Mâm cúng Lễ Vu Lan và Lễ Cô hồn có gì khác nhau?

Lễ Vu lan và Lễ Cô hồn đều diễn ra vào tháng bảy âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, Lễ Vu Lan và Lễ Cô hồn là hai khoá Lễ hoàn toàn khác nhau.

Lễ Vu Lan và Lễ chúng sinh khác nhau thế nào? Cúng Lễ Cô hồn và cúng Lễ Vu Lan gồm những lễ vật gì? Nên cúng vào thời gian nào? Cúng ở đâu? Hãy cùng Tạp chí Công Thương tìm hiểu về cách làm mâm cũng này nhé.

Lễ Vu Lan

Xuất phát từ truyền thuyết về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ, Lễ Vu Lan là ngày lễ được tổ chức vào ngày rằm tháng bảy hằng năm để tưởng nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ và tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Ðồng thời, giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của văn hoá Phật giáo đó là “Từ, bi, hỷ, xả”, “vô ngã, vị tha”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”...

Lễ Vu Lan
Lễ Vu Lan là ngày lễ được tổ chức vào ngày rằm tháng bảy hằng năm để tưởng nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ và tổ tiên

Cúng Lễ Vu Lan báo hiếu tại tư gia nên được thực hiện theo các khóa lễ sau: Cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên.

Mâm cúng Phật: sẽ gồm các loại hoa quả, đồ chay.  

Mâm cúng thần linh, gia tiên: thường là mâm cúng mặn, gồm các món như xôi, gà luộc, canh, cơm, cá kho, món xào, món nộm... kèm theo là trái cây, hoa cúng, nước, rượu, nhang, nến, vàng mã. Nhiều gia đình còn dâng cúng những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy như quần áo, giày dép...

Lễ Vu Lan
Mâm cúng mặn Lễ gia tiên 

Lễ Chúng sinh hay còn gọi là Lễ Cô hồn

Theo truyền thuyết, vào ngày 2 - 14/7 Âm lịch, Diêm Vương sẽ ra lệnh mở cửa cho các linh hồn được đi lại tự do. Nhiều linh hồn lang thang không nơi nương tựa và chịu nhiều oan trái ở kiếp trước… Những vong hồn này rất đáng thương vì không được ai thờ cúng, hoặc chết đường chết chợ lang thang vạ vật không tìm được đường về với tổ tiên. Vì vậy các gia đình sẽ làm lễ “bố thí” gạo, cháo và bánh kẹo cho các vong linh.

Lễ Vu Lan
Theo truyền thuyết, vào ngày 2 - 14/7 Âm lịch, Diêm Vương sẽ ra lệnh mở cửa cho các linh hồn được đi lại tự do

Mâm cúng chúng sinh: Muối, gạo (1 đĩa); Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ), hay là cơm vắt: 3 vắt; 12 cục đường thẻ; Quần áo chúng sinh bằng giấy với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...), Tiền thật (tiền lẻ với mệnh giá nhỏ) và vàng mã; Mía (để nguyên vỏ và chặt từng khúc nhỏ độ 15 cm); Bánh, kẹo; Bỏng ngô, khoai lang luộc, ngô luộc, sắn luộc; Hoa, quả 5 loại 5 màu (ngũ sắc); Nước: 3 ly nhỏ, 3 cây nhang, 2 ngọn nến nhỏ.

Lưu ý: khi cúng cô hồn không cúng xôi, gà. Khi rải tiền vàng ra mâm, để 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, mỗi hướng từ 3-5-7 cây hương. Bên cạnh mâm lễ để cúng cô hồn, nên chuẩn bị thêm cả ít lươn, cua, cá,... để làm lễ phóng sinh. Việc này không bắt buộc nhưng nên làm. Theo quan niệm, những người nhiều nghiệp sẽ bị đầy làm súc sinh. Làm lễ phóng sinh cũng như tích phước, giải phóng cho những con vật đó khỏi khổ ải.

Lễ Vu Lan
Khi khi cúng chúng sinh không nên cúng xôi, gà

Thời gian cúng chúng sinh:

Cửa Quỷ Môn Quan sẽ mở vào ngày 2/7 âm lịch và đóng lại vào trưa 12 giờ ngày 15/7 âm lịch. Sau khoảng thời gian này thì những vong linh sẽ không được phép lên trần gian để nhận lễ. Do đó khi chúng ta tổ chức lễ cúng chúng sinh thì nên thực hiện trong khoảng thời gian là từ ngày 2/7 âm lịch cho đến ngày 14/7 âm lịch.

Lễ cúng cô hồn nên cúng vào buổi chiều tối diễn ra vào giờ Dậu (17 giờ - 19 giờ) là tốt nhất. Đây là thời gian nhập nhoạng, tranh sáng tranh tối nên các cô hồn có thể ăn uống được. Điều cần đặc biệt lưu ý là mâm lễ cúng cô hồn nên đặt ngoài sân, không đặt ngoài cửa và phải kết thúc trước 12h đêm. Bên cạnh việc cúng cô hồn vào tháng Bảy thì người ta vẫn thường cúng vào ngày 16 âm lịch hằng tháng bởi dân gian quan niệm rằng vào ngày này, các vong linh còn vương vấn trên cõi trần mà chưa thể siêu thoát được. Họ đói khát, họ thiếu thốn nên mình cúng cô hồn như một việc bố thí cho họ để tích lũy phước đức, xua tan những xui xẻo, xua tan ma quỷ và rước vận may về nhà.

Lưu ý: khi cúng cô hồn tại nhà thì mâm lễ phải đặt ở ngoài sân, ngoài đường, không quy định hướng lễ. Tuyệt đối không đặt ở bậu cửa và chỉ thực hiện sau khi thực hiện các khóa lễ cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên, cúng thí thực cô hồn và phóng sinh. Dân gian cũng quan niệm người cúng không nên ăn đồ cúng cô hồn, không đem đồ cúng đó vào nhà (nếu không ai giành giật thì bỏ vào túi cho người ăn mày). Cúng chúng sinh xong, đốt đồ mã ngay tại chỗ để các cô hồn nhận và đi ngay. Tiếp đến hãy vẩy muối gạo ra xa 8 hướng bố thí và tán vong. Không cho trẻ con, phụ nữ có thai và người già có mặt khi cúng cô hồn, vì dễ bị cô hồn trêu chọc.

Lễ Vu Lan
Chỉ có chùa, đền, điện, miếu, phủ có sư, có thầy đủ pháp, năng lực dụ ma quỷ ăn uống, nghe tụng kinh để giác ngộ quy Phật. Việc cúng cô hồn không đúng cách không chỉ lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc mà làm đảo lộn trật tự nơi âm giới

Vì sao không nên cúng chúng sinh tại nhà?

Theo bà Trịnh Thị Lan (Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người), người dân nên cúng cô hồn tại chùa, điện, phủ hoặc có thầy cúng, bởi việc cúng cô hồn rất phức tạp, không biết mời cô hồn đi là gia chủ tự rước vong vào nhà quấy nhiễu gia đình, chứ không phải được cô hồn phù hộ như nhiều người lầm tưởng. Thực sự chỉ có gia tiên mới phù hộ con cháu. Còn cô hồn được mời ăn uống thì đến, ngon thì lần sau đến tiếp và đến nhiều hơn, không ngon thì họ chê, phá.

Chỉ có chùa, đền, điện, miếu, phủ có sư, có thầy đủ pháp, năng lực dụ ma quỷ ăn uống, nghe tụng kinh để giác ngộ quy Phật. Còn phần lớn người dân thực hiện theo mê tín và hậu quả là khó lường. Việc cúng cô hồn không đúng cách không chỉ lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc mà làm đảo lộn trật tự nơi âm giới (vì chúng sinh chỉ được đến những nơi đúng luật giới để hưởng thức ăn, đồ dùng, nay con người tùy tiện cúng lễ nên họ đến nhà dân nhiều, quấy nhiễu dương gian).

Nguyên Vỵ tổng hợp