Xuất khẩu nhôm trước nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại
01/12/2023 lúc 11:30 (GMT)

Xuất khẩu nhôm trước nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại

 

LIÊN TIẾP ĐỐI DIỆN ĐIỀU TRA PHÒNG VỆ

Ngày 13/10/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã tự khởi xướng điều tra xem xét phạm vi sản phẩm (scope ruling) và điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (anti-circumvention) với sản phẩm dây cáp nhôm từ Việt Nam, Campuchia và Hàn Quốc.

Cụ thể, sản phẩm bị điều tra là dây cáp nhôm có mã HS 8544.49.9000, 8544.42.9090.

DOC cáo buộc dây cáp nhôm hoàn thiện tại Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sử dụng nguyên liệu đầu vào có xuất xứ Trung Quốc như dây cáp bện hoặc dây cáp nhôm chưa hoàn thiện, không có sự chuyển đổi đáng kể, thuộc phạm vi hoặc lẩn tránh lệnh áp thuế gốc với Trung Quốc.

Hoa Kỳ đã ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với cùng loại sản phẩm trên có xuất xứ từ Trung Quốc từ năm 2019, với mức thuế chống bán phá giá là từ 58,51% đến 63,47%, mức thuế chống trợ cấp là từ 33,44% đến 165,63%.

Chỉ 11 ngày sau đó, tức ngày 24/10/2023, DOC tiếp tục thông báo chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá và điều tra chống trợ cấp với nhôm đùn ép và các sản phẩm từ nhôm nhập khẩu, với phạm vi khá rộng, nhập khẩu từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ gồm Colombia, Dominica, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Italia, Malaysia, Mexico, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Việt Nam; và điều tra chống trợ cấp với cùng sản phẩm từ 4 nước Indonesia, Mexico, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ.

Như vậy, sản phẩm nhôm đùn ép của Việt Nam bị đề nghị điều tra chống bán phá giá.

Quyết định điều tra được đưa ra trên cơ sở hồ sơ đề nghị của nguyên đơn là Liên minh nhôm, thép, giấy và lâm nghiệp, cao su, công nghiệp, năng lượng, liên đoàn lao động công nghiệp và dịch vụ Hoa Kỳ ngày 4/10/2023.

Nguyên đơn nêu tên khoảng 14 công ty của Việt Nam. Ngoài 14 công ty này, còn có các công ty khác cũng xuất khẩu sản phẩm bị điều tra sang Hoa Kỳ.

Biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam là 41,84%, trong khi biên độ phá giá cáo buộc cho 15 quốc gia, vùng lãnh thổ khác trong khoảng 25,89% - 376,85%, và thấp hơn so với mức cáo buộc đối với 3 nước xuất khẩu cạnh tranh nhất của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ.

2 "GƯƠNG MẶT" MỚI VÀO DIỆN CẢNH BÁO

Tại danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp (cập nhật đến tháng 6/2023) do Bộ Công Thương công bố tháng 10/2023 vừa qua, ngành nhôm cũng đã “góp mặt” 2 sản phẩm. Đáng nói, cả 2 sản phẩm này đều là xuất khẩu sang Hoa Kỳ, và đều lần đầu được đưa vào danh sách cảnh báo.

Đối với dây và cáp nhôm (Aluminum wire and cable), Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm này nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ năm 2019.

Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu dây và cáp nhôm của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 96 triệu USD, tăng hơn gấp đôi so với giai đoạn trước. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 8,5% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

“Đây là mặt hàng có rủi ro bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra chống lẩn tránh. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm này”, Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo.

Trong khi đó, đối với nhôm thanh định hình (Aluminum extrusions), Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ năm 2011. Năm 2019, Hoa Kỳ cũng đã tiến hành điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với nhôm định hình nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu nhôm thanh định hình của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 145,8 triệu USD. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 8,2% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ.

Tại cuộc điều tra năm 2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) kết luận các sản phẩm nhôm định hình sản xuất tại Việt Nam từ nguyên liệu nhôm được đùn tại Trung Quốc là hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc.

Tuy nhiên, DOC cho phép các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu đủ điều kiện của Việt Nam được tự xác nhận không sử dụng nguyên liệu từ các nguồn trên để được loại trừ khỏi biện pháp chống lẩn tránh.

Do đó, Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu nhôm từ Trung Quốc để làm nguyên liệu sản xuất nhôm định hình và lưu giữ hồ sơ, chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu một cách khoa học để chứng minh với cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ khi có yêu cầu kiểm tra xác minh.

Nhôm Trung Quốc đã bị áp thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ từ nhiều năm trước
Nhôm Trung Quốc đã bị áp thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ từ nhiều năm trước

NHẬN DIỆN THÁCH THỨC

Theo Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, hiện có khoảng 100 nhà máy sản xuất nhôm trên cả nước, với năng lực sản xuất tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu khoảng trên 1,2 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, công suất các nhà máy nhôm đã bắt đầu dư thừa. Sản lượng chỉ đạt 70% công suất thiết kế, lượng hàng hóa đã vượt xa nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, quý I/2023, các nhà máy chỉ hoạt động ở mức 30-40% công suất, chủ yếu duy trì việc làm cho người lao động, doanh thu thấp, dòng tiền khó khăn.

Đặc biệt, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư sang ngành Nhôm Việt Nam những năm gần đây rất rõ nét, chủ yếu là dòng vốn đến từ các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc chủ yếu là dòng vốn đến từ các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc đang chuyển hướng đầu tư sản xuất tại Việt Nam nhằm tránh bị áp thuế chống bán phá giá.

Đồng thời, việc chuyển điểm sản xuất có thể giúp nhôm Trung Quốc tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại mà nhôm Việt Nam đang được hưởng, nhằm tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước như Mỹ, EU, Anh… Điều này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu của các nhà máy nhôm Việt Nam.

Đáng chú ý, những năm trước đây, số vụ việc điều tra chống lẩn tránh phòng hộ thương mại, phòng vệ thương mại với nhôm Việt Nam còn khá ít, chỉ có 3 vụ trong 5 năm (2018 - 2022) đến từ thị trường Australia và Ai Cập (năm 2021), Hoa Kỳ (năm 2018). Nhìn chung sức ép của các vụ việc này còn chưa cao. Tuy nhiên, chỉ tính riêng năm 2023, nhôm đối mặt với 3 vụ việc phòng vệ thương mại từ thị trường Hoa Kỳ.

Chuyên gia cho rằng, sản phẩm nhôm của Việt Nam khá giống nhau và tập trung chủ yếu vào sản phẩm nhôm thanh định hình, vì vậy, các doanh nghiệp ngành nhôm chủ yếu cạnh tranh về giá. Do đó, đa dạng hóa sản phẩm là vấn đề cần đặt ra lúc này, từ đó đa dạng hóa thị trường và không phụ thuộc vào một thị trường truyền thống nào đó. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất cần tránh cạnh tranh bằng giá, bởi khi cạnh tranh bằng giá thì nguy cơ bị điều tra về phòng vệ thương mại là rất lớn.

Ngoài ra, nhôm là sản phẩm khá đặc biệt khi phần lớn vẫn nằm trong tay khối nội, số lượng doanh nghiệp FDI tham gia còn hạn chế, vì vậy các doanh nghiệp cần phải liên kết với nhau để tạo thành sức mạnh không chỉ ở thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.

Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp mới tập trung ở khâu đầu và khâu cuối, mà để lỡ mất phân khúc ở giữa luyện nhôm do giá thành sản xuất quá cao. Việc liên kết và chuỗi giá trị của ngành là hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, ngành nhôm cũng cần cải thiện năng lực về phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp. Trong đó, cần phải cung cấp, hướng dẫn cho doanh nghiệp biết thế nào là phòng vệ thương mại cũng như quy định của biện pháp này thông qua tổ chức tập huấn thông tin về phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ, chứng từ để không bị động, bất ngờ trước vụ điều tra từ thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để cập nhật kịp thời các cảnh báo sớm từ Bộ Công Thương; theo dõi các vụ điều tra phòng vệ thương mại trên thế giới, cũng như xu hướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam để có thông báo, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó các vụ kiện.

 

Kinh nghiệm của Hiệp hội Nhôm chúng tôi là Hiệp hội sẽ đứng ra kết nối các doanh nghiệp tham gia những vụ kiện về chống bán phá giá hay phòng vệ thương mại. Chúng tôi sẽ kết nối các doanh nghiệp đó, tập hợp thông tin và tư vấn hướng dẫn trong phạm vi Hiệp hội nắm được. Đồng thời chúng tôi làm việc với các cơ quan chuyên môn như Cục Phòng vệ thương mại và các đơn vị luật nếu có.

Đấy là vai trò của Hiệp hội sẽ giúp cho các doanh nghiệp tham gia tập trung hơn và đúng quy trình với chuẩn mực quốc tế về khởi kiện cũng như để phòng vệ chính đáng theo những quy định, chính sách liên quan đến phòng vệ thương mại mà chúng ta đã được hưởng hay chúng ta đã được áp dụng.

Hiệp hội chúng tôi với vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp với thị trường, cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý để tham mưu và hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện được những hoạt động kinh doanh hiệu quả cũng như tuân thủ đúng các quy định của pháp luật thì chúng tôi đã đặt ra những khái niệm như chúng ta phải đi như "kiềng ba chân".

Chân kiềng thứ nhất là chúng ta phải làm tốt và làm chắc thương hiệu với chất lượng của mình ở thị trường nội địa để giữ được một thị phần nhất định, không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài.

Chân kiềng thứ hai là đối với những thị trường xuất khẩu, chúng ta phải tìm hiểu và làm theo đúng những quy định, thông lệ quốc tế cũng như văn hóa, quy định về chính sách thương mại của các nước sở tại. Thông qua Hiệp hội, chúng tôi hỗ trợ về mặt thông tin, xúc tiến thương mại, kiến thức thị trường... cho các doanh nghiệp trong Hiệp hội.

Chân kiềng thứ ba là khi xảy ra những vụ khởi kiện hay những vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại, khiếu nại…, chúng tôi sẽ kết hợp với các cơ quan chức năng như Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương và các đơn vị chuyên môn về pháp lý quốc tế giúp doanh nghiệp cập nhật thông tin, thực hiện đúng những quy định, quy trình về phòng vệ thương mại quốc tế.

Ông Dương Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam

Bài: Thy Thảo
Thiết kế: Duy Kiên, Khánh Chi


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí