Khách du lịch một lần đặt chân đến các trang trại nho của người nông dân Ninh Thuận hẳn sẽ rất ấn tượng bởi cách làm khác biệt ở đây, đó cũng có thể xem là thành công của việc xây dựng nông thôn mới của địa phương này.
Xây dựng nông thôn mới gắn phát triển du lịch
Nằm cách trung tâm TP Phan Rang – Tháp Chàm chưa đến 10 km, chúng tôi có mặt ở trang trại nho Ba Mọi của chú Nguyễn Văn Mọi, thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Dọc đường tới vườn nho, chúng tôi gặp nhiều đoàn khách khác, họ đi bằng nhiều phương tiện khác nhau, có cả những bạn trẻ chọn di chuyển phương tiện xe máy. Từ sáng sớm, từng tốp khách du lịch ở khắp mọi nơi như TP HCM, Đồng Nai, Kon Tum… đã đến tham quan, trải nghiệm cách trồng nho, tìm hiểu cách chăm sóc nho, quy trình chế biến rượu vang…
Ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi, đó là trang trại nho Ba Mọi được đầu tư rất bài bản, sạch sẽ. Một khoảng không gian rộng làm sân nhà được gia chủ kê các bàn cho khách ngồi nghỉ thưởng thức đồ uống siro nho, thưởng thức những trái nho, táo xanh căng mọng, nho sây, táo sấy. Tất cả các sản phẩn này đều đạt OCOP 3, 4 sao. Gần đó là pano để khách chụp ảnh lưu niệm. Điều thích thú đối với du khách nhất là được chủ nhà đưa ra tham quan các vườn nho cũng như được giới thiệu về lịch sử của cây nho, cách trồng chăm sóc...
Kế bên đó là quầy hàng bày nhiều sản nho qua chế biến, các sản phẩm hác của quê hương Ninh Thuận, tất cả được bài trí đẹp mắt. Nhưng có lẽ, du khách chọn mua cho mình nhiều vẫn là nho như nho móng tay, nho kẹo, nho xanh…tất cả được cho vào giỏ xinh xắn, khách ở xa thì trang trại có thể đóng hộp cẩn thận.Toàn bộ nước uống, thưởng thức nho, táo ngay tại chỗ cũng đều miễn phí.
Miễn phí thăm vườn, thưởng thức nho miễn phí
Anh Ngô Quốc Cường, chở đoàn khách du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh đến tham quan trang trại nho Ba Mọi cho biết: Làm nghề chạy xe tour dẫn đoàn khách đi du lịch rất nhiều địa phương nhưng thường vào các khu du lịch là phải mua vé chứ đừng nói đến được thưởng thức thoải mái mà không phải tính phí.
“Tôi thấy cách làm của chủ trang trại nho Ba Mọi rất ấn tượng, khác biệt nhiều đoàn tôi đưa đến tham quan và họ bảo lần sau sẽ quay lại”, anh Công chia sẻ và cho biết, Ninh Thuận có nhiều điểm du lịch còn hoang sơ, rất đẹp và đặc biệt là cách làm du lịch của người dân nơi đây để lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách.
Tham gia đoàn chúng tôi có Minh Phương tới từ Hà Nội, năm nào em cũng đến Ninh Thuận du lịch và điểm đến không thể thiếu đó là đi thăm các vườn nho.
Theo bạn Minh Phương, cách làm du lịch của chú Ba Mọi cũng như người nông dân làng nho Thái An rất ấn tượng vì sự khác biệt mà ít nơi có được. Đó là các chủ vườn nho không bán vé, được thưởng thức trái cây tại vườn, uống nước không tính phí. Tất nhiên người đi du lịch như chúng em khi về sẽ mua sảm phẩm không nhiều thì ít để ủng hộ chủ vườn, mặc dù không mua thì chủ vườn vẫn vui vẻ. Chính vì cách làm này mà em đã giới thiệu với nhiều bạn bè, các bạn ấy cũng rất háo hức đến thăm vườn nho ở Ninh Thuận.
Theo ông Nguyễn Văn Mọi, những năm qua trang trại mở cửa đón khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm, được khách du lịch đánh giá cao. Vào mùa hè, mỗi ngày trang trại đón khoảng 300 – 400 khách, còn mùa thấp điểm mỗi ngày trung bình đón khoảng100 – 200 khách.
“Mục tiêu của chúng tôi là để lại ấn tượng đối với khách du lịch đến trải nghiệm, tìm hiểu kỹ thuật trồng nho, chế biến nho để lần sau du khách đến Ninh Thuận du lịch sẽ nhớ đến những trang trại nho. Từ ngày mở cửa đến nay tôi chưa bao giờ thu phí khách vào thăm trang trại và thưởng thức tại chỗ những sản phẩm từ nho, táo vì nó không đáng bao nhiêu. Khi khách ra về mà mua nho, táo hay các sản phẩm khác thì chúng tôi cũng tính giá bình thường”, ông Mọi chia sẻ.
Khác vườn nho Ba Mọi, xuôi xuống dưới biển, theo đường ĐT 702 dọc ven biển uốn lượn đẹp như tranh vẽ đó là làng nho Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, nằm cách trung tâm thành phố Phan Rang – Thấp Chàm khoảng 30 km. Những vườn nho trải dài tít tắp đẹp mê hồn. Ở đây khách tham quan vườn nho được tự tay hái nho để thương thức. Hiện tại, Thái An có khoảng hơn 200 ha nho, trong đó có hàng trăm vườn thường xuyên mở cửa phục vụ du khách tham quan.
Giá trị kinh tế từ cây nho được nhân lên
Theo thống kê, xã Vĩnh Hải hiện có trên 180ha nho, với khoảng 400 nhà vườn, người dân ở đây chủ yếu trồng giống nho đỏ. Theo các hộ trồng nho, nếu chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi, mỗi năm các nhà vườn ở Thái An có thể thu hoạch 3 vụ nho, ước tính từ 2,5 - 3 tấn nho/sào trong vụ chính.
Vụ thu hoạch chính bắt đầu từ cuối tháng 3-5 dương lịch, vụ thu hoạch vào tháng 8-9 và vụ cuối năm bán vào dịp Tết. Việc trồng nho gắn với du lịch nhà vườn giúp nông dân địa phương có thêm nguồn thu nhập, tăng giá trị kinh tế từ cây nho.
Để đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách tham quan, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với xã Vĩnh Hải mở các lớp tập huấn ngắn hạn cho các hộ về kỹ năng đón tiếp khách, cách bố trí sắp xếp các loại hình dịch vụ, đồng thời lắp đặt biển báo dọc tuyến đường 702 để hướng dẫn du khách tham quan các trang trại nho Thái An.
Mặt khác, tỉnh Ninh Thuận xác định du lịch nông nghiệp, trang trại là một trong những xu hướng phát triển mới của địa phương. Do vậy, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh gắn kết du lịch với sản phẩm nông nghiệp đặc thù, hình thành các tour tham quan vườn nho, táo, cánh đồng cừu kết hợp du lịch biển, góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách khi tới Ninh Thuận.
Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc HTX Nông nghiệp nho Thái An cho biết, chúng tôi muốn tạo ấn tượng tốt nhất với du khách để lần sau khách còn quay lại Ninh Thuận. Khi đã có ấn tượng rồi thì chính những du khách đó lại là sứ giả tuyền truyền, giới thiệu cho những người khác biết, từ đó khách đến nhiều hơn.
Theo ông Phòng, nhờ có hoạt động du lịch mà nhiều người biết đến sản phẩm nho Thái An nói riêng và nho Ninh Thuận nói chung. Từ đó sản phẩm nho và các sản vật khác của người nông dân địa phương như hành, tỏi, măng tây xanh cũng được quảng bá rộng rãi, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.
Ninh Thuận hiện có trên 10 cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm từ nho; 30 doanh nghiệp và 200 hộ sản xuất nhỏ dưới dạng hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân cũng tham gia chế biến các sản phẩm từ nho. Mỗi năm, các cơ sở chế biến nho cung cấp cho thị trường khoảng 75.000-80.000 lít siro nho, rượu vang nho, nước ép nho; khoảng 8 -10 tấn ô mai nho, nho sấy dẻo, nho sấy khô/năm. Bên cạnh đó, các đơn vị chế biến nho cũng cho ra những dòng sản phẩm chất lượng đạt chuẩn quốc tế, với số lượng khoảng 2,7 triệu lít rượu vang và nước ép nho/năm để cung cấp cho thị trường.
Ông Trần Quốc Sanh, Phó giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận cho biết, trên cơ sở các quy định, chương trình, kế hoạch được phê duyệt, hàng năm Ngành Công Thương đã hỗ trợ sản phẩm nho của tỉnh tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại. Việc này góp phần hỗ trợ tham gia quảng bá, trưng bày giới thiệu tại các sự kiện tổ chức tại tỉnh. Cùng với đó, Sở cũng tổ chức, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở tham gia các hội chợ, hội nghị giao thương, kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt duy trì công tác giao thương, quảng bá tại các tỉnh, thành phố lớn, thị trường quan trọng và đầy tiềm năng như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên...
Bên cạnh đó, kết nối để đưa sản phẩm nho vào các hệ thống phân phối lớn, hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ (Co.opMart, Winmart, Big C Go, Bách Hóa Xanh... Sở tổ chức kết nối nguồn hàng, đưa sản phẩm nho tiêu thụ tại các Điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của tỉnh, kết hợp quảng bá sản phẩm tại các sự kiện, hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch của tỉnh...
Đến nay, sản phẩm nho Ninh Thuận đã có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước, tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chợ và được người tiêu dùng ưa chuộng, tin dùng; đặc biệt, đang phát triển mạnh mô hình tham quan, trải nghiệm vườn nho và tiêu thụ nho tại vườn đã giúp nho của tỉnh có thêm kênh tiêu thụ hiệu quả. Ông Sanh cho biết thêm!
Bài: Thăng Long
Ảnh bìa: Thanh Hải