Được thành lập vào năm 1940 bởi “cha đẻ” là hai anh em Richard James “Dick” McDonald (1909-1998) và Maurice James “Mac” McDonald (1902-1971), cửa hàng McDonald's (McD) đầu tiên khi đó được coi là tiên phong trong “Hệ thống Dịch vụ Speedee” - một phương pháp “đinh” trong ngành công nghiệp đồ ăn nhanh thế giới, khi công đoạn chuẩn bị bánh burger của nhà hàng được thực hiện theo dây chuyền.
Thực đơn của McD khi đó chưa đa dạng như ngày nay. Tuy nhiên, chỉ với việc bán những chiếc bánh burger đơn giản và các phần ăn dành cho gia đình tại thị trấn nhỏ San Bernardio, bang California (Mỹ), McD đã chứng minh được rằng Speedee đã thành công lớn. McD cung cấp thức ăn cho thực khách chỉ trong vài phút, trong khi tại các quán ăn lân cận, khách phải chầu trực hàng giờ đồng hồ mới được phục vụ.
Nhưng ưu thế trên chưa phải là nhân tố cốt lõi làm nên thành công của McD ngày hôm nay. Trên website của McD hiện đang "treo" câu nói của một nhân vật mà chính ông mới là nhân tố then chốt giúp nhà hàng nhỏ năm nào có cú “xoay mình” thành một trong số hiếm các thương hiệu thống lĩnh và tăng trưởng mạnh trong ngành đồ ăn nhanh thế giới. Đó chính là Raymond Albert Kroc (1902-1984) với ý tưởng xây dựng một hệ thống nhà hàng được biết đến bởi sự đồng nhất trong chất lượng và sự đồng bộ ở khâu chuẩn bị. Kroc, khi đó làm nghề bán máy trộn đa năng, năm 1954 đã nhận được một đơn hàng được cho là lớn đặt mua tám máy trộn đa năng từ cửa hàng của Dick và Mac. Nhận thấy hệ thống điều hành rất hiệu quả chỉ với thực đơn giới hạn của McD, Kroc đã thuyết phục Dick, Mac đặt niềm tin vào tầm nhìn của ông trong việc xây dựng nhà hàng McD trên toàn nước Mỹ và đề nghị anh em nhà Donald nhượng quyền kinh doanh lại cho mình.
Chỉ một năm sau đó, Kroc thành lập Tập đoàn McD. Năm 1961, Kroc đã phát động hẳn một chương trình, sau này được gọi là Đại học Hamburger, đào tạo các đối tác nhượng quyền và những nhà điều hành về cách điều hành thành công cửa hàng McD, cho “ra lò” hơn 80.000 sinh viên. Ông Ray Kroc từng nói: Nếu tôi có một viên gạch cho mỗi lần tôi lặp đi lặp lại cụm từ "Chất lượng, Dịch vụ, Sạch sẽ và Giá trị", thì tôi nghĩ tôi có thể dùng chúng để xây nên một cây cầu băng qua Đại Tây Dương.
Hình thức nhượng quyền giúp giảm một số vốn khổng lồ mà đáng ra McD sẽ dành vào việc xây mới các cửa hàng của riêng mình, mà vẫn cho phép tập đoàn này triển khai một bộ các tiêu chuẩn, sản phẩm và quy trình hoạt động chung trong tất cả các cửa hàng treo biển McD. Trong quý I/2017, lợi nhuận hoạt động của tập đoàn tăng 13% ngay cả khi doanh thu giảm 4%, chính là nhờ tái nhượng quyền. Interbrand – công ty tư vấn thương hiệu hàng đầu thế giới mới đây cũng kết luận: “Không có một thương hiệu nào có thể đem ra so sánh với McD về ý tưởng xây dựng thương hiệu, cách thực hiện và sức hấp dẫn kéo dài, lan rộng nhanh chóng của nó...”
Việt Nam, bắt đầu từ năm 2014, cũng đã trở thành một trong các thị trường nhượng quyền của McD trên thế giới, với đóng góp vào nguồn cung thực phẩm cho McD là rau xanh Đà Lạt và trứng gà tươi Tây Ninh.
Tháng Một năm nay, McD cho biết sẽ bán 80% cổ phần trong chi nhánh tại Trung Quốc đại lục và Đặc khu hành chính Hong Kong trị giá 2,08 tỷ USD cho một công-xoóc-xi-om, trong đó có công ty quốc doanh Citic (Trung Quốc) và Carlyle Group (Mỹ). Công-xoóc-xi-om này cũng sẽ hoạt động theo dạng nhượng quyền kinh doanh của McD tại hai thị trường trên trong vòng 20 năm.
Hiện McDonald's là một trong những chuỗi hàng ăn lớn nhất thế giới, phục vụ xấp xỉ 68 triệu khách hàng/ngày tại 120 quốc gia thông qua 36.899 cửa hàng. Báo cáo của Thomson Reuters cho biết thu nhập ròng của McD quý I/2017 tăng 8% lên 1,21 tỷ USD, tương đương 1,47 USD/cổ phiếu. Chi phí hoạt động của doanh nghiệp này trong quý I vừa qua giảm gần 12%.
McDonald’s – câu chuyện về bá chủ ngành đồ ăn nhanh
TCCT
Cũng giống như nhiều đế chế có thâm niên trong kinh doanh khác trên thế giới, tên gọi McDonald's phần nào nói lên nguồn gốc của tập đoàn này.