
Sản phẩm măng khô rừng là món ăn rất riêng ở xã vùng cao biên giới Thượng Trạch (Quảng Bình), được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh với tên gọi măng khô Cà Roòng.
Xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình hiện có diện tích 741,52km2 với 20 bản nằm rải rác quanh vùng biên giới Việt – Lào với tổng số 758 hộ với 3.399 nhân khẩu, trong đó người Ma Coong - một nhánh địa phương của dân tộc Vân Kiều chiếm 98%.
Măng rừng Cà Roòng là sản vật gắn liền với đời sống bao đời của người Vân Kiều ở xã miền núi Thượng Trạch này. Từ cây măng rừng mọc ở khắp núi rừng biên giới, được đồng bào hái về tạo ra sản phẩm măng khô, trở thành món ăn đặc sản Quảng Bình nức tiếng gần xa.
Khác với nhiều nơi, măng rừng Cà Roòng có cánh khá dày và to, hơn nữa khi chế biến vị của măng đậm hơn. Là sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, măng khô rừng Cà Roòng ăn rất giòn, hơi dai và đậm vị ngọt của măng rừng.
Để chế biến sản phẩm măng khô rừng, chỉ cần ngâm với nước ấm khoảng 30 phút, luộc lại 10 phút nữa thì tốt hơn, sau đó đem rửa sạch lại bằng nước sạch rồi đem chế biến với các món ăn như: măng khô xào lòng gà, măng khô nấu kho thịt heo, canh măng chân giò, vịt xáo măng, ngan nấu măng… Ngoài ra, nhờ khử được mùi tanh, mà măng có thể nấu chung các món chim, cá chiên, cá tươi, thịt gia súc và gia cầm cho tới các loại muôn thú của núi rừng…
Từ sản vật địa phương, dưới đôi bàn tay khéo léo và chăm chỉ của người Vân Kiều, măng khô đã trở thành sản phẩm nổi tiếng gần xa.
Trước đây, người dân thường vào rừng để hái măng về phục vụ bữa ăn hằng ngày, tuy phổ biến là vậy nhưng cây măng vẫn chưa thể trở thành hàng hóa.
Từ chủ trương “Mỗi xã một sản phẩm”, qua phân tích sản phẩm lợi thế của địa phương, măng rừng Cà Roòng đã được chính quyền lựa chọn để triển khai làm sản phẩm OCOP nhằm tạo liên kết cho các hộ dân trong bản để phát huy hơn nữa hiệu quả kinh tế từ măng rừng. Từng bước đưa việc hái măng về không còn để phục vụ đời sống hàng ngày mà hướng tới sản xuất hàng hóa.
Với kỳ vọng tạo sinh kế lâu dài, bền vững cho bà con dân tộc từ sản vật gần gũi, tháng 6/2021, chính quyền xã Thượng Trạch đã quyết định thành lập Hợp tác xã Cà Roòng. Hợp tác xã được thành lập với mục đích chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm măng rừng, tạo dựng bao bì, nhãn mác nhằm nâng cao giá thành măng rừng tự nhiên.
Sau khi tham gia vào Hợp tác xã, các thành viên của hợp tác xã cùng với các hộ gia đình trên địa bàn toàn xã Thượng Trạch được chia thành các nhóm để tạo ra sản phẩm, do đó hiệu quả công việc tăng lên đáng kể. Cùng với đó, tác phong lề lối làm việc của đồng bào cũng có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhóm khai thác, đi hái măng rừng từ sáng sớm. Nhóm sơ chế làm việc theo quy trình và tiêu chí ngon, sạch rồi đưa về miền xuôi, bán cho các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch. Thời gian qua, sản phẩm nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.
Bà Bà Y Buốt, một thành viên của Hợp tác xã (ở bản Nịu, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết, trước đây, việc hái măng rừng chỉ phục vụ bữa ăn hàng ngày.
Từ khi Hợp tác xã Cà Roòng được thành lập, thu mua măng rừng về chế biến tạo ra sản phẩm ngon, sạch đưa về miền xuôi bán thì bà con chăm chỉ đi hái măng hơn. Măng rừng đem lại thu nhập khá cho bà con đồng bào nơi biên giới, nếu mỗi ngày đi chăm chỉ mỗi gia đình cũng được trên dưới 500.000 đồng.
Ngoài sản lương khai thác măng tươi của hội viên khai thác, hợp tác xã còn thu mua măng của đồng bào ở địa phương góp phần tạo công ăn việc làm tăng thu nhập cho đồng bào. Hiện nay, mỗi ngày Hợp tác xã thu mua từ 400-600 kg măng tươi với mức giá giao động 5.000 đồng/kg đến 7.000 đồng/kg. Riêng măng đã phơi khô, Hợp tác xã đang thu mua với giá 400.000 đồng/kg, bước đầu đã tạo nguồn thu nhập tương đối ổn định cho người dân.
Trước đây hoạt động phơi sấy măng khô của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thời tiết tự nhiên nên thiếu chủ động trong quá trình phơi sấy. Qua nghiên cứu xác định lợi thế địa phương, Hợp tác xã Cà Roòng xác định, nếu biết áp dụng khoa học kỹ thuật, quản lý tốt quy trình sản xuất, nâng cao giá trị sử dụng mà vẫn giữ nguyên được các giá trị thơm, ngon, giòn, ngọt.
Đây là yếu tố giúp nâng cao giá trị sản phẩm măng khô, điều đó cũng có nghĩa giúp người dân trên địa bàn xã Thượng Trạch xóa đói, giảm nghèo thực sự. Vì vậy, Hợp tác xã đã được hỗ trợ đầu tư máy móc sản xuất, sấy ép, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng bao bì, nhãn mác nhằm xây dựng thương hiệu.
Hiện nay, với một quy trình khai thác, sơ chế và chế biến bằng công nghệ sấy chuyên dụng, bảo quản theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm kết hợp với các bí quyết truyền thống trong sơ chế, chế biến của người Ma Coong thì sản phẩm măng khô rừng Cà Roòng được xây dựng hoàn thiện và dần được thị trường đón nhận tích cực.
Từ chủ trương đúng đắn của chính quyền địa phương, sự chăm chỉ cần mẫn của người Vân Kiều, măng khô rừng Cà Roòng đã trở sản phẩm OCOP 3 sao. Mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho đồng bào Vân Kiều ở xã vùng biên Thượng Trạch. Cũng từ đây, sản phẩm măng rừng Cà Roòng được tỏa đi muôn nơi, đời sống người Vân Kiều cũng theo đó được nâng lên.
Thời gian tới, huyện sẽ hỗ trợ địa phương xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị, hỗ trợ thiết kế và in ấn bao bì, nhãn mác; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; chứng nhận chất lượng; đăng ký sở hữu trí tuệ và xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm.
Có thể khẳng định, mô hình chế biến măng khô Cà Roòng đã tạo sinh kế mới cho bà con dân tộc Ma Coong vùng biên giới Thượng Trạch, góp phần hỗ trợ, hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, đặc biệt là Sở Công Thương Quảng Bình trong việc hỗ trợ máy móc thiết bị, hy vọng trong thời gian tới, sản phẩm măng khô Cà Roòng sẽ còn phát triển hơn nữa.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp cùng sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân, kinh tế - xã hội tại Thượng Trạch đã từng bước phát triển, cuộc sống của bà con nơi đây có nhiều đổi thay.
Tỉnh Quảng Bình và huyện Bố Trạch đã quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng cho bà con vùng biên giới Ma Coong, điển hình là cầu Cà Roòng 2 nối trung tâm xã về 3 bản là Cồn Roàng, Coóc và Cu Tồn.
Cùng với cầu Cà Roòng 2, ngầm Cà Roòng và ngầm Cờ Đỏ đã kết nối các bản Cà Roòng 1, Bụt và Cờ Đỏ, đã giúp việc lưu thông của bà con thuận lợi hơn.
Cây măng rừng, một trong những sản phẩm chất lượng mà bà con khai thác được cũng dễ dàng tiếp cận với khách hàng hơn nhờ có cầu và đường về bản. Hợp tác xã Cà Roòng ra đời và bước đầu mang lại hiệu quả với sản phẩm măng khô đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh cũng nhờ những công trình này.
Bài: Xuân An
Trình bày: My Nguyễn