Bộ Công Thương đề xuất giải pháp thúc đẩy xuất khẩu và đảm bảo cung ứng điện, xăng dầu trong nước

Để khắc phục tình trạng sụt giảm đơn hàng của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu và bảo đảm cung ứng điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng cần tập trung khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp.

Nỗ lực cao trong bối cảnh nhiều khó khăn

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, 6 tháng đầu năm nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, ngành Công Thương - dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - đã chủ động, sáng tạo, kịp thời thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; nổi bật là: Cán cân thương mại đạt mức xuất siêu kỷ lục (12,25 tỷ USD) trong bối cảnh khó khăn chung của thương mại toàn cầu; Thị trường trong nước duy trì mức tăng trưởng cao, bảo đảm cung ứng các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; Ngành năng lượng tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức (nhất là ngành điện) nhưng đã kịp thời được khắc phục, bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng chỉ ra những vấn đề cần tập trung giải quyết như: tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp ở mức thấp, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ, giảm ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước và FDI; xuất khẩu sang các thị trường và khu vực cũng đều bị sụt giảm. Việc cung ứng điện gặp nhiều khó khăn, có thời điểm đã phải điều hòa phụ tải và tiết giảm điện ở một số địa bàn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nguyên nhân của tình trạng trên có cả khách quan và chủ quan, trong đó vấn đề suy giảm về nhu cầu nhập khẩu từ thị trường các nước phát triển là yếu tố tác động mạnh nhất, trực tiếp nhất; ngoài ra còn có các nguyên nhân về chi phí đầu vào, nguyên liệu tăng cao, trong khi giá các mặt hàng xuất khẩu không tăng hoặc giảm; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp còn khó khăn. Thị trường năng lượng thế giới diễn biến phức tạp; tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino kéo dài, ảnh hưởng lớn đến khả năng phát điện của các nhà máy thuỷ điện, công tác điều độ, vận hành điện của EVN có thời điểm không hợp lý gây thiếu điện cục bộ.

Thúc đẩy xuất khẩu, bảo đảm cung ứng điện và xăng dầu

Để khắc phục tình trạng sụt giảm đơn hàng của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu và bảo đảm cung ứng điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân trong thời gian tới, Bộ Công Thương đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu bao gồm:

Phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu 

Thứ nhất, cần khẩn trương triển khai các chính sách tài khóa tiền tệ, cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất. Trong khi nhiều thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ chưa phục hồi, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp ưu tiên chuyển hướng khai thác các thị trường mới nổi, thị trường có tiềm năng (như các nước Trung Đông, Châu Phi, châu Mỹ La tinh, Nam Á…).

Thứ hai, tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại; cảnh báo các “rào cản” mới của đối tác và các vụ việc phòng vệ thương mại để giúp cho các doanh nghiệp và cơ quan Quản lý Nhà nước có phản ứng chính sách phù hợp; Chú trọng đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại; thúc đẩy thương mại điện tử, đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới và đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023

Thứ ba, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp khai thác ưu đãi của các Hiệp định FTA mà Việt Nam là thành viên.

Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các FTA mới với các nước, khu vực còn tiềm năng, như: Israel, sớm kết thúc đàm phán trong quý 4/2023 với UEA, Mercosur… để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Thứ năm, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối, tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI để xuất khẩu qua hệ thống phân phối của các chuỗi cung ứng này ra thị trường thế giới.

Thứ sáu, chủ động làm việc với đối tác, tận dụng các cơ chế hợp tác song phương, Ủy ban Liên Chính phủ để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thủ tục, mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam.

Bên cạnh các giải pháp phát triển thị trường nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng cũng cần chú trọng thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, như: tập trung giải quyết các vướng mắc về vốn, cơ chế, chính sách như kiến nghị của các địa phương với các Đoàn công tác của Chính phủ; thúc đẩy phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics đồng bộ, hiệu quả; tiếp tục cải cách, hiện đại hóa hải quan; triển khai có hiệu quả Cơ chế một cửa Quốc gia, một cửa ASEAN…

Theo dõi sát sao, tăng cường giải pháp đảm bảo cung ứng điện, xăng dầu

Bảo đảm đồng bộ, hiệu quả trong điều tiết và vận hành hệ thống điện

Thứ nhất, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển nguồn trọng điểm và truyền tải liên miền; chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư các nhà máy điện kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm các điều kiện để khai thác tối đa công suất các nhà máy.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác điều tiết, vận hành hệ thống điện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả. Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Nội vụ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các đơn vị liên quan khẩn trương chuyển giao đơn vị quản lý Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thứ ba, tăng cường giám sát, đôn đốc các tập đoàn (TKV, PVN) và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm nguồn cung than, dầu, khí và các vật tư, nguyên liệu đầu vào để phục vụ các nhà máy điện hoạt động ổn định.

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để thúc đẩy tiến độ các dự án nguồn trọng điểm và dự án truyền tải, lưới điện Tiếp tục phê duyệt thỏa thuận giá tạm thời để các nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp tham gia nối lưới.

Thứ năm, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều tiết lượng nước các nhà máy thủy điện đáp ứng nhu cầu phát điện và điều hòa nước của hạ du, đặc biệt trong mùa bão lũ.

Thứ sáu, khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII và đẩy mạnh các biện pháp khuyến khích, hướng dẫn người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023

Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh việc hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt 3 quy hoạch Ngành liên quan đến năng lượng (QH năng lượng quốc gia, QH hạ tầng dự trữ xăng dầu quốc gia và QH khai thác khoáng sản) để các địa phương và nhà đầu tư có cơ sở triển khai các dự án. Đồng thời, tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Điện; Chiến lược phát triển năng lượng sạch (như: Hydrogen, amoniac xanh); hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp, chính sách xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải nhằm khuyến khích các DN tham gia đầu tư phát triển điện lực, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, với các giải pháp nêu trên, cần có thời gian để thực hiện, vì vậy trong ngắn hạn để bảo đảm đủ nguồn điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng thì một trong những giải pháp quan trọng, cấp thiết nhất hiện nay vẫn là phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp tăng cường tiết kiệm điện theo đúng Chỉ thị số 20 ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Đôn đốc doanh nghiệp đầu mối thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu

Thứ nhất, thường xuyên rà soát, điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo từng Quý, phù hợp với năng lực và khả năng đáp ứng của từng doanh nghiệp đầu mối nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

Thứ hai, tăng cường theo dõi, giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp đầu mối nghiêm túc thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo đúng số lượng, tiến độ (đặc biệt trong thời gian Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tạm dừng hoạt động trong 55 ngày để bảo dưỡng, từ ngày 25/8/2023); đồng thời, phối hợp với UBND tỉnh, thành phố đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu tại các DN đầu mối, thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.

Thứ ba, chỉ đạo PVN đôn đốc, giám sát các nhà máy lọc dầu chủ động chuẩn bị các phương án để bảo đảm hoạt động ổn định, cung cấp đủ nguồn hàng ra thị trường theo cam kết; đồng thời, chuẩn bị các phương án (cả về kỹ thuật, nhân lực, vật tư, nguyên liệu) để hoạt động hết (và vượt) công suất nhằm tăng thêm nguồn cung cho thị trường.

Thứ tư, chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối chủ động tính toán sản lượng xăng dầu thiếu hụt từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn trong giai đoạn bảo dưỡng để xây dựng kế hoạch tạo nguồn cung ứng xăng dầu cho hệ thống phân phối và thị trường, không được để xảy ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy nguồn cung.

Thứ năm, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc cập nhật, điều chỉnh kịp thời các chi phí kinh doanh xăng dầu, đồng thời điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

“Ngoài ra, Bộ sẽ khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 83 và Nghị định 95 về quản lý kinh doanh xăng dầu theo hướng tuân thủ quy luật của thị trường và tiệp cận giá với thị trường thế giới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Dự kiến sau phiên họp, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết phiên họp và Nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Trước đó, Chính phủ đã cử 26 đoàn công tác làm việc với các địa phương để nắm bắt tình hình, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, định hướng các nhiệm vụ, giải pháp lớn trước mắt và lâu dài.

Thy Thảo