Nông dân Tiền Hải nuôi vịt biển theo phương pháp an toàn sinh học
12/09/2023 lúc 16:00 (GMT)

Nông dân Tiền Hải nuôi vịt biển theo phương pháp an toàn sinh học

Nuôi vịt biển theo phương pháp an toàn sinh học

Năm 2018, anh Ngô Văn Duẩn xã Đông Xuyên, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) tham gia vào Tổ hợp tác (THT) để xây dựng mô hình nuôi vịt biển. “Lứa đầu đến thời kỳ xuất các thành viên THT mang ra chợ bán và nhận được phản hồi tích cực của khách hàng. Sau khi bán hết lứa vịt đầu, THT hạch toán doanh thu, sau khi trừ các chi phí, chia bình quân mỗi hộ nuôi vịt biển lãi 22 triệu đồng. Đây là mức thu nhập cao khá cao”, anh Duẩn cho hay.

Lượng khách tìm đến mua ngày càng nhiều, do đó anh Duẩn và các hộ trong THT đã nhân rộng mô hình, tăng đàn. Nhằm mở rộng quy mô, tháng 3/2019, Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên được thành lập với 32 hộ thành viên do anh Ngô Văn Duẩn làm giám đốc. Bên cạnh việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt, HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên lựa chọn vịt biển 15 Đại Xuyên làm sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu “Vịt biển Đông Xuyên”, HTX còn cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, liên kết bao tiêu sản phẩm, giúp các thành viên thuận lợi trong sản xuất.

Vịt biển Đông Xuyên
Vịt biển Đông Xuyên
Vịt biển Đông Xuyên

Để sản phẩm vịt biển có chất lượng, mang lại giá trị cao, được khách hàng đón nhận, ngay từ ngày đầu HTX đã chủ động định hướng cho thành viên sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp giảm chi phí. Do nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm vịt biển và trứng vịt biển đang rất cao nên HTX đã liên kết với 20 hộ ngoài xã để chăn nuôi vịt biển, thường xuyên cung cấp sản phẩm cho HTX.

Dù thành lập và đi vào hoạt động được 4 năm, nhưng nhờ sự năng động đổi mới trong sản xuất, kinh doanh, HTX này mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế tập thể. HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên, xã Đông Xuyên, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) ghi nhận tổng doanh thu từ 23 tỷ đồng/năm, lãi 12%/năm, giúp các thành viên yên tâm gắn bó với HTX.

Sản phẩm luôn trong tình trạng “cháy hàng”

Năm 2020, trứng vịt biển được của HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên được UBND tỉnh Thái Bình công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, sản phẩm này luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Ngoài ra, trứng vịt biển Đông Xuyên còn được công nhận là sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình) chứng nhận.

Từ khi trứng, vịt biển Đông Xuyên được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, giá trị sản phẩm được nâng cao, thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm trứng vịt, thịt vịt Đông Xuyên có mặt tại các siêu thị tại nhiều tỉnh thành: Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định... qua các kênh bán hàng truyền thống và sàn thương mại điện tử.

Vịt biển Đông Xuyên
Vịt biển Đông Xuyên

Theo thống kê của HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên, năm 2022 đơn vị đã đưa ra thị trường 180 vạn quả trứng và 7 vạn con vịt thương phẩm. Năm 2023 phấn đấu đưa sản phẩm trứng, vịt biển Đông Xuyên ra thị trường gấp 1,5 lần so với năm 2022. “Chúng tôi có kế hoạch nhân thêm các đàn bố mẹ để phát triển con giống một cách chủ động”, đại diện HTX cho biết.

Với cách làm bài bản từ khâu chọn con giống, thức ăn và áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP, mô hình chăn nuôi vịt biển của HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên là hướng đi mới và có nhiều triển vọng, đem lại giá trị kinh tế cao, giúp các thành viên HTX có thêm thu nhập ổn định.

Vịt biển Đông Xuyên

Anh Trần Ngọc Trà, thành viên HTX cho hay, gia đình anh duy trì đều 800 con vịt biển sinh sản, lợi nhuận 12%. Chu kỳ nuôi vịt biển đến khi xuất bán khoảng từ 95 đến 120 ngày, chi phí sản xuất hiện tại 200.000 đồng/con. Giá bán vịt thịt ra thị trường là 230.000 đồng/kg. Mỗi con vịt, anh có lãi 30.000 đồng. Bên cạnh nghề nuôi vịt biển, gia đình anh còn kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Doanh thu mỗi năm từ mô hình nuôi vịt biển Đông Xuyên sinh sản và thương phẩm là 23 tỷ đồng với mức lợi nhuận đạt 12%.

Hiện nay, HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên có 58 thành viên. Năm 2023, doanh thu của HTX dự kiến đạt 33,5 tỷ đồng; trong đó, vịt biển và trứng vịt Đông Xuyên là 23 tỷ đồng.

Ông Đỗ Văn Trịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục tạo điều kiện cho HTX phát triển sản xuất, đặc biệt liên kết với các hộ dân vùng ven biển trong cung cấp vật tư, con giống, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng vịt biển, trứng vịt biển theo tiêu chuẩn OCOP, khẳng định vị thế của sản phẩm trên thị trường.

Vịt biển Đông Xuyên
Ông Đỗ Văn Trịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải - Thái Bình

Những năm qua, huyện Tiền Hải nỗ lực thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) từng bước mang lại kết quả tích cực. Sản phẩm được chứng nhận OCOP đã thúc đẩy nâng cao giá trị nông sản của người nông dân, đồng thời giữ được tính truyền thống văn hóa của địa phương trong từng sản phẩm, góp phần sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

          

Tính đến tháng 4/2023, Tiền Hải đã có 12 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, gồm: vịt biển, trứng vịt biển Đông Xuyên, nước mắm Đoán Tuyết, nước mắm Tiền Châu, gạo 3T Thái Bình, sản phẩm thủ công mỹ nghệ Tây An, chiếu trúc Minh Đức, gạo sạch Tây Ninh, tép khô biển, chả tôm, nõn tôm, chả cá song Ngọc Minh.

          

Tiền Hải là một huyện ven biển của tỉnh Thái Bình, có bờ biển dài 23 km và có ba cửa sông lớn đổ ra biển là cửa Ba Lạt của sông Hồng, cửa sông Trà Lý và cửa Lân. Với đặc điểm về vùng bờ biển được bồi tụ đã hình thành lên vùng đất bãi bồi, đất ngập nước ven biển rộng và hệ sinh thái động thực vật phong phú nên huyện Tiền Hải có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, xã hội một cách đa dạng.

Đẩy mạnh phân phối qua kênh thương mại điện tử trong nước và xuất khẩu

Thời gian qua, HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên cũng thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại bán hàng đối với mặt hàng Vịt biển Đông Xuyên.

Được biết, đối với các sản phẩm OCOP, hiện nay tỉnh Thái Bình có 64 sản phẩm OCOP được công nhận 3,4 sao; 45 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Trong đó, một số sản phẩm được công nhận mang bản sắc riêng của địa phương, có thương hiệu nổi bật trên thị trường như mắm cáy Hồng Tiến, bánh cáy Thiên Đức, cây phát lộc Minh Tân, vịt biển Đông Xuyên… được đông đảo người tiêu dùng biết đến, tiêu thụ trong cả nước và xuất khẩu. Nhiều sản phẩm của Thái Bình sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, dán tem OCOP đã đưa vào tiêu thụ ổn định trong các công ty, cửa hàng, siêu thị.

Vịt biển Đông Xuyên

Thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và có những cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kiến thức về thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp còn được hướng dẫn, hỗ trợ để quảng bá sản phẩm trên website, ứng dụng các phần mềm vào quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối,...

Đến nay, Thái Bình đã có nhiều doanh nghiệp đã thực hiện xây dựng gian hàng, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của tỉnh trên các nền tảng trực tuyến và các sàn thương mại điện tử lớn thành thạo, bài bản, mang đến nhiều kết quả tích cực. Một số sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh như trà túi lọc thìa canh Thái Hưng, kẹo dồi Trường Thuận, trứng vịt biển Đông Xuyên, Bánh đa Quỳnh Côi, bánh cáy … đã phân phối thành công được người tiêu dùng trên toàn quốc đánh giá cao thông qua các sàn thương mại điện tử lớn như Voso, Postmart, Shopee, Tiki,..

Vịt biển Đông Xuyên
Vịt biển Đông Xuyên
Vịt biển Đông Xuyên

Cùng với đó, tháng 8 năm 2023, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức Hội nghị tập huấn đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các nền tảng thương mại điện tử.

 

Sở Công Thương Thái Bình đã xây dựng sàn thương mại điện tử của tỉnh (http://ecthaibinh.com), hỗ trợ 03 đơn vị xây dựng bộ thương hiệu trực tuyến, khoảng 300 đơn vị với khoảng 2000 sản phẩm gồm các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thôn tiêu biểu.

Theo Sở Công Thương Thái Bình, tỉnh đã ban hành Quyết định 2445/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2022 về việc Ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang phối hợp triển khai nội dung thuộc Bộ tiêu chí này để hướng đến việc các xã phải có sản phẩm tiêu biểu bán qua kênh thương mại điện tử với quy định tỉ lệ sản phẩm chủ lực bán qua kênh thương mại điện tử là ít nhất 10%.

          

Bài: Đông Sơn
Ảnh bìa: Thanh Hải

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí