Tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sản xuất từ thị trường CPTPP
30/11/2023 lúc 10:25 (GMT)

Tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sản xuất từ thị trường CPTPP

 

Việc thực thi Hiệp định CPTPP không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu mà còn tận dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu, thiết bị sản xuất nhập khẩu từ thị trường các nước Thành viên để gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

nguyên liệu CPTPP

So với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác, Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khá đặc thù bởi nhiều Thành viên đã có FTA song phương/đa phương trước đó với Việt Nam gồm: Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Australia, New Zealand, Chile, Brunei và các doanh nghiệp cũng đã, đang tận dụng ưu đãi của những FTA cũ với các thị trường này.

Tuy nhiên, với việc thực thi Hiệp định CPTPP, các doanh nghiệp có thêm kênh ưu đãi, lợi thế để lựa chọn khai thác, nhất là trong bối cảnh một số nước Thành viên CPTPP vốn là nguồn cung truyền thống cho đầu vào của nhiều ngành sản xuất tại Việt Nam như: Nhật Bản, Singapore, Australia…

Theo cam kết tại Hiệp định CPTPP, Việt Nam áp dụng một biểu thuế nhập khẩu ưu đãi chung cho tất cả các nước Thành viên. Cụ thể, Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5-10 năm. Đối với một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, như: bia, rượu, thịt gà, sắt thép, ôtô con dưới 3.000 phân phối, Việt Nam có lộ trình giảm thuế trên 10 năm. Việt Nam áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với đường, trứng, muối (nằm trong lượng hạn ngạch WTO) và ôtô đã qua sử dụng.

Mặc dù ảnh hưởng bởi tình hình khó khăn của kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam và các nước CPTPP khác, tuy nhiên theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu phục vụ sản xuất từ các nước CPTPP vào Việt Nam vẫn duy trì tương đối ổn định.

Những nhóm hàng được nhập khẩu tăng so với cùng kỳ bao gồm: Nguyên phụ liệu dược phẩm (kim ngạch nhập khẩu 9 tháng 2023 tăng 52,12% so với cùng kỳ trước); Xăng dầu các loại (tăng 37,82%); Khí đốt hóa lỏng (tăng 10,37%): Sản phẩm khác từ dầu mỏ (tăng 10,63%); Hàng thủy sản (tăng 8,36%)…

thị trường CPTPP

Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Trưởng phòng Đông Nam Á, Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, Bộ Công Thương, một trong những lợi ích nổi bật của việc thực thi Hiệp định CPTPP chính là Việt Nam có cơ hội tận dụng nhập khẩu nguồn nguyên liệu đầu vào với giá thành cạnh tranh. Từ đó Việt Nam có thể thúc đẩy gia tăng sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các nước Thành viên khác mà chúng ta chưa có FTA trước CPTPP, chẳng hạn như Canada, Mexico hay Peru.

Đồng thời với nguồn nguyên liệu nhập khẩu cạnh tranh đó, chúng ta cũng có thể tận dụng để thúc đẩy xuất khẩu sang những thị trường đang có mong muốn trở thành thành viên của CPTPP như Trung Quốc...

          
Dũng - Vụ thị trường Á Phi

Một lợi thế nữa, đó là CPTPP tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế và đồng thời đây cũng là một động lực gia tăng hàm lượng công nghệ của hàng xuất khẩu Việt Nam, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn và khó tính.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Trưởng phòng Đông Nam Á, Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, Bộ Công Thương

          

 

Tương tự, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam cho rằng, lợi ích của thực thi CPTPP với xuất khẩu da giày thì không có gì đáng bàn nữa, nhưng đáng kể là giúp thay đổi một cách căn bản, nhờ Hiệp định này đã góp phần dịch chuyển chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu da giày vào Việt Nam.

Trong Hiệp định CPTPP, Việt Nam là quốc gia có cam kết mở cửa về thuế quan với sản phẩm giày dép mạnh nhất. Theo đó, Việt Nam xóa bỏ toàn bộ thuế quan nhập khẩu đối với sản phẩm giày dép thuộc Chương 64 ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

          
Xuân Da giày

Đáp ứng điều kiện tuân thủ đối với quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi thep CPTPP, các chuỗi cung ứng về nguyên phụ liệu đã dịch chuyển vào Việt Nam, góp phần cho việc tăng trưởng tỷ lệ nội địa hóa đối với sản phẩm trước đây chỉ khoảng 45% thì nay đã nâng lên 55%. Đấy là một trong những thành công đáng kể của ngành da giày bên cạnh việc tăng trưởng xuất khẩu.

 Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam

          
nhap khau

Sau 5 năm có hiệu lực, Hiệp định CPTPP tới đây bước sang giai đoạn thực thi mới, trong đó có những cam kết cắt bỏ thuế quan sâu hơn đối với hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu từ các nước Thành viên vào Việt Nam. Tăng cường tận dụng ưu đãi của CPTPP sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đáp ứng các quy định khắt khe về nguyên liệu sản xuất nội khối, từ đó thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các nước Thành viên. Đồng thời gia tăng hàm lượng máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại, nâng cao sức cạnh tranh và cơ hội tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

giay dep
det may

Nghị định số 115/2022/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày ký ban hành (ngày 30/12/2022), trong đó có quy định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) giai đoạn 2022 - 2027 và điều kiện được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định CPTPP.

Theo đó, hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định CPTPP phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 7 Điều 5 Nghị định 115/2022/NĐ-CP như sau:

(i) Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt hoặc Danh mục hàng hóa và thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với xe ô tô đã qua sử dụng áp dụng hạn ngạch thuế quan của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 115/2022/NĐ-CP.

(ii) Được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước thành viên của Hiệp định CPTPP, bao gồm: Australia; Canada; Nhật Bản; Mexico; New Zealand; Singapore; Pêru.

(iii) Đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa và có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo quy định của Hiệp định CPTPP.

Gia tăng tận dụng nguồn cung nguyên liệu sản xuất từ CPTPP - Điển hình thị trường Australia

Với một số thị trường riêng lẻ trong CPTPP ghi nhận tăng trưởng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất tích cực hơn từ khi thực thi Hiệp định, trong đó Australia là một điển hình.

Năm 2022, kim ngạch hàng hóa từ Australia nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2022 đạt trên 10,14 tỷ USD, tăng 27,3% so với năm 2021. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất đồng thời tăng trưởng mạnh là các nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất. Cụ thể, nhóm hàng than các loại đạt kim ngạch lớn nhất 4,3 tỷ USD, chiếm 42,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa các loại từ thị trường này, tăng mạnh 101,9% so với năm 2021. Nhóm hàng bông các loại đứng thứ hai về kim ngạch đạt 1,27 tỷ USD, chiếm 12,6% trong tổng kim ngạch, tăng 110,6%. Tiếp đến nhóm hàng quặng và khoáng sản đạt 1,11 tỷ USD, chiếm 11% trong tổng kim ngạch; Lúa mỳ đạt 1,08 tỷ USD, chiếm 10,7%, tăng 15,3%; kim loại thường khác đạt 660 triệu USD; phế liệu sắt thép 162 triệu USD...

Từ đầu năm 2023 đến nay, nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu từ Australia vẫn duy trì tăng trưởng cao ở nhiều nhóm hàng, đơn cử tính chung 8 tháng năm 2023, nhập khẩu lúa mì từ thị trường Australia chiếm 72,6% trong tổng lượng và chiếm 71% trong tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước, đạt gần 2,28 triệu tấn, tăng 8,8% về lượng tương đương trị giá 786,88 triệu USD. Mặt hàng than đá nhập khẩu từ Australia trong 7 tháng đầu năm 2023 đạt 12,53 triệu tấn với 2,12 tỷ USD, tiếp tục giữ vị trí nguồn cung lớn nhất của mặt hàng này vào Việt Nam…

Đặc biệt, ngành dệt may Việt Nam đang tận dụng tốt nguồn cung bông sợi từ Australia. Chỉ tính riêng trong năm 2022, Việt Nam đã chi tới 3,3 tỷ USD để nhập khẩu gần 1,7 triệu tấn bông từ 11 thị trường, trong đó Australia là nguồn cung lớn thứ ba (sau Mỹ và Brazil).

Chia sẻ tại Hội thảo về hợp tác giữa Ngành bông sợi Australia và ngành dệt may Việt Nam ngày 9/8/2023, Bà Rebecca Ball - Tham tán Thương mại và Đầu tư Cấp cao, Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade) cho biết năm 2022, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu bông sợi lớn nhất của Australia với 38,8% thị phần.

Hiện tại, có 3 FTA hỗ trợ xuất khẩu bông Australia sang Việt Nam bao gồm: Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Australia/ New Zealand (AANZFTA); Hiệp định CPTPP; và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Bông sợi thô Australia khi đáp ứng các điều kiện nêu trong các nghị định quốc tế liên quan sẽ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi theo các hiệp định này.

           
Australia

Từ 2020 - 2022, nhập khẩu bông từ thị trường Australia vào Việt Nam đã tăng từ 78 triệu AUD (đô la Úc) lên 1,69 tỷ AUD. Theo xu hướng hiện tại, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục dẫn đầu thị phần trong những năm tới.

Bà Rebecca Ball - Tham tán Thương mại và Đầu tư Cấp cao, Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade)

          
CPTPP

Bài: Hoàng Phương
Ảnh bìa và Thiết kế: Thanh Hà


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí