Cuộc sống mưu sinh cứ đẩy người ta đi như thế. Xa quê. Xà nhà. Xa gia đình. Nhưng biết làm sao được. Làm công nhân ở thành phố, lương cũng chỉ đủ tiêu, rồi tằn tiện lắm mới gửi được về nhà vài đồng. Quê xa, Tết mà theo chúng bạn về ngay thì cũng đi đứt số tiền dành dụm.

Con nghĩ thế. Nên năm nào cũng cố nán lại làm 3 ngày Tết. Điều này chắc bố mẹ biết, vì công ngày Tết cao gấp 3 ngày thường. Mùng 4 về lại còn được sếp thưởng thêm cho chút đỉnh. Về ăn Tết muộn, nhưng năm nào cũng có đồng ra, đồng vào tiêu Tết, hãnh diện với bạn bè.

Cái gì cũng phải đánh đổi cả. Ở lại 3 ngày Tết trên thành phố là coi như không có Tết. Con vẫn dậy đi làm sớm. Tối quanh quẩn ở cái xóm trọ vắng hiu, vắng hắt người. Đã thế, tay “độc ác” nào đó lại còn bật bài hát “Xuân này con không về”. Người ở đây nghe thì bình thường. Nhưng với con, cứ bài ấy văng vẳng ở đằng xa là con thấy tủi. Nghe mà như thắt lòng.

3 năm Tết phố. Nhưng con vẫn thấy xa lạ. Lạ lẫm từ cái hoa lệ, tấp nập. Lạ lẫm từ những gương mặt vô tình mang trên mình gánh nặng mưu sinh.Hay lạ lẫm bởi do chính lòng người đang dao động.

3 năm. Con chẳng được thức đêm trông bánh chưng, kể chuyện huyên thuyên cùng bố. 3 năm. Không một bữa tất niên cùng gia đình. Và 3 năm. Phút giao thừa cố nhắm mắt ngủ cho qua. 3 năm nghe giọng mẹ nghẹn trong điện thoại, con biết, con nhớ nhà một thì bố mẹ thương con mười. Con biết, cái Tết của gia đình sẽ chỉ đủ đầy khi có con, chứ cũng chẳng cần cái sự đủ đầy của vật chất.

Thế nên, Tết này con sẽ về.

Con sẽ về để tìm lại cảm giác ấm yên dưới mái nhà sau tháng ngày bôn ba đi tìm mình trong giấc mơ thị thành cất cánh.

Con sẽ về để tìm lại cảm giác được chăm sóc cho những người mình thương yêu. Để được cùng mẹ dọn dẹp lại nhà cửa, hì hụi lau chùi, quét mạng nhện, chơi với mấy đứa cháu nhỏ líu lo. Để được vào bếp phụ mẹ nấu những món ăn con thích... Thứ hạnh phúc ấy bình dị vô ngần, nhưng đâu phải ai cũng  may mắn như con mà có thể có được. Tiếc là vì con nghĩ quá nhiều cho bản thân mà lỡ hẹn, lãng quên...

Con sẽ về để “hưởng” cảm giác lắng lại trong chiều cuối năm cùng những ngôi mộ của ông bà, tổ tiên nơi nghĩa địa. Thắp nén nhang thơm, đứng giữa đất trời, nhắm mắt cảm nhận từ trong tiềm thức bao la, mơ hồ như có rất nhiều lời rì rầm vọng lại, gửi gắm lòng tin, khích lệ, động viên cho những hành trình mang hình hài của nhân nghĩa và yêu thương mà mình đã và đang tiếp bước...

Con sẽ về để bồi hồi thức đợi Giao thừa trong đêm, chạy lên sân thượng ngắm nhìn pháo hoa hàng xóm xung quanh nở bung trong gió lạnh.

Con sẽ về để mỉm cười rút đôi phong bao lì xì đỏ hồng, hai tay trao tặng tới những người đã có công sinh thành, dưỡng dục nên con và thầm cảm ơn đất trời vì vẫn còn may mắn giữ được niềm hạnh phúc này trên tay.

Con sẽ về để sáng mùng Một được ngủ nướng, không cần hẹn giờ báo thức như mọi ngày ở phố. Một giấc ngủ trong hơi thở tinh khôi của ngày đầu năm, không vướng bận, vội vàng, mệt mỏi.

Con sẽ về để ăn bữa cơm đầu năm bên mẹ bên bố mẹ, trong nồng nàn những ca khúc chào xuân vang lên từ tivi không ngớt... Rồi đón cô, dì, chú, bác ghé thăm nhà xông đất, cười cười nói nói, ánh mắt ai cũng rạng ngời như màu áo mới trẻ thơ...

Mẹ ơi, chiều 29 con về!

 

Thế Đạt