Sản phẩm gốm Bàu Trúc: Tuyệt tác từ bàn tay nữ nghệ nhân người Chăm
19/11/2022 lúc 16:51 (GMT)

Sản phẩm gốm Bàu Trúc: Tuyệt tác từ bàn tay nữ nghệ nhân người Chăm

 

Sự độc đáo nằm ở chi tiết

Nằm ven Quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 10 km, làng gốm Bàu Trúc được xác định là một trong những làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á. Theo truyền thuyết dân gian, tổ nghề của gốm làng là ông Poklong Chanh.

Hơn ngàn năm trước, ông Poklong Chanh từ chối làm quan về làng dạy cho phụ nữ cách lấy đất, nặn rồi nung thành những dụng cụ, vật trang trí trong nhà. Để tỏ lòng biết ơn tổ nghề, người dân làng gốm Bàu Trúc đã lập đền thờ tưởng nhớ và tổ chức cúng tế ông vào dịp lễ hội Katê, lễ hội lớn nhất của người Chăm. Và nghề làm gốm được truyền đời ở Bàu Trúc cho đến tận ngày nay.

bau-truc-10

Nghề nặn gốm ở Bàu Trúc cũng như các làng nghề gốm khác của người Chăm chỉ dành cho người phụ nữ làm, đàn ông chỉ đi hái củi, đào đất gánh rơm phụ giúp lúc nung gốm. Nét độc đáo trong công đoạn làm gốm ở Bàu Trúc là người thợ không dùng bàn xoay như ở các vùng làm gốm khác mà di chuyển quanh khối đất cùng đôi tay khéo léo của mình để uốn nắn.

Ở Bàu Trúc không có bất kỳ một khuôn đúc nào để làm gốm, mà tất cả các sản phẩm đều được tạo tác bằng tay với nhiều loại sản phẩm khác nhau như: hình tháp Chăm, tượng vũ nữ Apsara, những cô gái Chăm đội nước, hay những vật dụng trong cuộc sống thường nhật...

gom
gom 2
gom 3

 

Sau khâu tạo dáng là khâu trang trí những hoa văn, các hoa văn chính có hình sóng nước, hình tam giác, tứ giác, hình vuông hay tròn, hình trăng khuyết, hình xoắn, hình cây, hình que, hoa lá, hoa văn chữ S, vỏ sò, ốc, hoặc những hoa văn hình hoa lá cách điệu.

Nghệ thuật rắc màu lên áo gốm là cách thức tự do và ngẫu nhiên nhất, bởi vậy gốm Bàu Trúc được trang trí bằng sắc màu rất lạ, rất sống động. Do vậy mà các sản phẩm gốm Bàu Trúc dù có thể na ná nhau về hình dạng nhưng từng chi tiết vẫn có nét riêng biệt, độc đáo.

gom

Chính vì thế, một vị giáo sư người Mỹ (Leedom Lefferts) đã bỏ công hơn 20 năm qua đi điền dã về tận các làng nghề ven biển miền Trung để tìm hiểu gốm Chăm và ông đã kết luận: “Mỗi sản phẩm là một tác phẩm độc lập, không cái nào giống cái nào, đó là sự khác biệt giữa gốm Chăm với các dòng gốm khác”.

Đặc biệt, theo cổ lệ thì trước khi nung gốm gia chủ sẽ chọn ngày tốt và phải sắm một ít lễ vật để cúng ông tổ nghề và giới thần linh, nhằm thể hiện ước nguyện các sản phẩm gốm nung được “chín” đều, không bị hư hỏng, thiệt hại.

Các sản phẩm đặc trưng của gốm Bàu Trúc mang đậm tính văn hóa địa phương nhằm phục vụ cho đời sống của người dân. Có thể kể đến một số sản phẩm truyền thống như: khương nấu bánh tét, lu đựng nước, nồi nấu cơm, trã kho cá, ấm nấu nước, …

gom a
gom b

Đem gốm ra thế giới

Làng gốm Bàu Trúc được xem là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến ngày nay. Hiện nay, làng gốm Bàu Trúc có khoảng 500 hộ dân thì có đến hơn 90% trong số đó vẫn làm nghề gốm. Ngày nay, làng gốm Bàu Trúc không chỉ là một làng nghề truyền thống đơn thuần mà đã trở thành một địa điểm văn hóa, du lịch khám phá hấp dẫn của địa phương. 

Hợp tác xã Làng gốm Bàu Trúc được thành lập vào năm 2008 đóng vai trò như một đòn bẩy trong việc nâng tầm chất lượng và sự đa dạng trong chế tạo gốm, đồng thời, cũng là nơi trình diễn nghề làm gốm Chăm cho khách du lịch khi đến Ninh Thuận. Hàng ngàn mẫu mã gốm của làng Bàu Trúc được trưng bày, giới thiệu tập trung tại HTX để du khách thưởng lãm, hoặc chọn mua cho mình những sản phẩm ưng ý nhất.

Tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ đồng ý để Bộ VHTTDL làm Hồ sơ "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Trong một lần đến Bàu Trúc tham quan, một Việt kiều Mỹ đã có ý tưởng và cho khởi động dự án đưa gốm Bàu Trúc vào trang trí tại khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng, khách sạn ở Mỹ. Chuyến hàng đầu tiên với hơn 500 mặt hàng gốm mỹ nghệ (như tượng thần Siva, tượng thần Ganesa, phụ nữ cầu mưa, phù điêu Apsara, thiếu nữ múa Apsara, đèn lồng...) đã được đóng kiện xuất khẩu sang Mỹ.

Hiện nay, gian trưng bày và bán các sản phẩm gốm Bàu Trúc tại California, Texas và Arizona (Mỹ) vẫn thu hút lượng lớn người dân đến xem và mua hàng.

 

gom cham

 

QUY TRÌNH LÀM GỐM

của người Chăm

Loại đất sét được sử dụng làm gốm phải có màu vàng nhạt, có độ dẻo và độ mịn vừa phải, không bị lẫn nhiều hạt sạn, sỏi nhỏ. Thời điểm lấy đất thường diễn ra vào mùa nông nhàn, trong mùa khô, khoảng tháng Một đến tháng Hai Âm lịch hàng năm.

Có đất, người làm gốm phải đập, ủ, pha trộn và nhồi bóp đất. Việc xử lý đất trước khi làm gốm quyết định đến chất lượng và hiệu suất sản phẩm sau khi nung. Để có đất thành phẩm nhào nặn các sản phẩm gốm vào sáng ngày hôm sau, ngày hôm trước đất được đập và pha trộn, tùy theo nhu cầu sử dụng nhiều hay ít mà người thợ lấy một lượng đất vừa đủ, ít khi để dư lại qua ngày hôm sau.

Dụng cụ tạo hình sản phẩm gốm khá đơn giản: một chiếc bàn kê (kathun hay lithung giơ yơng) và một miếng vải thô nhỏ. Người thợ lấy một ít cát trắng rải đều lên mặt bàn kê rồi đặt đất sét lên để chống dính. Bằng thao tác hơi khum người xuống, hai chân dịch chuyển quanh bàn kê, người thợ dùng đôi bàn tay tạo dáng và thân sản phẩm.

gốm
gom
nung gom
nung gom 1
gom

 

 

Tùy từng loại hình và kích cỡ sản phẩm mà người thợ lấy thêm những lọn đất để nối vuốt cho phần thân sản phẩm cao dần lên, tay trái áp bên trong, tay phải vuốt mặt bên ngoài sản phẩm, người thợ dịch chuyển quanh bàn kê ngược chiều kim đồng hồ khoảng 5 vòng, sau đó dịch chuyển theo chiều ngược lại, là có thể tạo ra một dáng gốm cơ bản. Số vòng dịch chuyển tùy thuộc vào loại hình sản phẩm.

Tiếp theo, người thợ dùng một chiếc vòng tre vót mỏng vuốt lên mặt ngoài sản phẩm ướt để tạo độ đều và láng mịn, rồi dùng một miếng vải thô nhúng nước và dịch chuyển một vòng làm thao tác bẻ, vuốt miệng gốm cho đều, mịn. Mặt trong và ngoài miệng sản phẩm được vuốt nước thổ hoàng bằng miếng vải. Khi xương gốm ráo, người thợ tiếp tục nông thân và đáy (sửa cho đáy sản phẩm tròn, có độ dày đều), chà, nạo và làm bóng mặt trong và ngoài sản phẩm.

Sản phẩm gốm ướt được để khô tự nhiên ở nơi có bóng mát, ngoại trừ sản phẩm là các loại hỏa lò có thể phơi hoặc để ở nơi có nắng và gió to. Độ ráo của sản phẩm có ảnh hưởng quan trọng đến khâu chỉnh hình sau. Công cụ chỉnh hình và làm bóng sản phẩm rất đơn giản, như: vòng sắt (nuh pathei), vòng tre (núh), vòng (khóh) làm bằng cây dúi, bàn vỗ (khài poh) làm bằng gỗ, vòng sắt dày (nuh pathei pan), vỏ nghêu (dúh krang), và viên đá mài (taw).

gom
gom

 

Mỗi công cụ đều có công năng riêng và sử dụng tùy vào kích cỡ, độ dày, mỏng của xương gốm. Với sản phẩm cỡ lớn và dày, người thợ dùng chiếc vòng sắt (nuh pathei) rộng vừa đủ cầm trong lòng bàn tay để nạo mặt trong thân và đáy sản phẩm, đồng thời nông sản phẩm từ đáy bằng thành đáy tròn. Sản phẩm cỡ nhỏ và mỏng, người thợ dùng vòng tre (nuh) có kích cỡ như vòng sắt để nông đáy và nạo bớt những chỗ dày mặt trong thân và đáy sản phẩm.

Tiếp đó, người thợ dùng chiếc vòng (khoh) làm bằng cây dúi để chà láng mặt trong thân và đáy, đồng thời, dùng bàn vỗ (khai poh) vỗ đều tay vào mặt trong thân và đáy để tạo sự tròn đều, cân đối. Sau đó, người thợ chà bóng và làm mịn mặt ngoài của sản phẩm bằng chiếc vòng sắt (nuh pathei pan).

Để kiểm tra độ đều và cân đối của sản phẩm, người thợ dùng vỏ nghêu để nạo mặt trong thân và đáy một lần nữa và xoa nước thổ hoàng lên toàn bộ mặt ngoài và mặt trong thân gốm tạo màu đỏ hồng và tươi tắn sau khi nung. Sản phẩm để trong bóng mát, dùng tấm nilon phủ kín để sản phẩm không bị khô. Trước khi nung, người thợ dùng viên đá mài chà lên thân sản phẩm để làm nhẵn lớp nước thổ hoàng bên trên thân gốm.

gom c

Gốm của người Chăm được nung lộ thiên. Thông thường, một lần nung tối thiểu phải có từ vài trăm sản phẩm trở lên và tối đa là từ 1500 đến 2000 sản phẩm. Việc nung gốm diễn ra quanh năm và nhiều nhà cùng nung chung một lần. Thời gian để nung chín toàn bộ sản phẩm gốm nhanh hay chậm tùy thuộc vào số lượng gốm nhiều hay ít. Người thợ phải xác định hướng gió để có cách sắp xếp gốm, củi và một cách hợp lý. Hướng đốt luôn theo nguyên tắc ngược chính diện với chiều gió.

Gốm và củi sắp xếp thành hàng ngang vuông góc với hướng gió thổi để gốm chín đều và tỉ lệ nổ, vỡ thấp. Gốm được xếp theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, từ dày đến mỏng. Nhiên liệu chính sử dụng để nung gốm từ trước tới nay là củi và rơm, củi làm chất đốt chính, rơm thấm nước để phủ kín lớp gốm trên cùng nhằm giữ nhiệt không cho hơi nóng thoát ra ngoài để gốm chín đều và nhanh hơn.

Địa điểm nung gốm phải gần nguồn nước để tưới ướt rơm phủ trên sản phẩm gốm nhằm giữ nhiệt khi nung; làm giảm nhiệt cơ thể những người tham gia nung gốm, đặc biệt là những người trực tiếp đứng đốt và đưa sản phẩm gốm đã nung chín ra ngoài; làm nguội cây móc sản phẩm... Khi gốm chín được đưa ra ngoài, dùng loại nước làm từ trái thị rừng hoặc vỏ cây chùm dụ rảy lên mặt thân gốm để tạo hoa văn.

thap cham

Trình bày: Duy kiên - Ánh Tuyết


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí