Sự tích đảo Cò
Chúng tôi đến thăm đảo Cò vào một buổi sáng đẹp trời. Vì là ngày cuối tuần nên lượng khách tham quan đến khá đông. Những đứa trẻ thành phố tỏ ra vô cùng thích thú khi lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến loài chim mà chúng mới chỉ biết trên sách vở.
Thật khó để tin rằng, ngay giữa lòng một thành phố sầm uất và nhộn nhịp lại tồn tại Đảo cò đầy hoang sơ. Đảo nổi lên giữa mây nước như một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Đảo cò qua góc nhìn fly came (Nguồn Internet)
Theo chân người bạn, chúng tôi xuống con thuyền nhỏ khám phá đảo giữa lòng hồ. Mặt hồ rộng, nước xanh ngắt từ xưa đến nay chưa bao giờ vơi cạn. Ngay từ xa, tiếng cò, tiếng vạc đã vang lên giữa không gian trong trẻo, thanh bình. Chèo thuyền cho chúng tôi là một bác đã có kinh nghiệm hơn 10 năm đưa du khách đi tham quan ở đây.
Đảo Cò là tên gọi chung cho hai hòn đảo nằm giữa hồ công viên An Vũ và hồ công viên Nam Hòa. Thành phố Hưng Yên là khu vực duy nhất ở đồng bằng Bắc Bộ có hai đảo cò thuộc hai công viên và nằm đối diện nhau. Nhiều người tin rằng, sự xuất hiện của hai đảo cò tự nhiên giữa lòng thành phố giống như hai viên ngọc, trấn giữ hưng khí để vùng đất nơi đây phát triển mạnh mẽ.
Nhiều người còn truyền tai nhau rằng đảo cò được hình thành sau trận vỡ đê sông Hồng cách đây hàng trăm năm. Trong một trận đại hồng thủy, không may tuyến đê sông Hồng ở gần đó bị vỡ làm ngập lụt cả một vùng. Khi nước rút, hai gò đất nhỏ nổi lên thành hai đảo bây giờ, cây cối trên đảo xanh tươi, tôm cá cũng tấp nập ngược xuôi, từng đàn cò đàn vạc rủ nhau về đây sinh sống và cái tên đảo cò cũng xuất hiện từ đó.
Tuy nhiên, theo sổ sách ghi lại thì trước đây, đảo Cò nguyên là đầm Lò Nồi (lò gốm chuyên làm nồi đất phục vụ đời sống dân sinh của Phố Hiến xưa nên có tên gọi là đầm Lò Nồi). Đầm trồng sen và thả cá. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, cò đã sinh sống ở đây. Năm 2003, thành phố Hưng Yên cải tạo đầm Lò Nồi thành công viên Nam Hòa, giữ lại và tôn cao đảo ở giữa đầm trồng cây xanh (chủ yếu là tre) để bảo tồn đàn cò. Đảo Cò rộng gần 4.000 m2.
Quá trình thi công làm đàn cò hoảng sợ mà bay đi khiến người dân không khỏi tiếc nuối. Điều kỳ diệu là sau khi công viên hoàn thành, cây trên đảo trở lại màu xanh xưa thì số lượng cò về còn nhiều hơn trước. Qua bao lần biến đổi môi trường sống, đàn cò vẫn bay về và coi mảnh đất này là nơi che chở, trú ngụ an toàn dành riêng cho chúng.
Nói đến đây, giọng bác lái đò phấn khởi hơn hẳn “Đúng là đất lành chim đậu”. Ngày đàn cò đầu tiên rủ nhau về, người dân tụ tập quanh hồ như đón một sự kiện trọng đại.
Theo ước tính của đơn vị quản lý Đảo Còthì khi nhiều nhất trên đảo có tới hàng ngàn con cò gồm đủ loại: cò đen, cò trắng, cò mỏ vàng, cò mỏ trắng… Ngoài ra còn có vạc và một số loài chim như bói cá, cú mèo…
Bức tranh hoang sơ giữa lòng thành phố
Người dân ở đây cho biết, sáng sớm và chiều tối là thời điểm dễ quan sát và ngắm cò nhất bởi chúng tập trung với mật độ lớn. Nhìn từ trên cao, đảo Cò như bông hoa trắng tinh khôi giữa lòng thành phố.
Thời điểm chúng tôi đi là lúc giao ca giữa cò và vạc. Thông thường, ban ngày cò đi kiếm ăn, chỉ còn vạc, loài có tập tính kiếm ăn ban đêm cùng một số cò con.
Đảo cò nơi đây được đánh giá là khu dự trữ thiên nhiên có mức độu đa dạng sinh học lớn. Hiếm có nơi nào cò lại tập trung với số lượng đông như vậy và chủng loại cũng rất phong phú.
Có thể thấy, diện tích đảo Cò khá nhỏ so với số lượng cò vạc cũng như các loài chim hiện có. Đảo được phủ kín một màu xanh ngát của những rặng tre và nhiều loại cây thân gỗ. Tre vừa mọc tự nhiên vừa được trồng bổ sung. Khắp các bụi tre lớn nhỏ, những tổ cò được làm đơn sơ, có những tổ chỉ còn những quả trứng xanh chờ ngày nở.
Ảnh 2: “Đất lành chim đậu”, cò không chỉ đậu mà còn sinh sản, cư trú và làm tổ ở đây.
Đang mùa sinh sản nên trên đảo ríu ran tiếng. Những con cò, con vạc đậu san sát trên ngọn tre, trên những cành cao, con nọ gọi con kia, truyền cành náo nhiệt.
Nếu như hầu hết các vườn cò trên cả nước gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn cò thì ở đây, người dân tự nguyện gìn giữ, chung sống hòa hợp, thanh bình. Xung quanh hồ, các quán nước vẫn phục vụ du khách tới thăm đảo. Ngay bên bờ hồ, phía sau lưng họ, cò vạc vẫn hằng ngày tìm về tổ ấm. Chẳng vậy mà dù có thể đi kiếm ăn ở nơi khác nhưng buổi tối hay khi bị thương, bị ốm đau, thậm chí trước khi chết chúng vẫn cố bay về đầmbởi đó là mái ấm của cả đàn, nơi được người dân bảo vệ.
Chúng tôi rời đảo Cò trong buổi chiều muộn. Khung cảnh nơi đây đẹp như một bức tranh thủy mặc trong ánh hoàng hôn như muốn níu chân người ở lại.