Tính đến tháng 11/2024, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng là 19 Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement - FTA) . Trong đó, 16 FTA đã có hiệu lực và 2 FTA đang đàm phán. Thông qua các FTA này, Việt Nam đã có quan hệ đối tác với khoảng 56 quốc gia và các quốc gia này chiếm khoảng 90% GDP toàn cầu.
Các FTA đã mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu và tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các đối tác FTA cũng khởi sắc rõ nét.
Bên cạnh đó, quá trình thực thi các FTA đã thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng minh bạch hơn. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp vận hành chuyên nghiệp hơn, mà còn góp phần nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài.
Trong đó, với các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, các doanh nghiệp có thêm kênh ưu đãi, lợi thế để khai thác, nhất là trong bối cảnh một số nước thành viên những FTA này vốn là nguồn cung truyền thống cho đầu vào của nhiều ngành sản xuất tại Việt Nam và nắm giữ những chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Việc tận dụng nguồn nguyên liệu đầu vào với giá thành cạnh tranh và việc tham gia kết nối, liên kết với các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa khi tham gia vào các chuỗi cung ứng của các Tập đoàn đa quốc gia đến từ các thành viên của FTA trở thành lợi ích nổi bật cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tận dụng cơ hội từ những Hiệp định này. Từ đó doanh nghiệp Việt Nam có thể thúc đẩy gia tăng sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang nhiều thị trường truyền thống và khai thác thêm các thị trường mới trên thế giới.
Trong gần 30 năm hoạt động tại Việt Nam, những chương trình phối hợp giữa Toyota với Bộ Công Thương và địa phương hỗ trợ doanh nghiệp nội địa đã trở thành một điểm nhấn trong sự phát triển của Toyota tại Việt Nam. Quá trình này đã góp phần nâng cao năng lực và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp Việt với các nhà lắp ráp, sản xuất ô tô. Từ đó, nhiều doanh nghiệp đã có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của Toyota.
Được biết, hiện danh sách các nhà cung cấp của Toyota lên tới con số 60, trong đó có 13 nhà cung cấp thuần Việt với tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt trên 1.000 sản phẩm các loại. Từ sự liên kết này, các doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty Ô tô Toyota Việt Nam cho biết, trong 5 năm trở lại đây, Toyota đã triển khai các hoạt động hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp cung ứng Việt Nam, như tổ chức những buổi đào tạo nâng cao nhận thức của lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp và người lao động; hay cử cán bộ chuyên gia đến làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp.
“Không những thế chúng tôi còn kết nối các doanh nghiệp với nhau, ví dụ như nhà cung ứng cấp một có thể kết nối với các nhà cung ứng cấp hai qua mạng lưới của chúng tôi, bằng cách đó chúng tôi thấy được rằng các doanh nghiệp cung ứng trong chuỗi cung của Việt Nam thực ra rất có tiềm năng”, ông Hiếu cho biết.
Gần 5 năm qua, Toyota Việt Nam đã trực tiếp sàng lọc hàng trăm đơn vị, sau đó trực tiếp làm việc cụ thể với khoảng hàng chục đơn vị và qua quá trình đó tuyển dụng được một số đơn vị trở thành nhà cung cấp. Các nhà cung cấp này hiện đã bắt đầu sản xuất và cung ứng linh kiện cho các dự án sản xuất xe của Toyota tại Việt Nam. Nhờ vậy, tỷ lệ nội địa hóa của Toyota đã cải thiện đáng kể.
Thực tế, các FTA mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp, bởi các cam kết quốc tế mang tính “mở” trong FTA sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, khi đó các nhà cung cấp nội địa phải đối diện với áp lực cạnh tranh không nhỏ. Vậy nên điều cần thiết là các doanh nghiệp phải nâng cao được năng lực, hướng mình vào những tiêu chuẩn cao hơn để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của chuỗi giá trị toàn cầu.
Đối với CNCTech, khi tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp Nhật Bản, CNCTech đã xác định cần tập trung xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp nước ngoài để làm sao có thể kết hợp một cách chặt chẽ, nâng cao được khả năng cạnh tranh.
Đồng thời, nâng cao về chất lượng sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đạt chuẩn đối với từng ngành, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao trình độ khoa học kĩ thuật, từ đó sẵn sàng cạnh tranh “sòng phẳng” với các công ty nước ngoài.
Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc CNCTech Thăng Long, Tập đoàn CNCTech cho biết, khi CNCTech Thăng Long tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, dưới sự hỗ trợ của các Bộ ngành và các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp đã không chỉ thay đổi mà thậm chí là chuyển đổi, chuyển mình hoàn toàn, từ phương thức sản xuất cũ tiến lên phương thức sản xuất toàn cầu.
Đối với doanh nghiệp, những yếu tố này là áp lực song cũng là động lực mạnh mẽ thúc đẩy doanh nghiệp hoàn thiện bản thân, hoàn thiện hệ thống, hoàn thiện con người, hoàn thiện phương pháp quản lý và hoàn thiện kỹ năng chuyên môn của từng cán bộ, công nhân viên để làm sao đáp ứng được được những tiêu chí đó.
Từ khi tham gia vào vào chuỗi cung ứng, CNCTech Thăng Long đã có thể tăng trưởng được doanh thu một cách nhanh chóng và ổn định, từ đó lấy đà phát triển mạnh mẽ hơn về cơ sở hạ tầng cũng như về nguồn lực để có thể tìm kiếm được nhiều khách hàng hơn, không chỉ ở trong các doanh nghiệp FDI mà còn vươn ra thế giới thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế để tìm kiếm mở rộng tệp khách hàng.
Sự quyết tâm thay đổi của doanh nghiệp cũng là một trong những ưu điểm mà các doanh nghiệp FDI đánh giá cao ở nhà cung cấp Việt Nam. Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty Ô tô Toyota Việt Nam chia sẻ, khi Toyota đến làm việc với các cán bộ đội ngũ triển khai các chương trình như 5S hay các chương trình đào tạo nâng cao trình độ quản trị sản xuất, chuyên gia của Toyota có thể bám sát thực tế doanh nghiệp trong 3 - 6 tháng. Nhưng để có thể duy trì được và cũng như có thể ứng dụng triết lý của Toyota vào từng doanh nghiệp cụ thể thì bắt buộc phải cần sự sáng tạo và sự chủ động của cán bộ, công nhân người Việt Nam.
Theo ông Hiếu, đây chính là thế mạnh, một khi nắm hiểu được triết lý, tinh thần thì doanh nghiệp Việt Nam, người lao động Việt Nam có thể làm rất tốt.
Dù vậy, chuyên gia cho rằng, để một doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng và gia nhập vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI hay vươn sân ra toàn cầu thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần trợ lực cả từ hai phía: bản thân nội lực của doanh nghiệp và từ các cơ quan ban, ngành Trung ương và địa phương.
Ở góc độ doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp phải có rất nhiều sự thay đổi để có thể hấp thụ được những cơ hội trong các FTA.
Trước tiên, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp cần vượt qua giới hạn an toàn để xác định mục tiêu, vị trí muốn đạt được trong chuỗi giá trị, từ đó dần tìm ra lời giải cho bài toán sẽ đi như thế nào để đến được vị trí ấy.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần lưu ý đến các quy định, tiêu chuẩn do các thị trường đặt ra ngày càng khắt khe hơn, như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (The EU's Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM), Quy định chống phá rừng của EU (EU Deforestation Regulation - EUDR), hay Luật Thẩm định chuỗi cung ứng và tiêu chuẩn về môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp (Environmental, Social, Governance - ESG). Vì thế doanh nghiệp sẽ phải hướng mình vào những tiêu chuẩn cao hơn để có thể đủ đáp ứng tiêu chuẩn trong chuỗi FDI.
Thay đổi thứ hai mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm là doanh nghiệp sẽ phải đi tìm kiếm những đối tác phù hợp với phân khúc hoặc định vị của mình trong tương lai để tiếp cận được với họ. Khi đã tìm kiếm được rồi, bản thân doanh nghiệp sẽ phải có quá trình so sánh giữa hiện trạng của mình với năng lực để dần tiệm cận, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp FDI.
Ở chiều ngược lại, đối với các doanh nghiệp FDI, khi đã được hưởng lợi từ các FTA mà Việt Nam là thành viên, các doanh nghiệp FDI cần có sự cam kết và nỗ lực cùng cùng với các doanh nghiệp Việt Nam đào tạo, chia sẻ những kinh nghiệm, công nghệ hướng dẫn họ để nâng cao năng lực quản trị, để có thể trưởng thành và đáp ứng được tiêu chuẩn trở thành nhà cung ứng đầu vào cho các doanh nghiệp FDI.
Tất nhiên, một mình doanh nghiệp không thể làm được điều này.
Thời gian qua, nhiều chính sách đã được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, tận dụng tốt các cơ hội từ FTA, gia nhập chuỗi cung ứng bền vững, song các chính sách này cần có sự điều chỉnh phù hợp trên cơ sở quá trình thực thi, để chính sách thực sự đi vào đời sống, giúp doanh nghiệp hấp thụ chính sách tốt hơn.
Các chính sách sẽ cần được đồng bộ hóa thông qua sự kết nối chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, đồng hành với doanh nghiệp một cách thiết thực và chặt chẽ. Sau khi ban hành chính sách, cần hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” cho doanh nghiệp nhiều hơn để doanh nghiệp có thể tiếp cận, thụ hưởng chính sách, đặc biệt là các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến tài chính, nhân lực,…
Mặt khác, chính sách cũng cần được thiết kế một cách chi tiết hơn, gắn với việc đo lường kết quả cụ thể trong thực tế, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp, để cộng hưởng với nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời cơ hội từ các “chuyến tàu” FTA , tăng cường hợp tác đầu tư, thu hút nguồn lực, liên kết với các đối tác từ thị trường và tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thực hiện: Như Hạ