Phát triển HTX gắn với xây dựng nông thôn mới
Trong hơn 2 năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức, thành lập mới 109 hợp tác xã nông nghiệp, đến nay, toàn tỉnh có 495 hợp tác xã nông nghiệp và 5 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp.
Các xã trên địa bàn tỉnh đều có ít nhất 1 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là một số xã có từ 3 đến 8 hợp tác xã nông nghiệp cùng hoạt động, tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng được nhãn hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, nhất là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương.
Nhiều hợp tác xã nông nghiệp đổi mới về phương thức hoạt động, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện liên kết với các doanh nghiệp; hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng liên doanh, liên kết được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực.
Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn được triển khai mạnh mẽ với kết quả là đạo tạo ra tổng số 173 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia, nên giá trị gia tăng được nâng lên.
Đồng thời, tỉnh gắn sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.
Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên Trần Nho Hưởng, cho biết: đến nay, tỉnh Thái Nguyên có gần 93% số xã đạt tiêu chí về thu nhập, 92% số xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Từ đó, thúc đẩy việc tăng thu nhập, cải thiện đời sống và giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đó là tỷ lệ hộ nghèo tại khu vực nông thôn giảm chỉ còn 5,1%.
Các Liên hiệpHợp tác xã đã từng bước thực hiện vai trò liên kết sản xuất, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, hỗ trợ tốt hơn cho các HTX thành viên, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên của HTX, đẩy mạnh quá trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Giai đoạn 2021-2022, trên địa bàn huyện Định Hóa có 16 HTX được thành lập mới. Riêng 7 tháng năm 2023, toàn huyện có thêm 7 HTX được thành lập, nâng tổng số HTX đang hoạt động lên 47 đơn vị, tạo việc làm thường xuyên cho gần 800 lao động nông thôn.
3 năm qua, khu vực kinh tế tập thể của huyện Định Hóa có sự bứt phá khá mạnh, đặc biệt là các hợp tác xã (HTX) đã thay đổi cả về lượng và chất. Qua đó đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trở thành điểm tựa để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương.
Ông Lưu Đức Hiển, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hợp Thành (xã Quy Kỳ), chia sẻ: Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của ngành chức năng, chúng tôi đã tập hợp được 8 hộ thành viên trong xã cùng chăn nuôi trâu, bò, lợn với quy mô tổng đàn từ 300-400 con và thành lập HTX, với tổng vốn điều lệ trên 1,2 tỷ đồng. Từ khi HTX đi vào hoạt động, các thành viên không chỉ có thêm cơ hội tiếp cận với các chương trình tập huấn kiến thức, mà còn tiết kiệm được chi phí sản xuất và thụ hưởng một số dịch vụ ưu đãi.
Hiện nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Hợp Thành đã ký kết hợp đồng với Công ty An Phú (Bắc Giang) cung ứng thức ăn chăn nuôi, lợn giống chất lượng và bao tiêu đầu ra, nếu thành viên có nhu cầu. Qua đó, các thành viên được mua cám với giá rẻ hơn từ 500-700 đồng/kg; mua con giống rẻ hơn 50 nghìn đồng/con so với thị trường. Theo tính toán, trung bình 1 lứa nuôi lợn, HTX tiết kiệm được 50-70 triệu đồng chi phí nhập cám.
Không chỉ tại xã Quy Kỳ, trong năm 2022, tại 11 xã chưa đạt chuẩn NTM, UBND huyện Định Hóa đã phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh tổ chức 10-15 lớp tuyên truyền chính sách pháp luật về phát triển kinh tế tập thể; tư vấn, hỗ trợ thủ tục thành lập HTX; mở 4 lớp đào tạo nâng cao năng lực quản trị, kỹ năng điều hành, xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh cho thành viên, ban giám đốc của các HTX; khảo sát, hỗ trợ nhu cầu vay vốn cho 6 HTX, giải ngân vốn vay cho 2 HTX với số tiền trên 800 triệu đồng…
Qua đó góp phần trợ lực cho các HTX hoạt động ngày càng ổn định. Hiện nay, một số HTX trên địa bàn huyện đã tạo ra sản phẩm chất lượng, có thương hiệu, giá trị kinh tế cao.
Đơn cử như HTX nông nghiệp Định Biên (xã Định Biên), dù mới được thành lập năm 2021 nhưng đã xây dựng thành công 2 sản phẩm: gạo bao thai Định Hóa và gạo nếp vải Định Hóa đạt OCOP 3 sao.
Ông Hà Sỹ Tung, Giám đốc HTX nông nghiệp Định Biên, cho hay: HTX đã thực hiện thành công quy trình sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP và được cấp chứng nhận với diện tích 50ha. Sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tiêu thụ tốt hơn trước, hàng đóng gói đến đâu bán hết đến đó…
Hay như HTX nông nghiệp Sơn Thắng (xã Sơn Phú), theo Giám đốc Vũ Văn Quang: Hưởng lợi từ “Dự án liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè VietGAP”, HTX được Nhà nước hỗ trợ hơn 400 triệu đồng để đầu tư thêm 4 máy tôn, 4 máy vò, 2 máy hút chân không. Qua đó, chất lượng, năng suất sản phẩm chè búp khô của HTX được nâng lên, giá bán cũng nhờ vậy mà tăng từ 100 nghìn đồng/kg lên 200-250 nghìn đồng/kg…
Tới thăm Làng nghề miến Việt Cường, thuộc xã Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Trước đây, nghề làm miến ở Việt Cường hoàn toàn được làm theo phương thức thủ công, quy mô nhỏ lẻ nên số lượng làm ra không nhiều. Mỗi năm thường chỉ tập trung sản xuất những tháng trước Tết để phục vụ người tiêu dùng.
Những năm gần đây, bà con đã không ngừng mở rộng sản xuất, đầu tư thiết bị máy móc để đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khẳng định thương hiệu miến Việt Cường.
Tới thăm đơn vị sản xuất nổi bật tại Thái Nguyên là Hợp tác xã (HTX) Miến Việt Cường, do ông Nguyễn Văn Ba làm giám đốc. Giống như phần lớn những HTX sản xuất nông nghiệp nói chung, HTX Miến Việt Cường khi mới đi vào hoạt động cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, cơ bản sản xuất theo hướng thủ công truyền thống. Đây là hình thức sản xuất tốn rất nhiều nhân công mà hiệu quả thì không cao, giá trị sản phẩm phụ thuộc vào thời tiết.
Theo Giám đốc HTX Miến Việt Cường Nguyễn Văn Ba, nếu trước đây người làm miến chỉ biết đến những sợi miến dài trên phên tre, thì nay sợi miến của HTX Miến Việt Cường có thể dài “vô tận” tùy thuộc vào độ dài của dây chuyền.
Với diện tích giàn phơi tự động 5.000m2 của HTX vừa giảm bớt nhân công, chi phí sản xuất đến 70 - 80%, mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ đó, sản phẩm miến của HTX khi xuất ra thị trường luôn được người tiêu dùng đánh giá cao, mang lại lợi nhuận cao cho các thành viên.
Ông Nguyễn Văn Ba với mong muốn đưa sản phẩm miến của quê hương đến với nhiều khách hàng và khẳng định giá trị miến Việt Cường, ông Ba đã không quản ngại khó khăn, tìm hiểu những cách làm hay, phương pháp sản xuất hiện đại và tìm kiếm nguồn vốn đầu tư. Qua tìm hiểu, ông thấy mô hình HTX với nhiều người góp vốn, góp sức vào sản xuất là phù hợp nhất để mở rộng được cơ sở. Ông Nguyễn Văn Ba đã thành lập HTX Miến Việt Cường với 7 thành viên làm khâu dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho các bà con.
Sau 15 năm hoạt động, điểm đặc biệt nhất của HTX Miến Việt Cường là mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất, đưa ra quy trình sản xuất hoàn thiện, giữ được chất lượng và mang lại năng suất cao. Thay bằng việc ép miến bằng tay như trước kia, nay đã có hệ thống máy ép thủy lực với công suất lên tới 2 tấn sản phẩm/ngày. Việc khuấy bột không còn bằng tay mà sử dụng máy khuấy bột, miến cũng được cắt bằng máy…
Không dừng lại ở đó, HTX còn chủ động đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu bao bì cho sản phẩm. Nhờ có chất lượng tốt kết hợp mẫu mã đẹp, thương hiệu Miến Việt Cường được người tiêu dùng cả nước biết tới và tin dùng.
Linh hoạt tổ hợp tác
Tại Thái Nguyên, mặc dù các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị đã và đang cho thấy tính hiệu quả và bền vững, giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập, tuy nhiên, số lượng chuỗi giá trị được hình thành vẫn còn ít, quy mô chưa lớn. Vì vậy, việc ra đời các tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp cho thấy sự linh hoạt của người nông dân.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2022, Thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên có 17 tổ hợp tác (THT) sản xuất nông nghiệp được thành lập mới. Qua đó, nâng tổng số THT trên địa bàn là 42, với hơn 640 thành viên tham gia. Trong đó, 12 tổ hợp tác sản xuất lúa, 2 THT sản xuất chè, 5 THT trồng cây ăn quả, 1 tổ hợp tác sản xuất rau, hoa và 22 tổ hợp tác dịch vụ thủy lợi.
Các tổ hợp tác được thành lập xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, phù hợp với quy định của Nhà nước, điều kiện và tình hình phát triển kinh tế của địa phương. Thời gian qua, hoạt động của các tổ hợp tác đã giúp người dân khai thác hiệu quả dịch vụ nông nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm và đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Từ đó, góp phần thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Năm 2022, giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp của TP. Sông Công ước đạt 120 triệu đồng (tăng 4 triệu đồng so với năm 2021); thu nhập của lao động trong lĩnh vực kinh tế tập thể bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng…
Giai đoạn 2021-2025, thành phố Sông Công phấn đấu duy trì và thành lập mới 80 hợp tác xã, tổ hợp tác. Trong đó, trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, áp dụng khoa học công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh.
Tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên người dân đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hướng đến sản xuất hàng hóa mang lại giá trị gia tăng cao; thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư, hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp, tạo sự hài hòa về lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân trong mô hình liên kết; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của từng địa phương; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, chú trọng nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; xây dựng cánh đồng mẫu lớn và vùng sản xuất chuyên canh tập trung gắn với phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản... Từ đó, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững.
Không chỉ hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất lúa, gạo, huyện Phú Bình còn hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất rau, quả, thực phẩm, tập trung ở một số xã như: Nhã Lộng, Tân Đức, Thanh Ninh, Lương Phú, Dương Thành... với tổng diện tích hàng năm đạt 65ha, tổng sản lượng đạt 1.170 tấn, doanh thu đạt khoảng 17,5 tỷ đồng (cao hơn so với sản xuất truyền thống từ 10-15%).
Thị trường tiêu thụ của sản phẩm rau, màu chủ yếu ở Hà Nội, Bắc Giang và một số tỉnh miền Trung. Cùng với đó, một số sản phẩm đã được đưa vào hệ thống siêu thị như dầu lạc, rau VietGAP…
Chị Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh (ở xóm Náng, xã Nhã Lộng), chia sẻ: HTX hiện có 10ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Chúng tôi thấy rằng, việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rất quan trọng. Do đó, bên cạnh tạo ra những sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn, chúng tôi còn liên kết với một số siêu thị trên địa bàn TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công…
Bên cạnh hình thành chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt, huyện Phú Bình cũng xây dựng một số mô hình sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết giá trị như mô hình thụ tinh nhân tạo cho gà đẻ tại HTX Điền Quy (xã Tân Thành); HTX chăn nuôi Lương Phú (xã Lương Phú)…; phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà đồi Phú Bình theo hướng hữu cơ; mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, gắn với liên kết chuỗi giá trị trong tiêu thụ sản phẩm tại xã Thanh Ninh… Các mô hình liên kết trong chăn nuôi hàng năm tạo doanh thu hàng chục tỷ đồng, cao hơn so với phương pháp chăn nuôi truyền thống từ 15 - 20%.
Thời gian tới, huyện Phú Bình tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hướng đến sản xuất hàng hóa mang lại giá trị gia tăng cao; thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư, hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp, tạo sự hài hòa về lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân trong mô hình liên kết; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của từng địa phương; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, chú trọng nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; xây dựng cánh đồng mẫu lớn và vùng sản xuất chuyên canh tập trung gắn với phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản... Từ đó, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững.
Bài: Đông Sơn
Ảnh bìa: Thanh Hải