Sớm có cơ chế thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành Giấy để sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải
17/11/2024 lúc 08:00 (GMT)

Sớm có cơ chế thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành Giấy để sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải

Sự kiện thu hút sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia đầu Ngành, các doanh nghiệp… thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tuần hoàn trong ngành Giấy - ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng đòi hỏi sự chuyển đổi mạnh mẽ để thích ứng với yêu cầu xanh hóa phát triển bền vững hiện nay.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Phát triển kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu, giúp thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính (KNK), giảm ô nhiễm môi trường và góp phần phục hồi, bảo tồn tài nguyên và đa dạng sinh học. Theo ông Thắng thực hiện KTTH sẽ giúp đáp ứng yêu cầu chuyển đổi xanh của thị trường và xu hướng tiêu dùng xanh đang ngày càng gia tăng, không chỉ phù hợp với xu hướng chính sách trên toàn thế giới, mà còn được hỗ trợ bởi các nguồn tài chính xanh, sự phát triển của KHCN và chuyển đổi số.

Theo ông Thắng, KTTH không chỉ dừng lại ở việc tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên, mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế, tạo ra các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Đây được xem là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Thực tế hiện nay, Việt Nam đã và đang hoàn thiện chính sách, pháp luật và triển khai thực hiện một cách có hệ thống để thúc đẩy KTTH trong các ngành lĩnh vực. Cụ thể Luật Bảo vệ Môi trường 2020 - bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý môi trường, đã định nghĩa kinh tế tuần hoàn là “mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường”.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đã giao trách nhiệm cho các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện Kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng đã có hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, biện pháp, trách nhiệm và lộ trình, các cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH. Kinh tế tuần hoàn được lồng ghép vào nhiều nội dung, như: phân loại chất thải tại nguồn, thu phí chất thải dựa trên khối lượng; tái chế, tái sử dụng chất thải; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường... với mục tiêu thúc đẩy việc thu hồi, tái chế và giảm thiểu lượng chất thải.

Đi sâu vào phân tích các bối cảnh, kinh tế thế giới khu vực… cũng như các quy định liên quan đến KTTH tại Việt Nam, ông Nguyễn Trung Thắng cũng chỉ ra nhiều thách thức cần sớm giải quyết đối với ngành Giấy, như: lượng phát thải KNK và tiêu hao năng lượng cao (tiêu hao khoảng 7.800-16.000MJ/tấn sp và phát thải ở mức 3,3 kg CO2/kg giấy); Theo Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg, Ngành có 70/2.166 cơ sở phải kiểm kê KNK. Ngoài ra, do sử dụng nhiều nước và hóa chất, lĩnh vực này cũng phát sinh nhiều nước thải (10 l/trang giấy); tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường từ việc đốt nhiên liệu cho quá trình sản xuất bột giấy, sấy và phát sinh chất thải… Tuy nhiên, ông Nguyễn Trung Thắng đã nhấn mạnh đến các cơ hội hiện hữu với Ngành trong triển khai thực hiện KTTH.

Thực tế, các mô hình tái chế giấy đã và đang được triển khai thành công ở nhiều quốc gia, đem lại những kết quả rất tích cực, là minh chứng rõ nét cho tiềm năng của kinh tế tuần hoàn trong ngành Giấy. Số liệu thống kê cho thấy tính đến năm 2022, Việt Nam có hơn 500 doanh nghiệp sản xuất giấy, trong đó có 20 doanh nghiệp lớn đóng góp đến 65% sản lượng. Sản lượng toàn Ngành đạt 8,2 triệu tấn, sản lượng thực tế 5,7 triệu tấn, trong đó giấy bao bì chiếm trên 80%. Giấy thu hồi từ trong nước và nhập khẩu vẫn là nguồn nguyên liệu chủ lực. Ngành Giấy được xem là hình mẫu lý tưởng cho KTTH khi gần như toàn bộ chất thải đều có thể được tái chế, tái sử dụng. Hội thảo đã chia sẻ nhiều mô hình, giải pháp vận dụng hiệu quả kinh tế tuần hoàn trong ngành Giấy, qua đó đạt được các mục tiêu: đáp ứng các quy định pháp luật trong bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên… đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tích hợp ESG và kinh tế tuần hoàn 

Stavian Tissue, đặt mục tiêu năm 2030 giảm 30% KNK

Sở hữu công nghệ tiên tiến, Nhà máy Stavian Tissue (Stavian Tissue) sản xuất các sản phẩm giấy vệ sinh, giấy khăn rút, giấy lau tay… từ giấy tái chế bằng. Đây cũng là doanh nghiệp có các cam kết sản xuất bền vững, gắn với bảo tồn tài nguyên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Với diện tích 60.000 m2, công suất xử lý 36.000 tấn giấy phế liệu/năm, hiện tại, Stavian Tissue có các công đoạn khử mực, xeo giấy, chia khổ, gia công thành phẩm và Hệ thống xử lý nước thải có công suất 8.000 m3 ngày/đêm.

Tại sự kiện, đại diện Stavian Tissue cho biết, thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 02/2022/NĐ-CP trong kiểm kê KNK, doanh nghiệp đã triển khai đánh giá nguồn phát thải này trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm ra các giải pháp giảm nhẹ, đồng thời từ thực tế trong triển khai, Stavian Tissue sẽ có những đánh giá về hiệu quả, tương ứng với đó là các giải pháp điều chỉnh. Để kiểm kê KNK, Stavian Tissue tiến 5 bước, lần lượt là: Xác định danh giới tổ chức và nguồn phát thải; Thu thập dữ liệu hoạt động hệ số phát thải; Tính toán lượng phát thải cho từng nguồn (nhiêu liệu, điện, mua sắm); Xác định mục tiêu giảm phát thải; Báo các kết quả, đề ra mục tiêu giảm phát thải.

Phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột E-S-G, đến năm 2030, Stavian Tissue có kế hoạch giảm 30% phát thải KNK. Để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp đồng thời xây dựng các hành động cụ thể như: Lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà (rooftop solar- 2,5 MWp), sử dụng năng lượng tái tạo thay thế năng lượng điện (hiện đang mua từ lưới điện của EVN); Cải tạo hệ thống hút chân không: sử dụng động cơ nam châm vĩnh cửu để giảm tiêu hao điện năng (tiết kiệm 50% tiêu hao điện năng đối với hệ thống chân không hiện tại); Đầu tư hệ thống lò hơi mới sử dụng nhiên liệu biomass (xử lý được chất thải rắn + bùn thải) để thay thế cho lò hơi hiện tại (đang dùng lò hơi đốt than); Tối ưu hóa dây chuyền sản xuất để giảm lượng nước tiêu hao/tấn sản phẩm: Cải tạo hệ thống DIP để giảm tiêu hao hóa chất...

Chủ động triển khai các hành động hướng tới kinh tế tuần hoàn Stavian Tissue kỳ vọng đạt được giảm lượng phát thải tương đương 4.570 tấn CO2/năm; Giảm sử dụng 250.000 m3 nước/năm; Không sử dung nhiên liệu hóa thạch; Giảm thiểu lượng khí thải phát tán ra môi trường và chất thải rắn cần xử lý; Đốt tại lò hơi biomass.

Chu trình sản xuất xanh, bền vững

tại HHP Paper Hải Phòng - Leed Silver Paper

Với mục tiêu “hướng đến con người”, xây dựng doanh nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện môi trường và tiết giảm chi phí vận hành, Nhà máy HHP Paper Hải Phòng - Công ty cổ phần HHP GLOBAL đã được đầu tư xây dựng để đạt tiêu chuẩn LEED (Leadership in Energy and Environmental Design). Đây cũng là dự án đầu tiên trong ngành Giấy đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn LEED.

Thực hành phát triển bền vững - ESG, HHP Paper Hải Phòng được đầu tư hệ thống xử lý nước thải công suất 3.500m3/ngày đêm, công nghệ tiên tiến đảm bảo tuần hoàn tái sử dụng nước tối thiểu 70%. Với công nghệ này, chất lượng nước thải sau xử lý của Nhà máy đối với dòng xả thải đạt cột A theo QCVN 12:2015/BTNMT đối với chỉ tiêu AOX và dioxin; cột B theo QCVN 40:2011/BTNMT.

Giảm tiêu thụ điện từ năng lượng hóa thạch HHP Paper Hải Phòng đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời trên diện tích 17.475m2 mặt bằng mái nhà xưởng (công suất thiết kế 1.188kWP). Việc đầu tư này giúp doanh nghiệp giảm 3-4% lượng tiêu thụ điện năng (từ năng lượng hóa thạch). Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã đầu tư chuyển đổi nhiên liệu (đốt nồi hơi) từ than đá sang các nguồn nhiên liệu khác, hệ thống nồi hơi tầng sôi tuần hoàn tự nhiên, đốt đa nhiên liệu, có khả năng xử lý rác thải công nghiệp thông thường phát sinh trong quá trình sản xuất, đảm bảo khí thải đạt theo quy chuẩn quốc gia về lò đốt chất thải công nghiệp theo QCVN 30:2012/ BTNMT.

Song song với các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên nước và các thiết kế vận hành quản lý nhà xưởng hiệu quả, Nhà máy HHP Paper Hải Phòng đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo một cách tối ưu, tăng khả năng thích ứng của công trình với biến đổi của môi trường. Nhà máy sử dụng các bóng đèn LED tiết kiệm điện, bật - tắt theo thời gian cụ thể, bố trí không gian, ánh sáng phù hợp, đồng thời sử dụng hệ thống đèn thông minh, độc lập tại mỗi tầng (Hệ thống này sẽ tự động tắt đèn sau khoảng 5 phút khi không có người sử dụng)… giảm thiểu lượng điện tiêu thụ.

Bên cạnh đầu tư các thiết bị, hệ thống, công trình lưu giữ chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn sinh hoạt, đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường). Các hành động theo hướng xanh, tuần hoàn cũng được quán triệt thực hiện tại Nhà máy như: sử dụng nhiên liệu xanh và nguyên liệu sản xuất là giấy phế liệu thu mua trong nước; mua các vật liệu tiêu hao theo lô để giảm lượng rác thải đóng gói; sử dụng các sản phẩm tẩy rửa thân thiện với môi trường, giảm thiểu chất thải hóa chất và giảm tác dụng xấu đối với môi trường… 

Lò đốt rác đồng phát điện - tối ưu chất thải rắn tại Giấy Đông Hải

Đi tìm lời giải cho những thách thức từ quá trình sản xuất, Nhà máy Giấy Đông Hải - Công ty CP Đông Hải Bến Tre, vận dụng kinh tế tuần hoàn, đầu tư áp dụng giải pháp thu hồi năng lượng (Công ty CP Thuận Hải) tự tận dụng hiệu quả chất thải rắn thông thường phát sinh trong quá trình sản xuất. Thực tế mỗi ngày, Giấy Đông Hải tái chế khoảng 1.030 tấn giấy (phế liệu) để sản xuất ra khoảng 1.000 tấn giấy công nghiệp (phục vụ cho sản xuất bao bì) và khoảng 30 tấn chất thải rắn.

Cụ thể, Giấy Đông Hải đã đầu tư và vận hành hệ thống đồng phát điện, trong đó có lò đốt rác, công suất hơi 120 TPH và đồng phát điện công suất 19,4 MWH. Hệ thống này ứng dụng đồng thời Biomass và rác thải sản xuất từ Nhà máy, giúp xử lý rác thải bảo vệ môi trường và giúp khách hàng tối ưu chi phí hơi và điện. Không chỉ mang lại hiệu quả về môi trường, giảm chất thải phải chôn lấp, giảm phát thải CO2, Giấy Đông Hải cho biết đầu tư này đồng thời mang lại giá trị kinh tế không nhỏ: Tiết kiệm lên tới 1,2 triệu USD/năm chi phí vận chuyển và xử lý.

Từ những hiệu quả không nhỏ từ thực tế tại Giấy Đông Hải, Công ty CP Thuận Hải đề xuất, rác thải nên được xem xét là 1 nguồn năng lượng sẵn có ở các nhà máy giấy. Đồng thời để tránh lãng phí nguồn lực trong đầu tư lò đốt rác (thực tế nguồn năng lượng từ chất thải rắn thông thường trong các nhà máy giấy hầu như không thể đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng của các nhà máy) doanh nghiệp đề xuất tận dụng nguyên liệu Biomass sẵn có tại địa phương, gần tại vị trí nhà máy: trấu, củi băm, mùn cưa... như là nguồn năng lượng chính; Kết hợp 2 nguồn năng lượng từ rác thải và Biomass, thiết kế lò hơi có chế độ vận hành phù hợp để giải quyết vấn đề trên đồng thời phục vụ mục đích kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã có một sự chuyển đổi mạnh mẽ, không chỉ về mặt công nghệ, mà còn về tư duy phát triển bền vững trong chuỗi giá trị sản xuất giấy.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngành Giấy cần nắm bắt những cơ hội này để tăng cường áp dụng mô hình sản xuất bền vững, từ khâu nguyên liệu đến khâu xử lý chất thải, nhằm nâng cao giá trị kinh tế cũng như giảm thiểu tác động đến môi trường.

Chia sẻ của về thực trạng của ngành Giấy, ông Đặng Văn Sơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, ngành Giấy đã có sự tăng trưởng vượt bậc, liên tục trong hơn 10 năm qua cả về sản xuất và tiêu dùng giấy các loại; Các dự án đầu tư mới đều đáp ứng tốt yêu cầu về quy mô, sản lượng, năng suất và công nghệ giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí giá thành, giảm phát thải. Đại diện VPPA cũng cho biết các doanh nghiệp trong Ngành đã có ý thức cao trong phát triển bền vững (ESG), giảm phát thải và bảo vệ môi trường; Tỷ lệ sử dụng nguyên liệu tái chế trong sản xuất giấy ngày càng tăng;

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cũng chỉ ra nhiều thách thức gây khó khăn với các doanh nghiệp ngành Giấy. Cụ thể, mặc dù là Ngành tái chế rất nhiều giấy phế liệu, nhưng hiện nay, do các quy định pháp luật hiện hành chưa đầy đủ, không thống nhất và đồng bộ, chưa có hướng dẫn chi tiết về thực hiện KTTH trong Ngành; chưa có chính sách phù hợp cho thu gom và phân loại giấy tái sử dụng… làm khó khăn cho việc đầu tư và thu gom giấy phế liệu trong nước. Bên cạnh đó, mức ký quỹ cao và giới hạn lượng nhập khẩu giấy phế liệu cũng đang làm giảm khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp…

Trong thực tế, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, đòi hỏi sự nỗ lực từ tất cả các bên liên quan, từ các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước đến người tiêu dùng, trong đó doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng. Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy trong quản lý sản xuất, đầu tư vào công nghệ tái chế tiên tiến. Đồng thời, Chính phủ cũng cần tạo ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ để thúc đẩy và khuyến khích các giải pháp, sáng kiến bền vững, nhất là vận dụng hiệu quả các mô hình KTTH.


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí