Triển khai hiệu quả các FTA - Động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu
20/12/2023 lúc 15:56 (GMT)

Triển khai hiệu quả các FTA - Động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu

 

Việc khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là một động lực quan trọng giúp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sau thời gian bị tác động bởi dịch Covid-19.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sáng ngày 7/11/2023, trả lời vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về những giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu trong tình hình mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua, việc khai thác các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Điểm rõ nhất là trong 3 năm gần đây, Việt Nam được xếp là 1 trong 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng cao (khoảng 12,5% trở lên) và liên tục có kết quả xuất siêu, 10 tháng đầu năm 2023 xuất siêu 24,6 tỷ USD.

Để có được kết quả như vậy, Chính phủ, Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan đã đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương, tập trung vào các thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng.

Tính đến nay, bên cạnh việc tham gia thực thi nhiều Hiệp định FTA với độ phủ rộng gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hầu hết là những nền kinh tế lớn trên thế giới, Việt Nam cũng đang tiếp tục đàm phán FTA với Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA, bao gồm 4 nước: Thụy Sỹ, Na Uy, Ai-len, Liechtenstein), Cộng đồng thị trường Nam Mỹ (MECOSUR), UAE và Canada; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu khả thi việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận thương mại, ưu đãi thương mại với một số đối tác mới có tiềm năng, các đối tác có nền kinh tế bổ trợ với Việt Nam và những đối tác có tiềm lực về khoa học công nghệ để tiến tới đàm phán FTA.

xuất khẩu FTA

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, năm 2022 có 52/63 tỉnh, thành phố có hoạt động xuất khẩu với các nước CPTPP, tăng 11 địa phương so với năm 2021. Địa phương có trao đổi thương mại lớn nhất với các nước CPTPP trong năm qua là TP. Hồ Chí Minh, tiếp theo là Bình Phước, Bắc Ninh, Hà Nội và Thái Nguyên.

Tỷ lệ tận dụng Giấy chứng nhận xuất xứ CPTPP (C/O CPTPP) của hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực và tăng đáng kể so với năm 2021 như: Thủy sản tăng 41,7%; giày dép tăng 51,7%; dệt may tăng 185,2%; cà phê tăng 140,1%; máy móc và thiết bị tăng 152,3%... Các thị trường mới như Canada và Mexico ghi nhận tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP nhiều nhất với mức tương ứng 13,7% và 30,8%.

          
châu Mỹ

Thực tế nhìn nhận, kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực và hàng hóa Việt Nam được hưởng các ưu đãi thuế quan thì kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng sang khối CPTPP đã ghi nhận mức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng; điều này cho thấy rõ nhu cầu cũng như dư địa thị trường thực sự hấp dẫn cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Ông Bùi Tuấn Hoàn, Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương

          

 

Đối với các nước EVFTA, Bộ Công Thương cho biết trong năm 2022 có 49/63 địa phương có hoạt động xuất khẩu với khu vực này, tăng 11 địa phương so với năm 2021. Trong đó TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội là những địa phương có trao đổi thương mại lớn nhất với các đối tác EU. Thặng dư thương mại của Việt Nam với các nước EU trong năm 2022 đạt 31,4 tỷ USD, tăng 35,1% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu sang EU theo mẫu C/O EVFTA (EUR.1) trong năm 2022 đạt 12,1 tỷ USD, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của Việt Nam sang EU, tăng 49,4% so với năm 2021.

Tương tự, năm 2022 có 44/63 tỉnh, thành phố có hoạt động xuất khẩu với Vương quốc Anh theo Hiệp định UKVFTA, tăng 13 địa phương so với năm 2021. Những địa phương có trao đổi thương mại lớn với Vương quốc Anh là TP. Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Thái Nguyên và Lâm Đồng. Kim ngạch xuất khẩu sang Anh sử dụng mẫu C/O ưu đãi EUR.1 trong năm 2022 đạt 1,4 tỷ USD, chiếm 23,5% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của Việt Nam sang thị trường này.

giay dep
nganh go
thuy san
thep xuat khau
det may

Hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương diễn ra tháng 10/2023 cho biết, việc thực thi các FTA thế hệ mới trong thời gian qua qua đã tác động tích cực đến tình hình xuất khẩu của các thành phố.

Với thị trường CPTPP, trong 02 năm 2021-2022, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa 5 thành phố với các nước CPTPP đạt 79.751 triệu USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 26.071 triệu USD (kim ngạch xuất khẩu năm 2021 giảm 6,8%; năm 2022 tăng 20,2%). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu từ 5 thành phố sang thị trường CPTPP là: Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; dây điện và dây cáp điện; quần áo các loại; linh kiện điện tử; máy tính và linh kiện máy tính; gỗ và nguyên liệu gỗ; thủy sản; dệt may…

Thị trường các nước thành viên EVFTA (EU-27) là thị trường xuất khẩu truyền thống của đa số các địa phương trong 5 thành phố. Tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa 5 thành phố với các nước EU trong 02 năm 2021-2022 đạt 27.064 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 14.179 triệu USD (kim ngạch xuất khẩu năm 2021 giảm 1,2%; kim ngạch xuất khẩu năm 2022 tăng 19,2%). Các mặt hàng xuất khẩu từ 5 thành phố sang thị trường EU là: Cơ kim khí hàng dệt may; giày dép cặp túi các loại; khoáng sản; nông sản các loại...

Tương tự CPTPP, tỷ lệ tận dụng Giấy chứng nhận xuất xứ sang EVFTA theo số liệu của Bộ Công Thương cho thấy cả nước nói chung và 5 thành phố nói riêng tiếp tục tăng trưởng tích cực. Năm 2022, kim ngạch tận dụng C/O ưu đãi chung của cả nước sang EVFTA đạt 12,1 tỷ USD, chiếm 25,9% xuất khẩu chung sang EU, tăng 49,4% so với năm 2021. Mặt hàng có tỷ lệ tận dụng tích cực là thủy sản, rau quả, giày dép, dệt may, gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Với UKVFTA, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa 5 thành phố với Vương quốc Anh trong 02 năm 2021-2022 đạt 2.633 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.591 triệu USD (kim ngạch xuất khẩu năm 2021 giảm 14,1%, năm 2022 tăng 3,5%). Các mặt hàng xuất khẩu từ 5 thành phố sang thị trường Vương quốc Anh là: Hàng dệt may; giày dép, cặp túi các loại; cơ kim khí; khoáng sản; thủ công mỹ nghệ...

 

Đối với việc thực hiện các FTA thể hiện rõ nhất là ở việc doanh nghiệp của chúng ta tận dụng được các ưu đãi từ các FTA mang lại. Về tỷ lệ tận dụng của các FTA trên địa bàn tỉnh Thái Bình, hiện nay chúng tôi tính theo kim ngạch xuất khẩu đã chiếm khoảng trên dưới 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

 Bà Tô Thị Hương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình

xuat khau FTA

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các cam kết quốc tế trong khuôn khổ các FTA mà Việt Nam đã tham gia, bảo đảm sự phát triển bền vững, trong đó tập trung triển khai chương trình hành động thực thi các FTA thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, …); chú trọng thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại theo chiều sâu, nhất là quan hệ kinh tế với các đối tác lớn và có tiềm năng nhằm tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế, thương mại trong nước.

Thứ hai, phát huy và nâng cao vai trò của các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để nắm bắt, thông tin kịp thời những biến động của kinh tế thế giới và các chính sách mới của các nước sở tại, góp phần định hướng sản xuất trong nước, giúp các doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện của các thị trường ngoài nước và hàng tháng Bộ Công Thương đã duy trì chế độ giao ban Thương vụ toàn Thế giới với các Hiệp hội xuất khẩu trong nước nhằm kịp thời cập nhật thông tin, tình hình.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, phát triển dịch vụ logistic, thương mại điện tử; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu đặc biệt cho các mặt hàng trái cây và sản phẩm trồng trọt; tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới còn tiềm năng.

Thứ tư, tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển và quảng bá các sản phẩm thương hiệu quốc gia, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và thương hiệu ngành hàng ở thị trường nước ngoài. Đồng thời, tăng cường kết nối doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và vào hệ thống cung ứng tại thị trường nước ngoài.

Thứ năm, chú trọng nâng cao năng lực công tác phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện, tranh chấp thương mại, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt trong thương mại quốc tế.

Cuối cùng, tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến cam kết trong các FTA một cách chuyên sâu, theo từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể để các doanh nghiệp nắm vững và thực hiện có hiệu quả, đặc biệt lưu ý tại các thị trường có tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

xuat khau
          

Bài: Việt Hằng
Ảnh bìa và Thiết kế: Duy Kiên - Maika

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí