Xây dựng vùng chuyên canh tỏi Lý Sơn
02/11/2023 lúc 15:45 (GMT)

Xây dựng vùng chuyên canh tỏi Lý Sơn

 

tỏi Lý Sơn

Huyện đảo Lý Sơn có diện tích gần 10km2, nhưng có đến 1/3 diện tích được trồng hành, tỏi. Tỏi không phải là cây trồng bản địa nhưng đã bén "duyên lành" với người dân trên đảo. Theo các nông hộ trồng tỏi lâu năm, cây tỏi rất phù hợp với chất đất trên đảo, tuy nhiên việc trồng tỏi cũng hỏi phải rất kỳ công. Tỏi Lý Sơn chỉ trồng được một vụ Đông-Xuân. Người dân huyện đảo đã cần mẫn xử lí nham thạch núi lửa phong hóa phối trộn với cát trắng khai thác từ biển đã tạo nên những cánh đồng trồng tỏi trù phú. Chính cách cách kết hợp thổ nhưỡng đặc biệt này đã tạo nên hương vị đặc trưng của tỏi Lý Sơn mà không nơi nào có được.

Năm 2017, tỏi Lý Sơn đã lọt vào danh sách "Top 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam" của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam.

Theo chỉ dẫn, tỏi Lý Sơn có hình dạng bé với ba chỉ số đặc thù là: Củ nhỏ, trọng lượng trung bình khoảng 7,87 (gram/củ); chiều cao trung bình khoảng 26,22 (mm); đường kính củ trung bình 24,95 (mm).

Ngoài ra, vỏ củ và vỏ tép có màu trắng vôi đặc trưng, thịt tỏi có màu trắng ngà và sắc xanh đặc trưng; mùi vị thơm dịu đặc trương, không nồng hắc, ít cay, có vị ngọt đầu lưỡi. Về hóa học, hai đặc điểm nổi bật của tỏi Lý Sơn là hàm lượng kali và hàm lượng các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ bay hơi.

tỏi Lý Sơn

 

Tỏi Lý Sơn nổi tiếng tốt cho sức khỏe bởi chứa nhiều dinh dưỡng quan trọng như flavonoid, oligosaccharides, axit amin, lưu huỳnh và allicin (hợp chất kháng sinh tự nhiên rất mạnh). Bên cạnh đó, tỏi Lý Sơn còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là selen giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch. Tỏi Lý Sơn thường được dùng làm gia vị chế biến thức ăn và làm được các bài thuốc dân gian, giúp phòng ngừa các bệnh phổ biến. Tỏi Lý Sơn có công dụng giúp hạ huyết áp, chống ô xy hoá, loại trừ độc tố kim loại nặng. Đồng thời, tỏi cũng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về não phổ biến như chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer.

Tỏi có khả năng làm giảm cholesterol, chống tắc nghẽn mạch máu giống như thuốc Aspirine, còn có hoạt tính làm giảm khả năng sinh ra các phần tử tự do, làm chậm quá trình lão hóa tế bào, bảo vệ hồng cầu không bị oxy hóa. Nên có tác dụng làm giảm mỡ máu, hạ huyết áp, tiêu viêm, phòng chống ung thư, ích thọ dưỡng nhan...

Vì chứa chất kháng sinh tự nhiên cao nên tinh dầu tỏi hay các dung dịch ngâm tỏi đều có tác dụng kháng khuẩn và ức chế vi khuẩn hiệu quả. Đặc biệt, tỏi Lý Sơn còn có khả năng ngăn ngừa sự phát triển của nấm trên cơ thể.

tỏi Lý Sơn

 

“Vua tỏi” Lý Sơn Nguyễn Văn Định chính là người đưa 80 tấn tỏi Lý Sơn đầu tiên xuất khẩu ra 3 thị thường Thái Lan, Dubai, Singapore.

Lớn lên ở Lý Sơn, gia đình bao đời đi biển, trồng hành tỏi, Định hiểu được sự nhọc nhằn của nông dân. Làm ra sản phẩm đã khó nhưng bán lại bị thương lái ép giá, khiến tỏi Lý Sơn dù danh tiếng nhưng người dân lại không thu lợi được bao nhiêu.

Tốt nghiệp đại học Bách khoa Đà Nẵng, được nhận vào làm ở công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí PTSC (Quảng Ngãi) với mức lương ổn định là niềm mơ của bao người dân xứ đảo. Nhưng Định đã dừng lại và quyết định khởi nghiệp với nghề kinh doanh tỏi với mục tiêu làm cho thương hiệu tỏi Lý Sơn bay cao hơn, làm giàu trên chính quê hương mình.

Năm 2014, anh Định ra Đà Nẵng thành lập công ty lấy tên Công ty Hải đảo Lý Sơn. Vừa làm giám đốc, vừa bốc vác, thu ngân, kiêm luôn thu mua… Sau một thời gian bán dạo tỏi Lý Sơn, anh Định bắt đầu thuyết phục Big C bán tỏi Lý Sơn. Lúc đầu, BigC chỉ lấy vài kg bán thử, mấy tháng sau họ tăng lên 20-30 kg, đến tháng thứ 4 mới lấy 500 kg, vì thấy mình cung cấp ổn định. Lúc đó anh Định mới dám thuê sinh viên làm việc theo mùa vụ, khi hết mùa thì thôi, rồi mở vài cửa hàng giới thiệu sản phẩm cho biết tỏi Lý Sơn.

Từng làm việc ở công ty dầu khí với người nước ngoài, anh Định hiểu phải làm chất lượng, đúng xuất xứ mới thành công. Để tạo uy tín cho sản phẩm chính hiệu trước hàng “nhái” hành tỏi Lý Sơn, Định đã đăng ký thương hiệu “Vua tỏi” và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & công nghệ) cấp giấy chứng nhận.

tỏi Lý Sơn

Sau khi đã có thương hiệu riêng của mình, anh Định bắt đầu nghiên cứu và sản xuất thêm các loại loại sản phẩm như kim chi tỏi, tỏi ngồng, giấm hành, giấm tỏi, hợp tác với đối tác sản xuất tỏi đen, tỏi một tép làm dược liệu...

Hiện nay, tỏi Lý Sơn chính hiệu với nhãn hiệu “Vua tỏi” đã có mặt tại các siêu thị trong hệ thống siêu thị Big C, Coop Max và nhiều siêu thị khác khắp cả nước. Ngoài ra “Vua tỏi” Lý Sơn cũng có mặt tại tại các cảng hàng không ở miền Trung để bán cho du khách.

Điều anh Định lo lắng nhất hiện nay là “Vua tỏi” Lý Sơn bị ăn cắp thương hiệu, làm giả rất nhiều. Vì vậy, anh Định mong muốn chính quyền phải vào cuộc cùng người dân giám sát chống hàng giả.

Để nâng cao giá trị tỏi, không còn cách nào khác là làm hữu cơ, vi sinh, đầu tư nhà máy sản xuất phân vi sinh, kho bảo vệ giống ngay tại đảo, sẽ làm thay đổi bộ mặt của nông nghiệp. “Vua tỏi” Lý Sơn khuyến khích bà con chỉ cần trồng tỏi sạch sẽ bao tiêu hết sản phẩm. Thậm chí công ty sẽ mang kỹ sư về nghiên cứu đất, giống giúp bà con.

Theo “vua tỏi” Lý Sơn Nguyễn Văn Định, điều kiện tự nhiên đã ban tặng cho Lý Sơn nguồn phân bón hữu cơ tuyệt vời từ rong biển, từ xác cá, vi sinh vật tấp vào bờ, thế nên không lý do gì mà người dân nơi đây không tận dụng nó để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cái cần nhất hiện nay là chính quyền sớm xác lập vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp sạch.

tỏi Lý Sơn

 

Những năm trước đây, do thói quen canh tác, lạm dụng thuốc trừ sâu, khiến năng suất không cao và chất lượng tỏi cũng bị ảnh hưởng. Thời gian gần đây nhiều nông hộ trồng tỏi đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, trồng tỏi theo theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ giảm dần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đưa năng suất và sản lượng tăng tỏi đáng kể.

Huyện Lý Sơn cũng đã yêu cầu các phòng chức năng nghiên cứu các giải pháp để quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh về nông nghiệp sạch; thu hút, kết nối các nhà đầu tư làm nông nghiệp sạch, đồng thời, gắn việc sản xuất này với phát triển du lịch, từ đó sẽ có nhiều người biết đến và tin dùng các nông sản sạch của huyện đảo.

Cùng với đó, Bộ Khoa học và Công nghệ và tỉnh Quảng Ngãi cũng đã đầu tư triển khai thử nghiệm trên 10ha, hỗ trợ người nông dân sản xuất theo mô hình tỏi sạch vụ Đông Xuân năm 2021-2022. Hiệu quả đem lại, đã thu hút nhiều hộ nông mở rộng diện tích trồng, tham gia vào mô hình.

Chủ tịch Huyện Lý Sơn đánh giá "Mô hình trồng tỏi sạch là cơ hội để nông dân Lý Sơn nâng cao nhận thức, chuyển đổi phương thức canh tác, phát triển bền vững nghề trồng tỏi, tăng lợi nhuận. Huyện Lý Sơn đang kêu gọi, thu hút và hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân phát triển duy trì chuỗi liên kết theo hướng nông sản sạch, theo hướng hữu cơ, để tỏi Lý Sơn không còn là sản phẩm nông nghiệp đơn thuần mà cần phải được nâng cao giá trị. Mục đích cuối cùng là hướng nông dân đến trồng tỏi sạch, cung cấp cho người tiêu dùng, du khách những sản phẩm sạch, giá trị chất lượng tỏi Lý Sơn được nâng cao hơn, tăng thêm nguồn thu nhập cho nông dân".

tỏi Lý Sơn

 

Nhằm nâng tầm giá trị đặc sản tỏi Lý Sơn, ngày 1/7/2023, Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan, UBND huyện Lý Sơn và gần 60 hộ dân trồng tỏi đã ký thỏa thuận hợp tác cung ứng dài hạn tỏi Lý Sơn để chế biến thực phẩm, giúp hình ảnh, thương hiệu của tỏi Lý Sơn vươn xa hơn trong nước và thế giới.

Với chiến lược phát triển bền vững, nâng tầm giá trị đặc sản Việt Nam, Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer đã nghiên cứu và  sử dụng nguyên vật liệu đặc sản Việt Nam để chế biến thực phẩm, nhằm mang đến cho  người tiêu dùng cơ hội thưởng thức những món ngon kết hợp với đặc sản ở nhiều vùng miền trên đất nước, trong đó có tỏi Lý Sơn (được dùng để chế biến nước mắm Nam Ngư). Sự hợp tác thương mại giữa Nam Ngư và đặc sản tỏi Lý Sơn lần này được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội để phát triển hoạt động canh tác tỏi theo hướng bền vững. Từ đó, giúp duy trì và tạo cơ hội cho ngành nghề trồng tỏi trên huyện đảo nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương.

Chia sẻ về ý nghĩa của việc hợp tác ký kết, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: “Đây là một bước đi thiết thực, là động lực, nền tảng giúp nông dân trồng tỏi Lý Sơn nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng bền vững, góp phần đưa đặc sản tỏi Lý Sơn trở thành thương hiệu tỏi quốc gia cũng như được biết đến rộng rãi hơn nữa trên thế giới. Mô hình này đã đi đúng hướng của Chính phủ là gắn sản xuất với thị trường, chế biến, chuỗi giá trị gia tăng trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; định hướng, khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển 3 trục sản phẩm: quốc gia, vùng và địa phương bền vững, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm; nâng cao thu nhập cho người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp; phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế”.

tỏi Lý Sơn

Theo Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Đặng Tấn Thành, huyện đảo Lý Sơn có hơn 300ha đất trồng tỏi, với sản lượng trung bình hằng năm đạt trên 2.500 tấn tỏi khô. Nghề trồng tỏi ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có từ nhiều năm nay và cây tỏi làm nên thương hiệu cho Lý Sơn, nhưng người dân trồng tỏi vẫn luôn thấp thỏm với nỗi lo bấp bênh về giá cả.

Việc canh tác tỏi trên đảo gặp nhiều khó khăn do thời tiết, sâu bệnh, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, giá cả bấp bênh. Do vậy, chỉ có liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi, chế biến ra những sản phẩm có tính thương hiệu thì mới nâng cao được giá trị cho cây tỏi, tăng nguồn thu nhập để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững ở huyện đảo Lý Sơn.

Theo thông tin từ Sở Công Thương Quảng Ngãi, thời gian qua, Sở Công Thương đã tổ chức và tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng sản xuất, kinh doanh, kết nối giao thương, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng, kết nối cung cầu giữa Quảng Ngãi với các tỉnh, thành phố trong cả nước và khu vực đã góp phần đẩy mạnh giao thương sản phẩm, hàng hóa. Qua đó, tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn sản phẩm, nắm bắt thông tin thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản đặc trưng của Quảng Ngãi vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước, trong đó có sản phẩm tỏi Lý Sơn.

tỏi Lý Sơn

 

          

Bài: Nguyên Vỵ
Thiết kế: Duy Kiên

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí