Mậu dịch quốc doanh là lực lượng thương nghiệp chủ chốt trong thời kỳ bao cấp. Ngày 14/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 22/SL thành lập Sở Mậu dịch, thay thế cho Sở Nội thương và Cục Ngoại thương.
Theo sách "Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010", phương châm hoạt động của mậu dịch quốc doanh trong thời kỳ đầu mới thành lập là “nắm hàng chính, nắm thị trường chính, nắm bán buôn là chính”, tận dụng mạng lưới thương nhân để điều hòa giá trên toàn thị trường. Ngoài mặt hàng gạo, muối và chất đốt, Sở Mậu dịch gần như không bán lẻ trực tiếp đại trà các loại hàng hóa cho nhân dân, mà chỉ tập trung cung ứng hàng hóa cho các đơn vị nhà nước, bán buôn hàng hóa cho thương nhân để thương nhân trực tiếp phân phối cho người tiêu dùng.
Sau chiến thắng Điện Biên phủ, ngày 04/12/1954, Phủ Thủ tướng ban hành Nghị định số 419-TTg về thành lập các tổng công ty chuyên nghiệp mậu dịch quốc doanh.
Ngày 15/3/1955, Bộ Công Thương ra Chỉ thị số 454-BCT/KB tổ chức lại ngành mậu dịch quốc doanh, thành lập và sắp xếp lại hệ thống công ty chuyên nghiệp mậu dịch quốc doanh. Theo Chỉ thị này, ở Trung ương có các Tổng công ty, ở các Liên khu có các Phân công ty Khu, ở các tỉnh có công ty tỉnh.
Từ chỗ chỉ có một Sở Mậu dịch Trung ương trong thời kỳ kháng chiến, đến năm 1957 đã có 10 tổng công ty ngành hàng với trên 900 cửa hàng rải khắp các địa phương ở miền Bắc.
Trước tình hình nhiều cơ sở tiểu thủ công nghiệp bị đình đốn vì không cạnh tranh được với hàng ngoại thời tạm chiếm và thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, máy móc phụ tùng sau giải phóng, Mậu dịch quốc doanh đã thực sự hỗ trợ bằng cách đặt hàng gia công, thu mua, bao tiêu sản phẩm hàng hóa cho các cơ sở sản xuất, tạo đầu ra cho sản phẩm, góp phần đắc lực vào việc khôi phục và phát triển sản xuất.
Năm 1956, sản xuất tiểu thủ công nghiệp có gần 67.000 cơ sở với khoảng 188.000 lao động. Năm 1957, đã tăng lên gần 150.000 cơ sở với 474.000 lao động và năm 1958, Bộ Nội thương đã tổ chức được cuộc triển lãm “Bàn tay Vàng” tại nhà Đấu Xảo - Hà Nội với hơn 100 gian hàng, cùng hàng nghìn mặt hàng, đánh dấu thời kỳ khôi phục và phát triển rực rỡ của tiểu thủ công nghiệp ở miền Bắc.
Như vậy là, chỉ hơn 2 năm sau khi hòa bình được lập lại, sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp không những đã được khôi phục, mà còn phát triển vượt mức năm 1939 - năm được coi là sản xuất cao nhất trước chiến tranh. Đời sống nông dân và nhân dân lao động được từng bước cải thiện, ổn định.
Cùng với mậu dịch quốc doanh, hệ thống hợp tác xã mua bán được quan tâm phát triển ở khắp các tỉnh, thành phố, đặc biệt ở khu vực nông thôn và miền núi. Ngày 26 tháng 12 năm 1955, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 641-TTg thành lập các cơ quan quản lý hợp tác xã ở các cấp: Trung ương, Khu, Tỉnh và Thành phố. Theo đó, hệ thống tổ chức cơ quan quản lý hợp tác xã các cấp được xác định như sau:
- Ở Trung ương có Cục Quản lý hợp tác xã trực thuộc Thủ tướng Chính phủ.
- Ở các Khu tự trị có Phân cục Quản lý hợp tác xã.
- Ở tỉnh, thành phố và ở khu Hồng Quảng có Chi cục Quản lý hợp tác xã.
- Ở các Liên khu Việt Bắc, 3, 4 và Khu Tả Ngạn không tổ chức cơ quan quản lý hợp tác xã, mà chỉ tổ chức một bộ phận chuyên trách đặt trong văn phòng Ủy ban hành chính để giúp Ủy ban hành chính lãnh đạo, kiểm tra, theo dõi phong trào hợp tác xã trong Liên khu.
- Ở huyện, việc lãnh đạo, kiểm tra theo dõi phong trào hợp tác xã do một ủy viên Ủy ban hành chính huyện phụ trách.
Đến cuối năm 1957, ở tất cả 28 tỉnh, thành phố ở miền Bắc đã tổ chức được 207 hợp tác xã mua bán cơ sở (lúc đó, cấp huyện là đơn vị cở sở của hợp tác xã mua bán, bao gồm 1,5 triệu xã viên trong 4.000 xã).
Với hệ thống mậu dịch quốc doanh cùng các đại lý của mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán, hoạt động nội thương trong giai đoạn này là phục vụ khôi phục kinh tế, giảm bớt khó khăn, ổn định đời sống nhân dân; đấu tranh bình ổn vật giá.