Việt Nam - Đan Mạch: Cơ hội gia tăng hiệu quả thực thi EVFTA từ Đối tác Chiến lược Xanh
04/12/2023 lúc 09:30 (GMT)

Việt Nam - Đan Mạch: Cơ hội gia tăng hiệu quả thực thi EVFTA từ Đối tác Chiến lược Xanh

 

Việt Nam và Đan Mạch đã có 52 năm thiết lập quan hệ song phương. Năm 2011, hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về Biến đổi khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Tăng trưởng xanh và thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Đan Mạch từ năm 2013.

Từ đó đến nay, quan hệ hợp tác giữa hai nước luôn được duy trì phát triển tốt đẹp với nhiều chương trình, dự án hợp tác phát triển, năng lượng, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu….

Tuy nhiên, bước ngoặt cho thương mại, đầu tư Việt Nam - Đan Mạch thực sự đến với việc Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) đi vào thực thi từ ngày 01/8/2020.

Đan Mạch

Không quá khi nói rằng, “cú huých”tạo ra bước ngoặt trong hợp tác kinh tế giữa hai nước nói chung và đầu tư FDI nói riêng của Đan Mạch vào Việt Nam là dự án đầu tư Nhà máy sản xuất tại tỉnh Bình Dương của Tập đoàn LEGO trị giá 1,01 tỷ USD được cấp phép đầu tư trong năm 2022. Đây là nhà máy thứ 6 - một phần trong chiến lược mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng của của Tập đoàn LEGO trên toàn cầu và là dự án đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp Đan Mạch vào Việt Nam.

Để dễ hình dung thì chỉ riêng dự án này đã chiếm gần 1/3 tổng vốn đầu tư FDI vào tỉnh Bình Dương năm 2022 (1,01 tỷ USD trong tổng số 3,138 tỷ USD) và chiếm khoảng 76,5% tổng vốn đầu tư FDI của Đan Mạch vào Việt Nam cùng năm (1,01 tỷ USD trong tổng số vốn 1,32 tỷ USD), đồng thời mở ra xu hướng đầu tư xanh tại Việt Nam.

Chính thức được khởi công ngày 03/11/2022 trên khu đất rộng 44ha tại Khu công nghiệp VSIP III, Bình Dương, nhà máy LEGO không chỉ có quy mô “khủng” mà còn được áp dụng các công nghệ tân tiến nhất để tạo khuôn, xử lý và đóng gói các sản phẩm của LEGO.

Đây là nhà máy đầu tiên của LEGO được thiết kế thành cơ sở trung hòa carbon. Ngoài các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái, nhà máy còn có một trang trại điện mặt trời được xây dựng trên khu đất lân cận, đáp ứng tổng nhu cầu sử dụng năng lượng hằng năm. Nhà máy cũng sử dụng các thiết bị sản xuất tiết kiệm năng lượng hiện đại và được xây dựng đáp ứng mức tiêu chuẩn tối thiểu của LEED Gold – chứng chỉ công trình xây dựng xanh được công nhận trên toàn cầu. Nhà máy LEGO dự kiến bàn giao và đi vào hoạt động trong năm 2024.

nhà máy LEGO 1
nhà máy LEGO 2

Trong bối cảnh khó khăn chung của khu vực EU từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và Đan Mạch vẫn ghi nhận những kết quả tích cực.

Số liệu sơ bộ của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 9 tháng năm 2023 Đan Mạch có thêm 12 dự án được cấp phép đầu tư tại Việt Nam với số vốn 166,177 triệu USD; 01 dự án tăng thêm vốn với 0,75 triệu USD; 08 lượt góp vốn, mua cổ phần với số vốn 1,276 triệu USD. Tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần của các nhà đầu tư Đan Mạch trong 9 tháng năm 223 là 168,203 triệu USD.  

Lũy kế từ năm 1998 đến hết 9 tháng năm 2023, tổng số dự án cấp mới của nước này tại Việt Nam là 166 dự án với tổng vốn đăng ký 1,979 tỷ USD. Đan Mạch tiếp tục duy trì vị trí thứ 23/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư vào Việt Nam.

Đầu tư trực tiếp của Đan Mạch vào Việt Nam đến tháng 9/2023. 

đầu tư Đan Mạch
(Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Lý giải về việc các tập đoàn lớn của Đan Mạch gia tăng đầu tư vào Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng với tư cách là một trung tâm sản xuất đã được cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây, Việt Nam đang nhanh chóng củng cố vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và trở thành trung tâm công nghệ mới của thế giới.

EVFTA và năng lượng mới là yếu tố then chốt trong việc thu hút các doanh nghiệp của Đan Mạch đến với Việt Nam. Hiệp định EVFTA cắt giảm gần như toàn bộ thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào các thị trường châu Âu. Trong khi đó, tiềm năng lớn và những yếu tố thuận lợi của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng là một điểm hấp dẫn với các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là Đan Mạch.

Theo bà Lina Hansen, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đan Mạch phụ trách thương mại và bền vững toàn cầu: Năng lượng là yếu tố quyết định chính để các doanh nghiệp Đan Mạch đầu tư vào Việt Nam.

Ngoại giao Đan Mạch
Bà Lina Hansen, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đan Mạch phụ trách thương mại và bền vững toàn cầu

Orsted, một tập đoàn hàng đầu của Đan Mạch và thế giới trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi đang gia tăng đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam là một minh chứng.

Tháng 9/2021, Tập đoàn Orsted và Tập đoàn T&T đã ký Biên bản ghi nhớ để khởi động hợp tác chiến lược về điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Đây là một chuỗi các dự án điện gió ngoài khơi các tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, với tổng công suất lắp đặt ước tính gần 10 GW và tổng giá trị đầu tư khoảng 30 tỷ USD (dự kiến đầu tư theo từng giai đoạn trong 20 năm).

Tiếp sau đó, Orsted đã làm việc với TP. Hải Phòng và các bên liên quan nhằm đề xuất xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi đảo Bạch Long Vĩ.

Gần đây nhất vào tháng 5/2023, Công ty Orsted Taiwan Ltd (thuộc Tập đoàn Orsted) đã ký thỏa thuận hợp tác mua sắm thiết bị do Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Tập đoàn PetroVietnam) chế tạo, sử dụng trong Dự án điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b & 4 của Orsted.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có được Hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn trong lĩnh vực mới là Năng lượng tái tạo ngoài khơi, tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần gia tăng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp ngành dầu khí trong và ngoài nước, trong đó có doanh ngiệp Đan Mạch.

Đan Mạch 2

Một nấc thang mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Đan Mạch đó là trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tới Việt Nam, ngày 1/11/2023 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Mette Frederiksen đã kí kết, thông qua Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Xanh giữa hai nước.

Văn kiện này dự báo sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư và thúc đẩy thương mại song phương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Đan Mạch.

Tại Tuyên bố chung, hai bên ghi nhận các điều kiện thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đã được cải thiện với kết quả Việt Nam nằm trong 20 nền kinh tế thu hút vốn trực tiếp nước ngoài nhiều nhất năm 2020.

           
ký kết

Hiệp định EVFTA đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia Thành viên Liên minh châu Âu, tạo tiền đề vững chắc thúc đẩy quan hệ thương mại hàng hóa và dịch vụ trong các lĩnh vực xanh giữa hai bên. Việc EVFTA dành riêng một chương quy định về thương mại và phát triển bền vững đã mở đường cho việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong các vấn đề về môi trường liên quan đến thương mại và đầu tư.

Tuyên bố chung

quan hệ Đối tác chiến lược Xanh Việt Nam - Đan Mạch

          

 

Tuyên bố chung khẳng định hai bên sẽ nỗ lực tăng cường năng lực và sự tham gia của các công ty Việt Nam trong việc đóng góp vào chuỗi giá trị bền vững. Chính phủ Đan Mạch sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Đan Mạch trong nỗ lực tìm nguồn cung và thúc đẩy sản xuất bền vững hơn tại Việt Nam, trong đó đặc biệt chú ý đến quyền và điều kiện lao động.

Hai bên mong muốn tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng gió trên đất liền và ngoài khơi, các giải pháp tiết kiệm năng lượng, thực phẩm, nông nghiệp, quản lý nước, nước thải, giải pháp hàng hải, công nghệ và các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm, nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.

Hai bên mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lương thực, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản với trọng tâm chính là sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững và tiết kiệm tài nguyên cũng như sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững, bao gồm các công nghệ và giải pháp cho sản xuất nuôi trồng thủy sản trên đất liền và trên biển. Phối hợp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và khử carbon trong các lĩnh vực và chuỗi cung ứng, bao gồm logistics và vận chuyển, các sáng kiến phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Hai bên sẽ nỗ lực phát triển quan hệ đối tác giữa các tổ chức và doanh nghiệp phù hợp của hai nước, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực công nghệ xanh và thân thiện với khí hậu; cải thiện các điều kiện khung pháp lý hỗ trợ đầu tư công và tư trong lĩnh vực năng lượng xanh và cơ sở hạ tầng, trong đó có khả năng tiếp cận tài chính quốc tế.

Nhìn nhận các khoản cho vay ưu đãi và tài trợ bằng tiền của Chương trình Hỗ trợ tài chính phát triển cơ sở hạ tầng bền vững của Danida (DSIF) là công cụ tài chính có giá trị và quan trọng, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng bền vững ở Việt Nam, thông qua việc khai thác, sử dụng kiến thức và công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, hai bên thống nhất khuyến khích các chương trình, dự án PPP sử dụng các công cụ tài chính Đan Mạch bao gồm Chương trình DSIF và Quỹ Xuất khẩu và Đầu tư Đan Mạch (EIFO), trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật và định hướng cung cấp, sử dụng vốn của từng bên.

“Chương mới” Đối tác Chiến lược Xanh được kỳ vọng sẽ góp phần tạo xung lực mới đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Đan Mạch phát triển hiệu quả, thực chất hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực hợp tác chiến lược về biến đổi khí hậu, năng lượng, môi trường và tăng trưởng xanh.

Đây cũng chính là cơ sở, tiền đề tạo thêm cơ hội cho các lĩnh vực, địa phương Việt Nam tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư xanh và các hỗ trợ, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp Đan Mạch trong thời gian tới.

năng lượng xanh
          

Bài: Việt Hằng
Ảnh bìa và Thiết kế: Duy Kiên - Hoàng Phương

          

 

 


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí