CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 ĐANG LAN TỎA RỘNG KHẮP TRÊN TOÀN CẦU VỚI SỰ PHÁT TRIỂN VƯỢT BẬC CỦA CÁC CÔNG NGHỆ NHƯ ĐIỆN TOÁN ĐÁM MÂY (CLOUD), TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (AI), INTERNET OF THINGS (IoT), CHUỖI KHỐI (BLOCKCHAIN) CÙNG NHIỀU CÔNG NGHỆ TIÊN TIẾN KHÁC ĐÃ TẠO RA NHỮNG HÌNH THỨC KINH DOANH MỚI, MÔI TRƯỜNG KINH DOANH MỚI, CỘNG ĐỒNG KINH DOANH MỚI VỚI NHIỀU CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC.
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ LĨNH VỰC ĐANG ĐƯỢC ĐẢNG, CHÍNH PHỦ DÀNH SỰ QUAN TÂM ĐẶC BIỆT TRONG CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 HIỆN NAY. VIỆC BAN HÀNH NHIỀU NGHỊ QUYẾT, SÁCH LƯỢC, CHÍNH SÁCH, VĂN BẢN PHÁP LÝ THỂ HIỆN SỰ QUYẾT TÂM ĐẶC BIỆT CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CHUYỂN ĐỔI SỐ MÀ MỤC TIÊU CHÍNH LÀ HÌNH 3 TRỤ CỘNG CHÍNH TRONG TƯƠNG LAI LÀ “KINH TẾ SỐ", “CHÍNH QUYỀN SỐ" và “XÃ HỘI SỐ".
MỤC TIÊU NÀY ĐÃ LÀM CHO “CHUYỂN ĐỔI SỐ” THỰC SỰ LÀ MỐI QUAN TÂM CỦA MỌI TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN TRONG XÃ HỘI. CÁC DOANH NGHIỆP GIỜ ĐÂY ĐÃ KHÔNG CÒN COI "CHUYỂN ĐỔI SỐ" LÀ "XU HƯỚNG" MÀ ĐÃ XEM LÀ "NHU CẦU TẤT YẾU" ĐỂ TỒN TẠI VÀ PHÁT TRIỂN.
Với mô hình là doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước chi phối, hoạt động trong ngành thép với hơn 30 đơn vị thành viên, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL) ngày càng cảm nhận rõ những áp lực của môi trường kinh doanh mới đang từng bước hình thành do quá trình chuyển đổi số tạo ra.
Đảng ủy Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP hiểu rõ tầm quan trọng của “chuyển đổi số” đối với doanh nghiệp trong thời đại hiện nay nên đã tập trung chỉ đạo từng bước thực hiện công cuộc chuyển đổi số vừa đáp ứng đòi hỏi tất yếu của thời cuộc đồng thời thể hiện sự chủ động, tích cực, nghiêm túc, bám sát thực tiễn, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng xuyên suốt từ Trung ương tới cơ sở trong công tác triển khai đưa Nghị quyết vào thực tiễn.
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” vào tháng 9/2019; Thủ tướng chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vào tháng 6/2020; Ban chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương ban hành Nghị quyết 02-NQ/ĐUK vào tháng 6/2021 thì Đảng uỷ Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP đã sớm có những chỉ đạo xây dựng Nghị quyết số 05-NQ/ĐUT về “Thực hiện chuyển đổi số tại Tổng công ty Thép Việt Nam-CTCP và các đơn vị đến năm 2025, tầm nhìn 2030” vào tháng 7/2021. Từ đó Ban điều hành đã cụ thể hoá Nghị quyết bằng việc xây dựng “Lộ trình chuyển đổi số của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP giai đoạn 2022-2025” đồng thời triển khai cùng lúc nhiều kế hoạch đầu tư, mua sắm hạ tầng thiết bị và phần mềm phục vụ cho công tác điều hành để từng bước thực hiện chuyển đổi số.
Trở lại những năm 2000, khi phong trào tin học hoá bắt đầu nhen nhóm, thời kỳ mạng Internet chuyển từ analog sang digital với mạng diện rộng, tốc độ cao dần phổ biến, Tổng công ty đã sớm nhận ra lợi ích từ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động.
Năm 2004, phòng Công nghệ thông tin được thành lập với mục đích ứng dụng Công nghệ thông tin vào điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Chỉ sau thời gian ngắn, một hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin nhanh chóng được thiết lập như hệ thống máy tính người dùng, hệ thống máy chủ, hệ thống mạng nội bộ tốc độ cao (LAN), hệ thống họp trực tuyến; các phần mềm ứng dụng như email, website, phần mềm kế toán, phần mềm quản lý văn bản….
Có thể nói, sau bốn năm tập trung triển khai, Tổng công ty đã có đủ các ứng dụng công nghệ thông tin để thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên hoàn thiện hệ thống điều hành bằng công nghệ thông tin giai đoạn bấy giờ. Và nhờ việc điều hành bằng ứng dụng công nghệ thông tin, hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty đã đạt được nhiều kết quả tốt và thuận lợi vượt cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tuy nhiên, chuyển đổi số là một cuộc hành trình, không phải là đích đến
Sau gần 10 năm, công nghệ thông tin và những ứng dụng của nó đã có những thay đổi rất khác biệt khiến các ứng dụng đã triển khai ở Tổng công ty bộc lộ nhiều hạn chế và không còn phù hợp với yêu cầu điều hành trong môi trường mới. Sự bùng phát của đại dịch Covid những năm 2020-2021 đòi hỏi vừa đảm bảo giãn cách vừa phải điều hành, quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh sâu sát, thường xuyên, kịp thời, đây là điều mà hệ thống hiện thời chưa đáp ứng được, cụ thể:
- Các chỉ đạo điều hành mang tính riêng lẻ, thiếu đồng bộ, chưa đồng thời và có độ trễ nhất định do hệ thống phòng họp trực tuyến còn hạn chế, không thể triển khai được ở nhiều điểm cầu;
- Không có hệ thống dữ liệu tập trung, các số liệu thống kê rời rạc, không đồng nhất gây khó khăn cho việc tổng hợp và chia sẻ;
- Hệ thống phần mềm không đủ mạnh để có thể truy cập làm việc mọi lúc, mọi nơi;
- Hệ thống máy tính, máy chủ và mạng kết nối đã cũ nên hiệu suất làm việc thấp;
- Hệ thống bảo mật lạc hậu, nguy cơ mất an toàn an ninh thông tin cao.
Có thể nói, các yêu cầu từ hoạt động trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 là một yếu tố cực kỳ trọng yếu để giúp Tổng công ty nhìn nhận, đánh giá và quyết tâm thay đổi. Đó là môi trường kinh doanh đã thay đổi, doanh nghiệp điều hành theo cách truyền thống dần bị tụt hậu, mất đi sự cạnh tranh và gần như không thể thích nghi được với môi trường mới nếu không có sự thay đổi. “Chuyển đổi số” là một nhu cầu cấp thiết để tồn tại và phát triển trong thời gian tới.
Với gần 30 năm hình thành và phát triển, Tổng công ty trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Bằng kinh nghiệm phong phú, những bài học quý báu và quyết tâm đưa Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ chính trị vào thực tiễn doanh nghiệp, Đảng ủy Tổng công ty đã xác định “Chuyển đổi số” là nhiệm vụ bắt buộc trong giai đoạn tới. “Chuyển đổi số” không còn là cụm từ trong các cuộc họp, trong các báo cáo thành tích mà phải trở thành hành động cụ thể và thiết thực được xuất phát từ chính nhu cầu thiết yếu của doanh nghiệp.
Đảng ủy, Ban Lãnh đạo Tổng công ty đã có những hành động quyết liệt bắt đầu từ việc tái thành lập Ban Công nghệ thông tin với nhiệm vụ chính là chịu trách nhiệm thúc đẩy hoạt động “Chuyển đổi số” của toàn hệ thống Tổng công ty; thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số với thành viên là lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của các ban nghiệp vụ.
Ban thường vụ Đảng ủy đã tập trung trí tuệ, học hỏi nhiều kinh nghiệm quý báu trong Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã xây dựng và ban hành Nghị quyết 05/NQ-ĐUT về “Thực hiện chuyển đổi số tại Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP và các đơn vị đến năm 2025, tầm nhìn 2030” với các mục tiêu và giải pháp cụ thể.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp và quyết liệt của Đảng ủy, Ban Lãnh đạo đã nhanh chóng xây dựng “Lộ trình chuyển đổi số của Tổng công ty giai đoạn 2022-2025” xác định rõ bản đồ công nghệ của Tổng công ty với 14 dự án thành phần, kèm theo các kế hoạch thực hiện cụ thể bao gồm 3 phương hướng và 4 chương trình triển khai.
Trên cơ sở mô hình đầu tư tập trung với mục tiêu xây dựng hệ sinh thái công nghệ thông tin của toàn hệ thống, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP đã nhanh chóng triển khai đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và các phần mềm ứng dụng cho doanh nghiệp.
Tháng 7/2023, Trung tâm dữ liệu đã ra mắt sau 5 tháng triển khai. Trung tâm được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, khả năng phát triển không hạn chế theo theo mô hình Private Cloud đảm bảo phục vụ cho nhu cầu hạ tầng cho chuyển đổi số tất cả các đơn vị trong hệ thống. Hiện tại, trung tâm cung cấp năm dịch vụ hạ tầng cho các đơn vị trong toàn hệ thống Tổng công ty.
Bên cạnh việc triển khai hạ tầng, Tổng công ty đã và đang triển khai đồng bộ năm giải pháp phần mềm là: Văn phòng điện tử, Quản lý nhân sự, Quản lý tài chính, Quản lý dữ liệu số và Quản lý thông tin thị trường ngành thép. Các giải pháp này sẽ giúp Tổng công ty chuyển đổi hoạt động điều hành sang mô hình “Văn phòng số” vào năm 2024.
Kế hoạch trước năm 2025, Tổng công ty sẽ hoàn thành xây dựng Hệ thống dữ liệu tập trung (Data Warehouse) và Hệ thống báo cáo thông minh phục vụ cho công tác điều hành, chỉ đạo tại các đơn vị trong hệ thống. Như vậy, các giải pháp chuyển đổi số của khối Văn phòng điều hành được đầu tư tập trung tại Tổng công ty, các đơn vị trong hệ thống có thể dùng chung toàn bộ hệ thống này và không phải đầu tư thêm.
Đối với các ứng dụng khối sản xuất - kinh doanh của từng đơn vị, Tổng công ty sẽ giao cho các đơn vị chủ động triển khai nhằm đảm bảo phù hợp với mô hình hoạt động của mình. Việc xây dựng mục tiêu triển khai rõ ràng thành 2 khối giúp cho việc xây dựng kế hoạch, phân chia nguồn lực và kinh phí của các đơn vị được chủ động và hiệu quả hơn.
Hoạt động chuyển đổi cũng được Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP tập trung thực hiện đồng bộ với hoạt động số. Công tác giáo dục tư tưởng, tuyên truyền được Đảng uỷ chỉ đạo đẩy mạnh với nhiều hình thức sinh động như sổ tay kiến thức, Bản tin chuyển đổi số định kỳ nhằm truyền tải thông tin, phổ biến kiến thức cho cán bộ công nhân viên trong hệ thống.
Thông qua công thông tin điện tử và bản tin nội bộ, Tổng công ty tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ công nhân viên về chuyển đổi số, đào tạo nâng cao năng lực công nghệ, hình thành thói quen sử dụng công nghệ số hướng tới xây dựng môi trường làm việc số, từng bước xây dựng văn hoá số doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Ban điều hành cũng tập trung rà soát, đánh giá, nghiên cứu để ban hành các chính sách, quy định liên quan tới vận hành, sử dụng hệ thống cũng như nguyên tắc hoạt động, đảm bảo an toàn an ninh thông tin làm cơ sở pháp lý để chuẩn bị sẵn sàng cho việc đưa hoạt động điều hành lên môi trường số.
Chuyển đổi số tại doanh nghiệp chưa bao giờ là việc dễ dàng, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động ổn định với mô hình truyền thống. Khó khăn lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số ở Tổng công ty chính là việc thay đổi nhận thức của người lao động trong hệ thống. Phần lớn người lao động, trong đó có cả một số lãnh đạo cấp cao, thậm chí là người đứng đầu đơn vị chưa thực sự sẵn sàng khi Tổng công ty bắt đầu thực hiện chuyển đổi số. Nhiều lo ngại về khả năng thành công, tính hiệu quả thậm chí là những lo lắng về vị trí việc làm bị ảnh hưởng khi thực hiện chuyển đổi số.
Với vai trò lãnh đạo toàn diện, Đảng ủy Tổng công ty hiểu rõ những băn khoăn, lo lắng của tập thể người lao động và các đơn vị. Do vậy, thay đổi nhận thức là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên được nhắc đến trong Nghị quyết 05-NQ/ĐUT. Đảng ủy Tổng công ty đã chỉ đạo cấp ủy các cấp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương của Đảng ủy khối, Đảng ủy Tổng công ty về chuyển đổi số.
Người đứng đầu cấp ủy, đại diện vốn chính của Tổng công ty tại các đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số tại đơn vị mình quản lý. Tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương, nâng cao nhận thức của các cấp ủy trực thuộc, đảng viên, người lao động về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Chỉ đạo tái cấu trúc, đổi mới mô hình hoạt động, điều hành và chuyển đổi mô hình nghiệp vụ từ truyền thống sang môi trường số để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của đơn vị mình. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động người lao động tích cực hưởng ứng quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp. Khuyến khích cán bộ, đảng viên, người lao động chủ động ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ phục vụ đời sống, sản xuất, kinh doanh. Tổng công ty phải tiên phong trong chuyển đổi số, thể hiện vai trò đầu tầu, dẫn dắt các đơn vị thực hiện chuyển đổi số theo định hướng chung của Tổng công ty, chứng minh hiệu quả của chuyển đổi số qua từng dự án cụ thể.
Như vậy, kể từ thời điểm Ban hành Nghị quyết 05-NQ/ĐUT tháng 7/2021, sau hơn một năm tập trung nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm và chuẩn bị nguồn lực chu đáo, năm 2023 được Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP xác định là năm khởi động thực hiện “chuyển đổi số” trong toàn hệ thống. Với sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, sự quyết liệt trong triển khai của Ban điều hành, định hướng rõ ràng của Ban lãnh đạo, nhiều hoạt động đã được diễn ra đồng loạt từ các cấp, các đơn vị trong toàn hệ thống với những mục tiêu rõ ràng bước đầu đã đem lại những kết quả hết sức khả quan như trên.
Đánh giá và ghi nhận kết quả đạt được qua việc triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/ĐUT, tại hội nghị Ban Thường vụ thường kỳ tháng 7/2023, đồng chí Bí thư Đảng uỷ Tổng công ty Lê Song Lai đã tổng kết: “Hoạt động chuyển đổi số đã được Tổng công ty và các đơn vị quan tâm triển khai thực hiện từng bước, khoa học, bài bản, có hệ thống và bám sát yêu cầu nhiệm vụ, cũng như nhu cầu và điều kiện tài chính của Tổng công ty, các đơn vị. Một số chương trình, dự án đầu tư về hạ tầng số và một số ứng dụng phần mềm được triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật và tiết kiệm, đã giúp nâng cao hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc Tổng công ty, nâng cao hiệu quả trong công tác quản trị Tổng công ty và các đơn vị”.
Với sự đoàn kết, nhất trí của Đảng uỷ và sự nhiệt huyết, quyết tâm của Ban điều hành, hoạt động chuyển đổi số của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP dần nhận được sự ủng hộ và tham gia của người lao động. Các dự án công nghệ thông tin được triển đều đạt và vượt tiến độ đề ra. Tập thể, cá nhân người lao động tích cực tìm hiểu về chuyển đổi số, tự chủ động nâng cao năng lực, kiến thức về công nghệ thông tin để sẵn sàng đáp ứng cho sự đổi mới.
Các đơn vị trong hệ thống đã nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chuyển hướng sang sử dụng hệ thống của Tổng công ty để hình thành hệ sinh thái chung. Mục tiêu chuyển đổi số của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP đang trên đà hoàn thiện với sự “Đồng lòng” của tập thể người lao, sự “Đồng bộ” với hệ thống được chia sẻ dùng chung với các đơn vị và sự “Đồng thời” khi các đơn vị cùng sớm đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số. Mục tiêu đến năm 2030, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP sẽ chuyển đổi số hoàn toàn.
Tại Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo, trong đó, đáng chú ý, Tổng Bí thư nhắc nhở: “Điều quan trọng lúc này là đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, là tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả. Làm sao để khắc phục được tình trạng Nghị quyết thì đúng, thì hay, nhưng chậm đi vào cuộc sống; thậm chí có trường hợp nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít”.
Quán triệt công tác đưa Nghị quyết của Đảng vào thực tế doanh nghiệp, chủ động đổi mới để phù hợp với điều kiện mới, hoàn cảnh mới, Đảng ủy Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP sẽ kiên định vững bước con đường mình lựa chọn. Trong bài trả lời phòng vấn về chuyển đổi số, thay mặt cho Đảng bộ Tổng công ty, đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Nghiêm Xuân Đa đã xác định: “Chuyển đổi số không còn là việc suy nghĩ xem “có làm” hay “không làm” mà đã là “việc phải làm”.
Sẽ còn nhiều khó khăn nhưng niềm tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chủ động nhạy bén của Đảng ủy, Ban lãnh đạo Tổng công ty, sự đồng lòng nhất trí của đội ngũ người lao động, chuyển đổi số chắc chắn sẽ giúp Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP nâng cao hơn năng lực cạnh tranh, phát huy sức mạnh toàn hệ thống, hoà nhập vào nền kinh tế số mà Việt Nam hướng tới, thích ứng với tình hình mới và tận dụng tốt cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại.
Bài: Hồ Phi Hiệp - Phó Bí thư Chi bộ Kế hoạch - Công nghệ
Thiết kế: Sơn - Duy