cạnh sắt thép, nhôm, đồ gỗ, sản phẩm cao su-nhựa, các nhóm hàng tiêu dùng như da giày cũng dễ bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ nếu có các dấu hiệu không hợp lý giữa năng lực sản xuất, giá thành với lượng và giá xuất khẩu. Trong đó, nhóm hàng từ một số thị trường sản xuất lớn của châu Á có mức tăng trưởng nhanh về kim ngạch có nguy cơ cao. 

Phân tích sâu hơn của Cục Phòng vệ thương mại cho hay, xét chung cả nhóm hàng giày dép mã HS 64 thì có thể thấy nhập khẩu nhóm hàng này vào Hoa Kỳ sau khi giảm trong năm 2020 vì dịch bệnh, đã liên tục tăng trong năm 2021 và 2022, trước khi điều chỉnh giảm trong năm 2023 vì sức mua thấp do lạm phát.

Xét về thị phần nếu so với năm 2019 thì năm 2023, thị phần giày dép nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm từ 49,82% xuống còn 37,47%, thị phần của Ấn Độ không thay đổi, nhưng thị phần của các nguồn ứng khác trong nhóm 10 nhà xuất khẩu hàng đầu giày dép vào Hoa Kỳ đã gia tăng, trong đó thị phần của Việt Nam tăng gần 4 điểm phần trăm, từ mức 25,79% lên 29,62%.

Số liệu thống kê sơ bộ của 8 tháng năm 2024, cho thấy thị phần của hàng giày dép nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ tiếp tục tăng lên mức 32%.

Xét chi tiết đến mã HS 6 số có thể thấy trong giai đoạn 2019-2023, một số nhóm hàng có trị giá xuất khẩu lớn đồng thời cũng có thị phần lớn tại thị trường Hoa Kỳ. Những mặt hàng này đều tăng trưởng trong giai đoạn 2019-2023. Cá biệt có nhóm hàng mã HS 640320 tuy trị giá nhỏ nhưng tăng tới 386% trong giai đoạn này, nhờ thuế suất 0%. Trong khi đó, nhóm hàng 640411 và 640419 đang phải chịu mức thuế nhập khẩu cao, chỉ tăng trưởng khiêm tốn 6% trong giai đoạn này.

Đối với các sản phẩm giày dép, thống kê của WTO không cho thấy các biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ áp dụng trực tiếp với Việt Nam chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020, tuy nhiên Cục Phòng vệ thương mại cho rằng có một số vấn đề cần lưu ý sau đây:

Thứ nhất, Hoa Kỳ đã ban hành chính sách cho phép áp dụng điều tra trợ cấp xuyên quốc gia. Chính sách này nhằm vào những ngành gia công và nhiều nguyên phụ liệu đầu vào. Theo đó, nếu Việt Nam mua nguyên phụ liệu từ nước thứ 3 và nước này trợ cấp sản xuất nguyên phụ liệu thì khi Việt Nam mua sử dụng sản phẩm để sản xuất và xuất khẩu sẽ bị đánh thuế. 

Thứ hai, nhóm các sản phẩm liên quan đến cao su, nhựa và một số nguyên liệu, phụ kiện khác có thể được sử dụng để sản xuất giày dép gần đây lại bị Hoa Kỳ điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khá nhiều. Điều này có thể ảnh hưởng đến sản phẩm giày dép nếu các mặt hàng này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thành phần của một thành phẩm nhập khẩu.

Mặc dù thị phần của hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm, nhưng nước này vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất và đồng thời tiếp tục là đối tác thương mại bị áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ. Với đặc điểm địa lý gần gũi, Việt Nam cũng nhập khẩu nguồn hàng trung gian phục vụ sản xuất từ Trung Quốc và một số nước châu Á khác, do đó có thể tiềm ẩn các rủi ro về điều tra xuất xứ hàng hóa, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Trong bối cảnh Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt về hồ sơ, ứng phó hiệu quả với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ (DOC), phối hợp và hợp tác với cơ quan điều tra trong việc cung cấp thông tin, tiếp đoàn thẩm tra tại doanh nghiệp và tham gia đầy đủ các bước theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ. Đồng thời, các hiệp hội ngành hàng dệt may, da giày cũng cần tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan chức năng để tổ chức tuyên tuyền, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ để kiểm soát quy trình mua nguyên vật liệu, truy xuất nguồn gốc, tổ chức sản phẩm minh bạch, qua đó tránh được rủi ro bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ phía Hoa Kỳ.

          

Bài: Thy Thảo
Thiết kế: Duy Kiên

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí