Hiện nay, ở xã Cam Bình (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa), số hộ có thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm rất nhiều. Còn số người có thu nhập mỗi năm cỡ một vài tỷ đồng cũng không phải hiếm. Tất cả là nhờ nghề nuôi tôm hùm.
Cam Bình là xã đảo - gồm 2 đảo Bình Ba và Bình Hưng, cách trung tâm TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng 7 - 15 km. Xã đảo Cam Bình từ lâu đã nổi tiếng với nghề nuôi tôm hùm bằng lồng trên biển. Quy mô và sự chuyên nghiệp của nghề ở nơi đây đã giúp nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế địa phương.
Tôm hùm là loài động vật có vỏ, trong tự nhiên, chúng sống ở những ngầm đá sâu xa bờ, nước sạch. Trong thịt của tôm hùm tươi có khoảng 17,62% là protein, 0,29% là lipid, còn lại khoảng 77,2% là các axit amin. Thịt tôm hùm là nguồn cung cấp selen, acid béo omega-3 tuyệt vời. Khoảng 145 gam tôm hùm nấu chín có thể đáp ứng 3% nhu cầu vitamin A, 9% nhu cầu canxi và 3% nhu cầu sắt hàng ngày của cơ thể.
Nghề nuôi tôm hùm đòi hỏi sự cẩn thận và kỹ lưỡng. Mỗi gia đình nuôi tôm hùm có thể sở hữu vài chục lồng tôm, mỗi lồng nuôi khoảng trên dưới 100 con, tùy vào độ tuổi và kích thước của tôm mà người nuôi sẽ phân loại và cho ăn thức ăn khác nhau như cua, sò... nguyên con hoặc giã nhuyễn.
Tôm hùm 1 tháng chỉ mới bằng ngón tay út, người dân phải đặc biệt quan tâm và cho chúng ăn đều đặn mỗi ngày. Sau 5 tháng, tôm hùm sẽ to bằng bàn tay, đây là quá trình quan trọng nhất trong quá trình tạo ra tôm thành phẩm bán cho thị trường. Trong thời gian 1 đến 5 tháng, chỉ sơ xuất nhỏ là tôm có thể bị bệnh và yếu, không phát triển bình thường, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng tôm.
Đến 20 tháng sau, tôm được khoảng 1 - 1,3 kg. Những hộ gia đình nuôi nhiều lồng tôm sẽ bắt tôm mỗi ngày để bán cho khách du lịch và các thương lái lớn. Tôm hùm có thể chế biến được nhiều món ăn vô cùng hấp dẫn, như: tôm hùm nướng phô mai, tôm hùm rang muối, tôm hùm sốt bơ tỏi, lẩu tôm hùm, cháo tôm hùm,…
Bình Ba là đảo nhỏ, diện tích khoảng 3km2, thuộc xã Cam Bình, có 3 thôn là Bình Ba Đông, Bình Ba Tây và Bình An với hơn 1.000 hộ dân, 3.800 nhân khẩu. Bình Ba được ví là “vương quốc tôm hùm”.
Nghề nuôi tôm hùm trên đảo Bình Ba bắt đầu hình thành từ những năm 1990. Ban đầu chỉ có một số hộ nuôi thử nghiệm vài ba lồng bằng vật liệu gỗ, được bao bọc bởi lưới sắt B40 và lưới. Đến nay, cả đảo đã phát triển hơn 400 bè, khoảng 15.000 ô lồng, với sản lượng khoảng 300 tấn/năm, chủ yếu là tôm hùm xanh.
Với môi trường nguyên thủy sơ khai trong sạch nhờ cách xa đất liền, nhiệt độ nước và độ mặn cũng thích hợp, nên tôm hùm ở đây phát triển rất nhanh. Tôm hùm ở Bình Ba có màu sắc khá đẹp, bắt mắt và ngon không đâu sánh bằng. Thịt tôm chắc, dai, ngọt và thơm. Với hàng trăm bè tôm, nghề nuôi tôm hùm đã và đang đem lại sự ấm no, giàu có cho người dân nơi đây.
Anh Nguyễn Anh Tuấn - người vừa nuôi, vừa thu mua tôm ở thôn Bình Ba Đông, xã Cam Bình cho biết, năm 2023 là năm giúp người nuôi tôm hùm ở xã đảo bội thu. Bởi một phần tôm nuôi thuận lợi, ít xảy ra dịch bệnh. Thứ nữa, đầu ra ổn định, giá thu mua cao, dao động từ 900 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/kg, có thời điểm tăng cao kỷ lục, giá bán lên đến 1,25 triệu đồng/kg.
Hiện nay, giá tôm hùm xanh giảm còn 890 - 900 nghìn đồng/kg (loại 3 con/kg). Tuy nhiên, với giá này, người nuôi tôm vẫn có lãi khá. Nhờ vậy, nếu người nuôi tôm thu hoạch từ 25 - 30 lồng thì đã lãi tiền tỷ sau khi trừ tất cả chi phí. Trong năm vừa qua, gia đình anh Tuấn đã thu hoạch 6 lứa tôm, lãi 4 - 5 tỷ đồng.
Cùng với đảo Bình Ba, xã Cam Bình còn đảo Bình Hưng. Với khoảng 85% người dân chủ yếu dựa vào nghề nuôi tôm hùm, việc phát triển kinh tế chính của người dân trên đảo là nhờ vào nuôi tôm hùm. Nhờ nguồn nước ở đảo Bình Hưng sạch và trong, nên nghề nuôi tôm hùm nơi đây ít rủi ro hơn so với một số nghề khác và cho lợi nhuận cao. Được bắt đầu phát triển từ năm 1990, ban đầu, cả đảo Bình Hưng chỉ có 5 lồng lưới đơn giản bằng lưới sắt B40, đến nay đã phát triển lên 400 bè, với hàng nghìn lồng nuôi tôm hùm các loại (tôm hùm xanh, tôm hùm bông).
Hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn xã Cam Bình đạt gần 90ha, trong đó trên đảo Bình Ba 58ha và đảo Bình Hưng 30ha, với 469 bè nổi, gần 20.000 lồng chủ yếu nuôi tôm hùm xanh.
Ông Nguyên Ân - Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết, xã có bề dày 200 năm và nay đã thực sự thay đổi sau hơn 30 năm phát triển nghề nuôi tôm hùm. Đời sống của người dân ngày càng phát triển, thu nhập bình quân đạt 52 triệu đồng/người/năm. Năm 2022, sản lượng tôm hùm đạt trên 300 tấn, nhờ tôm hùm mà xã Cam Bình đã phát triển kinh tế nhanh.
Năm 2023, nhiều người nuôi tôm hùm trên địa bàn đã lãi tiền tỷ, đặc biệt là nhờ nuôi tôm hùm xanh. Năm 2023, việc nuôi tôm hùm thuận lợi, ít xảy ra dịch bệnh, giá tôm được thu mua ổn định, có thời điểm tăng cao kỷ lục và đây cũng là thời điểm xuất khẩu tôm hùm xanh sang thị trường Trung Quốc thuận lợi. Nhờ nuôi tôm hùm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của địa phương đã giảm đáng kể trong những năm qua. Đến nay, hộ nghèo của xã chỉ còn 17 hộ, còn hộ cận nghèo còn 25 hộ, đạt tỷ lệ dưới 3%.
Cũng nhờ nghề nuôi tôm hùm, Cam Bình đã trở thành một trong 10 xã đầu tiên của tỉnh Khánh Hòa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014, với 100% đường trục thôn đã được bê tông hóa; đường ngõ xóm sạch và không lầy lội, bê tông hóa đạt 99%, phục vụ việc đi lại, sinh hoạt cho nhân dân trên đảo. Hai bến cảng mới cũng được xây dựng trên 2 đảo Bình Ba và Bình Hưng, phục vụ cho tàu thuyền đánh bắt của ngư dân ra vào. Chợ mới đã được xây dựng 2 tầng khang trang trên đảo Bình Ba. Hiện nay, xã Cam Bình đang triển khai thực hiện xã đạt nông thôn mới nâng cao.
Trạm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia và có phân trạm ở thôn Bình Hưng. Người dân trên xã đảo sử dụng nước hợp vệ sinh, mùa khô vẫn đảm bảo được nước sinh hoạt tại chỗ. Xã đã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao, cả 4 thôn đều có khu sinh hoạt văn hóa. Xã có 2 điểm bưu điện văn hóa nằm trên 2 đảo và có 6 điểm truy cập internet phục vụ tốt nhu cầu bưu chính viễn thông của người dân…
Xác định nguồn lực quan trọng và để phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững, xã đảo Cam Bình đã thành lập các tổ tự quản nuôi tôm, hướng dẫn bà con cho thức ăn tôm vào túi lưới; vớt thức ăn thừa của tôm gom đưa vào bờ; giãn cách mật độ các lồng, bè, tổ chức nuôi tôm theo mô hình VietGAP, hình thành chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, xã Cam Bình sẽ tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi từ lồng gỗ thô sơ sang lồng HDPE. Chính quyền địa cũng đề xuất, kiến nghị các ngành, các cấp quy hoạch vùng nuôi, cũng như mở rộng vùng nuôi để hướng dẫn người nuôi hiệu quả.
Khảo sát, thu thập số liệu để có cơ sở xây dựng Ðề án “Phát triển sản xuất, xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, từ năm 2010 đến năm 2019, nghề nuôi tôm hùm ở Việt Nam đã có sự phát triển nhanh cả về quy mô và sản lượng, theo hướng sản xuất hàng hóa, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Cùng với đó, nghề nuôi tôm hùm đã góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế về tự nhiên vùng ven biển; giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho hàng nghìn lao động; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Lãnh đạo Phòng Kinh tế Cam Ranh cho biết, những năm trước, việc vận động thành lập HTX gặp rất nhiều khó khăn, do các địa phương chưa quan tâm xây dựng HTX kiểu mới, còn ngại khó trong công tác vận động, tuyên truyền. Người dân còn e ngại, nghi ngờ, chưa hiểu rõ Luật HTX mới và nhầm lẫn với HTX kiểu cũ.
Mặt khác, người dân chưa biết trình tự, thủ tục thành lập HTX mới thế nào, chính sách hỗ trợ ra sao, nên chưa mạnh dạn gia nhập HTX. Từ thực tế trên, công tác tuyên truyền được chú trọng thực hiện để giúp người dân hiểu HTX mới không chỉ có chính sách hỗ trợ, mà còn trao trả quyền tự chủ cho các thành viên, tự quyết định công việc nội bộ, có quyền liên kết, liên doanh để tìm kiếm mở rộng thị trường,…
Hiện nay, 90% người dân ở Bình Ba đã tận dụng thế mạnh vùng biển để phát triển nuôi trồng thủy hải sản. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả kinh tế, hướng người dân phát triển sản xuất bền vững, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để các hộ dân cùng nhau thành lập HTX nuôi trồng thủy sản Bình Ba.
Từ khi có HTX, sự liên kết giữa các thành viên đã nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như tiềm lực kinh tế, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, dễ dàng tìm kiếm đầu vào và đầu ra cho sản phẩm.
HTX đã chủ động trong việc ký kết hợp đồng dịch vụ đầu vào lấy giống, thức ăn, thuốc phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng để cung ứng cho các thành viên. HTX cũng khuyến khích các hộ áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường, nhân rộng mô hình nuôi tôm một cách hợp lý, tránh dư cung.
Vào vụ thu hoạch, tôm sau khi vớt lên khỏi mặt nước sẽ được phân loại ngay trên bè. Tôm được bảo quản kỹ trong những chiếc lồng chuyên dụng để vận chuyển đi các nơi tiêu thụ.
Vào lúc cao điểm, giá tôm hùm bông thương phẩm loại 1 (cỡ từ 0,8 - 1kg/con) dao động trên dưới 2 triệu đồng/kg và tôm hùm xanh có giá gần 1 triệu đồng/kg. Trung bình, cứ 10 tấn (gồm cả tôm hùm bông và hùm xanh), sau khi trừ chi phí có thể mang về cho HTX số tiền lãi hàng tỷ đồng.
Từ một thợ sửa chữa điện tử nghèo, anh Nguyễn Ngọc Huy ở thôn Bình Ba Tây, xã Cam Bình (TP. Cam Ranh - tỉnh Khánh Hòa) đã trở thành “vua tôm hùm” bằng số vốn khởi nghiệp ít ỏi.
Năm 2003, Nhà nước có chính sách ưu tiên cho người dân vùng biển vay vốn để phát triển kinh tế. Anh Huy đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cam Ranh cùng với số vốn của gia đình tích cóp đầu tư nuôi thử nghiệm 100 con tôm hùm. Không ngờ, vụ nuôi đầu tiên anh đã thắng lớn, lãi gần 100 triệu đồng. Thấy nuôi tôm hùm có hiệu quả, anh Huy tiếp tục đầu tư hết số tiền lãi để mở rộng mô hình nuôi tăng dần theo từng năm và năm nào cũng có lãi.
Tuy nhiên, môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm, do nguồn thức ăn dư thừa của tôm gây ra và hậu quả ập xuống đầu người nuôi tôm vào năm 2007. Đó là trận đại dịch bệnh sữa trên tôm hùm bùng phát đã làm mất đi gần hết sản lượng thả nuôi khoảng 1.000 con, với số tiền lên tới trên 1 tỷ đồng.
Nghỉ nuôi một thời gian ngắn, anh nhận ra quy trình nuôi của mình quả có trục trặc. Cuối năm 2008, trong lúc người nuôi tôm chán nản vì dịch bệnh, anh Huy lại xoay sở vốn, thả nuôi 1.000 con hùm bông và áp dụng quy trình đã đúc kết.
Không chỉ vượt qua rào cản dịch bệnh trên tôm, trong quá trình nuôi, anh còn có sáng kiến nuôi tôm bậc thang như dân miền núi Tây Bắc làm ruộng. Anh Huy lắp đặt các lồng nuôi trên bè tôm theo hình bậc thang, với khoảng cách các lồng nuôi cao - thấp từ 5 - 7m và di chuyển thường xuyên, nên đã giảm hẳn dịch bệnh.
Kết quả, sau 16 tháng thả nuôi, anh thu hoạch và bán với giá cao, lãi hàng tỷ đồng. Từ đó đến nay, vụ tôm năm nào, anh Huy cũng thắng lớn và trở thành người nuôi tôm hùm nhiều nhất ở Bình Ba, với hơn 100 lồng.
Từ ngày thành công với con tôm, anh Huy không quên công lao của những thợ nuôi tôm trung thành, dày dạn kinh nghiệm đã gắn bó với anh trên những bè tôm. Không dừng lại ở việc trả lương, anh Huy còn cho mỗi công nhân được mượn 1 lồng nuôi tôm và vốn mua tôm giống, cùng thức ăn để nuôi riêng. Sau mỗi vụ nuôi tôm, các công nhân còn lời được hơn 100 triệu đồng từ nuôi tôm riêng.
Lễ hội tôm hùm Cam Ranh 2024 với chủ đề “Vịnh xanh bừng sáng” vừa diễn ra tại thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Với các hoạt động diễn ra xuyên suốt từ ngày 03/8 đến ngày 11/8/2024, Lễ hội Tôm hùm Cam Ranh - năm 2024 đã thu hút hơn 30.000 lượt khách tham dự, hơn 2 triệu lượt tương tác và quan tâm trên các nền tảng truyền thông số.
Với hơn 200 gian hàng đa dạng, bao gồm: ẩm thực, trưng bày quà lưu niệm và thủ công mỹ nghệ, sự kiện không chỉ là nơi du khách thưởng thức tôm hùm, mà còn là dịp để khám phá và mua sắm các sản phẩm độc đáo. Các món ăn từ tôm hùm được chế biến ngay tại quầy, thu hút sự quan tâm của du khách.
Lễ hội tôm hùm Cam Ranh 2024 không chỉ là sự kiện văn hóa - du lịch quy mô lớn, mà còn là cơ hội để quảng bá tiềm năng Lễ hội, là dịp để quảng bá sản phẩm tôm hùm đã nổi tiếng từ lâu, kết nối giao thương tìm đầu ra cho sản phẩm, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hải sản trong nước, cũng như xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Đây cũng là dịp để quảng bá sản phẩm tôm hùm, tạo cơ hội gắn kết hợp tác giữa 4 nhà” “nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp”. Đồng thời, thông qua lễ hội, UBND TP. Cam Ranh sẽ tuyên truyền định hướng phát triển vùng nuôi theo quy hoạch, truy xuất nguồn gốc con giống và vùng nuôi; chuyển giao, trình diễn những công nghệ mới, hạn chế ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm hùm ở Cam Ranh; kết nối giao thương tìm đầu ra cho sản phẩm, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ thủy sản trong nước, cũng như xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm mang về hơn 1,6 tỷ USD, cao hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng xuất khẩu tôm hùm tăng mạnh, gấp 57 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 130 triệu USD.
Bài: Hà An
Trình bày: My Nguyễn