Đồng Tháp có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 thành phố (Cao Lãnh, Sa Đéc), một thị xã (Hồng Ngự) và 9 huyện là Cao Lãnh, Châu Thành, Hồng Ngự, Lai Vung, Lấp Vò, Tam Nông, Tân Hồng, Thanh Bình, Tháp Mười. Dân số của Đồng Tháp là gần 1,7 triệu, với các dân tộc Kinh, Hoa, Khơ-me, Chăm, Thái, Tày, Mường, Nùng, Gia Rai, Phú Ca...
Địa danh Lai Vung (Đồng Tháp) thực chất có nguồn gốc từ tiếng Khmer "Sla tamvun", tức là loại cau để chín khô trên cây, vốn được bán rất nhiều ở vùng này, do đó, vùng này cũng được họ gọi là Srôk Sla tamvun. Về sau được người Việt gọi biến âm thành Lai Vung như ngày nay.
Nằm bên bờ sông Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp có nguồn nước ngọt dồi dào cùng loại đất mỡ gà thích hợp cho cây quyt hồng. Quýt hồng Lai Vung từ lâu đã trở thành thương hiệu của Đồng Tháp bởi chất lượng vượt trội, màu sắc bắt mắt và bảo quản được rất lâu trong môi trường tự nhiên. Quýt hồng được trồng chủ yếu ở 3 xã dọc bờ sông Hậu là Long Hậu, Phước và Tân Thành.
Quýt Lai Vung còn có tên dân gian là quýt “tiêu son” do người dân địa phương dùng để gọi một loại quýt quả ngọt, vỏ căng bóng, khi chín màu cam đỏ, có thể bày biện cúng đẹp, để được lâu trong điều kiện tự nhiên. Sau này thương lái gọi thành quýt hồng và từ đó tên gọi này nhanh chóng trở thành một thương hiệu nổi tiếng.
“Nhận diện” quýt hồng Lai Vung
Quýt hồng Lai Vung có dáng hình cầu, hai đầu dẹp, hơi lõm và có lớp vỏ màu hồng cam hơi xen kẽ sắc xanh khi chín. Lớp vỏ quýt Lai Vung có mùi thơm dễ chịu như tinh dầu, vỏ mỏng căng bóng rất dễ bóc, ruột đỏ, mọng nước, vị ngọt thanh hơi chua rất vừa miệng.
Một số loại quýt đường khi chín có vị ngọt và hậu đắng do chất auxin tiết ra từ hạt, nhưng quýt hồng Lai Vung là giống quýt không hạt, nên chỉ có vị ngọt thuần và mùi thơm của vỏ quýt, không có vị đắng.
Trong quýt hồng Lai Vung có chứa nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin C, beta carotene rất tốt cho da, tim và mắt.
Ngoài ra, trong thành phần của quýt còn chứa kali, canxi giúp tăng cường hệ miễn dịch. Tỷ lệ đường lên đến 74% giúp ức chế cảm giác thèm ăn, hỗ trợ cho người giảm cân. Chất xơ và carbohydrate tốt cho hệ tiêu hóa và đường ruột.
Hàm lượng dưỡng chất
Quýt hồng Lai Vung chứa hàm lượng: Calo 47, vitamin C 23.5 mg, kali 146 mg, carbohydrate 12 gr, đường 8 gr, canxi 33 mg, chất xơ 1.5 gr, magie 11 mg và một số dưỡng chất vitamin A, B2, B3, B6, đồng... Trung bình, 1 trái quýt đã có thể cung cấp cho cơ thể hơn 1/5 lượng vitamin C cơ thể cần hằng ngày.
Quýt mang vị ngọt thanh nhưng lại chứa hàm lượng calo và đường thấp. Loại trái cây này còn gây cảm giác no lâu nhờ chứa lượng nước và chất xơ đáng kể.
Hàm lượng chất xơ trong quýt góp phần hỗ trợ đường tiêu hoá khoẻ mạnh, ngăn ngừa các bệnh về đường ruột. Trong quýt còn có chứa hàm lượng vitamin A, kali, canxi, magie… giúp sáng mắt, phòng ngừa và cải thiện các bệnh thoái hoá điểm vàng, đau mỏi mắt, quáng gà, góp phần giúp xương thêm chắc khỏe.
Cách lựa chọn, bảo quản quýt hồng Lai Vung
ĐƯA ĐẶC SẢN
quýt Lai Vung vươn xa
Bảo tồn vườn quýt Hồng Lai Vung
Lai Vung là một huyện phía Nam của tỉnh Đồng Tháp nằm ven bờ sông Hậu, một vùng đất nhiều phù sa mầu mỡ lại khô ráo, dễ rút nước, rất thích hợp với nhiều loại cây ăn trái, cây có múi - đặc biệt là cây quýt hồng.
Bên cạnh điều kiện tự nhiên thuận lợi, những năm gần đây các nhà vườn ở Lai Vung còn trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, hạn chế xịt thuốc bảo vệ thực vật, bón phân theo quy trình khiến cây trái ít bệnh, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền.
Từ năm 2020, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Đề án Bảo tồn vườn quýt Hồng huyện Lai Vung, giai đoạn 2020 - 2024.
Theo đó, bảo tồn vùng trồng quýt hồng tập trung theo bản đồ quy hoạch thuộc Dự án “Tạo lập quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận quýt hồng Lai Vung” tại các xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành và phát triển sang vùng phụ cận thuộc xã Hòa Long; bảo tồn nguồn gen cây quýt hồng bản địa, phục vụ công tác nhân giống và duy trì sản xuất bền vững.
Phấn đấu đến năm 2024 diện tích bảo tồn đạt 546,63 hecta, trong đó khu vực khắc phục dịch bệnh là 198,71 hecta, khu vực trồng lại hoàn toàn là 347,92 hecta.
Đề án cũng đưa ra 07 giải pháp thực hiện, bao gồm giải pháp về quy hoạch; khoa học công nghệ; đào tạo, tập huấn, thông tin - tuyên truyền; cơ giới hoá sản xuất; kỹ thuật canh tác; sản xuất và cung ứng giống; sản xuất, cung ứng phân hữu cơ.
Tính đến nay, toàn huyện Lai Vung có khoảng 318 hecta quýt hồng đang cho trái. Trong đó, diện tích tham gia Đề án "Bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung" là 50 hecta. Các diện tích trồng quýt này đều phát triển tốt.
Đến nay, đề án đã triển khai và hoàn thành một vụ. Trong vụ quýt hồng Tết Nhâm Dần 2022 vừa qua, sản phẩm quýt cho trái đẹp, năng suất cao. Ước tính sản lượng quýt hồng của toàn huyện khoảng 1.500-2.000 tấn trái, cao gấp 4-5 lần năm ngoái.
Chàng kỹ sư 9x áp dụng trồng quýt công nghệ cao
Nhận thấy cây quýt hồng Lai Vung trong những năm trở lại đây chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, anh Nguyễn Thế Ngoan Vinh (28 tuổi) ngụ xã Tân Thành, huyện Lai Vung đã mạnh dạn thử nghiệm mô hình trồng quýt hồng trong nhà màng áp dụng công nghệ cao, bước đầu có những chuyển biến tích cực.
Trước đó, trong 1 lần tham gia học tập, trao đổi văn hóa tại Nhật Bản, anh Vinh đã được tiếp cận, tham quan vùng trồng quýt và tìm hiểu kỹ thuật trồng trọt nơi đây. Từ đó, giấc mơ phục hồi quýt hồng quê nhà mà bấy lâu ấp ủ đã thôi thúc anh nảy ra ý tưởng xây dựng mô hình trồng quýt hồng trong nhà màng áp dụng công nghệ cao.
Trước đó, anh Vinh đã bén duyên và thành công với 2 mô hình nông nghiệp công nghệ cao là trồng dưa lưới và dưa lê vàng. Sau thời gian tìm hiểu kiến thức và tích góp kinh nghiệm từ thực tiễn, đến năm 2020, anh quyết định thực hiện giấc mơ phục hồi quýt hồng. Anh dành ra hơn 500m2 trong vườn để xây dựng nhà màng, trồng 50 gốc quýt hồng và áp dụng công nghệ cao để thử nghiệm.
Qua hơn 2 năm miệt mài với mô hình thử nghiệm trồng quýt hồng, anh Vinh đã thu về những kết quả rất khả quan. Bản thân anh Vinh cũng bất ngờ khi quýt hồng rất phù hợp với việc trồng công nghệ cao khi thử nghiệm so với trồng truyền thống, thời gian được rút ngắn rất nhiều. Cây phát triển tốt, tiết kiệm rất nhiều về chi phí phân bón, công lao động.
Theo đó, khi trồng quýt hồng trong nhà màng và áp dụng công nghệ cao, nhà vườn sẽ tiết kiệm được 60% chi phí phân bón và công lao động. Sự phát triển của cây nhanh hơn 1,4 - 1,5 lần so với cách trồng truyền thống. Đồng thời, mô hình này còn hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, tránh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Ngoài quýt trái, những năm gần đây, việc trồng quýt hồng trong chậu cảnh phục vụ dịp Tết Nguyên đán tiếp tục phát huy hiệu quả, giúp nông dân tăng thu nhập. Mỗi dịp Tết, nhà vườn trên địa bàn huyện cung ứng từ 1.000 - 1.500 chậu quýt hồng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Hiện tại, mô hình trồng quýt hồng trong nhà màng áp dụng công nghệ cao của anh Vinh đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực trong việc phục hồi cây quýt hồng Lai Vung. Thực tế cho thấy, việc trồng quýt hồng trong nhà màng áp dụng công nghệ cao giúp nhà vườn kiểm soát được độ ẩm, từ đó, các tác nhân gây bệnh vàng lá, thối rễ, héo xanh không có cơ hội để phát triển.
Hiện tại, các nhà vườn trồng quýt hồng trên địa bàn huyện Lai Vung đang tất bật chăm sóc vườn quýt hồng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và rất hy vọng vào vụ quýt hồng bội thu...
Nhiều hộ gia đình đã áp dụng quy trình kỹ thuật theo Đề án Bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung giai đoạn 2020-2024. Hiện tại, các vườn quýt hồng đều đang khôi phục và phát triển tốt, dự kiến năng suất sẽ tăng gấp đôi năm trước.
Trình bày: Duy Kiên - Ánh Tuyết