Sơn La: “Dệt no ấm” từ cây gai xanh
19/10/2024 lúc 14:00 (GMT)

Sơn La: “Dệt no ấm” từ cây gai xanh

 

Tại tỉnh Sơn La, cây gai xanh không những góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mà còn tạo thêm sinh kế, hướng đi mới để bà con phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

 

cây gai xanh

Gai xanh là cây bản địa của Việt Nam, chủ yếu được chế tạo thành bông sợi cao cấp phục vụ ngành dệt, may. Trước xu hướng phát triển của ngành dệt, may cũng như xu hướng tiêu dùng của các thị trường cao cấp, việc phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh đang được các địa phương phía Bắc quan tâm thực hiện, trong đó không thể không nhắc đến vùng nguyên liệu gai xanh ở Sơn La.

Cây gai xanh còn được gọi là cây lá gai. Đây là loại cây lưu gốc, trồng 1 lần thu hoạch 10-12 năm, mỗi năm thu hoạch từ 3-5 vụ; năng suất 2-3 tấn vỏ gai khô/ha, giá vỏ khô 40.000 đồng/kg, thu nhập bình quân từ 60-80 triệu đồng/ha/năm.

Đây là loại cây ít bị sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc, sau khi trồng khoảng 3 tháng được thu hoạch và không phải trồng lại, sau 55-60 ngày có thể thu hoạch đợt tiếp theo. Nếu trồng thực hiện đúng quy trình kỹ thuật canh tác, từ vụ thứ 3 trở đi, hiệu quả kinh tế có thể so sánh với các cây trồng như lúa, ngô, khoai, sắn.

gai xanh

 

 

Cây gai xanh là cây đa tác dụng, sản phẩm chủ yếu là vỏ. Vỏ của cây gai xanh được dùng làm nguyên liệu dệt những loại vải cao cấp, lá được dùng để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản. Lõi cây gai thì có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy, trồng nấm và làm phân bón hữu cơ. Như vậy, tất cả các bộ phận của cây gai đều có ích, mang lại lợi nhuận cho người trồng.

gai xanh bén rễ
gai xanh 1

Cây gai xanh cho năng suất cao và lợi nhuận kinh tế có tính cạnh tranh tốt so với các cây trồng khác như sắn, mía, ngô,… giúp mang lại hiệu quả kinh tế và công ăn việc làm thường xuyên cho người lao động.

Cây gai xanh được đưa vào trồng đầu tiên tại các huyện Vân Hồ và Mộc Châu, tỉnh Sơn La từ năm 2017. Hiện nay, diện tích vùng nguyên liệu đã được mở rộng ra các huyện Sông Mã, Phù Yên, Sốp Cộp, Thuận Châu. Qua đánh giá, cây gai xanh có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt tại nhiều địa bàn trong tỉnh; kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch tương đối đơn giản, dễ thực hiện, mức đầu tư ban đầu phù hợp với khả năng kinh tế của đa số nông dân. Thu nhập bình quân trên 1 ha sản xuất gai xanh đạt từ 45-115 triệu đồng/năm.

gai xanh  1
gai xanh 2
gai xanh 3

Ông Hàng A Tủa - xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, chia sẻ: Trồng cây gai xanh vất vả nhất năm đầu, còn những năm tiếp theo chỉ cần bón phân và làm cỏ; khi thu hoạch chỉ việc chặt sát gốc, cho vào máy tuốt lấy vỏ, sau đó đem phơi và được doanh nghiệp vào tận nơi thu mua. Trung bình thu hơn 1 tấn sợi/năm, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định hơn trước.        

Còn tại huyện Sông Mã, gia đình anh Quàng Văn Dom - bản Có Tre, xã Chiềng Cang, là một trong những hộ đầu tiên trồng thử nghiệm cây gai xanh trên địa bàn. Hiện nay, diện tích 2,7 ha cây gai xanh của gia đình đang sinh trưởng và phát triển tốt. Anh Dom chia sẻ: Chuyển sang trồng cây gai xanh, chúng tôi không phải mất tiền đầu tư giống, phân bón, vì được Công ty hỗ trợ cung ứng trước, trung bình thu hơn 1,2 tấn sợi/năm, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định hơn trước.

gai xanh

Đến nay, toàn tỉnh Sơn La trồng 472 ha cây gai xanh, tập trung chủ yếu ở các huyện: Vân Hồ 183 ha; Phù Yên 151 ha, Sông Mã 35,3 ha; Mộc Châu 31 ha; ngoài ra, các huyện Mường La, Yên Châu, Quỳnh Nhai cũng có diện tích trồng. Sản lượng thu hoạch giai đoạn 2020-2023 đạt 1.410 tấn; việc thu mua vỏ gai khô do các đơn vị đối tác Công ty cổ phần nông nghiệp An Phước thực hiện, giá thu mua từ 35.000 - 40.000đ/kg vỏ khô.

Tổng sản lượng thu hoạch giai đoạn 2020 - 2022 đạt 907 tấn, với năng suất tăng đều qua các năm. Cụ thể, năm 2020 là 171 tấn, năm 2021 là 236 tấn và năm 2022 đạt 500 tấn.

gai xanh 4
khơi đường gai xanh

Với mục tiêu đa dạng giống cây trồng, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, những năm qua, việc hỗ trợ người dân Sơn La chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh theo hướng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Là đơn vị đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, Công ty TNHH HTM Dragon Việt Nam đã cùng đồng hành với bà con Sơn La trong suốt quá trình triển khai, thực hiện. Công ty đã cam kết thu mua 100% sản phẩm gai xanh của người dân và phối hợp với các đối tác tổ chức các lớp tập huấn cho người dân các xã, bản về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây gai xanh, bảo đảm năng suất, chất lượng cao, ít sâu bệnh.

ong thành

Ông Lâm Quang Thành - Giám đốc Công ty TNHH HTM Dragon Việt Nam cho biết: Đến nay, Công ty đã xây dựng được vùng nguyên liệu hơn 420 ha, tập trung ở các huyện Phù Yên, Sông Mã, Sốp Cộp, Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn theo hình thức Công ty và đối tác là các HTX, doanh nghiệp địa phương, đầu tư ứng trước 100% giống, máy tuốt, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong vòng 2 năm không tính lãi với nông dân trồng gai. Ngoài ra, nông dân vùng trồng gai xanh được tham gia trên 120 lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo đầu bờ, thăm mô hình điểm về trồng và chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sợi gai.

Là đối tác phát triển diện tích cây gai xanh ở huyện Mộc Châu và Vân Hồ, HTX gai xanh AP1 Sơn La hiện có hơn 20 thành viên và ký hợp đồng với gần 300 hộ, trồng gần 150 ha cây gai xanh tại xã Tân Lập, Tân Hợp, Hua Păng, Chiềng Hắc, Chiềng Sơn, (Mộc Châu) và xã Vân Hồ, Lóng Luông, Mường Men, Tô Múa, Xuân Nha, Tân Xuân, Chiềng Xuân (Vân Hồ).

gai xanh 6
gai xanh 7

Còn tại huyện Phù Yên hiện có hơn 150 ha cây gai xanh. Những diện tích cây trồng đầu tiên đã cho thu hoạch 3 vụ, năng suất trung bình đạt 300 - 400 kg vỏ cây khô/ha, thu nhập đạt khoảng 20 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so trồng các loại cây lương thực ngắn ngày khoảng 25-30%.

Là đối tác phát triển diện tích cây gai xanh ở huyện Phù Yên và Bắc Yên, anh Nguyễn Công Bảo - Giám đốc HTX nông nghiệp BTH, cho biết: Bà con góp đất, bỏ công chăm sóc và cam kết bán sản phẩm cho HTX; kinh phí mua giống và phân bón được ứng trước 100% và chỉ trừ dần từ lứa thu hoạch thứ 2, trong vòng 2 năm. Hiện nay, HTX đã phát triển vùng nguyên liệu hơn 40 ha với hơn 30 hộ dân tham gia.

Việc đồng hành, hỗ trợ người dân của các doanh nghiệp, HTX trong phát triển cây gai xanh đang cho thấy những tín hiệu tích cực, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, phủ xanh đất trống, đồi trọc, là hướng đi phù hợp, giúp nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người nông dân.

sợi gai

Đại diện UBND tỉnh Sơn La cho biết: Việc hình thành các HTX sản xuất gai xanh sẽ hỗ trợ cho các thành viên HTX chủ động về kế hoạch sản xuất, cung ứng giống cũng như hỗ trợ nhân lực trong việc thu hoạch sản phẩm. Đồng thời, các HTX sẽ thu hút được các hộ nông dân góp vốn, đất, công lao động phát triển trồng cây gai xanh theo hướng liên kết sản xuất ở các địa phương trong tỉnh đang khai thác tối đa diện tích canh tác, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, đây là hướng đi phù hợp, giúp nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.

sợi gai việt
sợi gai

Hiện cả nước có 173 làng nghề thêu và dệt đã được công nhận. Nguyên liệu thêu, dệt gồm có tơ tằm, sợi bông, sợi lanh… và gần đây là sợi gai (từ cây gai xanh). Ðây là cơ hội để phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh, không chỉ bảo đảm nguyên liệu cho ngành Dệt may, mà còn giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Ra đời từ năm 2015, Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước - Viramie là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam thực hiện xây dựng mô hình khép kín phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh AP1 và sản xuất sợi gai.

Hiện nay, giống Gai xanh đang trồng trên địa bàn tỉnh Sơn La là giống AP1 (Boechmeria nivea L. Gaudich) là giống cây trồng có trong Danh mục cây trồng được phép sản xuất ở Việt Nam, do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước (Công ty thành viên của Tập đoàn An Phước - Viramie) bảo hộ và công bố lưu hành.

sợi gai

Nhận thấy cây gai xanh là cây có tiềm năng phát triển, một số HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La đã phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu An Phước trồng, xây dựng chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ, tạo thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Đây là đơn vị duy nhất tại Việt Nam nghiên cứu, sản xuất sợi chất lượng cao từ cây gai xanh; trồng, xây dựng chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ, tạo thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Năm 2017, Công ty đã liên kết với một số HTX, hộ nông dân bắt đầu được trồng thử nghiệm tại Thanh Hóa, Sơn La. Đến năm 2020, tổng diện tích vùng nguyên liệu mới đạt 500ha. Sau khi chứng minh được hiệu quả tích cực so với cây trồng khác, trong 2 năm 2021 - 2022, diện tích vùng nguyên liệu của Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước - Viramie được mở rộng rất nhanh, đến cuối năm 2023 tổng diện tích đã đạt 2500 ha.

an phước

Ông Lý Văn Danh, bản Suối Nậu (xã Liên Hòa, huyện Vân Hồ) là hộ dân trồng cây gai xanh đầu tiên ở bản cho biết: Gia đình đã chuyển đổi 5.000 m2 đất trồng ngô sang trồng gai xanh, được Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước bao tiêu. Gia đình cũng yên tâm trồng phát triển và mở rộng diện tích, trung bình thu hơn 1 tấn sợi/năm, sau khi trừ chi phí, gia đình thu trên 30 triệu đồng/năm. Nếu so với trồng ngô trên cùng diện tích trên, thì cây gai xanh sẽ cho thu hoạch gấp nhiều lần.

Là cây trồng có thời gian khai thác dài, từ 8 - 10 năm; thu hoạch 4 - 6 lứa/năm, với năng suất 2 - 3 tấn vỏ gai khô/ha. Nếu duy trì được giá thu mua vỏ khô từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, người dân sẽ có thu nhập bình quân từ 70 - 100 triệu đồng/ha/năm. Sau khi trừ chi phí, cây gai xanh cho thu nhập từ 40 - 70 triệu đồng/ha/năm.

sợi gai

Tính đến tháng 4/2024, cây gai xanh được trồng tại 7/12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Sơn La với diện tích khoảng 427 ha, trong đó tập trung ở các huyện: Vân Hồ, Phù Yên, Sông Mã, Mộc Châu. Giai đoạn 2020-2023, sản lượng thu hoạch toàn tỉnh đạt 1.410 tấn.

Sản phẩm vỏ gai khô được bán về Nhà máy Sợi dệt An Phước thuộc Tập đoàn An Phước, việc thu mua vỏ gai khô do các đơn vị đối tác Công ty cổ phần Nông nghiệp An Phước thực hiện, trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có 4 Công ty, HTX tham gia đầu tư, quản lý phát triển vùng nguyên liệu gai xanh.

gai khô

Từ vỏ gai khô Nhà máy Sợi gai An Phước - Viramie đã sản xuất cho ra các sản phẩm như bông, xơ và sợi gai, đặc biệt là dòng sợi 100% gai (sợi 100% ramie) đa dạng về chỉ số và các sản phẩm sợi gai hỗn hợp phục vụ cho ngành công nghiệp dệt may.

Thời gian tới, Công ty An Phước mong muốn được cùng tỉnh Sơn La phối hợp tiếp tục nâng cao năng suất diện tích lưu gốc và phát triển diện tích trồng mới gai xanh để đảm bảo nguồn hàng, góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương và nâng cao thu nhập cho người trồng gai, cũng là giúp nhà máy sản xuất sợi gai chạy tối đa công suất, mang lại sinh kế bền vững cho hàng nghìn nông dân là người đồng bào dân tộc thiểu số.

gai xanh

 

 

Không phải ngẫu nhiên sợi gai được ví như “nữ hoàng” của các loại sợi tự nhiên. Với những phẩm chất ưu việt như bền bỉ, thoáng mát, cùng khả năng tự kháng khuẩn cao, sản phẩm gai xanh được ví như “ kim cương thô” của ngành Dệt, mang đến một diện mạo mới, một hướng đi mới cho ngành Thời trang Việt Nam.

sợi thiên nhiên
thời trang

 

          

Bài: Hà An
Trình bày: My Nguyễn

          

 


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí