Thích ứng nhanh với quy định SPS theo UKVFTA, gia tăng cơ hội tại thị trường Anh
10/12/2023 lúc 10:30 (GMT)

Thích ứng nhanh với quy định SPS theo UKVFTA, gia tăng cơ hội tại thị trường Anh

 

Mới đây, Văn phòng Điều phối Nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) đã tổ chức Diễn đàn tuyên truyền, thực thi cam kết về SPS trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA).

Diễn đàn nhằm phổ biến, hướng dẫn cung cấp thông tin về những cam kết của Việt Nam đối với các biện pháp SPS trong Hiệp định UKVFTA; giải đáp vướng mắc của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân trong quá trình tổ chức sản xuất, chế biến và thích ứng nhanh với các cam kết SPS trong thương mại nông sản tại thị trường này.

vệ sinh 1

Đến nay Việt Nam đã tham gia 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 16 FTA đã ký kết chính thức.

Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, một số FTA thế hệ mới với nhiều cam kết sâu rộng và toàn diện về quy định an toàn thực phẩm và dịch bệnh động thực vật trong thương mại nông sản, cũng như cam kết các vấn đề về hài lòng hóa các tiêu chuẩn, quy định giữa các quốc gia khi tham gia Hiệp định.

Điển hình, Hiệp định UKVFTA có những cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, các cam kết về sử dụng lao động…. Việc phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương thích ứng nhanh với các quy định của thị trường là rất cần thiết.

          
văn phòng SPS

Trong 10 tháng năm 2023, Văn phòng SPS Việt Nam đã cập nhật 1.000 thông báo liên quan đến các biện pháp về thay đổi biện pháp SPS xuất khẩu nông sản của Việt Nam từ các quốc gia thành viên WTO. Trong đó, Vương quốc Anh có 23 thông báo dự thảo thay đổi trong năm 2023.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam

          

 

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khi Việt Nam và Vương quốc Anh ký kết Hiệp định UKVFTA, đa số các điều khoản đều kế thừa Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), nhưng có một số điều khoản khác biệt.

Theo đó, quy định của Vương quốc Anh và Bắc Ailen về kiểm dịch đối với hàng nhập khẩu có nguồn gốc thực vật được phân chia thành 6 nhóm mặt hàng. Bao gồm: Cây giống; Hoa quả; Hạt giống; Hoa cắt cành, các bộ phận của cây và rau; Củ kể cả khoai tây; Các loại máy móc, phương tiện phục vụ nông, lâm nghiệp.

Quốc gia này sẽ thực hiện 5 mức kiểm soát kiểm dịch thực vật.

Thứ nhất là bị cấm, hàng hóa từ nước ngoài vào thị trường Anh phải có giấy phép hoặc giấy bảo lãnh.

Thứ hai là bị cấm và phải được Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn nước này đánh giá nguy cơ, sau đó cơ quan chuyên môn sở tại sẽ có biện pháp quản lý đối với từng nguy cơ.

Thứ ba là được quản lý và thông báo, sản phẩm khi xuất nhập khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và thông báo trước về việc nhập khẩu. Giấy chứng nhận này do nước xuất khẩu cấp.

Tại Việt Nam, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu do các Chi cục kiểm dịch thực vật vùng thuộc Cục Bảo vệ thực vật thực hiện. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có Chi cục kiểm dịch thực vật vùng IX chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận này.

Thứ tư, mức kiểm soát được quản lý, đối với sản phẩm thuộc diện này, hàng hóa bắt buộc phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Thứ năm, sản phẩm không phải kiểm soát, đồng nghĩa sản phẩm không cần giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoặc phải thông báo trước.

Ngoài ra, theo quy định về kiểm dịch thực vật, tất cả các lô hàng phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản là không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Đồng thời phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho hầu hết tất cả các loại cây và bộ phận sống của cây, bao gồm tất cả hạt giống để trồng.

Riêng với vật liệu đóng gói bằng gỗ phải đạt tiêu chuẩn quốc tế về vật liệu đóng gói bằng gỗ (ISPM-15).

 

Một số mặt hàng trái cây (dứa, kiwi, dừa, sầu riêng, chuối, xoài, chanh dây…), rau quả đã được chế biến và đóng gói (salad, bánh mì, nguyên liệu đông lạnh), sản phẩm tổng hợp (bơ hạt, hạt có chứa trái cây) không cần giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật khi nhập khẩu vào Vương quốc Anh và Bắc Ailen theo UKVFTA.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Vượt qua thách thức để tận dụng các cơ hội thị trường

Theo Đại diện Cục Bảo vệ thực vật, thời gian qua một số đối tượng kiểm dịch của Vương quốc Anh đã phát hiện ở sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam như: Bệnh héo vi khuẩn, bọ phấn thuốc lá, sâu khoang, ruồi đục lá rau cần tây… Đặc biệt, ruồi đục lá hại rau thuộc diện nguy cơ cao có mặt trên các sản phẩm.

Để các doanh nghiệp cơ quan đơn vị có liên quan hiểu rõ thực thi cam kết vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật trong Hiệp định UKVFTA, các chuyên gia đã thông tin về cam kết của Việt Nam về SPS trong UKVFTA, cập nhật thông báo dự thảo các biện pháp SPS; quản lý dịch hại tổng hợp IPM đối với cây ăn trái sau bệnh và giải pháp phòng ngừa sâu bệnh; các quy định của thị trường Anh đối với sản phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu từ Việt Nam…

Đại diện các cơ quan chuyên môn cũng phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã về biện pháp nâng cao chất lượng vùng trồng, đáp ứng an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh đối với sản phẩm có nguồn gốc thực vật để xuất khẩu sang các thị trường nói chung, thị trường Vương quốc Anh nói riêng.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Viện Cây ăn quả miền Nam đã chia sẻ, phổ biến về phương pháp phát hiện và quản lý các dịch hại tổng hợp trên cây ăn quả bằng phương pháp IPM ở một số cây trồng (cam, xoài, bưởi) hướng tới xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Vương quốc Anh.

Theo bà Trần Thị Mỹ Hạnh, đối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long điều kiện khí hậu nhiệt độ thuận lợi cho côn trùng, sâu bệnh, dịch hại phát triển. Trong khi đó, theo danh mục thuốc bảo vệ thực vật có khoảng 1.300 hoạt chất với trên 3.000 tên thương mại khác nhau khiến nông dân rất khó lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật. Nếu nông dân không biết chọn thuốc sẽ làm cây suy yếu, giảm ra hoa, đậu trái, không đem lại hiệu quả.

Vì thế, tùy từng địa phương, từng đối tượng kiểm dịch thực vật, bà con nông dân, HTX, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ lựa chọn các biện pháp quản lý phù hợp. Đối với quản lý dịch hại tổng hợp sẽ bao gồm các giải pháp quản lý từ giống, canh tác, biện pháp sinh học và hóa học…

Thông qua hướng dẫn, nông dân sẽ biết cách phòng trừ bệnh đúng cách và không để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản. Từ đó, không bị vi phạm các yêu cầu của nước nhập khẩu nông sản. Nếu áp dụng đúng thì nông sản sẽ bán được ra nhiều thị trường.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Viện Cây ăn quả miền Nam

kiểm dịch
kiểm dịch 2
quy định sps
quy định sps 2

Theo thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 4,62 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Anh đạt gần 4,1 tỷ USD.

Sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, 85,6% dòng thuế được xóa bỏ đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Anh. Đến năm 2027, dự kiến con số này sẽ tăng lên 99,2%. Đặc biệt, sau khi Vương quốc Anh hoàn tất các thủ tục để trở thành thành viên thứ 12 của Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào năm 2024. Điều này, dự báo những sản phẩm có tiềm năng lớn của Việt Nam như: Gạo thơm, cá ngừ, mật ong… nhất là nông sản, rau quả, thực phẩm sẽ tăng mạnh tại quốc gia này nhờ ưu đãi thuế quan.

Văn phòng SPS Việt Nam đánh giá Vương quốc Anh sẽ dần thay đổi các biện pháp SPS. Trong thời gian tới, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan cung cấp các thông tin, cập nhật các yêu cầu của thị trường đến các doanh nghiệp, hợp tác xã để kịp thời nắm được các quy định này.

chanh dây
rau quả

Bài: Thanh Hà
Ảnh bìa và Thiết kế: Maika


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí